Tham khảo ạ:
Từ ngàn xưa, người nông dân quanh năm vất vả một nắng hai sương ở ngoài đồng để làm ra củ khoai, hạt lúa nuôi mình và nuôi đời. Gắn bó với họ ngoài thửa ruộng còn có con trâu. Họ coi con trâu là đầu cơ nghiệp, là người bạn chí tình chí nghĩa:
Trâu ơi ta bảo trâu này,
Trâu ra ngoài ruộng trâu cày với ta.
Cấy cày vốn nghiệp nông gia,
Ta đây trâu đấy ai mà quản công.
Bao giờ cây lúa còn bông,
Thì còn ngọn cỏ ngoài đồng trâu ăn.
Bài ca dao đã thể hiện tình cảm yêu quý, biết ơn của người nông dân đối với con trâu – con vật đã giúp họ rất đắc lực trong lao động sản xuất.
Mở đầu bài ca dao là tiếng gọi trìu mến thiết tha:
Trâu ơi ta bảo trâu này,
Người nông dân không chỉ đơn thuần coi trâu là một con vật kéo cày mà còn là người bạn thân thiết. Họ tâm tình, trò chuyện với nó như với một người bạn. Không quý sao được khi con trâu là tài sản lớn. Không thương sao được khi từ sáng sớm cho đến nửa đêm, con trâu luôn làm việc bên cạnh con người. Con trâu gắn bó với người nông dân từ thuở ấu thơ cho đến lúc nhắm mắt xuôi tay. Vì vậy, quan hệ giữa người nông dân với con trâu không chỉ là mối quan hệ bình thường giữa người chủ và vật nuôi mà còn là quan hệ bạn bè tình sâu nghĩa nặng.
Ta thử hình dung một buổi sớm mai, người nông dân vai vác cày, tay dắt trâu, vừa đi vừa thủ thỉ: Trâu ơi ta bảo trâu này, Trâu ra ngoài ruộng trâu cày với ta. Cách xưng hô thật dịu dàng, thân mật. Việc cày đồng vất vả, mệt nhọc bởi trên đầu nắng như đổ lửa, dưới chân nước nóng như nung, cả trâu và người cùng chịu. Người thì mồ hôi thánh thót như mưa, trâu thì vươn cổ kéo cày bước đi nặng nề, chậm chạp. Người nông dân ta là thế đấy! Thương mình một, thương trâu mười.
Câu thứ ba và câu thứ tư khẳng định người và trâu gắn bó không rời trong công việc. Ta đây trâu đấy như hình với bóng, cùng làm việc vất vả trên đồng ruộng để làm ra củ khoai, hạt lúa. Trâu với người hiểu nhau trong từng cử chỉ, từng công việc.
Người không quản vất vả, trâu cũng chẳng ngại nhọc nhằn. Người hiểu công sức to lớn của trâu trong công việc nhà nông. Trâu là người bạn tốt, làm sao người có thể quên ơn? Mạch cảm xúc của bài ca dao đã phát triển từ sự gắn bó, biết ơn, đến lời hứa hẹn đền ơn:
Bao giờ cây lúa còn bông,
Thì còn ngọn cỏ ngoài đồng trâu ăn.
Công sức của người và trâu sẽ được đền bù xứng đáng. Cả hai đã cùng làm việc, cùng chịu dầm mưa dãi nắng thì sẽ cùng hưởng thành quả lao động. Người được hưởng những bông lúa vàng, trâu được hưởng những ngọn cỏ non. Cái điều tưởng chừng giản dị ấy lại là lời hứa trước sau như một của con người biết trọng nghĩa tình.
Bài ca dao là tiếng nói tâm tình của người nông dân với con vật gắn bó thân thiết suốt cuộc đời mình. Ngoài ra, bài ca còn thể hiện ước vọng của người nông dân muốn có một cuộc sống no đủ, lòng nhủ lòng cố gắng làm việc để có một vụ mùa bội thu. Những người lao động chân lấm tay bùn nhưng có một tấm lòng đôn hậu, thủy chung đáng quý biết bao!
Ca dao nói về lao động sản xuất phản ánh sinh động cuộc sống vất vả của người nông dân xưa kia. Dù cuộc sống khó khăn cực nhọc nhưng họ vẫn thiết tha với công việc, yêu quý từng tấc đất. Trong lao động, họ không chỉ yêu thương gắn bó với nhau mà còn trân trọng công lao của những con vật hữu ích đả giúp họ trong công việc đồng áng. Đây là một nét tình cảm cao đẹp của người nông dân Việt Nam.