Xã hội có giai cấp và nhà nước được hình thành từ liên minh bộ lạc, tức là nhiều bộ lạc có quan hệ thân thuộc với nhau, liên kết với nhau do nhu cầu trị thuỷ và xây dựng các công trình thuỷ lợi. Nhà nước được lập ra để điều hành và quản lí xã hội. Cơ cấu bộ máy nhà nước đó mang tính chất cùa một nhà nước chuyên chế trung ương tập quyền. Đứng đầu nhà nước là vua.
Để cai trị nông dân công xã và nô lệ, vua đã dựa vào quý tộc và tôn giáo, bắt mọi người phải phục tùng. Vua tự coi mình là người đại diện của thần thánh ở dưới trần gian, người chủ tối cao của đất nước, tự quyết định mọi chính sách và công việc. Vua trở thành vua chuyên chế mà người Ai Cập gọi là Pharaôn (cái nhà lớn), người Lưỡng Hà gọi là Enxi (người đứng đầu), Trung Quốc gọi là Thiên tử (con Trời)...
Giúp việc cho nhà vua là một bộ máy hành chính quan liêu gồm toàn quý tộc, đứng đầu là Vidia (Ai Cập) hoặc Thừa tướng (Trung Quốc). Bộ máy này làm các việc thu thuế, xây dựng các công trình công cộng như đền tháp, cung điện, đường sá và chỉ huy quân đội. Như thế, chế độ nhà nước của xã hội có giai cấp đầu tiên ở phương Đông, trong đó vua là người đứng đầu, có quyền lực tối cao, gọi là chế độ chuyên chế cổ đại.