Bài 3: Sự phân hóa đa dạng của thiên nhiên

Nội dung lý thuyết

Các phiên bản khác

I. SỰ PHÂN HOÁ ĐA DẠNG CỦA THIÊN NHIÊN

1. Thiên nhiên phân hoá theo chiều bắc – nam

a. Phần lãnh thổ phía Bắc (toàn bộ lãnh thổ phía Bắc tới dãy núi Bạch Mã)

- Khí hậu đặc trưng là khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa có mùa đông lạnh.

- Cảnh quan thiên nhiên tiêu biểu là đới rừng nhiệt đới gió mùa, tuỳ thuộc vào điều kiện khí hậu và đất mà có các hệ sinh thái rừng khác nhau. Trong rừng, thành phần loài nhiệt đới chiếm ưu thế, ngoài ra còn có các loài cận nhiệt, ôn đới.

Mùa đông lạnh ở miền Bắc

b. Phần lãnh thổ phía Nam (từ dãy núi Bạch Mã trở vào phía Nam)

- Khí hậu mang sắc thái của khí hậu cận xích đạo gió mùa.

- Cảnh quan thiên nhiên tiêu biểu là đới rừng cận xích đạo gió mùa. Trong rừng, thành phần loài chủ yếu là xích đạo và nhiệt đới.

Miền Nam nắng nóng gay gắt

2. Thiên nhiên phân hoá theo chiều đông – tây

Từ đông sang tây (từ biển vào đất liền), thiên nhiên nước ta có sự phân hoá thành ba dải rõ rệt.

a. Vùng biển và thềm lục địa

- Có diện tích rộng lớn, gấp 3 lần diện tích phần đất liền.

- Thiên nhiên đa dạng, giàu có, tiêu biểu cho thiên nhiên vùng biển nhiệt đới ẩm gió mùa.

- Thềm lục địa:

+ Mở rộng ở vịnh Bắc Bộ, vùng biển Nam Bộ và vịnh Thái Lan.

+ Thu hẹp ở đoạn ven biển Nam Trung Bộ.

b. Vùng đồng bằng

Thay đổi tuỳ nơi phản ánh mối quan hệ giữa vùng đồi núi với vùng biển và thềm lục địa.

- Hai đồng bằng châu thổ rộng lớn được bồi tụ, mở rộng với các bãi triều thấp, phẳng, thềm lục địa rộng và nông.

- Dải đồng bằng ven biển hẹp ngang, bị chia cắt thành những đồng bằng nhỏ hẹp, đường bờ biển khúc khuỷu.

c. Vùng đồi núi

Sự phân hoá thiên nhiên theo đông - tây ở vùng núi chủ yếu do tác động của gió mùa và hướng của các dãy núi được thể hiện rõ ở dãy Hoàng Liên Sơn và dãy Trường Sơn.

3. Thiên nhiên phân hoá theo độ cao

Theo độ cao, thiên nhiên ở nước ta được phân hoá thành ba đai cao.

a. Đai nhiệt đới gió mùa

- Có độ cao dưới 600 - 700 m (ở miền Bắc) và dưới 900 - 1000 m (ở miền Nam).

- Khí hậu nhiệt đới gió mùa biểu hiện rõ rệt.

- Đất có hai nhóm chính là nhóm đất phù sa và nhóm đất feralit.

- Sinh vật gồm hệ sinh thái rừng nhiệt đới lá rộng thường xanh và các hệ sinh thái khác.

Hệ sinh thái rừng nhiệt đới lá rộng thường xanh

b. Đai cận nhiệt đới gió mùa trên núi

- Có độ cao từ 600 - 700 đến 2600 m (ở miền Bắc) và từ 900 - 1000 m (ở miền Nam) đến 2600 m.

- Khí hậu mát mẻ.

- Đất feralit có mùn.

- Sinh vật phổ biến là các loài cận nhiệt đới.

Cảnh quan đai cận nhiệt đới gió mùa trên núi

c. Đai ôn đới gió mùa trên núi

- Có độ cao từ 2600 m trở lên.

- Khí hậu mang tính chất ôn đới.

- Đất chủ yếu là đất mùn núi cao.

- Thực vật ôn đới chiếm ưu thế.

Cảnh quan rừng ôn đới gió mùa trên núi

II. CÁC MIỀN ĐỊA LÍ TỰ NHIÊN

1. Miền Bắc và Đông Bắc Bắc Bộ

- Phạm vi, ranh giới: bao gồm vùng đồi núi Đông Bắc và đồng bằng sông Hồng cùng vùng biển, đảo phía đông.

- Địa hình và đất: 

+ Địa hình đa dạng, đồi núi thấp chiếm ưu thế, đồng bằng tương đối rộng và bằng phẳng, bờ biển nơi thấp phẳng và nhiều đảo, vịnh.

+ Đất có nhiều loại khác nhau, tiêu biểu là đất feralit, đất phù sa; ngoài ra còn có đất phèn, đất mặn ven biển.

- Khí hậu: là miền địa lí tự nhiên có mùa đông lạnh điển hình nhất nước ta.

- Sông ngòi: có nhiều sông lớn chảy theo hai hướng chính.

- Sinh vật: phong phú và đặc sắc.

- Khoáng sản: đa dạng.

2. Miền Tây Bắc và Bắc Trung Bộ

- Phạm vi, ranh giới: bao gồm khu vực Tây Bắc, Bắc Trung Bộ và vùng biển duy hải Bắc Trung Bộ từ Thanh Hoá đến Thừa Thiên Huế.

- Địa hình và đất: 

+ Địa hình núi cao và núi trung bình chiếm ưu thế; nhiều bề mặt sơn nguyên, lòng chảo; ven biển có nhiều cồn cát; đồng bằng bị chia cắt.

+ Nhóm đất feralit trên đá vôi và feralit trên các đá khác phổ biến.

- Khí hậu: đặc trưng là sự giảm sút ảnh hưởng của gió mùa Đông Bắc.

- Sông ngòi: sông lớn chảy theo hướng tây bắc - đông nam; sông nhỏ, dốc đổ ra Biển Đông.

- Sinh vật: là nơi hội tụ của nhiều luồng sinh vật.

- Khoáng sản: sắt, đồng, a-pa-tít, crôm, thiếc,...

3. Miền Nam Trung Bộ và Nam Bộ

- Phạm vi, ranh giới: bao gồm khu vực Nam Trung Bộ và Nam Bộ cùng vùng biển rộng lớn với nhiều đảo, quần đảo.

- Địa hình và đất: 

+ Địa hình phức tạp, gồm các khối núi, các cao nguyên badan xếp tầng, đồng bằng châu thổ rộng lớn và đồng bằng nhỏ hẹp ven biển.

+ Đất feralit trên đá badan và đất feralit trên các loại đá khác; đất phù sa, đất cát và đất xám trên phù sa cổ.

- Khí hậu: cận xích đạo gió mùa.

- Sông ngòi: phần lớn là sông nhỏ, ngắn (Nam Trung Bộ) và sông Tiền, sông Hậu (đồng bằng sông Cửu Long).

- Cản quan thiên nhiên: điển hình là đới rừng cận xích đạo gió mùa.

- Khoáng sản: nổi bật là dầu mỏ, khí tự nhiên, bô-xít,...

III. ẢNH HƯỞNG CỦA SỰ PHÂN HOÁ ĐA DẠNG THIÊN NHIÊN ĐẾN PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI

- Sự phân hoá thiên nhiên theo chiều bắc - nam => Ảnh hưởng tới quy hoạch, hướng chuyên môn hoá sản xuất, nhất là sản xuất nông nghiệp.

Sự phân hoá thiên nhiên theo chiều đông - tây => Ảnh hưởng tới phát triển kinh tế - xã hội.

- Sự phân hoá thiên nhiên theo độ cao => Tạo nên những nét độc đáo trong các ngành sản xuất; sự phân hoá sinh vật, đất, khí hậu theo đai cao.