GỢI Ý CÁCH LÀM BÀI
A. Về kĩ năng
- Học sinh biết cách làm bài nghị luận về một vấn đề tư tưởng, đạo lí.
- Nêu rõ quan điểm đánh giá về vấn đề cách ứng xử của con người với nhau trong xã hội thông qua nội dung câu chuyện.
- Hình thức trình bày sạch đẹp, bố cục rõ ràng, luận điếm sâu sắc, lập luận chặt chẽ, thuyết phục, văn phong trong sáng.
B. Về kiến thức
I. Mở bài
- Trong cuộc sống, con người giao tiếp với nhau bằng nhiều phương tiện: ngôn ngữ, cử chỉ, hành động. Mỗi người có một cách ứng xử riêng. Nhưng làm thế nào để có cách ứng xử lịch sự, hài lòng người đối diện là vẫn đề không phải dễ.
- Câu chuyện là lời nhắc nhở nhẹ nhàng mà thấm thía về cách ứng xử của con người trong cuộc sống.
II. Thân bài
1. Suy nghĩ về văn hoá ứng xử trong cuộc sống
- Cách ứng xử, giao tiếp giữa con người với nhau trong cuộc sống thể hiện rõ nhân cách, bản chất của từng người.
2. Thực trạng vãn hoá ứng xử trong cuộc sống
a. Ứng xử có văn hoá:
- Đó là cách ứng xử khéo léo, tế nhị, phù hợp với đối tượng giao tiếp.
- Người đối diện cảm thấy dễ chịu hài lòng và quý mến mình.
(Học sinh lấy dẫn chứng từ nội dung câu chuyện hoặc từ thực tế cuộc sống…).
b. Ứng xử thiếu văn hoá:
- Là cách ứng xử lỗ mãng, bất lịch sự, thiếu tế nhị, gây khó chịu cho người khác.
- Cách ứng xử này thường gây hậu quả không tốt với người tham gia giao tiếp.
(Học sinh lấy ví dụ để làm sáng rõ vấn đề, đặc biệt là các dân chứng trong học đường).
3. Liên hệ bản thân
- Đã có lúc nào em thiếu bình tĩnh dẫn đến ứng xử thiếu tế nhị với người khác? Sau những lần ấy em rút ra được kinh nghiệm gì?
- Ý kiến của bản thân: Mong muốn mọi người ứng xử với nhau một cách tế nhị, có văn hoá. Đẩy lùi, lên án mạnh mẽ cách ứng xử thiếu văn hoá đang tồn tại trong cuộc sống.
- Từ câu chuyện em rút ra bài học gì? Liên hệ với thái độ ứng xử của học sinh trong nhà trường hiện nay?
III. Kết bài
- Khắng định lại tầm quan trọng của việc ứng xử có văn hoá trong đời sống hiện nay.
“Hãy lau khô cuộc đời em bằng tình thương, lòng nhân ái của con người. Và hãy lau khô giọt nước mắt trong lòng em, bằng tất cả trái tim con người Việt Nam”. Nững câu hát ấy cứ mãi vang lên trong lòng tôi. Đôi lúc nó làm cho tôi tự hỏi: “Phải chăng con người sống rất cần sự yêu thương, tôn trọng, giúp đỡ của cộng đồng?”. Để lí giải cho điều đó ta hãy cùng đọc và suy nghĩ câu chuyện: “Người ăn xin” của Tuốc-ghê-nhép.
Một người già ăn xin với đôi mắt đỏ hoe, nước mắt giàn giụa, đôi môi tái nhợt, áo quần tả tơi chìa tay ra “xin tiền tôi”. Thật không may, “tôi” chẳng có gì cả, ngay cả một đồng xu dính túi cũng không. Bàn tay tôi “nắm chặt lấy bàn tay run rẩy của ông cố nói rằng tôi xin lỗi vì chẳng có gì để cho cho ông cả. Thế nhưng, đáp lại “tôi”, ông nói: “Cháu ơi, cảm ơn cháu! Như vậy là cháu đã cho lão rồi”. Khi ấy “tôi” chợt hiểu ra: cả tôi nữa, “tôi” cũng vừa nhận được một cái gì đó từ ông lão. Có lẽ các bạn ngạc nhiên lắm vì rõ ràng cả “tôi” và ông lão trong câu chuyện đều cóp nhận được gì đâu mà bảo là nhận. Thế cái “đã cho” từ ông lão và “một cái gì đó” từ nhân vật “tôi” là gì? Đấy chính là tình yêu thương, sự cảm thông và chia sẻ mà họ cảm nhận được ở đối phương. Đó cũng chính là một triết lí, một phương châm sống mà mỗi con người chúng ta cần có.
Tình yêu thương – một thứ tình cảm thiêng liêng khó có thể định nghĩa được. Con người sống không có tình yêu thương đồng loại thì chẳng khác gì là một vật vô tri vô giác. Yêu thương đem lại cho ta một niềm vui, hạnh phúc mà khó có từ ngữ nào có thể diễn tả được. Chính tình yêu thương con người làm cho xã hội ngày càng tốt đẹp. Những mảnh đời bất hạnh sẽ cảm nhận được tình người. Tình yêu thương luôn song hành với sự cảm thông và chia sẻ. Chính tình yêu thương là cội nguồn sản sinh ra điều đó. Biết cảm thông, chia sẻ ta sẽ biết được rằng trên đời vẫn còn vô số người cần sự giúp đỡ của ta. Ông bà ta có câu: “Cứu một mạng người còn hơn xây bảy cảnh chùa”. Đấy chính là một lời răn dạy về tình yêu thương, cảm thông và chia sẻ. Con người ta sẽ trở thành những con người có giá trị nếu biết yêu thương và chia sẻ với người khác. Đôi khi chỉ cần một hành động nhỏ của ta cũng giúp họ có được niềm tin vào cuộc sống. Không cần những gì quá cao cả, lớn lao, chỉ cần những sự động viên, yêu thương chân thật cũng đủ để xây dựng nên tình người trong cuộc sống. Hãy yêu thương con người để tưới mát cho tâm hồn ta và làm mát cho tâm hồn người khác.
Tình cảm giữa người ăn xin và “tôi” trong câu chuyện chính là một ví dụ cụ thể nhất. Rõ ràng là họ có cho nhau được bất kỳ thứ vật chất nào đâu. Họ đều là con người nghèo khổ, bất hạnh, cần sự giúp đỡ. Những thứ mà họ nhận được ở nhau chính là tình người. Tình người sưởi ấm tâm hồn họ trong đêm đông giá rét. Ông lão nhận được ở “tôi” sự cảm thông yêu thường và tôn trọng. Còn “tôi” nhận được ở ông lão sự đồng cảm, yêu thương. Đấy chính là giá trị tinh thần quý giá nhất. Hay trong “Cô bé bán diêm” của An-đéc-xen. Cái chết của cô bé chính là do sự bàng quang, thờ ơ của mọi người. Trong khi chỉ cần một hành động nhỏ thì có lẽ cô bé đã không phải chết thê thảm như thế trong sự vui vẻ, không khí ấm áp đêm ba mươi. Cả hai câu chuyện đều “vẽ” nên một hiện thực rằng tình yêu thương, sự cảm thông và chia sẻ là rất cần trong cuộc sống.
Bằng những hành động thiết thực nhất, con người ta ngày nay đã có những hành động rất đúng đắn để giúp đỡ người khác. Vô số trẻ em cơ nhỡ đã được nuôi dưỡng, xây dựng nhà tình thương, giúp đỡ người nghèo. Đó là những hành động rất đáng được trân trọng và phát huy.
Thế nhưng bên cạnh những mặt tốt thì trong xã hội ngày nay vẫn còn tồn tại số ít những mặt hạn chế. Họ sống thờ ơ đến lãnh đạm, bàng quang đến vô tình. Một cuộc sống chỉ có “ta với ta”, chẳng có ai xung quanh cả. Họ là những con người cần sự giáo dục đúng đắn từ cộng đồng và xã hội.
Tôi cũng như các bạn ngày nay thật mau mắn được sống trong tình yêu thương của mọi người. Nhưng không phải vì thế mà tôi sống một cách vô lo vô nghĩ. Khi đi dọc những con đường thành phố, tôi đã nhìn thấy vô số những người bất hạnh cần sự giúp đỡ. Có lẽ tôi cũng như “tôi” trong “Người ăn xin”, cũng nhận được một cái gì đó từ họ và họ cũng nhận được sự đồng cảm từ tôi.
Tình yêu thương, sự tôn trọng quả thật là món quà vô giá và kì diệu. Nó đưa con người ta thoát khỏi sự tầm thường và vươn lên từ nghịch cảnh. Chỉ cần một hành động nhỏ cũng sưởi ấm lòng ta. Để rồi câu hát ấy cứ mãi ngân vang trong lòng mỗi chúng ta: “Hãy lau khô cuộc đời em, bằng tình thương, lòng nhân ái của con người. Và hãy lau khô giọt nước mắt trong lòng em bằng tất cả trái tim con người Việt Nam”.