Truyền thuyết "Thánh Gióng" là tác phẩm lớn đầu tiên về đề tài giữ nước chống kẻ thù xâm lược, mở đầu cho dòng văn học yêu nước chống ngoại xâm. Yếu tố thần thoại, truyền thuyết dân gian, lịch sử đã được nhào nặn lại theo quan niệm và lý tưởng thẩm mỹ của nhân dân. Cái "lõi" lịch sử ở truyện Thánh Gióng đã được lý tưởng hóa với tâm tình thiết tha của nhân dân gửi gắm vào đó. Qua sự tích người anh hùng làng Phù Đổng, truyện Thánh Gióng đã phản ánh khá toàn diện và khái quát, sinh động và cụ thể cuộc chiến đấu hào hùng chống giặc Ân xâm lược trong thời kỳ Văn Lang. Đây là những trang sử chống xâm lược đầu tiên của dân tộc ta được ghi vào truyền thuyết không chỉ mang ý nghĩa biểu dương, ca ngợi mà còn tổng kết, lý giải nguyên nhân của chiến tranh và thắng lợi.
Thánh Gióng là sự khái quát hóa, hình tượng hóa và lý tưởng hóa toàn bộ quá trình sinh ra, lớn lên, chiến đấu và chiến thắng của đội quân chống xâm lược đầu tiên của Việt Nam ở thời kỳ Văn Lang. Trước hết, đó là một đội quân có sức mạnh phi thường, bao gồm cả sức mạnh của con người và sức mạnh của vũ khí. Trong sức mạnh của con người có cả sức mạnh của thể lực và sức mạnh của tinh thần, ý chí. Thánh Gióng là nhân vật huyền thoại mà nhân dân muốn gửi gắm ý chí chiến đấu phi thường qua kỳ tích nhổ từng bụi tre "đằng ngà" (sau khi "gươm sắt" hoặc "roi sắt" bị gẫy) để tiếp tục truy kích và đánh tan giặc Ân. Những chi tiết mang tính chất hoang đường, kỳ diệu, như: Gióng lên ba vẫn nằm trơ không nói, không cười, nhưng khi nghe lời rao của sứ giả (cầu người hiền tài ra giết giặc cứu nước), bỗng vươn vai đứng dậy và cao lớn vụt lên thành người khổng lồ... đều là sự hình tượng hoá và thần thánh hóa mối quan hệ và sự phát triển nhanh chóng về tinh thần, vật chất của lực lượng kháng chiến.
Ở truyện Thánh Gióng, vai trò, tác dụng của vũ khí và phương tiện chiến đấu được tác giả nhận thức và phản ánh khá sâu sắc và sinh động. Sự đề cao, ca ngợi và thần thánh hóa các loại phương tiện và vũ khí bằng kim loại (ngựa sắt, gươm sắt, áo giáp sắt) chẳng những không hạ thấp hoặc làm lu mờ vai trò, tác dụng của các loại vũ khí thô sơ, thông thường, mà trái lại còn có tác dụng khẳng định và nhấn mạnh sự cần thiết phải đồng thời sử dụng cả hai loại vũ khí ấy. Đội quân chống xâm lược và sức mạnh phi thường của nó ở trong truyện Thánh Gióng không phải tự nhiên mà có và cũng không phải là nhất thành bất biến mà đó là một đội quân thể hiện sức mạnh có tổ chức, được nuôi dưỡng, chuẩn bị công phu, có quá trình hình thành, phát triển rõ rệt, cụ thể và hợp lý.
Kỳ tích ấy, Gióng được nhân dân tôn xưng là "Thánh", được nhà vua phong là "Phù Đổng Thiên Vương" nhưng căn bản và trước hết Gióng vẫn là một Con Người - một người con của làng Phù Đổng, thuộc bộ Vũ Ninh, nước Văn Lang, đời Hùng Vương thứ sáu. Nguồn gốc, lai lịch và địa chỉ của Gióng được xác định rõ ràng, cụ thể. Cả cái tên Gióng cũng hết sức dân dã. Gióng thầm lặng như cái bản nhiên của người lao động, chỉ nói một câu “xin đi đánh giặc”. Cái vươn vai “lớn 10 trượng” cũng là để nhận nhiệm vụ đánh giặc cao cả khi đất nước lâm nguy. Sự xuất hiện của bàn chân khổng lồ trên đồng ruộng không phải xác lập cái ngôi thiên tử cho Gióng mà chỉ là một biểu tượng cho sự hoà hợp giữa đất và trời, giữa thần linh và người mẹ nông dân đã cho ra đời một anh hùng quần chúng. Những chi tiết về sự thụ thai của bà mẹ Gióng (ướm thử bàn chân mình vào vết chân người khổng lồ in trên đồng, mang thai 12 tháng...), đều chỉ là sự thần thánh hóa để đề cao người anh hùng, làm cho người anh hùng có nguồn gốc siêu nhiên, thần thánh khác thường. Nhưng dù khoác lên nhiều yếu tố kỳ diệu, khác thường, Thánh Gióng vẫn không thể lấn át và thay thế được cái bình thường của con người trần thế. Dẫu có siêu nhiên kỳ ảo, Gióng vẫn phải "nằm trong bụng mẹ" (dù là 12 tháng); vẫn phải "uống nước, ăn ba nong cơm, bảy nong cà” với bao công sức gom góp từ quần chúng (dù là mấy nong); vẫn phải mặc quần áo bằng vải của dân làng Phù Đổng (dù là rộng đến đâu); đánh giặc xong không về triều mà bay về trời, về với cõi bất tử, với cõi hư không cho thấy ý chí phục vụ đất nước vô tư thật là gương mẫu [1], nhưng vẫn không quên cúi đầu chào đất Mẹ; và ngay cả ngựa sắt, gươm sắt, áo giáp sắt, nón sắt của Gióng cũng là do vua Hùng tập hợp những người thợ rèn tài giỏi ở trong nước đúc nên...
Quá trình xuất hiện, trưởng thành và chuẩn bị vũ khí chiến đấu của Gióng phản ánh khá rõ quá trình xây dựng lực lượng vũ trang chống xâm lược của dân tộc. Dấu tích của người anh hùng vẫn hiện hữu trong mảnh đất quê hương. Những bụi tre đằng ngà (giống tre có lớp cật ngoài trơn và bóng, mầu vàng) ở huyện Gia Bình vì ngựa phun lửa bị cháy mới ngả mầu vàng óng; những vết chân ngựa nay thành những hồ ao; ngựa thét, lửa đã thiêu cháy một làng, cho nên làng đó về sau gọi là làng Cháy (ở cạnh làng Gióng).
Có thể nói, truyền thuyết Thánh Gióng đã có sự kết hợp giữa Nhà nước (tiêu biểu là vua Hùng) và nhân dân (tiêu biểu là Gióng và nhân dân làng Phù Đổng), giữa sức mạnh của con người và sức mạnh của vũ khí mà lòng yêu nước đã trở thành một truyền thống quý báu. Điều đó đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và cướp nước”. Tiếng rao của sứ giả là lời hiệu triệu của vua Hùng, là tiếng gọi của non sông khi quân thù tràn đến, khi Tổ quốc lâm nguy. Lực lượng chống ngoại xâm, bảo vệ Tổ quốc của dân tộc bình thường tiềm ẩn trong nhân dân (như chú bé làng Gióng nằm im không nói, không cười), nhưng khi có giặc ngoại xâm thì tiếng gọi của non sông đã tập hợp, thức tỉnh tất cả các lực lượng tiềm ẩn ấy của dân tộc, Gióng vụt lớn lên và câu nói đầu tiên là nhận nhiệm vụ đánh giặc. Thánh Gióng tập trung cho ý chí của nhân dân, khi đất nước lâm nguy đã đặt lên vai mình sứ mệnh lịch sử lớn lao. Đó là một chân lý, một quy luật quan trọng về xây dựng, tổ chức, phát triển lực lượng chống ngoại xâm, bảo vệ Tổ quốc mà cha ông đã sớm nhận thức tổng kết và truyền lại cho đời sau bằng truyền thuyết xuất sắc này. Chính điều đó đã làm nên một Thánh Gióng bất tử. Một Thánh Gióng đã đi vào tâm thức người Việt một cách tự nhiên dẫu thời gian biến đổi vạn vật.
Không chỉ mang ý nghĩa đánh giặc, truyền thuyết Thánh Gióng còn đánh dấu bước ngoặt đặc biệt của dân tộc Việt Nam thời kỳ sơ sử, tiền sử ở lĩnh vực nông nghiệp. Công cụ đồ sắt được quy tụ vào vũ khí đánh giặc thay thế cho công cụ đồ đồng, đồ đá. Người Việt có tấc sắt trong tay đã mở rộng địa bàn cư trú từ núi cao xuống vùng châu thổ thấp. Việc phát hiện ra đồ sắt được nhân cách hóa để trở thành một vị thần vĩ đại cho thấy sức mạnh của nó trong công cuộc chế ngự thiên nhiên và đánh giặc. Người Việt xây dựng một quốc gia, một dân tộc đầy đủ khi đã khai phá châu thổ Bắc Bộ. Cũng chính từ vùng thấp này, người Việt mới tạo đà để phát triển, tiến tới một đất nước to lớn, thống nhất của cộng đồng như ngày nay...
Vì thế, nhân vật Gióng là lẽ sống hồn nhiên vô tư của người lao động. Cái “hoang đường” trong truyền thuyết chẳng còn là hoang đường bởi nó luôn đứng trên đôi chân của hiện thực. Quá trình phát triển của hình tượng Thánh Gióng dồi dào ý nghĩa nhân sinh, triết lý và nhân văn.
Thánh Gióng - Phù Đổng Thiên Vương là anh hùng văn hóa sinh từ thời cổ đại, tiền sử. Trong quá trình phát triển của cư dân Việt, vị anh hùng văn hóa ấy thường được gắn với các sự kiện lớn, được sử hóa bất tử trong tâm tưởng người Việt. Huyền thoại ấy đã và đang sống hiện hữu trong cuộc sống hiện đại. Mỗi người Việt Nam hẳn không quên huyền thoại bất tử này. Trong các bài nói chuyện, Hồ Chí Minh nhiều lần nhắc tới người anh hùng dân tộc. Trong Diễn văn khai mạc lễ kỷ niệm 30 năm ngày thành lập Đảng, Người khẳng định: "Đảng ta vĩ đại thật. Một ví dụ trong lịch sử ta có ghi chuyện vị anh hùng dân tộc là Thánh Gióng đã dùng gốc tre đánh đuổi giặc ngoại xâm. Trong những ngày đầu kháng chiến Đảng ta đã lãnh đạo hàng nghìn, hàng vạn anh hùng noi gương Thánh Gióng dùng gậy tầm vông đánh thực dân Pháp". Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, những vần thơ ra trận sống động kêu gọi tinh thần yêu nước tiềm ẩn, đến “Mỗi chú bé đều nằm mơ ngựa sắt” (Chế Lan Viên), rồi “những trai làng Phù Đổng” mang “chiếc gậy tầm vông” nô nức lên đường “ra trận mùa xuân” (Gia Dũng). Và trong thời kỳ hội nhập, sức mạnh Phù Đổng vẫn được tiếp nối thể hiện sức mạnh và bản lĩnh Việt Nam…
Trong tâm thức của người dân đất Việt, Thánh Gióng là hào khí của bản hùng ca hoành tráng từ ngàn xưa vọng lại; là niềm tự hào, kính trọng về sức mạnh đoàn kết của dân tộc trong việc chống giặc ngoại xâm, bảo vệ đất nước. Bên cạnh đó, Thánh Gióng còn là bản tình ca tuyệt đẹp về tình mẫu tử, về trách nhiệm của con người đối với Tổ quốc. Hàng ngàn năm trôi qua, với truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, dân tộc ta luôn nhắc nhau:
"Ai ơi mồng chín tháng tư
Không đi hội Gióng cũng hư mất đời"