Bài 16. Hỗn hợp các chất

Nội dung lý thuyết

Các phiên bản khác

I. Chất tinh khiết và hỗn hợp

Vật thể xung quanh ta có thể chứa một chất duy nhất hoặc nhiều chất khác nhau.

Nước cất dùng pha thuốc tiêm chỉ có một chất duy nhất là nước, một chiếc thìa bạc cũng chỉ được tạo thành từ một chất là bạc, bình khí oxygen cũng chỉ chứa một chất là oxygen. Nước cất, bạc, oxygen nói trên là những ví dụ về chất tinh khiết.

Chất tinh khiết chỉ có một chất duy nhất và có những tính chất xác định. Ví dụ nước tinh khiết sôi ở 100°C, nóng chảy ở 0°C, oxygen hoá lỏng ở -183°C , hoá rắn ở -218°C.

Khác với nước cất, trong cốc nước đường ngoài nước còn có đường. Trong cốc nước cam còn có nhiều thành phần hơn nữa, ngoài nước, đường còn có thêm các acid hữu cơ, tinh dầu,… Trong nước biển cũng có nhiều chất khác nhau như nước, muối ăn,... Nước đường, nước cam và nước biển là các ví dụ về hỗn hợp.

Hỗn hợp chứa từ hai chất trở lên. Tính chất của hỗn hợp thay đổi tùy thuộc thành phần của các chất có trong hỗn hợp.

@1621287@

II. Dung dịch

Tiến hành pha đường vào nước:

Trong thí nghiệm này, đường bị tách ra thành những hạt vô cùng nhỏ mà mắt thường không thể nhìn thấy được, chúng phân bố đồng đều trong nước, tạo thành hỗn hợp đồng nhất chứa nước và đường. Trong quá trình này, đường là chất tan, nước là dung môi còn nước đường là dung dịch.

Dung dịch là một hỗn hợp đồng nhất của dung môi và chất tan.

@1621380@

III. Huyền phù và nhũ tương

Huyền phù gồm các hạt chất rắn lơ lửng trong chất lỏng. Ví dụ nước phù sa, nước bột màu,...

Hỗn hợp nước và cát là huyền phù

Nhũ tương gồm các giọt chất lỏng lơ lửng trong một chất lỏng khác, ví dụ sữa, hỗn hợp dầu ăn và nước (khi được khuấy trộn),...

Huyền phù và nhũ tương là những hỗn hợp không đồng nhất. Chúng thường không trong suốt.

 

@1630869@

IV. Sự hòa tan các chất

1. Khả năng tan của các chất

Các chất rắn, chất lỏng và chất khí đều có thể hoà tan trong nước để tạo thành dung dịch. Khi hoà tan các chất khác nhau vào cùng một dung môi thì có chất tan nhiều, có chất tan ít và có chất không tan.

Đường tan nhiều trong nước, muối ăn, bột nở tan khá nhiều; còn thạch cao, đá vôi hầu như không tan trong nước.

Rượu, giấm ăn là các dung dịch mà chất tan là các chất lỏng.

Khi mở chai nước ngọt, ta thấy các bọt khí sủi lên. Đó là khí carbon dioxide đã hoà tan khi nén vào nước ngọt, giờ mới thoát ra.

2. Ảnh hưởng của nhiệt độ tới sự hòa tan

Cho từng thìa đường vào một cốc nước nóng và một cốc nước lạnh, khuấy đều đến khi đường không tan được nữa. Ta thấy trong cốc nước nóng, đường tan nhanh và nhiều hơn so với trong cốc nước lạnh.

Thông thường, các chất rắn sẽ tan tốt hơn trong nước nóng, với các chất khí thì ngược lại.

Ngoài ra, quá trình hoà tan một chất rắn sẽ xảy ra nhanh hơn nếu chất đó được khuấy, trộn hoặc nghiền thành hạt nhỏ mịn.

1. Chất tinh khiết chỉ có một chất, hỗn hợp có từ hai chất trở lên.

2. Dung dịch là hỗn hợp đồng nhất.

3. Huyền phù là hỗn hợp rắn - lỏng không đồng nhất.

4. Nhũ tương là hỗn hợp lỏng – lỏng không đồng nhất.

5. Các chất có khả năng tan trong nước khác nhau.

6. Khi tăng nhiệt độ, chất rắn tan nhiều và nhanh hơn trong nước, ngược lại chất khí tan ít hơn.