Bài 19 : Từ sau Trưng Vương đến trước Lý Nam Đế (giữa thế kỉ I - giữa thế kỉ VI)

Nội dung lý thuyết

Các phiên bản khác

1. Chế độ cai trị của các triều đại phong kiến phương Bắc đối với nước ta từ thế kỷ I đến thế kỷ VI?

-  Thế kỷ I, nhà Hán vẫn giữ nguyên châu Giao và đưa người Hán sang làm Huyện lệnh, cai quản các huyện.

-  Thế kỷ III, Trung Quốc bước vào thời kỳ Tam Quốc (Ngụy, Thục, Ngô), nước ta bị đặt dưới ách đô hộ nhà Ngô, chính quyền Ngô tách châu Giao thành Quảng Châu (Trung Quốc) và Giao Châu (Âu Lạc cũ).

Lược đồ Châu Giao
Lược đồ Châu Giao

-  Nhân dân ta phải nộp nhiều thứ thuế (nhất là thuế muối và thuế sắt), lao dịch và cống nạp sản vật quý hiếm: ngà voi, sừng tê... sản phẩm thủ công và cả thợ khéo tay.

- Không những vậy, cho đến thế kỉ VI, các thế lực phong kiến phương Bắc vẫn tiếp tục thực hiện chính sách “đồng hoá” : đưa người Hán sang Giao Châu, bắt dân ta học chữ Hán, theo luật pháp và phong tục người Hán.

Nhân dân Âu Lạc phải lao dịch cho nhà Hán
Nhân dân Âu Lạc phải lao dịch nặng nề cho nhà Hán

2. Tình hình kinh tế nước ta từ thế kỷ I đến thế kỷ VI có gì thay đổi?

* Trong nông nghiệp:

-  Sử dụng sức kéo trâu, bò trở nên phổ biến, lúa 2 vụ 1 năm: vụ chiêm và vụ mùa.

-  Việc đắp đê phòng lụt vẫn diễn ra liên tục.

-  Cây trồng và vật nuôi phong phú, kỹ thuật trồng trọt cao, có phương pháp "dùng côn trùng diệt côn trùng" hiệu quả.

* Trong thủ công nghiệp:

- Mặc dù chính quyền đô hộ Hán vẫn nắm độc quyền về sắt nhưng nghề rèn sắt vẫn phát triển. Trong các di chỉ, người ta đã tìm thấy rìu, cuốc, dao, kiếm, giáo, đinh... bằng sắt.

- Biết tráng men và vẽ hoa văn trên đồ gốm.

- Nghề dệt phát triển với các loại vải bằng tơ, gai, bông, đặc biệt người nước ta dùng tre, tơ chuối để dệt vải, tạo nên sản phẩm đa dạng phong phú.

- Các sản phẩm nông nghiệp và thủ công nghiệp không bị sung công làm đồ cống nạp được đem trao đổi tại các chợ làng, góp phần thúc đẩy giao thương phát triển.

-  Xuất hiện các chợ Long Biên, Luy Lâu... có người Trung Quốc, Ấn Độ đến buôn bán.

-  Mặc dù vậy, chính quyền đô hộ vẫn nắm độc quyền về ngoại thương.              

                                                                                                                                                    

Vải tơ chuối
Vải tơ chuối - vải đặc biệt vùng đất Giao Chỉ
Gốm
Gốm nước ta thời kỳ Hán đô hộ

* HƯỚNG DẪN TRẢ LỜI CÂU HỎI :

1. Em hãy nhớ lại miền đất Âu Lạc trước đây bao gồm những quận nào của châu Giao ?

Trả lời :

- Thế kỉ I, châu Giao gồm 9 quận (6 quận của Nam Việt cũ và 3 quận của Âu Lạc). Đến thế kỉ III, nhà Ngô tách châu Giao thành Quảng Châu (thuộc Trung Quốc) và Giao Châu (Âu Lạc cũ)

- Miền đất Âu Lạc cũ bao gồm 3 quận Giao Chỉ, Cửu Chân và Nhật Nam thuộc châu Giao

2. Miền đất Âu Lạc cũ đến thời nhà Ngô (TK III) có tên gọi là gì ?

Trả lời :

Miền đất Âu Lạc cũ đến thời nhà Ngô (TK III) được gọi là Giao Châu

3. Từ sau cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, nhà Hán có sự thay đổi gì trong bộ máy cai trị ? Em có nhận xét gì về sự thay đổi này ?

Trả lời :

- Thời Triệu Đà, các Lạc Tướng (người Việt) vẫn nắm quyền trị dân ở các huyện, đến nhà Hán, các Huyện lệnh là người Hán

- Nhận xét : chứng tỏ nhà Hán thắt chặt hơn bộ máy cai trị đối với nhân dân ta

4. Nhà Hán đã thi hành chính sách bóc lột đối với nhân dân ta như thế nào ? Em có nhận xét gì về chính sách bóc lột của bọn đô hộ ?

Trả lời :

- Nhà Hán bắt nhân dân Giao Châu đóng nhiều thứ thuế (nhất là thuế muối, thuế sắt) lao dịch và cống nộp (các sản vật quý, sản phẩm thủ công và cả thợ khéo)

- Chính sách bóc lột của bọn đô hộ đối với nhân dân ta rất tàn bạo, hà khắc nhằm hạn chế sự phát triển của đất nước ta, đẩy người dân vào cảnh khốn cùng.

5. Về chính trị, nhà Hán đã thi hành chính sách cai trị đối với nhân dân ta như thế nào ?

Trả lời :

Nhà Hán tiếp tục tăng cường đưa người Hán sang Giao Châu, buộc dân ta phải học chữ Hán và tiếng Hán, tuân theo luật pháp và phong tục của người Hán

6. Vì sao nhà Hán tiếp tục thi hành chủ trương đưa người Hán sang nước ta ?

Trả lời :

Nhà Hán tiếp tục thi hành chủ trương đưa người Hán sang ở nước ta nhằm  thực hiện chính sách đồng hóa nhân dân và muốn biến nước ta thành quận huyện của Trung Quốc.

7. Vì sao nhà Hán giữ độc quyền về sắt ?

Trả lời :

Nhà Hán giữ độc quyền về sắt, về mặt kinh tế để hạn chế phát triển sản xuất ở Giao Châu, về mặt an ninh hạn chế được sự chống đối của nhân dân ta. Bởi vì sắt làm ra công cụ sản xuất sắc bén, vũ khí để chiến đấu.

8. Vì sao nghề rèn sắt vẫn được phát triển ?

Trả lời :

Nghề rèn sắt vẫn được phát triển do yêu cầu của cuộc sống và cuộc đấu tranh giành độc lập

9. Căn cứ vào đâu ta biết được nghề rèn sắt ở Giao Châu vẫn phát triển ?

Trả lời :

Trong di chỉ, mộ cổ thuộc thế kỉ I-VI, chúng ta đã tìm được nhiều đồ sắt. Về công cụ có rìu, mai, cuốc, dao,...Về vũ khí có kiếm, giáo, kích, lao...Về dụng cụ có nồi gang, chân đèn và nhiều đinh sắt. Đến thế kỉ III, nhân dân ven biển đã dùng lưới sắt để khai thác san hô. Ở miền Nam, người dân còn biết bịt cựa gà chọi bằng sắt.

10. Em hãy cho biết những chi tiết nào chứng tỏ nền nông nghiệp Giao Châu vẫn phát triển ?

Trả lời :

Những chi tiết nào chứng tỏ nền nông nghiệp Giao Châu vẫn phát triển :

- Người Giao Châu biết dùng trâu bò kéo cày.

- Họ biết đắp đê phòng lụt, biết trồng hai vụ lúa trong một năm.

- Biết trồng nhiều loại cây ăn quả và chăn nuôi.

- Biết dùng "côn trùng diệt côn trùng".

11. Hãy trình bày những biểu hiện về sự phát triển của thủ công nghiệp và thương nghiệp nước ta trong thời kì này ?

Trả lời :

* Về thủ công nghiệp :

- Rèn sắt : có nhiều hiện vật như rìu, mai, cuốc,...

- Nghề gốm cổ truyền : sản phẩm phong phú về chủng loại, biết tráng men và vẽ trang trí trên đồ gốm.

- Nghề dệt : có các loại vải bông, vải gai, vải tơ, vải tơ chuối, vải tơ tre.

* Về thương nghiệp :

- Việc trao đổi buôn bán phát triển.

- Nhiều chợ làng được thành lập.

- Trao đổi với người Trung Quốc, Gia - va, Ấn Độ.

12. Trong các thể kỉ I-VI, chế độ cai trị của các triều đại phong kiến phương Bắc đối với nước ta có gì thay đổi ?

Trả lời :

Chế độ cai trị của các triều đại phong kiến phương Bắc các thế kỉ I - VI :

- Quan lại cai trị đến chức huyện lệnh là của người Hán

- Bắt dân ta phải cống nạp sản vật quý hiếm

- Thực hiện chính sách cướp đoạt, bắt dân ta phải nộp đủ thứ thuế và làm các công việc lao dịch nặng nề

- Chúng còn giữ độc quyền về sắt để kìm hãm sự sản xuất của nhân dân ta