Suốt ba năm học cấp III - trường THPT thị xã Quảng Trị, tôi may mắn được đón các thầy cô giáo về thực tập tại trường. Họ rất trẻ tuổi, thậm chí có người vóc dáng còn nhỏ hơn cả học sinh.
Năm ấy tôi học lớp 11C, lớp quậy phá nhất trường. Thầy cô nào cũng than phiền và không muốn dạy. Thế nhưng lớp tôi may mắn có thầy cô về thực tập tại lớp: thầy Hải dạy toán; thầy Sang dạy sử và cô Nga dạy văn.
Một hôm có tiết thao giảng môn văn của cô Nga. Hôm đó cô đến rất sớm trong bộ áo dài tím rất đẹp. Nhìn khuôn mặt của cô, tôi đoán cô rất lo lắng và hồi hộp vì có lẽ lần đầu tiên đứng trên bục giảng và trước đông người.
Trống điểm bắt đầu tiết học. Sau mười phút kiểm tra bài cũ, cô tiến hành giảng bài mới. Giọng cô giảng thật hay, nghe như rót vào lòng người. Cô giảng say sưa trong niềm tự tin, mạnh dạn, mất đi cái vẻ lo âu, hồi hộp của cô trước giờ lên lớp.
Ở cuối lớp, thầy cô giáo dự thao giảng rất đông. Thế rồi có một chuyện không vui đã xảy ra. Khi cô đi xuống cuối lớp và quay lên lại thì một tờ giấy dán vào tà sau áo dài của cô đong đưa hàng chữ “em yêu cô”. Cả lớp cười rộ lên, cô chẳng biết có chuyện gì. Thấy cô bỡ ngỡ, tôi bèn đến gỡ mảnh giấy đó ra và đưa cho cô. Cô nhìn thoáng qua rồi đem cất vào cặp. Nguồn cảm hứng bài thơ cô đang phân tích rất hay bỗng dưng bị chững lại. Kể từ đó không khí lớp học trở nên hết sức nặng nề.
Tiết học đã kết thúc, mọi người lần lượt ra về, còn cô ở lại và bật khóc. Có lẽ cô không sợ đánh giá giờ dạy hôm đó kết quả thấp mà cô buồn vì trò nghịch ngợm của học sinh. Tôi đành nán lại để chia sẻ nỗi buồn đó cùng cô. Tôi đoán thủ phạm gây ra việc ấy chính là Long chứ không ai khác.
Hôm sau đến lớp, cô vẫn vui vẻ và nở một nụ cười thật tươi. Cô nhắc nhở cả lớp rất nhẹ nhàng về trò đùa đó, chúng tôi đã nhận ra lỗi lầm của mình. Nhưng rồi những buổi học sau đó Long không đến lớp nữa. Đã một tuần nay chỗ ngồi của Long bỏ trống, mà tháng này là tháng cao điểm để chuẩn bị cho thi học kỳ II.
Tan buổi học, cô gặp riêng tôi và hỏi:
- Em là Tổ trưởng tổ bạn Long, em có biết vì sao Long nghỉ học không?
- Thưa cô, em cũng không rõ lắm, nhưng nghe đâu bố bạn ấy bị ốm, phải đi bệnh viện cô ạ! Tôi đáp.
Ngày hôm sau cả lớp tôi cùng cô đến nhà Long. Ngôi nhà lợp tranh, xung quanh phên đất, có chỗ bị hư hỏng nặng, nếu trời mưa to chắc bị dột lắm. Thấy có tiếng người vào nhà, mẹ Long gắng gượng dậy tiếp chúng tôi. Mẹ Long nói:
- Mời cô và các cháu vào nhà chơi!
- Bác cứ nằm đi bác ạ. Cô giáo nói.
Trong nhà yên lặng, mấy chú gà con lạc mẹ kêu chiêm chiếp inh ỏi. Ngoài sân, hai đứa em Long đang chơi trò ô ăn quan. Cô đến bên giường mẹ Long và hỏi:
- Thưa bác, bác trai đi đâu rồi ạ!
- Khổ quá cô ơi! Hôm kia ông ấy đạp xích lô chở khách trên đường bị một người say rượu va vào làm gãy chân nên phải đi bệnh viện rồi.
- Thế còn Long sao mấy hôm nay không đi học hở bác? Cô hỏi tiếp.
- Vì ông ấy nằm viện nên nó thay bố đạp xích lô để kiếm tiền mua thức ăn hằng ngày. Tôi thì đau ốm suốt không làm gì được. Thương nó lắm chứ, nhưng giờ biết làm sao! Bà nghẹn ngào đáp.
Cuộc viếng thăm nhà Long kết thúc, chúng tôi ra về. Tôi thoáng thấy một nét buồn hiện trên khuôn mặt cô giáo.
Một buổi chiều cuối tuần nắng gắt, lớp tôi cùng các thầy cô thực tập đi công viên chơi. Tình cờ gặp Long, nhưng Long vờ ngoảnh mặt đi nơi khác và đội mũ cụp xuống nhưng cô vẫn nhận ra. Cô nói to:
- A! Long kìa!
Chúng tôi chạy đến vây quanh Long, Long tỏ vẻ hốt hoảng, ngượng ngùng. Cô nhẹ nhàng nói:
- Em đi học lại đi! Sắp thi học kỳ rồi đấy! Có khó khăn gì, cô và các bạn sẽ giúp đỡ em.
- Dạ, em cảm ơn cô. Bệnh của bố em cũng ổn rồi, tuần tới em sẽ đi học lại. Long mạnh dạn hứa.
- Hoan hô! Chúc mừng Long! Cả đám bạn chúng tôi reo lên rồi vây quanh Long như những vòng tay thân ái che chở bạn.
Cả chiều hôm đó, chúng tôi vui đùa bên nhau thật vui. Gần tối rồi mà không ai muốn về.
Thời gian hai tháng thực tập của các thầy cô thực tập đã kết thúc. Chúng tôi phải chia tay các thầy cô.
Hôm chia tay, đứa nào cũng buồn và rưng rưng nước mắt. Cô đọc một bài thơ để tặng lớp trước khi từ biệt. Đọc giữa chừng, bỗng cô nghẹn ngào bật khóc khiến cả lớp phải khóc òa theo. Đó là những hình ảnh cuối cùng của cô mà đến nay tôi vẫn còn nhớ mãi. Chẳng biết dến bao giờ tôi mới gặp lại cô nữa.
Hôm tiễn các thầy cô trở lại Huế, chúng tôi vây quanh cô và muốn nói với cô rất nhiều điều nhưng lại không nói được, cứ lưu luyến bịn rịn mãi. Bạn nào cũng rưng rưng không giấu nổi niềm xúc động.
- Cô nhớ viết thư về cho chúng em cô nghe! Tôi nghẹn ngào nói.
- Ừ, cô sẽ viết ngay khi cô đặt chân đến Huế. Vừa nói cô vừa quàng tay ôm chúng tôi vào lòng, tôi cảm thấy vòng tay ấm áp làm sao.
Tiếng còi tàu báo hiệu sắp vào ga Quảng Trị. Sân ga chiều ấy thật đông người. Chỉ lát sau tàu đến. Cô bước lên tàu mà tay cô vẫn không muốn rời chúng tôi. Bỗng có tiếng gọi lớn từ đằng sau:
- Cô Nga ơi, đợi em…!
Cô vội bước xuống tàu cùng mọi người nhìn lại thì thấy Long chạy đến, mồ hôi nhễ nhại. Hóa ra cả buổi chiều đến giờ Long không có mặt. Cô biết Long có hoàn cảnh đặc biệt, sợ em mặc cảm nên cô cũng không đề cập gì đến lý do vắng mặt của Long. Nhưng Long thì lại quên cả e dè, mặc cảm. Long mếu máo:
- Em biết chiều nay cô vào Huế nên em chở khách chạy thật nhanh để về cho kịp tiễn cô.
Quá xúc động, Long òa khóc, cô trò chúng tôi cũng khóc theo.
Tàu từ từ chuyển bánh rời ga. Chợt Long chạy theo bên mạn tàu và hét lớn:
- Mong cô tha lỗi cho em vì trò đùa đó cô nghe!
Thì ra bấy lâu nay Long vẫn áy náy trong lòng vì hành vi bất kính đối với cô ngày trước. Không biết cô có nghe rõ những lời Long nói bởi tiếng gầm rú của tàu, nhưng thoáng thấy cô ngoảnh lại nhìn theo Long, tôi nghĩ chắc cô đã hiểu.
Đã mười mấy năm trôi qua, lớp tôi đứa nào cũng thành đạt trên nhiều lĩnh vực và đều có cuộc sống gia đình hạnh phúc. Riêng Long, người bạn học ngày xưa tinh nghịch và lận đận ấy nay có muốn đạp xe thồ cũng không được nữa, bởi vì Long đã về cõi vĩnh hằng sau một cơn bạo bệnh.
Cô giáo Nga giờ cũng đang công tác tại một trường cấp III tỉnh Kontum. Cô đã lập gia đình và cũng có cuộc sống ổn định, hạnh phúc. Gần đây, thông qua người bạn cũ, tôi liên lạc được với cô qua thư điện tử. Tình cảm cô trò vẫn ấm áp, thắm đượm như xưa…
Đó là những hoài niệm có thực của tôi đã xảy ra trong thời áo trắng. Mỗi khi về lại thăm trường cũ, bước vào lớp học xưa, nơi tập thể lớp 11C chúng tôi đã từng gắn bó suốt 3 năm học thì những hình ảnh của tuổi học trò và cô giáo Nga ngày nào lại hiện về trong tôi, gợi cho tôi một nỗi buồn man mác.
Bạn bè giờ ở đâu? Cô ở đâu? Một dòng mước mắt chảy nhẹ nhàng trên gò má. Tôi thầm gọi nhỏ:
- Nhớ quá cô ơi! Lớp 11C chúng em vẫn mãi bên cô đó!
(Ghi chú: Phỏng theo câu chuyện của một bạn học sinh ở huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị)
Bạn tham khảo:
Sau ba năm tôi mới có dịp trở lại trường cũ. Mọi thứ không thay đổi nhiều, sân trường vẫn rợp bóng cây, và những chiếc ghế đá vẫn ở đó, trầm mặc và nhẫn nhịn. Tiếng cô giảng đều đều trên lớp và ánh mắt ngây thơ của đám trẻ học trò khiến tôi nhớ lại những kỷ niệm thời cắp sách. Tiếng trống trường đã điểm, giờ ra chơi đến.
Tôi lại bóng dáng của cô từ trong lớp, vẫn dáng hình ngày xưa khi gieo mầm con chữ cho chúng tôi. Cô vẫn tận tụy đến lớp, vẫn chèo lái những con thuyền mơ ước của những cậu học trò nhỏ chúng tôi đến bến bờ hạnh phúc. Giọng cô nhẹ nhàng phân tích cho học sinh chúng tôi những sự kiện lịch sử đáng nhớ, những chiến thắng vang dội của quân ta khắp các chiến trường. Chốc chốc cô ngừng giảng và nhìn đám học trò đang tròn mắt suy ngẫm. Chính cô cũng không thể nhận ra được những thế hệ học trò đó còn nhớ mãi công ơn của cô tự ngày nào.
Cô về trường tôi từ khi trường chỉ có mái lá đơn sơ. Ngày mưa cũng như ngày nắng cô vẫn đạp chiếc xe Thống Nhất đã bạc màu đến lớp. Có lần những hôm trời mưa bão rất to mà cô vẫn cố đạp hơn chục cây số đến lớp vì sợ học sinh phải chờ. Có khi nước ngập quá bánh xe mà cô vẫn bước tiếp, đến lớp thì cả thầy cả trò đều ướt hết.
Phòng học dột nát không thể theo học. Những khi mưa gió như vậy cô lại nhớ về vùng quê Bình Lục, nơi người ta vẫn “cưỡi trâu đi họp huyện” cô lại thấy xót thương. Cô thường kể cho chúng tôi nghe rất nhiều về miền quê và gia đình cô. Miền quê chiêm trũng, ngập quanh năm những có nghị lực phi thường.
Giờ đây khi mọi thứ đã được thay mới, cô vẫn ngày ngày đến lớp. Là một giáo viên dạy sử nên tính cô rất nghiêm khắc. Cô luôn dạy chúng tôi phải biết tự phấn đấu vươn lên. Cô thường bảo, lịch sử là cái gốc rễ của một quốc gia dân tộc, khi các em hiểu sử cũng hiểu truyền thống quý báu của ông cha ta, biết mà học hỏi, biết mà phát huy những truyền thống quý báu đó. Theo lời dạy đó, mỗi thế hệ học sinh chúng tôi đều cố gắng trở thành một học sinh ngoan trong mắt cô.
Đã 27 năm trôi qua với bao thế hệ học trò đến và đi khỏi ngôi trường này, nhưng hình bóng cô mỗi ngày lên lớp thì vẫn vậy. Những học trò đầu tiên của cô nay đã đầu hai thứ tóc cũng không sao quên được những lời dạy, những kiến thức mà cô đã truyền đạt. Cô luôn dạy cách làm sao để hiểu và nhớ về một sự kiện lịch sử lâu nhất. “Chỉ khi các em hiểu rõ nguyên nhân tại sao và giải thích được những sự kiện, những mối ràng buộc đó thì em mới có thể làm tốt một bài lịch sử”.
Tôi còn nhớ kỷ niệm về cô khi còn đang học phổ thông. Là một học sinh chuyên văn nên tôi rất thích những môn xã hội, đặc biệt là tìm hiểu những kiến thức lịch sử. Khi còn học ở trung học cơ sở tôi đã được nghe những thông tin về cô với phương pháp dạy hay, là một giáo viên giỏi ở trường. Và khi theo học cô tôi thực sự bị thuyết phục bởi cách giảng dạy ân cần và chu đáo.
Trong những giờ giảng, cô nhấn mạnh đến những sự kiện then chốt nhất, có tính quyết định đến giai đoạn lịch sử đang nghiên cứu. Cô thường dặn chúng tôi: “muốn học được lịch sử thì cần phải biết hệ thống kiến thức, tóm gọn vấn đề lại rồi triển khai thật nhỏ ra. Như vậy vừa nhớ lâu lại không bị mất ý”. Theo lời khuyên của cô, mỗi chúng tôi đều nhớ rất rõ những vấn đề lịch sử và không hề bỏ sót chút nào khi làm bài kiểm tra.
Không chỉ cho chúng tôi những bài học lịch sử mà cô còn dậy cách đối nhân xử thế ở đời. Cô cho mỗi chúng tôi biết thế nào là cuộc sống thực tại, nó không màu hồng cũng không trải thảm đỏ mà mỗi trái tim non nớt chúng tôi vẫn hoài tưởng. Cô vẫn ví, cuộc đời như một cuộc chiến đấu chính bản thân mình vậy. Nếu kiên cường thì họ sẽ không bao giờ gục ngã, nhưng chỉ cần sơ xảy họ có thể đánh đổi cả cuộc đời. Tôi mơ hồ hiểu những gì cô nói, nhưng đến giờ thì đó lại là bài học đáng giá theo mãi cuộc đời tôi.
Mỗi một năm trôi qua cô đón một thế hệ học trò tìm đến những điều mới mẻ trong trang sách lịch sử. Nhưng cũng là lúc cô tiễn thế hệ học trò của mình đi. 40 năm như vậy, sau 27 năm mà “tay lái” của cô vẫn vững mái chèo. Cô không còn đạp xe đến lớp như ngày xưa nữa, cô không còn giảng bài khi lớp ngập mưa, nhưng những tiếng giảng của cô vẫn trong trẻo và dịu hiền. Nó vẫn hàng ngày dẫn dắt những thế hệ học trò như chúng tôi tìm đến được những chân trời mới.
Cô trang bị cho mỗi chúng tôi đầy đủ hành trang tri thức và vốn sống của cô để chúng tôi không còn lạ lẫm và bỡ ngỡ khi bước chân vào đời. Những đồng nghiệp của cô vẫn nghĩ sao cô tận tâm với học trò đến vậy. Cô cười nhẹ và nói: “Nó đã theo cái nghiệp mất rồi, thiếu học sinh như thiếu chân tay vậy. Không sao chịu được”.
Có lẽ nhờ cô mà những bài giảng lịch sử vẫn thấm nhuần trong tôi. Mỗi khi tiếp cận một sự kiện tôi không quên tìm kỹ về nguyên nhân của nó. Hiểu nghề để làm nghề như cô vẫn dặn chúng tôi. Sẽ mãi nhớ những kỷ niệm về cô, kỷ niệm về thời học trò và những bài giảng quý báu mà cô đã trao tặng cho mỗi chúng em. Chúng em sẽ luôn trân trọng nó như món quà quý giá nhất của cuộc đời.
Nguồn: ...
Trong tuổi thơ của mỗi người, ai cũng có những kỉ niệm đáng nhớ về thầy, cô giáo cũ của mình, những kĩ niệm đẹp xen lẫn nỗi buồn đều được khắc sâu trong trí nhớ của chúng ta. Riêng tôi có một kỉ niệm mà tôi không bao giờ quên, kỉ niệm sâu sắc về một người thầy đáng kính của tôi.
Năm ấy, khi tôi còn học lớp một, tôi có những kỉ niệm đẹp về thầy giáo chủ nghiệm của mình. Tôi đã bước sang lớp một, ngưỡng cữa của bậc tiểu học, có nhiều bạn mới, thầy cô mới.
Ngày trọng đại ấy, ngày tôi không bao giờ quên. Sau buổi lễ khai giảng, tất cả các học sinh đều bước vào lớp học của mình để học buổi học đầu tiên và gặp gỡ thầy cô giáo chủ nhiệm của mình và cũng là người sẽ gắn bó với tôi trong suốt thời gian học tiểu học.
Khi thầy bước vào, dáng người thầy thật nhanh nhẹn và thầy chào chúng tôi. Tôi trông thầy cũng đã đứng tuổi, tóc thầy cũng đã điểm bạc, khuôn mặt thầy gầy, bàn tay thầy có nhiều vết nhăn, chắc thầy đã có mấy chục năm lận đận với học sinh. Thầy bước lên bục giảng, thầy ra hiệu cho chúng tôi im lặng và thầy nói:chào các con, thầy tên là Hồ Viết Cảnh, thầy sẽ chủ nhiệm lớp các con trong suốt bậc tiểu học. Giọng thầy thật ấm áp, nhẹ nhàng, làm cho những suy nghĩ trong đầu tôi về một người thầy giáo chủ nhiệm thật dữ dằn và nghiêm khắc đều tan biến.
Sau khi ra mắt chúng tôi, thầy bắt đầu dạy cho chúng tôi những bài học đầu tiên mà cũng là những bài học đầu đời dạy tôi nên người. Thầy viết lên bảng những dòng chữ đầu tiên, tôi trông thấy bàn tay thầy run run khi viết, sau này tôi mới biết, thầy phải chịu đựng những cơn đau do tham gia cuộc chiến tranh kháng chiến chống mĩ để viết nên dòng chữ đẹp đó. Sau khi viết xong đề bài, thầy hỏi chúng tôi có thấy rõ không, một và bạn ngồi phía dưới do mắt kém nên không thấy liền được thầy chỗ khác cho phù hợp. Trong buổi học thầy đến tận chỗ của từng người để chỉ cho chúng tôi những chỗ không hiểu. Cuối giờ, thầy cho chúng tôi xếp hàng ra về, mọi người đi về rất thẳng hàng, tiếng cười đùa của một vài bạn đã làm xôn ao khắp sân trường. Buổi học đầu tiên đã kết thúc như vậy đó, thầy đã để lại cho tôi những suy nghĩ về một người thầy mẫu mực.
Những buổi học sau, thầy nghiêm khắc với những bạn lười học, khen thưởng những bạn ngoan. Giờ ra chơi, thầy đều ra chơi cùng chúng tôi, thầy chơi những rò chơi dân gian cùng với chúng tôi, nhìn khuôn mặt thầy lúc đấy thật đáng yêu, nhìn kĩ thầy, tôi có cảm giác khuôn mặt thầy rất giống khuôn mặt ông nội tôi. Ông tôi đã mất từ khi tôi còn nhỏ, những kỉ niệm đẹp của ôg và tôi đều được tôi khắc ghi. Nhìn thầy, tôi cảm thấy nhớ đến ông, nhớ đến cảnh chơi đùa của hai ông cháu, tôi liền chạy vào phòng học, ngồi trong góc khóc. Lúc đó có một bàn tay đặt lên vai tôi khẽ vỗ về, hình ảnh ông nội vỗ về tôi mỗi khi buồn hiện về, tôi bỗng khóc to lên, không sao có thể kiềm chế được. Thì ra đó chính là thầy, thầy khẽ nói với tôi:" Thành, sao con khóc, nói ra để thầy chia sẽ với con". Rồi thầy ôm tôi vào lòng, nhận được sự an ủi của thầy, tôi càng khóc to hơn. Sau hôm đó tôi cảm thấy được thầy quan tâm nhiều hơn.
Vào một hôm, do tôi không học bài nên bị điễm kém, thầy liền mắng tôi, tôi liền chạy về chỗ ngồi, trong lòng tôi cảm thấy rất tức thầy. Vào giờ ra chơi thầy không ra chơi với các bạn như mọi khi, thầy xuống chỗ tôi. Thầy nói:"thầy xin lỗi em vì đã quá nặng lời, nhưng em là lớp trưởng nên phải gương mẩu cho các bạn noi theo.... thầy giảng lại cho tôi bài tôi chưa hiểu. Tôi nhìn thầy lúc đó mà trong lòng cảm thấy hối hận vô cùng, ân hận vì đã làm thầy buồn. tôi tự hứa sẽ cố gắng phấn đấu tốt hơn.
Vậy đấy, thầy đã để lại cho tôi những kỉ niệm không bao giờ phai mờ về một người thầy giản dị mà thân thương. Tôi hứa sẽ cố gắng học tập để trở thành công dân tốt, có ích cho đất nước và xã hội. Công ơn thầy sẽ mãi được khắc ghi như câu danh ngôn:
"Ngọc không mài không sáng, người không học không tài."
Bước chân ta đi qua trển cát để lại dấu
Con sóng xô bờ xóa đi để lại thời gian
Người thầy đi qua đời ta để lại kí ức...
Kí ức khó mà phôi pha dù năm năm, mười năm, hai mươi năm hay nhiều hơn nữa. Kí ức vẫn còn hiện hữu trong ta, có thể buồn, có thể vui, có thể đậm nét hay có thể mong manh nhòa nhạt nhưng chưa bao giờ biến mất.
Có ai đó đã nói rằng lũ học trò qua sông sẽ quên người lái đò. Có lẽ chỉ một vài thôi chứ không phải là tất cả, phải không? Một mai nào đó, trong chúng ta có người lên đỉnh vinh quang, có người bình dị với phấn trắng bảng đen hay cũng có khi lại bằng lòng với lẽ thường nhật của cuộc sống, nhưng chắc chắn một điều là kí ức về người thầy luôn theo họ, dẫu thời gian có phai mờ. Bởi lẽ, những gì mà họ nhận được từ nơi người thầy là tri thức giúp họ nên người - phần quan trọng hơn cả.
Hầu như trong mỗi chúng ta ai cũng một thời trải qua khoảng ấu thơ với bạn bè, trường lớp, thầy cô. Rồi, chúng ta tự tìm cho chính mình một hình ảnh người thầy sâu sắc nhất trong miền nhớ của mình. Người thầy ấy có thể là ông là bà, là cha là mẹ hoặc có thể là một người nào đó ta kính trọng. Thế nhưng đa phần, tuổi học sinh vẫn hay dành tình cảm của mình cho hình ảnh của người thầy đầu tiên nâng tay ta tập viết, hoặc như là cô giáo chủ nhiệm ngày xưa, cô dạy Văn, thầy Toán, thầy Sử hay cô dạy Địa chẳng hạn.
Ở trong tôi lại thấp thoáng kí ức về một người thầy. Thầy là giáo viên dạy môn thể dục những năm tôi học cấp III. Có những điều tôi hay tự băn khoăn với chính mình, trong các môn học thì nếu nói ra môn thể dục chẳng phải là môn chính, nó là mônhọc tôi đã học ngay từ khi chập chững.
Tôi đã thấy xót xa cho môn thể dục vào những ngày Nhà giáo Việt Nam, chắc vì ngày đó tôi thấy thầy mình nhìn ngắm lớp lớp học sinh tặng hoa chào hỏi bộ môn chính mà chúng học hằng ngày và quên mất thầy cũng là thầy một bộ môn. Có một ngày 20-11, tôi đã nghĩ thầy buồn vì học trò vô tâm, nhưng hình như không phải vậy.
Cũng ngày hôm ấy tôi gặp lại cô bạn học chung cấp II. Cô là con gái của thầy và đến trường tôi đón thầy, tôi cũng lại thêm một lần nhìn thêm một mảnh ghép nối còn thiếu và cái nghề thầy chọn. Một bức tranh yêu nghề được hiện ra bằng sự cảm phục trong tôi.
Thầy tốt nghiệp ngành thể dục, về dạy trường chúng tôi dễ chừng cũng dưới con số 10 năm. Thầy ngày trước là một tuyển thủ về bóng chuyền, do vậy môn thể thao chính của trường tôi vẫn là bóng chuyền. Tôi không hình dung được lương giáo viên dạy thể dục khác xa với lương giáo viên dạy bộ môn ra sao. Nhưng mỗi sáng, thầy thức dậy sớm để cùng vợ chở rau, củ, quả ra chợ, xong việc thầy đến trường cùng học trò. Tôi luôn thấy thầy đến rất sớm tất bật huấn luyện cho đội tuyển bóng chuyền của trường. Khi hết tiết dạy thầy tất bật ra chợ trông hàng giúp vợ, mỗi chiều về thầy luôn giúp vợ dọn hàng và cồng cồng những vật nặng trên lưng mình. Thầy siêng năng thế nhưng cuộc sống vẫn chỉ là chật vật, thầy lăn lộn với áo cơm và nuôi dạy con. Một đôi lần tôi trộm nghĩ, số thầy sao mà khổ, đời sống thầy khó khăn thế mà cô bạn của tôi lại mắc phải căn bệnh về não. Tôi không biết cô ấy mắc bệnh từ khi nào, suốt năm cuốicấp II tôi hoàn toàn thấy cô ấy khỏe mạnh, đến lớp rồi về nhà. Hiền lành và chăm chỉ! Vậy mà chỉ sau một trận sốt, cô ấy cứ phải nằm viện luôn. Thầy tôi bắt đầu những ngày tháng cơ cực, dạy xong tiết thể dục nào là thầy tranh thủ dọn hàng giúp vợ, rồi tất tả chạy đến bệnh viện chăm sóc con. Suốt ba năm học cấp III, tôi đã chứng kiến thầy gồng mình gánh cuộc sống trên lưng, cố hết sức để chữa bệnh cho con và kiếm thêm thu nhập cho gia đình. Tôi từng hoài nghi về sức chịu đựng của con người, vì tôi nhìn thấy chính mình rằng tôi rất kém trong việc chịu đau đớn hoặc giả như trước một tai ương nào đó đầu óc non nớt của tôi luôn tính đường tháo lui. Nhưng thầy tôi lại chứng minh rành rọt rằng thầy chẳng bao giờ buông tay để cứu đứa con gái, để cứu gia đình dù rằng đôi khi thầy mỏi mệt. Thầy đã chọn không bao giờ bỏ cuộc trước những người mà thầy yêu thương.
Mà cuộc sống đôi khi tàn nhẫn hơn cách chúng ta cảm nhận nó. Cuối năm cấp III, cô bạn tôi mất. Thầy tôi xuống tóc đi dạy, thầy trầm hơn nhưng mỗi buổi sáng thầy huấn luyện cho đội tuyển vẫn nhen trong mắt thầy một ngọn lửa của sự nhiệt thành. Thầy yêu nghề và yêu học trò của thầy.
Cũng sau lần ấy, tôi được biết một bạn trong đội tuyển của thầy có dấu hiệu sử dụng ma túy và điều đáng lạ là môn nào bạn ấy cũng trốn học nhưng duy chỉ môn thể dục là luôn đều đặn, đúng giờ và phát bóng chuẩnxác. Nhân một hôm tôi đi họp đoàn về trễ, trong sân trường chiều tối chỉ còn thầy và các bạn đội tuyển bóng chuyền đang luyện tập. Ngồi từ văn phòng đoàn tôi trông thấy thầy cho đội tuyển nghỉ ngơi và tôi nghe giọng thầy có vẻ nặng nề như trách móc, như đau lòng, như bất lực trước một bài giảng nào đó. Tôi nghe loáng thoáng thầy khóc và cố nói thật lớn cho các bạn trong đội tuyển cùng nghe, thầy đã nói: “Thầy di dạy nhiều năm, nhìn từng lớp học trò trưởng thành. Thầy cám ơn các em mỗi khi lễ tết các em vẫn chăm đến nhà thầy, thầy cám ơn các em luôn biết khi nào đôi giày thể dục của thầy mòn và mua tặng thầy một đôi mới, cám ơn các em trân trọng những tiết học của một môn học không được coi là môn chính, không là môn trọng tâm để thi tốt nghiệp. Thầy cám ơn vì môn thầy các em không trốn tiết bao giờ nhưng chính vì điều ấy hôm nay thầy thấy mình có lỗi. Các em chăm môn thể dục như thế ắt hẳn là chúng ta rất gần gũi nhau, gần gũi như thế mà khi thấy một vài em trong đội tuyển có dấu hiệu vướng vào ma túy, thầy lại không kéo được các em khỏi chất độc ấy. Thầy đã mất đi một người con gần gũi thầy hằng ngày, nay các em gần gũi thầy như con thầy. Lẽ nào thầy lại không hành động gì để giữ các em đừng sa chân vào cái huyệt do chính mình đào lấy. Sự sống vốn không phải là vô hạn, vì nó là có hạn nên các em phải biết dùng nó sao cho có ích nhất. Có ích theo cách của riêng các em. Điều đó cũng thể hiện việc các em hiểu được ý nghĩa của sự sống vậy. Kể từ hôm nay, thầy muôn các em luyện tập chăm chỉ, có sức khỏe để thi tốt nghiệp, và có sức khỏe ý chí để rời xa thứ chất độc đang phá hủy cuộc sống của các em. Thầy mong các em hiểu được lời thầy!”.
Đêm ấy về nhà, tôi thấy thấm thìa câu nói “Ở lâu mới biết lòng người”. Giáo viên chủ nhiệm, hay giáo viên bộ môn mỗi năm mỗi khác. Nhưng ba năm cấp III, đội tuyển bóng chuyền chỉ có một mình thầy huấn luyện. Các bạn đội tuyển đã rất yêu và kính trọng thầy, thời gian đủ để nhận ra sợi dây tình cảm thầy trò là bền chặt là gần gũi và quan tâm. Cũng đêm ấy nhìn lên bầu trời đầy sao tôi đã thì thầm với bạn tôi rằng: “Đúng như lời Kiều nói, thầy Yy - ba của Kiều vừa là một người cha tuyệt vời vừa là một người thầy tròn trịa với đúng nghĩa của nó. Kiều à!”
Thời gian cứ thế trôi qua, thuở cấp III tưởng như gần đâu đây. Thầy thể dục của chúng tôi hiện giờ vẫn ngày ngày đến lớp, ngày ngày giúp vợ mang rau củ quả ra chợ. Đội tuyển bóng chuyền đã thi đấu thành công, tuy không giành hạng nhất nhưng cũng nằm trong lớp. Một sốbạn nghiện ma túy đã từ bỏ ma túy sau lời nói và giọt nước mắt thầy.
Cuộc sống vẫn cứ trôi không ngừng và tháng 11 đang về, tháng dành cho những người thầy người cô. Và cũng vì, những kỉ niệm về thầy dạy Văn của bạn đẹp, những kỉ niệm về cô dạy Toán của bạn hay thì những kỉ niệm về một người thầy dạy thể dục của tôi cũng đẹp mà, phải không.