Sinh học 6

Nguyễn Bích Ngọc

tóm tắt kiến thức sinh học lớp 6 giúp mik

thanks

Võ Hà Kiều My
19 tháng 5 2017 lúc 15:26

sinh học 6

Mở đầu sinh học

1. Phân biệt vật sống và vật không sống trong môi trường xung quanh

Vật sống (sinh vật)

Vật không sống

Đặc điểm

Cần thức ăn để sống.

Có sự trao đổi chất với môi trường.

Lớn lên, sinh sản.

Một số có thể tự di chuyển được.

Không cần thức ăn.

Không lớn lên, không sinh sản.

Không tự di chuyển.

Ví dụ

Con gà con, cây đậu con...

Hòn đá, viên gạch...

2. Đặc điểm của cơ thể sống

Con gà, cây đậu... là những cơ thể sống. Chúng có những đặc điểm quan trọng sau:

- Có sự trao đổi chất với môi trường (lấy các chất cần thiết và loại bỏ các chất thải ra ngoài).

- Có lớn lên, tới một lúc nào đó thì sinh sản để duy trì và phát triển nòi giống.

- Một số có khả năng tự di chuyển (ví dụ: con gà).

3. Các sinh vật trong tự nhiên

- Thế giới sinh vật bao gồm các nhóm lớn sau:

→ Dinh dưỡng theo kiểu hấp thụ, dị dưỡng (lấy thức ăn có sẵn từ bên ngoài).

→ Dinh dưỡng theo kiểu tự dưỡng (tự sản xuất lấy thức ăn)

Vi khuẩn (kể cả virut)

Nấm

Động vật

Thực vật

- Thực vật là một bộ phận của thế giới sinh vật, mang đầy đủ các đặc điểm của cơ thể sống. Ngoài ra còn có một số đặc điểm riêng phân biệt với các nhóm sinh vật khác. Thực vật bao gồm: Rêu – Quyết - Hạt trần – Hạt kín.

Chú ý: Gần đây, theo nhiều tài liệu trên thế giới đã tách Tảo ra khỏi Thực vật. Rêu, Quyết, Hạt trần là những thực vật không có hoa, còn Hạt kín là những thực vật có hoa.

- Môn học về thực vật (được gọi là Thực vật học) có nhiệm vụ:

+ Nghiên cứu đặc điểm tổ chức cấu tạo cơ thể, các hoạt động sống của thực vật.

+ Nghiên cứu sự đa dạng và sự phát triển của thực vật qua các nhóm thực vật khác nhau.

+ Tìm hiểu vai trò của thực vật trong thiên nhiên và trong đời sống con người. Trên cơ sở đó tìm cách sử dụng hợp lí, bảo vệ, phát triển và cải tạo chúng.

Đại cương về giới thực vật

1. Đặc điểm chung của thực vật

- Thực vật có khả năng tự tổng hợp chất hữu cơ từ nước, muối khoáng trong đất, khí cacbônic trong không khí nhờ chất diệp lục hấp thu được ánh sáng mặt trời để nuôi sống cơ thể. Cung cấp chất hữu cơ cho động vật và con người.

- Phần lớn thực vật không có khả năng di chuyển.

- Thực vật phản ứng chậm với các kích thích từ bên ngoài. Tuy vậy, cũng có trường hợp như cây xấu hổ có biểu hiện cảm ứng như khi chạm vào lá, lá cây khép lại, cụp xuống.

- Thực vật trên Trái Đất rất đa dạng và phong phú:

+ Phong phú về số loài thực vật và về số cá thể trong loài: trên Trái Đất có khoảng 250 000 đến 300 000 loài. ở Việt Nam có khoảng 12 000 loài thực vật. Thực vật Hạt kín có khoảng 30000 loài, trong đó ở Việt Nam có trên 9800 loài.

+ Phong phú về môi trường sống: Thực vật sống ở hầu hết mọi nơi trên Trái Đất, có mặt ở tất cả các miền khí hậu.

+ Đa dạng về kích thước của cây: Cây rêu rất nhỏ, chỉ cao 0,5-1 cm nhưng có nhiều cây gỗ cao tới vài chục mét, có cây đường kính thân cây phải đo bằng mét(m) như cây bao báp ở châu Phi có cây đường kính tới 12m.

2. Các cơ quan của thực vật

a) Cơ quan sinh dưỡng bao gồm rễ, thân, lá có chức năng nuôi dưỡng cây.

b) Cơ quan sinh sản có chức năng duy trì và phát triển nòi giống.

3. Thực vật có hoa và thực vật không có hoa.

a) Phân biệt thực vật có hoa và thực vật không có hoa.

- Thực vật có hoa đến một thời kì nhất định trong đời sống thì ra hoa, tạo quả và kết hạt. Thực vật có hoa có 2 loại cơ quan:

+ Cơ quan sinh dưỡng: rễ, thân, lá.

+ Cơ quan sinh sản: hoa, quả, hạt.

- Thực vật không có hoa như Rêu, Quyết. Cơ quan sinh sản đơn giản chỉ là túi tinh và túi noãn hay là nón như các cây Hạt trần.

- Ví dụ: Thực vật có hoa: cây cải, cây đậu xanh, cây ớt...

Thực vật không có hoa: cây dương xỉ, cây rêu, cây rau bợ...

b) Cây một năm và cây lâu năm

- Thời gian sống của thực vật có hoa khác nhau. Nhiều cây từ khi nảy mầm đến khi ra hoa, kết quả rồi chết đi chỉ trong vòn 3, 6 tháng hoặc 1 năm. Đó là cây một nam như cây ngô, lúa, khoai lang, đậu, lạc, cải...

- Các cây gỗ như cà phê, cao su, xoài, mít, nhãn, bưởi... sống nhiều năm; thường ra hoa, kết quả nhiều lần trong đời sống. Đó là những cây lâu năm.

Chương I. Tế Bào Thực Vật

I - dụng cụ quan sát cấu tạo tế bào thực vật

Kính lúp

kính lúp cầm tay gồm 1 tay cầm bằng kim loại (hoặc bằng nhựa) được gắn với 1 tấm kính trong, dày, 2 mặt lồi, có khung bằng kim loại (hoặc bằng nhựa), có khả năng phóng to ảnh của vật từ 3 đến 20 lần.

Kính hiển vi

Kính hiển vi (kính hiển vi quang học) có thể phóng to vật được quan sát từ 40 đến 3 000 lần. Kính hiển vi điện tử phóng to vật từ 10 000 đến 40 000 lần.

II - Cấu tạo tế bào thực vật

Hình dạng và kích thước của tế bào

Người ta đã cắt những lát thật mỏng qua rễ, thân, lá của một cây rồi đem quan sát dưới kính hiển vi. Điểm giống nhau cơ bản của các lát cắt là đều gồm rất nhiều ô nhỏ xếp sát nhau. Mỗi ô nhỏ là một tế bào. Điều đó chứng tỏ tất cả các cơ quan của thực vật đều cấu tạo bằng tế bào.

Hình dạng của tế bào thực vật rất khác nhau: hình nhiều cạnh như tế bào biểu bì vảy hành, hình trứng như tế bào thịt quả cà chua, hình chữ nhật như tế bào thịt lá, hình hạt đậu như tế bào lỗ khí... Ngay trong một cơ quan cũng có nhiều loại tế bào có hình dạng khác nhau như ở rễ cây có tế bào lông hút, tế bào biểu bì, tế bào thịt vỏ, tế bào mạch rây, tế bào mạch gỗ...

Kích thước của tế bào cũng rất khác nhau: phần lớn có kích thước nhỏ bé không thể nhìn bằng mắt thường được mà phải dùng kính hiển vi.

Ví dụ: Tế bào mô phân sinh ngọn có chiều dài khoảng 0,001 – 0,003mm, đường kính 0,001 – 0,003mm.

Nhưng cũng có những tế bào lớn, mắt thường có thể nhìn thấy được như tế bào sợi gai chiều dài có thể tới 550mm, đường kính tới 0,04mm; tế bào tép bưởi chiều dài có thể tới 45mm, đường kính tới 5,5mm...

Cấu tạo tế bào

Quan sát bất kì một tế bào thực vật nào dưới kính hiển vi đều thấy chúng có cấu tạo cơ bản giống nhau từ ngoài vào trong, gồm:

Vách tế bào làm cho tế bào có hình dạng nhất định, chỉ có ở tế bào thực vật.

Màng sinh chất bao bọc ngoài chất tế bào..

Chất tế bào là một chất keo lỏng, trong chứa các bào quan như lục lạp (chứa chất diệp lục ở tế bào thịt lá), tại đây diễn các hoạt động sống cơ bản của tế bào.

Nhân: thường chỉ có một nhân, cấu tạo phức tạp, có chức năng điều khiển mọi hoạt động sống của tế bào.

Ngoài ra, tế bào còn có không bào chứa dịch tế bào.

Hình I.1.

III - Sự lớn lên và phân chia của tế bào

Cơ thể thực vật được cấu tạo bởi các tế bào, lớn lên do sự tăng số lượng tế bào qua quá trình phân chia và tăng kích thước của từng tế bào do sự lớn lên của tế bào.

Sự lớn lên của tế bào

Các tế bào con là những tế bào non, mới hình thành, có kích thước bé; nhờ quá trình trao đổi chất mà lớn lên thành những tế bào trưởng thành.

Sự phân chia tế bào

Tế bào lớn lên đến một kích thước nhất định thì phân chia.

Quá trình phân chia tế bào diễn ra như sau:

Đầu tiên từ 1 nhân hình thành 2 nhân tách xa nhau.

Sau đó chất tế bào phân chia, xuất hiện một vách ngăn, ngăn đôi tế bào cũ thành 2 tế bào con.

Các tế bào con tiếp tục lớn lên cho đến khi bằng tế bào mẹ.

Nếu các tế bào này lại tiếp tục phân chia thì tạo thành 4, rồi thành 8 tế bào... và cứ tiếp tục như vậy.

Chỉ các tế bào thuộc mô phân sinh mới có khả năng phân chia tạo thành tế bào mới cho cơ thể thực vật.

Tế bào phân chia và lớn lên giúp cây sinh trưởng và phát triển.

Ta có thể tóm tắt sự lớn lên và phân chia của tế bào theo sơ đồ sau:

===========

Hình I.2

IV - Mô

Mô là nhóm tế bào có hình dạng, cấu tạo giống nhau, cùng thực hiện một chức năng riêng.

Ví dụ về một số loại mô thực vật:

Mô phân sinh: ở chồi ngọn, đầu rễ, trong trụ giữa hay phần vỏ của thân, rễ. Chỉ các tế bào của mô phân sinh mới có khả năng phân chia, phân hóa thành các bộ phận của cây. Nhờ mô phân sinh mà cây lớn lên, to ra.

Mô mềm: có ở khắp các bộ phận: vỏ, ruột của rễ và thân, thịt lá, thịt quả và hạt. Mô mềm gồm các tế bào sống có vách mỏng bằng xenlulôzơ. Chức năng chính là dự trữ (như trong rễ, quả, hạt).

Mô nâng đỡ (mô cơ): gồm những tế bào có vách dày lên gấp bội, có tác dụng chống đỡ cho các cơ quan và cho cây (như: sợi gỗ, sợi libe, các tế bào đá...).

Chương II. Rễ

Cơ quan sinh dưỡng của cây xanh gồm: rễ, thân, lá; chức năng chính là nuôi dưỡng cây.

Rễ cây giữ cho cây mọc được trên đất, hút nước và muối khoáng hòa tan.

Các loại rễ

Quan sát hình thái bên ngoài của các loại rễ, có thể chia rễ thành 2 loại:

Rễ cọc: gồm rễ cái to khỏe, đâm sâu xuống đất và nhiều rễ con mọc xiên. Từ các rễ con lại mọc ra nhiều rễ bé hơn nữa. Ví dụ: rễ các cây bưởi, cải, cao su, cây cà phê...

Rễ chùm: gồm nhiều rễ con dài gần bằng nhau thường mọc tỏa ra từ gốc thân thành một chùm. Ví dụ: rễ các cây ngô, lúa, cây hành, tỏi, cau...

Các miền của rễ

Rễ cây mọc trong đất gồm 4 miền.

Miền trưởng thành có các mạch dẫn, chức năng chính là dẫn truyền.

Miền hút có các lông hút, chức năng hấp thụ nước và muối khoáng.

Miền sinh trưởng là nơi tế bào phân chia làm cho rễ dài ra.

Miền chóp rễ là phần tận cùng của rễ có chức năng che chở cho đầu rễ.

* Lưu ý: rễ các cây mọc ở nước không có lông hút như: cây bèo tấm, bèo Nhật Bản (bèo tây, lục bình)... Do rễ mọc chìm dưới nước, nước được hấp thụ qua khắp bề mặt của rễ nên không có lông hút.

Cấu tạo miền hút của rễ

Miền hút là phần quan trọng nhất của rễ, giữ chức năng hút nước và muối khoáng hòa tan trong đất cung cấp cho cây.

Miền hút gồm 2 phần chính: vỏ và trụ giữa.

Vỏ là phần ngoài cùng của rễ. Vỏ gồm biểu bì ở phía ngoài, thịt vỏ ở phía trong.

Biểu bì gồm 1 lớp tế bào hình đa giác xếp sát nhau, có chức năng bảo vệ các bộ phận bên trong của rễ. Trên biểu bì có nhiều lông hút. Chiều dài mỗi lông hút khoảng 0,5mm; lông hút là tế bào biểu bì kéo dài, có chức năng hút nước và muối khoáng hòa tan.

Thịt vỏ gồm nhiều lớp tế bào có độ lớn khác nhau, chức năng chuyển các chất từ lông hút vào trụ giữa.

Trụ giữa gồm hai thành phần là các bó mạch và ruột.

Hình I.3.

Bó mạch: có hai loại mạch là mạch rây (gồm những tế bào có vách mỏng làm nhiệm vụ vận chuyển chất hữu cơ đi nuôi cây) và mạch gỗ (gồm những tế bào có vách dày hóa gỗ, không có chất tế bào, chức năng chuyển nước và muối khoáng từ rễ lên thân, lá).

Ruột gồm những tế bào có vách mỏng chứa chất dự trữ. Ruột là phần trong cùng của rễ.

Sự hút nước và muối khoáng của rễ

Nước và muối khoáng rất cần thiết cho đời sống của cây, nếu thiếu nước và muối khoáng thì mọi hoạt động sống của cây sẽ bị rối loạn, đình trệ.

Lưu ý: Khi trồng cây, nếu thiếu muối đạm cây sẽ phát triển kém, năng suất thấp. Nếu thiếu muối lân cây sẽ mềm yếu, đẻ nhánh kém, sinh trưởng của rễ kém; đối với cây ăn quả cho năng suất thấp, quả chín muộn. Nếu thiếu kali cây chậm lớn, mép lá cây thường quăn, lá màu vàng khô.

Những loại rau trồng ăn lá, thân (rau cải, cải bắp, su hào...) cần nhiều muối đạm. Những loại cây trồng lấy quả, hạt (lúa, ngô, đậu, cà chua...) cần nhiều muối đạm, muối lân. Những loại cây trồng lấy củ (khoai tây, khoai lang, cà rốt...) cần nhiều muối kali.

Ngoài những loại muối khoáng như: đạm, lân, kali, cây còn cần một lượng rất nhỏ các loại phân khác (gọi là phân vi lượng).

Nhu cầu nước và muối khoáng khác nhau đối với từng loại cây, các giai đoạn khác nhau trong chu kì sống của cây. Trong đời sống của cây, giai đoạn cây sinh trưởng mạnh như mọc cành, để nhánh, sắp ra hoa cần nhiều nước và muối khoáng.

Sự hút nước và muối khoáng của rễ: Quá trình hút nước và muối khoáng quan hệ mật thiết với nhau vì muối khoáng được hấp thụ vào rễ và vận chuyển trong cây là nhờ tan trong nước. Nước và muối khoáng hòa tan trong đất, được lông hút ở rễ hấp thụ chuyển qua vỏ tới mạch gỗ.

Những điều kiện bên ngoài ảnh hưởng đến sự hút nước và muối khoáng của cây: các loại đất khác nhau, thời tiết, khí hậu...

Vì vậy, để cây trồng sinh trưởng và phát triển tốt không những cần cung cấp đủ nước, muối khoáng mà còn phải tạo những điều kiện thuận lợi cho cây như: trồng đúng thời vụ, chống rét, chống úng cho cây... Tùy từng loại cây khác nhau mà chọn loại đất thích hợp.

Biến dạng của rễ

Chức năng chính của rễ là hút nước và muối khoáng hòa tan. Nhưng trong thực tế ở một số cây, rễ còn có những chức năng khác nữa nên hình dạng, cấu tạo của rễ thay đổi, làm rễ biến dạng. Sự biến dạng của rễ là sự thay đổi về hình dạng và cấu tạo để thực hiện những chức năng đặc biệt.

Có thể tóm tắt các loại rễ biến dạng, đặc điểm và chức năng của rễ biến dạng đối với cây trong bảng dưới đây:

Số TT

Tên rễ biến dạng

Tên cây

Đặc điểm của rễ biến dạng

Chức năng đối với cây

1

Rễ củ

Cải củ, cà rốt...

Rễ phình to.

Chứa chất dự trữ cho cây khi ra hoa, tạo quả.

2

Rễ móc

Trầu không, hồ tiêu, vạn niên thanh...

Rễ phụ mọc từ thân và cành trên mặt đất, móc vào trụ bám.

Giúp cây leo lên.

3

Rễ thở

Bụt mọc, mắm, bần...

Sống trong điều kiện thiếu không khí.

Rễ mọc ngược lên trên mặt đất.

Lấy ôxi cung cấp cho các phần rễ dưới đất.

4

Giác mút

Tơ hồng, tầm gửi...

Rễ biến đổi thành giác mút đâm vào thân hoặc cành của cây khác.

Lấy chất dinh dưỡng từ cây chủ cung cấp cho cây.

Chương III. Thân

Thân là một bộ phận cơ quan sinh dưỡng của cây, giữ chức năng vận chuyển các chất trong cây và nâng đỡ tán lá.

Cấu tạo ngoài của thân

Tất cả các loại thân đều giống nhau cơ bản về cấu tạo ngoài.

Các bộ phận của thân

Thân chính: mỗi cây thường có một thân chính, hướng thẳng đứng.

Thân chính thường hình trụ (mít, xoài, ổi) cũng có cây hình 3 cạnh (xương rồng ta) hay 4 cạnh (tía tô, bạc hà). Trên thân có các cành.

Cành: cành và thân đều gồm những bộ phận giống nhau (nên cành còn gọi là thân phụ).

Đỉnh thân chính và cành có chồi ngọn. Dọc thân và cành có lá, ở kẽ lá là chồi nách.

Chồi ngọn: nằm ở ngọn thân chính và đầu cành. Mô phân sinh ở đỉnh chồi ngọn giúp cho thân cây dài ra.

Chồi nách: nằm ở kẽ lá (nách lá). Mô phân sinh ở đỉnh chồi nách giúp cho cành cây dài ra. Chồi nách gồm 2 loại: chồi hoa và chồi lá. Chồi lá phát triển thành lá hoặc cành mang lá. Chồi hoa phát triển thành cành mang hoa hoặc hoa.

Hình I.4

Các loại thân: tùy theo vị trí của thân trên mặt đất mà chia thân làm 3 loại:

Thân đứng, có 3 dạng:

Thân gỗ: cứng, cao, có phân cành (bưởi, ổi, cao su, bạch đàn, lim...)

Thân cột: cứng, cao, không phân cành (dừa, cau...)

Thân cỏ: mềm, yếu, thấp (đậu, rau cải, lúa, ngô, cỏ...)

Thân leo: leo bằng nhiều cách như bằng thân quấn (mồng tơi, bìm bìm, đậu ván,...), bằng tua cuốn (bầu, bí, mướp, đậu Hà Lan, chanh leo...).

Thân bò: mềm yếu, bò lan sát đất (rau má, dưa hấu, dâu tây, chua me đất, rau muống...)

Sự dài ra của thân

Thân cây dài ra do phần ngọn. Mô phân sinh ngọn gồm một nhóm tế bào có khả năng phân chia làm cho thân, cành dài ra.

Sự dài ra của thân các loại cây rất khác nhau.

Cây thân cỏ, nhất là thân leo (như mồng tơi, mướp, bí...) dài ra rất nhanh.

Cây thân gỗ lớn chậm hơn, nhưng sống lâu năm nên nhiều cây cao, to như bạch đàn, chò, lim...

Cây trưởng thành khi bấm ngọn sẽ phát triển nhiều chồi, hoa, quả; còn khi tỉa cành, cây tập trung phát triển chiều cao.

Giải thích hiện tượng thực tế:

Khi trồng đậu, bông, cà phê trước khi cây ra hoa kết trái, người ta thường ngắt ngọn.

Trồng cây lấy gỗ (bạch đàn, lim), lấy sợi (gai, đay), người ta thường tỉa cành xấu, cành bị sâu mà không bấm ngọn.

Vì vậy, để tăng năng suất cây trồng, tùy từng loại cây mà bấm ngọn hoặc tỉa cành vào những giai đoạn thích hợp.

* Lưu ý

Đối với những cây thuộc họ Lúa (cỏ, lúa, tre, nứa, mía...), ngoài mô phân sinh ngọn còn có mô phân sinh gióng ở gốc các gióng, có khả năng phân chia làm cho cây dài ra nhanh.

Cấu tạo trong của thân

Đối với những cây Hai lá mầm, cấu tạo phần thân non và phần thân già (trưởng thành) khác nhau.

Cấu tạo trong của phần thân non: ở tất cả các loại cây phần thân non nằm ở ngọn thân và ngọn cành. Phần này thường có màu xanh lục. Cấu tạo trong của thân non gồm 2 phần chính: vỏ và trụ giữa. Vỏ gồm biểu bì và thịt vỏ; trụ giữa gồm các bó mạch xếp thành vòng (mỗi bó mạch có mạch rây ở ngoài, mạch gỗ ở trong) và ruột.

Hình I.5.

Cấu tạo trong và chức năng các bộ phận của thân non

Các bộ phận của thân non

Cấu tạo từng bộ phận

Chức năng của từng bộ phận

Vỏ

Biểu bì

Gồm 1 lớp tế bào trong suốt, xếp sít nhau.

Bảo vệ cho các phần bên trong của thân.

Thịt vỏ

Gồm nhiều lớp tế bào lớn hơn tế bào biểu bì.

Một số tế bào chứa diệp lục có màu lục.

Tham gia vào quá trình quang hợp tạo chất hữu cơ nuôi cây.

Trụ giữa

Một vòng bó mạch

Mạch rây: gồm những tế bào sống, vách mỏng.

Vận chuyển chất hữu cơ do lá chế tạo.

Mạch gỗ: gồm những tế bào có vách dày hóa gỗ, không có chất tế bào.

Vận chuyển nước và muối khoáng.

Ruột

Gồm những tế bào có vách mỏng.

Dự trữ.

Cấu tạo trong của phần thân trưởng thành gồm vỏ, trụ giữa và ruột. Thân cây to ra do sự phân chia các tế bào mô phân sinh:

Tầng sinh vỏ nằm trong lớp thịt vỏ, hằng năm sinh ra phía ngoài một lớp tế bào vỏ và phía trong một lớp thịt vỏ.

Tầng sinh trụ nằm giữa mạch rây và mạch gỗ, hằng năm sinh ra phía ngoài một lớp mạch rây, phía trong một lớp mạch gỗ.

Hình I.6

Để so sánh cấu tạo và chức năng các bộ phận của phần thân non và phần thân trưởng thành, ta có thể tóm tắt trong bảng sau:

Hầu hết các cây Một lá mầm (lúa, ngô, cỏ...) và các cây Hai lá mầm thân cỏ sống 1 năm (đậu, vừng, cải...) sau một thời gian sinh trưởng không lớn lên được vì không có tần sinh vỏ và tầng sinh trụ.

Thân cây Một lá mầm không phân biệt vỏ và trụ giữa, các bó mạch xếp lộn xộn trong thân.

Vòng gỗ hằng năm: Khi quan sát một cây gỗ vừa bị đốn xuống, ta sẽ nhìn thấy nhiều vòng đồng tâm hiện trên mặt cắt ngang của thân cây. Đó là những vòng gỗ hằng năm, đếm số vòng gỗ có thể xác định được tuổi của cây.

Dác và ròng: cưa ngang một thân cây gỗ già, thấy rõ 2 miền gỗ khác nhau:

Dác là lớp gỗ màu sáng ở phía ngoài gồm những tế bào mạch gỗ sống, có chức năng vận chuyển nước và muối khoáng.

Ròng là một lớp gỗ màu thẫm, rắn chắc hơn dác, nằm phía trong, gồm những tế bào chết, vách dày, có chức năng nâng đỡ cây.

Hình I.7.

Sự vận chuyển các chất trong thân

Vận chuyển nước và muối khoáng hòa tan: Nước và muối khoáng hòa tan được vận chuyển từ rễ lên thân nhờ mạch gỗ.

Vận chuyển chất hữu cơ: Các chất hữu cơ trong cây được vận chuyển nhờ mạch rây.

ứng dụng thực tế: Để nhân giống nhanh cây ăn quả như: cam, bưởi, nhãn, vải, hồng xiêm... nhân dân ta thường dùng phương pháp chiết cành.

Biến dạng của thân

Chức năng chính của thân là vận chuyển các chất trong cây và nâng đỡ tán lá, nhưng cũng có một số loại thân biến dạng làm các chức năng khác của cây.

Có thể tóm tắt các loại thân biến dạng, đặc điểm và chức năng của thân biến dạng trong bảng dưới đây:

Tên thân biến dạng

Đặc điểm của thân biến dạng

Chức năng đối với cây

Ví dụ

1. Thân củ

Thân củ nằm trên mặt đất.

Thân củ nằm dưới mặt đất.

Dự trữ chất dinh dưỡng dùng khi ra hoa.

Củ su hào.

Củ khoai tây

2. Thân rễ

Nằm trong đất.

Lá vảy không có màu xanh.

Dự trữ chất dinh dưỡng dùng khi mọc chồi, ra hoa.

Củ gừng, củ nghệ, cỏ tranh, củ dong ta

3. Thân mọng nước

Thân chứa nhiều chất lỏng. Thân có màu xanh

Dự trữ nước.

Quang hợp.

Xương rồng 3 cạnh, cành giao, sừng hươu...

Chương IV. Lá

Lá là một bộ phận cơ quan sinh dưỡng của cây.

Đặc điểm bên ngoài của lá

Các phần của lá

Quan sát lá một số loại cây, ta thấy lá gồm có phiến và cuống, trên phiến lá có nhiều gân lá.

Phiến lá màu lục, dạng bản dẹt, hình dạng và kích thước phiến lá của các loại cây khác nhau thì khác nhau; diện tích bề mặt của phiến lá lớn hơn so với cuống lá. Nhờ những đặc điểm đó giúp phiến lá hứng được nhiều ánh sáng, thực hiện chức năng chế tạo chất hữu cơ nuôi cây.

Gân lá.

Lật mặt dưới của lá sẽ nhìn rõ các gân lá. Có 3 kiểu gân chính: gân hình mạng (gai, ổi, mít, đa, cải...), gân song song (rẻ quạt, lúa, mía, tre, cỏ tranh...) và gân hình cung (địa liền, bèo Nhật Bản, thài lài tía...)

Các dạng lá

Căn cứ vào hình dạng của phiến lá, người ta phân lá thành 2 loại chính: lá đơn và lá kép.

Lá đơn có cuống nằm ngay dưới chồi nách, mỗi cuống chỉ mang một phiến lá, cả cuống và phiến rụng cùng một lúc. Ví dụ: mồng tơi, ổi, đa...

Lá kép có cuống chính phân nhánh thành nhiều cuống con, mỗi cuống con mang một phiến lá nhỏ (gọi là lá chét) chồi nách chỉ có ở phía trên cuống chính, ở cuống con không có chồi nách. Thường thì lá chét rụng trước, cuống chính rụng sau. Ví dụ: hoa hồng, khế, phượng vĩ...

Các kiểu xếp lá trên thân và cành

Lá xếp trên cây theo 3 kiểu: mọc cách, mọc đối, mọc vòng. Lá trên các mấu thân xếp so le nhau giúp lá nhận được nhiều ánh sáng.

Lá mọc cách: mỗi mấu của thân hay cành chỉ mang 1 lá. Ví dụ: lá các cây bưởi, dâm bụt, mồng tơi, khoai lang...

Lá mọc đối: mỗi mấu của thân hay cành mang 2 lá ở vị trí đối nhau. Ví dụ: lá các cây dừa cạn, ổi, gioi, bạc hà...

Lá mọc vòng: ở mỗi mấu lá mang 3 lá trở lên. Ví dụ: ở mỗi mấu lá của cây trúc đào có 3, cây dây huỳnh có 4, cây hoa sữa có từ 5 đến 8 lá.

Cấu tạo trong của phiến lá

Cấu tạo của phiến lá gồm 3 phần: biểu bì bao bọc bên ngoài, thịt lá ở bên trong, các gân lá xen giữa phần thịt lá.

Hình I.8

Biểu bì

Biểu bì được cấu tạo bởi một tế bào không màu, trong suốt giúp cho ánh sáng xuyên vào trong lá. Các tế bào biểu bì không chứa lục lạp, xếp sát nhau, vách phía ngoài dày có chức năng bảo vệ lá. Biểu bì có ở cả 2 mặt của phiến lá. Trên biểu bì có những lỗ khí.

Lỗ khí thường tập trung ở mặt dưới lá, mặt trên lá hầu như không có hoặc có rất ít. Lỗ khí gồm 2 tế bào hình hạt đậu, úp phần lõm vào nhau để hở một khe nhỏ. Khi trời nắng to, lỗ khí đóng tránh sự thoát hơi nước, sự trao đổi khí tạm ngừng. Khi trời râm mát hoặc ban đêm, lỗ khí mở, lá thực hiện sự trao đổi khí với môi trường.

Nhờ hoạt động đóng, mở này mà lỗ khí thực hiện được sự trao đổi khí giữa cây với môi trường và thoát hơi nước.

Thịt lá

Thịt lá gồm một số lớp tế bào có vách mỏng, chức nhiều lục lạp làm chức năng chế tạo chất hữu cơ cho cây.

Các tế bào thịt lá chia thành các lớp khác nhau về cấu tạo và chức năng:

Lớp tế bào thịt lá sát với biểu bì mặt trên thường dài, xếp sát nhau, chứa nhiều lục lạp. Chức năng chính là chế tạo chất hữu cơ.

Lớp tế bào thịt lá sát với biểu bì mặt dưới có hình đa giác hoặc hình gần tròn, xếp thưa nhau, để hở nhiều khoang chứa không khí, chứa ít lục lạp. Chức năng chính là chứa và trao đổi khí.

Lục lạp chính là bộ phận thu nhận ánh sáng để chế tạo chất hữu cơ cho cây. Chúng chỉ được tạo thành khi có đủ ánh sáng, vì vậy nếu trồng cây ở chỗ thiếu ánh sáng, lá sẽ vàng dần, sau một thời gian cây có thể chết.

Gân lá

Gân lá chính là các bó mạch nằm xen giữa phần thịt lá, gồm 2 loại mạch:

Mạch gỗ chuyển nước và muối khoáng hòa tan từ rễ qua thân lên lá.

Mạch rây chuyển các chất hữu cơ do lá chế tạo tới các bộ phận khác của cây.

Quang hợp

Cây xanh có khả năng chế tạo chất hữu cơ là do lá có nhiều lục lạp. Bằng thí nghiệm ta có thể xác định được:

Lá chỉ chế tạo được tinh bột khi có ánh sáng.

Chất khí được tạo ra trong quá trình lá chế tạo tinh bột là khí ôxi.

Không có khí cacbônic lá không thể chế tạo được tinh bột.

Khái niệm về quang hợp

Quang hợp là quá trình lá cây nhờ có chất diệp lục, sử dụng nước, khí cacbônic và năng lượng ánh sáng mặt trời chế tạo ra tinh bột và nhả khí ôxi.

Có thể tóm tắt bằng sơ đồ: ….

Từ tinh bột cùng với các muối khoáng hòa tan, lá cây còn chế tạo được nhiều loại chất hữu cơ khác cần thiết cho cây.

Các điều kiện bên ngoài ảnh hưởng đến quang hợp

ánh sáng cần thiết cho quang hợp nhưng yêu cầu về ánh sáng của các loại cây không giống nhau. Những cây ưa sáng là những cây ưa sống ở nơi có ánh sáng mạnh như: cỏ tranh, ngô, lúa, phi lao... Những cây ưa bóng là những cây ưa sống ở nơi có bóng râm như: lá lốt, trầu không, hoàng tinh...

Nước là thành phần chiềm nhiều nhất trong cây, là nguyên liệu cần cho cây quang hợp, là phương tiện vận chuyển các chất trong cây và tham gia điều hòa nhiệt độ của cây. Thiếu hoặc thừa nước, quá trình quang hợp của cây đều gặp khó khăn.

Khí cacbônic: Trong không khí hàm lượng khí cacbônic là 0,03%, với hàm lượng này quá trình quang hợp của cây diễn ra bình thường. Khi hàm lượng khí cacbônic tăng lên gấp rưỡi hoặc gấp đôi thì sản phẩm quang hợp tăng lên, nhưng nếu tăng lên tới 0,2% thì cây sẽ bị đầu độc chết.

Khi không có khí cacbônic, quá trình quang hợp của cây không xảy ra.

Nhiệt độ: Quang hợp chỉ diễn ra bình thường ở nhiệt độ trung bình từ 20°C - 30°C. Nhiệt độ cao (40°C) hoặc thấp quá (0°C) đều ảnh hưởng đến quá trình quang hợp. Vì vậy, trong trồng trọt cần chống nóng, chống rét cho cây, không trồng cây với mật độ quá dày, phải trồng cây đúng thời vụ thì mới cho năng suất cao.

ý nghĩa của quang hợp

Chế tạo chất hữu cơ: Quang hợp là quá trình cung cấp chủ yếu chất hữu cơ cho hầu hết sinh vật trên Trái Đất kể cả con người.

Điều hòa không khí: Hầu hết các loài sinh vật và cả con người khi hô hấp đều lấy ôxi do cây xanh thải ra khi quang hợp. Khi quang hợp, cây xanh lấy vào khí cacbônic do quá trình hô hấp của các sinh vật thải ra, nên đã góp phần điều hòa không khí.

Chất hữu cơ do cây xanh chế tạo đã cung cấp nhiều loại sản phẩm cho con người như: lương thực, thực phẩm, dược phẩm, nguyên liệu cho xây dựng...

Hô hấp của cây

Các thí nghiệm chứng minh hiện tượng hô hấp ở cây đã cho thấy:

Khi không có ánh sáng, cây thải ra nhiều khí cacbônic.

Trong quá trình hô hấp, cây lấy ôxi trong không khí.

Các đặc điểm của quá trình hô hấp ở cây:

Hô hấp là quá trình cây lấy khí ôxi để phân giải các chất hữu cơ, sản sinh ra năng lượng cần cho các hoạt động sống, đồng thời thải ra khí cacbônic và hơi nước.

Quá trình hô hấp được tóm tắt bằng sơ đồ sau:

Chất hữu cơ + Khí ôxi -----------> Năng lượng + Khí cacbônic + Hơi nước

Cây hô hấp suốt ngày đêm. Tất cả các cơ quan của cây (rễ, thân, lá, hoa, quả, hạt) đều tham gia hô hấp và trao đổi khí trực tiếp với môi trường bên ngoài.

Phải làm cho đất thoáng tạo điều kiện thuận lợi cho hạt mới gieo và rễ hô hấp tốt để góp phần nâng cao năng suất cây trồng.

Hô hấp và quang hợp là 2 quá trình trái ngược nhau vì sản phẩm của quang hợp (chất hữu cơ và ôxi) là nguyên liệu của hô hấp và ngược lại sản phẩm của hô hấp (hơi nước và khí cacbônic) là nguyên liệu cho quang hợp. Tuy nhiên, hô hấp và quang hợp có quan hệ chặt chẽ với nhau vì hô hấp cần chất hữu cơ do quang hợp chế tạo, quang hợp lại cần năng lượng do hô hấp cung cấp.

Cả hô hấp và quang hợp đều cần thiết cho cây, nếu thiếu một trong 2 quá trình đó cây sẽ chết.

Sự thoát hơi nước ở lá

Cây cần nước để quang hợp và sử dụng cho một số hoạt động khác nên rễ cây phải hút rất nhiều nước để cung cấp cho cây. Nhưng trong thực tế cây chỉ giữ lại một lượng nước rất nhỏ, còn phần lớn nước vào cây đã được thải ra ngoài qua lỗ khí ở lá.

ý nghĩa sự thoát hơi nước qua lá:

Sự thoát hơi nước tạo ra sức hút làm cho nước và muối khoáng hòa tan vận chuyển được từ rễ lên lá. Ngoài ra, sự thoát hơi nước còn có tác dụng là cho lá được dịu mát khi trời nắng gắt và giữ cho lá khỏi bị đốt nóng.

ảnh hưởng của các điều kiện bên ngoài đến sự thoát hơi nước của lá:

Sự thoát hơi nước của lá phụ thuộc vào những điều kiện khác nhau của môi trường như độ ẩm, ánh sáng, nhiệt độ, gió...

*Liên hệ thực tế: Khi đánh cây đi trồng, phải chọn ngày râm mát, phải tỉa bớt lá hoặc cắt bớt ngọn (mạ) nhằm làm giảm sự thoát hơi nước qua lá trong thời kì đầu cây chưa bén rễ.

Có thể tóm tắt các hoạt động chức năng của lá trong bảng dưới đây.

Hoạt động

Hiện tượng

Thời gian xảy ra

Vai trò

ảnh hưởng của điều kiện ngoại cảnh

Quang hợp

Lục lạp trong tế bào thịt lá thu nhận năng lượng ánh sáng, sử dụng nước và khí cacbônic để chế tạo tinh bột và nhả khí ôxi

Ban ngày

Tạo chất hữu cơ nuôi cây và bản thân thực vật lại là thức ăn cho động vật và người.

Cung cấp khí ôxi cho hô hấp của các sinh vật khác.

ánh sáng, khí cacbônic, nhiệt độ

Hô hấp

Cây hấp thụ khí ôxi, phân giải chất hữu cơ sản sinh ra năng lượng, đồng thời thải khí cacbônic và hơi nước

Cả ngày và đêm

Tạo năng lượng cho hoạt động sống của cây.

Làm tăng lượng khí cacbônic trong không khí (nhất là ban đêm)

Nhiệt độ thích hợp (25-30°C).

Lượng khí ôxi và khí cacbônic trong không khí.

Thoát hơi nước

Rễ hút nước vào cây, phần lớn nước được thải ra ngoài qua lá.

Chủ yếu về ban ngày.

Làm cho lá không bị đốt nóng dưới ánh sáng mặt trời.

Tạo sức hút giúp cây vận chuyển nước từ rễ lên lá.

Thoát hơi nước tăng khi nhiệt độ cao, khi độ ẩm giảm, khi ánh sáng mạnh, khi gió mạnh.

Biến dạng của lá

Chức năng chính của lá là chế tạo chất dinh dưỡng cho cây. Nhưng ở một số cây lá đã bị biến dạng thực hiện những chức năng khác.

Ta có thể tóm tắt các loại lá biến dạng, chức năng, đặc điểm hình thái của lá biến dạng trong bảng dưới đây:

STT

Tên lá biến dạng

Đặc điểm hình thái của lá biến dạng

Chức năng

Ví dụ

1

Lá biến thành gai

Lá có dạng gai nhọn.

Làm giảm sự thoát hơi nước, bảo vệ

Xương rồng

2

Tua cuốn

Lá có dạng tua cuốn.

Giúp cây leo lên cao.

Lá đậu Hà Lan

Lá cây chanh leo

3

Tay móc

Lá ngọn có dạng tay có móc.

Giúp cây bám để leo lên cao.

Lá cây mây

4

Lá vảy

Lá phủ trên thân rễ, có dạng vảy mỏng, màu nâu nhạt hay vàng nhạt.

Che chở, bảo vệ cho chồi của thân rễ.

Củ dong ta.

5

Lá dự trữ

Bẹ lá phình to thành vảy dày, màu trắng.

Chứa chất dự trữ cho cây.

Cây hành

6

Lá bắt mồi

Trên lá có nhiều lông tuyến tiết chất dính, có tác dụng sâu bọ.

Gân lá phát triển thành bình có nắp đậy, thành bình có tuyến tiết chất dịch thu hút và tiêu hóa được sâu bọ.

Bắt và tiêu hóa sâu bọ để cung cấp chất dinh dưỡng cho cây.

Cây bèo đất

Cây nắp ấm

Chương V. SINH SẢN SINH DƯỠNG

Thế nào là sinh sản sinh dưỡng?

Sự hình thành cá thể mới hay cây mới được thực hiện từ một phần của cơ thể mẹ hoặc từ cơ quan sinh dưỡng của cơ thể mẹ (rễ, thân, lá) được gọi là sự sinh sản sinh dưỡng.

Cơ sở của sinh sản sinh dưỡng là khả năng phân chia, phân hóa của các tế bào; các bộ phận sinh dưỡng mọc rễ phụ và chồi non rồi phát triển thành cây mới.

Người ta phân biệt 2 hình thức: sinh sản sinh dưỡng tự nhiên và sinh sản sinh dưỡng do người.

Sinh sản sinh dưỡng tự nhiên

Đối với những cây có hoa sự sinh sản sinh dưỡng được thực hiện bằng nhiều cách:

Bằng thân hay biến dạng của thân. Ví dụ:

Cây rau má, cây dâu tây có dạng thân bò, từ mỗi đốt thân mọc bò trên mặt đất sẽ sinh rễ và mọc thành cây mới.

Cây cỏ tranh, cây củ gấu có thân rễ hình củ, từ đó mọc rễ rồi phát triển thành cây mới. Nhiều loại cây khác có thân rễ như gừng, riềng, các loại cỏ... cũng rất phổ biến hình thức sinh sản sinh dưỡng.

Từ củ khoai tây (thân biến dạng) có thể mọc chồi rồi phát triển thành cây con.

Bằng rễ hay biến dạng của rễ: Rễ một số cây có khả năng mọc ra chồi con đâm lên khỏi mặt đất, từ đó lại ra rễ và phát triển thành cây mới. Ví dụ: rễ cây ngấy, rễ củ cây khoai lang.

Bằng lá: Ví dụ: lá cây thuốc bỏng, cây sống đời,... khi rụng xuống đất hoặc gặp điều kiện ẩm thì từ mép lá mọc ra những chồi con rồi phát triển thành cây mới.

Hình I.9

Sinh sản sinh dưỡng do người

Đây là hình thức sinh sản do con người thực hiện trên các bộ phận cơ quan sinh dưỡng, dựa vào khả năng tái sinh của cây. Có các cách sau:

Giâm cành: Cắt một đoạn cành có đủ mắt, đủ chồi rồi đem cắm xuống đất ẩm cho cành đó bén rễ, phát triển thành cây mới. Ví dụ: đối với mía, sắn, dâu tằm hay khoai lang (trồng từ dây khoai)...

Chiết cành: Tạo điều kiện cho cành ra rễ ngay trên cây rồi cắt cành đó đem trồng thành cây mới. Các bước tiến hành:

Bóc một khoanh vỏ xung quanh cành rồi bó đất bùn lại.

Tưới nước thường xuyên để rễ đâm ra.

Tách cành khỏi cây mẹ và đem trồng.

Cách này thường được áp dụng với chanh, cam, bưởi, hồng, nhãn, vải...

Ghép cây(hay ghép cành): Đem cành (gọi là cành ghép) hoặc chồi (chồi ghép, mắt ghép) của cây này đem ghép vào cây khác cùng loài (gọi là gốc ghép) để cho cành hoặc mắt ghép tiếp tục phát triển.

Nhân giống vô tính trong ống nghiệm (hay còn gọi là nuôi cấy mô): Đây là quá trình tách một nhóm tế bào ra khỏi cơ thể mẹ, đem nuôi cấy trong môi trường dinh dưỡng đặc biệt để tạo thành mô non rồi cho phát triển thành cây mới. Nhờ phương pháp nuôi cấy mô, người ta có thể tạo được rất nhiều cây con giống hệt cây mẹ từ một số rất ít nguyên liệu giống ban đầu. Do đó, tiết kiệm được cả vật giống và thời gian gây giống.

í nghĩa của sinh sản sinh dưỡng

Giúp cây có thể bảo tồn nòi giống trong những điều kiện khó khăn khi sinh sản hữu tính không thực hiện được. Trong sự sinh sản sinh dưỡng, những đặc tính của cây mẹ đều được truyền lại cho các thế hệ con cháu, trong khi đó nhiều đặc tính có giá trị của loài có thể bị mất đi trong sinh sản bằng hạt.

Trong trồng trọt, đặc biệt trồng cây ăn quả và trồng hoa, sinh sản sinh dưỡng được ứng dụng rộng rãi để nhân giống cây nhanh, chóng ra nhiều hoa quả, duy trì những ưu điểm của cây mẹ hoặc kết hợp được nhiều đặc tính mong muốn trong ghép cây.

Chương VI. Hoa và sinh sản hữu tính

Sinh sản hữu tính là một hiện tượng rất phổ biến ở mọi sinh vật nói chung và thực vật nói riêng để bảo tồn và phát triển nòi giống. Sự sinh sản này được thực hiện nhờ các yếu tố (hay tế bào) sinh sản nằm trong cơ quan sinh sản. Với thực vật có hoa thì hoa chính là cơ quan sinh sản, có cấu tạo phức tạp nhất trong các nhóm thực vật.

Cấu tạo của hoa

Quan sát hình sau đây ta sẽ nắm được cấu tạo của hoa gồm những bộ phận nào và chức năng của chúng (hình I.10):

Hình I.10

Như vậy, có thể tóm tắt một hoa đầy đủ gồm:

Bộ phận bảo vệ:

Đài với các lá đài

Tràng với các cánh hoa

Bộ phận sinh sản:

Nhị gồm 1 đến nhiều nhị. Mỗi nhị gồm:

Bao phấn (trong chứa các hạt phấn với tế bào sinh dục đực).

Chỉ nhị (chỗ đính của bao phấn).

Nhụy gồm:

Đầu nhụy (nơi đầu tiên tiếp nhận hạt phấn).

Vòi nhụy (ống dẫn đưa hạt phấn vào trong bầu).

Bầu nhụy (trong chứa noãn với tế bào sinh dục cái).

Các loại hoa

Trong tự nhiên, các hoa rất khác nhau ở từng bộ phận của hoa (đài, tràng, nhị, nhụy). Điều đặc biệt nữa là không phải tất cả các hoa đều có đầy đủ các thành phần như đã nêu trên. Từ đó có sự phân biệt các loại hoa:

Theo bộ phận sinh sản: có 2 loại:

Hoa lưỡng tính: có đầy đủ nhị và nhụy.

Hoa đơn tính: chỉ có 1 trong 2 thành phần nhị hoặc nhụy (hoa đực: chỉ có nhị, hoa cái: chỉ có nhụy).

Theo tính chất của cánh hoa

Hoa có cánh rời. Ví dụ: hoa bưởi, hoa cải, hoa dâm bụt...

Hoa có cánh dính. Ví dụ: hoa bí ngô, hoa khoai lang, rau muống, bìm bìm...

Theo cách xếp hoa trên cây

Hoa mọc đơn độc. Ví dụ: hoa dâm bụt, hoa hồng...

Hoa mọc thành cụm. Ví dụ: hoa cải, hoa muồng...

Sự thụ phấn của hoa

Thụ phấn là hiện tượng hạt phấn tiếp xúc với đầu nhụy của hoa. Có 2 kiểu thụ phấn: tự thụ phấn và giao phấn (thụ phấn chéo).

Hoa tự thụ phấn

Hoa có hạt phấn rơi vào chính đầu nhụy của hoa đó gọi là hoa tự thụ phấn.

Đặc điểm của hoa tự thụ phấn:

Hoa lưỡng tính.

Có nhị và nhụy chín đồng thời.

Hoa giao phấn

Những hoa có hạt phấn được chuyển đến đầu nhụy của hoa khác (hoặc nhận hạt phấn từ hoa khác) gọi là hoa giao phấn.

Đặc điểm của hoa giao phấn:

Hoa có thể lưỡng tính hoặc đơn tính.

Có nhị và nhụy không chín đồng thời.

Hạt phấn được chuyển từ hoa này sang hoa khác nhờ các yếu tố bên ngoài như: động vật (chủ yếu là côn trùng, đôi khi là một số chim nhỏ), gió, dòng nước.

* Đặc điểm của hoa thụ phấn nhờ sâu bọ:

Hoa thường có màu sặc sỡ (chủ yếu do cánh hoa, nhưng đôi khi cũng do đài hay lá bắc).

Có hương thơm và mật ngọt quyến rũ sâu bọ.

Hạt phấn thường to và có gai, đầu nhụy có chất dính.

* Đặc điểm của hoa thụ phấn nhờ gió:

Hoa thường nhỏ, tập trung ở ngọn cây, ít khi có màu đẹp.

Bao hoa thường tiêu giảm.

Chỉ nhị dài, bao phấn treo lủng lẳng dễ đung đưa trước gió.

Hạt phấn rất nhiều, nhỏ và nhẹ.

Đầu nhụy dài, tăng diện tiếp xúc, đôi khi có thêm chùm lông có tác dụng quét hạt phấn.

ỉng dụng về sự thụ phấn

Trong thực tế, sự thụ phấn, nhất là sự giao phấn đôi khi gặp khó khăn vì các tác nhân truyền phấn (gió, sâu bọ) có thể không giúp có hiệu quả trong việc truyền hạt phấn (ví dụ: gió mạnh quá, hoặc thiếu sâu bọ trong môi trường). Trong những trường hợp đó, để giúp cho sự thụ phấn của hoa được thực hiện dễ dàng và đạt hiệu quả cao, con người có thể chủ động thụ phấn bổ sung cho hoa.

Sự thụ tinh và hình thành hạt, quả

Sự thụ tinh là giai đoạn tiếp theo của sự thụ phấn. Kết quả của sự thụ tinh là sự hình thành hạt và quả.

Sự thụ tinh: trải qua các bước:

Sự nảy mầm của hạt phấn, kết quả tạo thành tế bào sinh dục đực (tinh trùng) và ống phấn có vai trò đưa tinh trùng vào gặp tế bào sinh dục cái (noãn cầu) ở trong noãn.

Sự kết hợp của tinh trùng và noãn cầu thành hợp tử, từ đó phát triển thành phôi.

Sự sinh sản có hiện tượng thụ tinh là sinh sản hữu tính.

Sự tạo thành hạt và quả

Sau khi thụ tinh, noãn có những biến đổi: hợp tử phân chia rất nhanh và phát triển thành phôi, vỏ noãn thành vỏ hạt, phần còn lại của noãn phát triển thành bộ phận chứa chất dự trữ của hạt (phôi nhũ) và toàn bộ noãn như vậy biến đổi thành hạt. Đồng thời, bầu nhụy cũng biến đổi thành quả chứa hạt, vách bầu biến đổi thành vỏ quả. Những bộ phận khác của hoa héo dần rồi rụng đi. Tuy nhiên, một số quả vẫn còn mang đài hoa (ví dụ như: cà, cà chua, hồng) hay vòi nhụy (ví dụ như chuối, ngô). Có khi đài còn phát triển thành những bộ phận phát tán như cánh (quả chò) hay lông (quả các cây họ Cúc).

Chương VII. Quả và hạt

Hạt và các loại hạt

Cấu tạo hạt: theo trên, mỗi hạt cấu tạo gồm các bộ phận sau: vỏ hạt (chức năng che chở bảo vệ), phôi (sau phát triển thành cây con) và phôi nhũ chứa chất dinh dưỡng dự trữ (nuôi phôi phát triển). Phôi gồm: rễ mầm, thân mầm, chồi mầm và lá mầm.

Có một số hạt, trong quá trình phát triển, phôi nhũ sớm tiêu biến hoặc không có; trong trường hợp này chất dinh dưỡng dự trữ lại tập trung trong lá mầm (ví dụ ở hạt đậu).

Các loại hạt: tùy theo số lá mầm trong hạt và sự có mặt của phôi nhũ hay không, người ta phân biệt các loại hạt sau đây:

Hạt hai lá mầm: phôi của hạt mang 2 lá mầm. Ví dụ: hạt bưởi, hạt các loại đậu, hạt hồng...

Hạt một lá mầm: phôi của hạt mang 1 lá mầm. Ví dụ: hạt ngô, hạt lúa, hạt kê...

Từ đặc điểm khác nhau đó người ta phân biệt hai nhóm cây: cây Hai lá mầm và cây Một lá mầm.

Quả và các loại quả

Quả gồm vỏ quả (do vách bầu biến đổi thành) bên trong chứa hạt.

Các loại quả: tùy theo đặc điểm của vỏ quả và khả năng có tự mở hay không khi quả chín, người ta phân biệt các nhóm quả sau:

Nhóm quả khô khi chín vỏ quả khô cứng và mỏng. Trong nhóm này lại phân biệt thành 2 loại: quả khô có mở (nẻ), ví dụ quả đậu đen, quả cải; quả khô không mở (nẻ), như quả chò, quả cây rau mùi.

Nhóm quả thịt khi chín vỏ quả mềm dày nạc, chứa nhiều thịt quả. Ví dụ: quả chuối, quả ổi... Trong nhóm này lại phân biệt thành 2 loại tùy theo hạt có được bọc trong lớp vỏ cứng hay không: quả mọng như các quả cam, chanh, cà chua...; quả hạch có hạt được bọc trong 1 lớp vỏ cứng (như các quả mận, mơ, đào...).

Sự phát tán của quả và hạt

Quả và hạt có nhiều hình thức phát tán.

Tự phát tán

Phát tán nhờ gió

Phát tán nhờ động vật

Đặc điểm của quả, hạt, thích nghi với cách phát tán.

Quả khô. Khi chín, các mảnh vỏ vặn xoắn hoặc bật ra làm hạt bắn đi.

Quả, hạt có cánh hoặc có lông, nhỏ, nhẹ.

Quả có gai móc, có lông cứng.

Thịt quả nạc, thơm ngọt, làm thức ăn cho động vật.

Ví dụ

Quả đậu, quả rau sam

Quả chò, quả cúc

Quả ké đầu ngựa, quả cỏ may, quả cây xấu hổ.

Quả vả, quả sim...

Những điều kiện cần thiết cho sự nảy mầm của hạt

Hạt muốn nảy mầm được, ngoài chất lượng hạt tốt, còn cần những điều kiện bên ngoài như:

Đủ độ ẩm: hạt hút nước, trương lên sẽ tạo điều kiện cho hạt chuyển hóa và nảy mầm được.

Thoáng khí: khi hạt nảy mầm vẫn hô hấp, nếu thiếu không khí hạt sẽ chết, không nảy mầm được.

Nhiệt độ thích hợp: mỗi loại hạt cần một nhiệt độ thích hợp, giúp hạt hút được nước cần cho việc chuyển hóa các chất và cây mầm phát triển tốt. Nhiệt độ quá thấp hoặc quá cao hạt cũng không nảy mầm được.

Do đó, khi gieo hạt phải làm đất tơi xốp, phải chăm sóc chống úng, chống hạn cho hạt gieo và phải gieo hạt đúng thời vụ.

Tổng kết về cây có hoa

Cây là một thể thống nhất và có sự thống nhất giữa cây với môi trường.

Sự thống nhất này thể hiện ở:

Sự phù hợp giữa đặc điểm cấu tạo và chức năng của từng bộ phận, từng cơ quan.

Sự phù hợp về cấu tạo giữa các bộ phận của mỗi cơ quan, cùng thực hiện chức năng chính của cơ quan.

Sự phù hợp giữa các cơ quan với nhau: hoạt động của cơ quan này có liên quan ảnh hưởng đến cơ quan kia, cùng thực hiện chức năng dinh dưỡng và sinh sản của cây.

Mối liên quan giữa các bộ phận, cơ quan của cây

Qua sơ đồ trên ta thấy:

Nếu thiếu một bộ phận nào của cơ quan sinh dưỡng thì cây không thực hiện được chức năng sống và phát triển; hoặc cũng có thể bộ phận khác phải biến đổi phù hợp để thay thế (ví dụ: cây xương rồng không có lá thì thân, cành thực hiện chức năng quang hợp thay lá nên có cấu tạo biến đổi).

Nếu thiếu cơ quan sinh sản (hoa) thì cây

Bình luận (0)
qwerty
19 tháng 5 2017 lúc 11:32

- Cấu tạo miền hút gồm hai phần chính : Vỏ gồm biểu bì có nhiêu lông hút. Lông hút là tế bào biểu bì kéo dài có chức năng hút nước và muối khoáng hoà tan. Phía trong là thịt vỏ có chức năng chuyển các chất từ lông hút vào trụ giữa.
- Trụ giữa gồm các mạch gỗ và mạch rây có chức năng vận chuyển các chất. Ruột chứa chất dự trữ.
Câu 1. Nêu các bộ phận của miền hút và chức năng của chúng.
Trả lời:
Vỏ gồm: biểu bì, thịt vỏ có các chức năng hút nước, muối khoáng rồi chuyển vào trụ giữa. Trụ giữa gồm: các bó mạch và ruột có chức năng chuvển các chất và chứa chất dư trữ. Miền hút: là miền quan trọng nhất của rễ, có cấu tạo phù hợp với việc hút nước và muối khoáng.
Câu 2. Miền hút là phần quan trọng nhất của rễ vì?
Trả lời:
Miền hút là phần quan trọng nhất của rễ vì có nhiều lông hút giữ chức năng hút nước và muối khoáng hòa tan.
Câu 3. Có phải tất cả các rễ cây đều có miền hút không? Tại sao?
Trả lời:
Không phải tất cả các rễ cây đều có lông hút. Vì những cây mà rễ ngập trong nước thì nước và muối khoáng hòa tan trong nước ngấm trực tiếp qua các tế bào biểu bì cúa rễ (không cần lông hút).

Bình luận (1)

Các câu hỏi tương tự
Đinh Thị Thu Trang
Xem chi tiết
ncjocsnoev
Xem chi tiết
Love Football
Xem chi tiết
Kiều Bích Ngọc
Xem chi tiết
Leona
Xem chi tiết
Chu Minh Quân
Xem chi tiết
Kiều Bích Ngọc
Xem chi tiết
Phạm Mai Khanh
Xem chi tiết
I love Yugyeom
Xem chi tiết