BÀI 20. Chiến sự lan rộng ra toàn quốc. Cuộc kháng chiến của nhân dân ta từ năm 1873 đến năm 1884, nhà Nguyễn đầu hàng

Nội dung lý thuyết

Các phiên bản khác

BÀI 20. CHIẾN SỰ LAN RỘNG RA TOÀN QUỐC. CUỘC KHÁNG CHIẾN CỦA NHÂN DÂN TATỪ NĂM 1873 ĐẾN NĂM 1884. NHÀ NGUYỄN ĐẦU HÀNG 

I. Thực dân Pháp tiến đánh Bắc Kỳ lần thứ nhất (1873). Chiến sự lan rộng ra Bắc Kỳ

1. Tình hình Việt Nam trước khi Pháp đánh Bắc Kì lần thứ nhất

Sau khi Pháp đánh chiếm 6 tỉnh Nam Kì, Việt Nam vẫn nằm trong tình trạng trì trệ:

- Chính trị: triều Nguyễn tiếp tục chính sách “bế quan tỏa cảng”.

- Kinh tế: ngày càng kiệt quệ.

- Xã hội: nhân dân bất bình, nổi dậy chống triều đình.

- Đứng trước vận nước nguy nan, nhiều sĩ phu muốn canh tân đất nước như: Nguyễn Hiệp, Phạm Phú Thứ, Nguyễn Lộ Trạch, Đình Văn Điền, Đặng Huy Trức,...nhưng đa phần các đề nghị cải cách không được thực hiện.

2. Thực dân Pháp đánh chiếm Bắc kì lần thứ nhất (1873)

- Sau khi thiết lập bộ máy cai trị ở Nam Kỳ, Pháp âm mưu xâm lược Bắc Kỳ. Chúng cho gián điệp do thám tình hình miền Bắc, tổ chức các đạo quân nội ứng, bắt liên lạc với lái buôn Giăng Đuy-puy.

- Chớp cơ hội triều Nguyễn nhờ giải quyết “vụ Đuy-puy” gây rối ở Hà Nội, thực dân Pháp phái Đại úy Gác-ni-ê đưa quân ra Bắc.

- Ngày 5/11/1873, quân Pháp đến Hà Nội, giở trò khiêu khích quân ta.

- Sáng 19/11/1873, Gác-ni-ê gửi tối hậu thư cho Tổng đốc thành Hà Nội là Nguyễn Tri Phương yêu cầu nộp thành. Không đợi trả lời, sáng 20/11/1873, quân Pháp nổ súng chiếm thành Hà Nội, sau đó mở rộng đánh chiếm các tỉnh Đồng bằng sông Hồng: Hưng Yên (23/11), Phủ Lý (26/11), Hải Dương (3/12)…

Quân Pháp đánh thành Hà Nội (20-11-1873)
Quân Pháp đánh thành Hà Nội (20-11-1873)

3. Phong trào kháng chiến ở Bắc Kì trong những năm 1873 - 1874

- Tại cửa Ô Thanh Hà, dưới sự chỉ huy của viên Chưởng cơ, khoảng 100 lính triều đình đã chiến đấu và hi sinh đến người cuối cùng.

- Trong thành, Tổng đốc Nguyễn Tri Phương chỉ huy nghĩa quân chiến đấu dũng cảm. Ông bị thương, bị bắt nhưng đã khước từ sự chạy chữa của thực dân Pháp và nhịn ăn đến chết.

- Thành Hà Nội thất thủ, quân triều đình nhanh chóng tan rã nhưng nhân dân Hà Nội vẫn anh dũng chiến đấu. Ở các tỉnh khác, đi tới đâu thực dân Pháp cũng bị quân dân ta chặn đánh quyết liệt.

- Trận đánh gây tiếng vang lớn nhất lúc đó là trận phục kích của quân ta tại Cầu Giấy ngày 21/12/1873, Gác-ni-ê tử trận, thực dân Pháp lo sợ và tìm cách thương lượng. Đây là cơ hội thuận lợi để triều đình đánh đuổi giặc nhưng triều đình Huế lại bỏ lỡ.

- Ngày 15/3/1874, triều đình ký vơi Pháp Hiệp ước Giáp Tuất, theo đó quân Pháp rút khỏi thành Hà Nội và các tỉnh Bắc Kỳ, nhưng triều đình Huế phải chính thức thừa nhận chủ quyền của Pháp tại sáu tỉnh Nam Kỳ, công nhận quyền đi lại, buôn bán, kiểm soát tình hình ở Việt Nam của chúng…

- Hiệp ước Giáp Tuất 1874 đã đánh dấu một bước trong quá trình đầu hàng của triều đình Nguyễn, làm mất một phần quan trọng độc lập chủ quyền của Việt Nam, xác lập đặc quyền kinh tế của tư bản Pháp trên đất nước ta. Hiệp ước gây bất bình đẳng lớn trong nhân dân. Phong trào đấu tranh phản đối Hiệp ước dâng cao trong cả nước.

Gác-ni-ê bị quân Cờ đen tiêu diệt ở trận Cầu Giấy
Gác-ni-ê bị quân Cờ đen tiêu diệt ở trận Cầu Giấy (21-12-1873)

II. Thực dân Pháp tiến đánh Bắc Kỳ lần thứ hai. Cuộc kháng chiến ở Bắc Kỳ và Trung Kỳ trong những năm 1882-1884

1. Quân Pháp đánh chiếm Hà Nội và các tỉnh Bắc kì và Trung kì trong những năm 1882 và 1884

- Viện cớ triều đình Huế không thi hành đúng các điều khoản của Hiệp ước 1874, Pháp đưa quân ra Bắc lần 2.

- Ngày 2/4/1882, quân Pháp do Hăng-ri Ri-vi-e chỉ huy bất ngờ đổ bộ lên Hà Nội. Ngày 25/4, chúng gửi tối hậu thư cho Tổng đốc Hoàng Diệu, yêu cầu quân đội triều đình hạ vũ khí, giao thành trong vòng 3 giờ đồng hồ. Chưa hết thời hạn, địch đã nổ súng chiếm thành. Lần thứ hai, hầu hết các tỉnh, thành lớn ở vùng đồng bằng Bắc Kỳ lại rơi vào tay giặc.

2. Nhân dân Hà Nội và các tỉnh Bắc Kì kháng chiến

- Ngay từ đầu, quân Pháp đã vấp phải tinh thần quyết chiến của quân dân Hà Nội. Hoàng Diệu đã lên mặt thành chỉ huy quân sĩ kiên quyết chống cự, nhưng vẫn không giữ được thành. Để bảo toàn khí tiết, ông đã tự vẫn trong vườn Võ Miếu. Nhiều văn thân, sĩ phu vẫn tiếp tục tổ chức kháng chiến, như Hoàng Tá Viêm, Trương Quang Đán, Nguyễn Hữu Bản…

- Ngày 19/5/1883, quân ta do Hoàng Tá Viêm chỉ huy cùng đội quân Cờ đen của Lưu Vĩnh Phúc tổ chức phục kích tại Cầu Giấy. Quân Pháp đại bại, nhiều sĩ quan, binh lính địch bị tiêu diệt trong đó có cả Ri-vi-e.

- Chiến thắng Cầu Giấy lần thứ hai đã làm nức lòng quân dân cả nước, bồi đắp thêm ý chí quyết tâm tiêu diệt quân giặc của nhân dân ta. Tuy nhiên, triều đình Huế vẫn nuôi ảo tưởng thu hồi Hà Nội bằng con đường thương thuyết.

Henri Riviere trong trận Cầu Giấy năm 1882
Henri Riviere trong trận Cầu Giấy năm 1882

 

III. Thực dân Pháp tấn công cửa biển Thuận An. Hiệp ước Hác-măng 1883 và Hiệp ước Pa-tơ-nốt 1884. Nhà Nguyễn đầu hàng

1. Quân Pháp tấn công cửa biển Thuận An

- Sau thất bại ở trận Cầu Giấy lần thứ hai (19-5-1883), Pháp càng quyết tâm xâm chiếm toàn bộ Việt Nam.

- Lợi dụng Tự Đức mất, triều đình lục đục vua Tự Đức mất, Pháp đánh thẳng vào Huế, buộc triều Nguyễn phải đầu hàng.

- Ngày 18/08/1883, Đô đốc Cuốc-bê chỉ huy chiếm các pháo đài ở cửa Thuận An. Đến chiều tối 20/8/1883, toàn bộ cửa biển Thuận An lọt vào tay giặc.

2. Hai bản hiệp ước 1883 và 1884. Nhà nước phong kiến Nguyễn đầu hàng

- Ngày 18/8, quân Pháp tấn công vào cửa họng kinh thành Huế là cửa biển Thuận An. Ngày 20/8, cửa Thuận An rơi vào tay giặc. Triều đình Huế vô cùng bối rối xin đình chiến.

- Ngày 25/8/1883, triều đình Huế ký với Pháp Hiệp ước Hác-măng. Với bản Hiệp ước mới, về cơ bản, từ đây Việt Nam đã mất quyền tự chủ trên phạm vi cả nước, triều đình Huế chính thức thừa nhận sự bảo hộ của Pháp, mọi công việc về chính trị, kinh tế, ngoại giao của Việt Nam đều do Pháp nắm.

Lễ ký kết Hiệp ước Hác măng tại Thuận An-Huế, ngày 25 tháng 8 năm 1883
Lễ ký kết Hiệp ước Hác măng tại Thuận An-Huế, ngày 25 tháng 8 năm 1883

Nội dung: :

- Việt Nam đặt dưới sự “bảo hộ” của Pháp.

+ Nam Kì là thuộc địa, Bắc Kì là đất bảo hộ, Trung Kì do triều đình quản lí.

+ Đại diện của Pháp ở Huế trực tiếp điều khiển ở Trung Kì.

+ Ngoại giao của Việt Nam do Pháp nắm giữ.

- Về quân sự: triều đình phải nhận các huấn luyện viên và sĩ quan chỉ huy của Pháp, phải triệt hồi binh lính từ Bắc Kì về kinh đô, Pháp được tự do đóng quân ở Bắc Kì, được toàn quyền xử trí quân Cờ Đen.

- Về kinh tế: Pháp kiểm soát toàn bộ các nguồn lợi trong nước.

- Việt Nam trở thành nước thuộc địa nửa phong kiến

- Hiệp ước Hác-măng vấp phải sự phản ứng quyết liệt trong dân chúng. Bất chấp lệnh bãi binh của triều đình, quân dân Bắc Kỳ tiếp tục kháng chiến. Tiêu biểu là các toán nghĩa binh do các quan lại chủ chiến như Nguyễn Thiện Thuật, Tạ Hiện, Hoàng Đinh Kinh… chỉ huy.

- Thấy không thể chấm dứt chiến sự bằng Hiệp ước Hác-măng, thực dân Pháp lại tiếp tục tổ chức nhiều cuộc hành quân, đánh chiếm Sơn Tây, Bắc Ninh, Thái Nguyên… Ngày 6/6/1884, Chính phủ Pháp đã buộc triều đình Huế ký thêm Hiệp ước Pa-tơ-nốt gồm 19 điều khoản, căn bản dựa trên Hiệp ước Hác-măng nhưng phải trả lại các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh và Bình Thuận cho triều đình Huế cai quản, nhằm xoa dịu sự công phẫn trong nhân dân và mua chuộc, lung lạc quan lại nhà Nguyễn.

- Hiệp ước Pa-tơ-nốt đã xác lập quyền đô hộ lâu dài của Pháp ở Việt Nam. Nhà nước phong kiến Việt Nam với tư cách là một nước phong kiến độc lập có chủ quyền đã hoàn toàn sụp đổ. Nước Việt Nam trọn vẹn trở thành thuộc địa của Pháp.