Quyền bất khả xâm phạm về thân thể, quyền được pháp luật bảo hộ về sức khỏe, danh dự và nhân phẩm được Hiến pháp quy định như thế nào? (06/03/2016 09:47 PM) |
Quyền bất khả xâm phạm về thân thể, quyền được pháp luật bảo hộ về sức khỏe, danh dự và nhân phẩm được quy định tại Điều 19 và Điều 20 của Hiến pháp năm 2013 như sau: - Mọi người có quyền sống. Tính mạng con người được pháp luật bảo hộ. Không ai bị tước đoạt tính mạng trái luật. - Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khỏe, danh dự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm. - Không ai bị bắt nếu không có quyết định của Tòa án nhân dân, quyết định hoặc phê chuẩn của Viện kiểm sát nhân dân, trừ trường hợp phạm tội quả tang. Việc bắt, giam, giữ người do luật định. - Mọi người có quyền hiến mô, bộ phận cơ thể người và hiến xác theo quy định của luật. Việc thử nghiệm y học, dược học, khoa học hay bất kỳ hình thức thử nghiệm nào khác trên cơ thể người phải có sự đồng ý của người được thử nghiệm. Bộ luật dân sự, Bộ luật hình sự của nước ta đã có những điều khoản cụ thể hóa những quy định này của Hiến pháp. Chẳng hạn, trong Bộ luật dân sự hiện hành: - Điều 31 quy định về quyền cá nhân đối với hình ảnh, theo đó: “Nghiêm cấm việc sử dụng hình ảnh của người khác mà xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh”. - Điều 32 quy định về quyền được bảo đảm an toàn về tính mạng, sức khỏe, thân thể, theo đó: “ Việc thực hiện phương pháp chữa bệnh mới trên cơ thể một người, việc gây mê, mổ, cắt bỏ, cấy ghép bộ phận của cơ thể phải được sự đồng ý của người đó; nếu người đó chưa thành niên, mất năng lực hành vi dân sự hoặc là bệnh nhân bất tỉnh thì phải được cha, mẹ, vợ, chồng, con đã thành niên hoặc người giám hộ của người đó đồng ý; trong trường hợp có nguy cơ đe dọa đến tính mạng của bệnh nhân mà không chờ được ý kiến của những người trên thì phải có quyết định của người đứng đầu sơ sở y tế. Việc mổ tử thi được thực hiện trong các trường hợp sau đây: có sự đồng ý của người quá cố trước khi người đó chết; có sự đồng ý của cha, mẹ, vợ, chồng, con đã thành niên hoặc người giám hộ khi không có ý kiến của người quá cố trước khi người đó chết; theo quyết định của tổ chức y tế, cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong trường hợp cần thiết”. - Điều 33, Điều 34 quy định về quyền hiến bộ phận cơ thể; quyền hiến xác, bộ phận cơ thể sau khi chết. - Điều 37 quy định về quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân. Trong Bộ luật hình sự hiện hành đã dành hẳn một chương với 29 điều quy định về tội danh liên quan đến hành vi trực tiếp hay gián tiếp, vô tình hay cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm và danh dự của con người như: tội giết người, tội làm chết người, tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe cho người khác, tội hành hạ người khác, tội hiếp dâm, tội làm nhục người khác, tội vu khống… Như vậy có thể hiểu quyền bất khả xâm phạm về thân thể, quyền được pháp luật bảo hộ về sức khỏe, danh dự và nhân phẩm của công dân như sau: - Mọi người đều được pháp luật bảo vệ tính mạng, sức khỏe, danh dự và nhân phẩm; mọi hành vi xâm phạm thân thể, sức khỏe, danh dự và nhân phẩm người khác đều là vi phạm pháp luật và sẽ bị xử lý theo pháp luật. - Không một ai, dù ở cương vị nào có quyền tra tấn, dùng bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm đến thân thể, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của người khác dù người đó là công dân bình thường hay phạm tội. - Không một ai, dù ở cương vị nào có quyền tự ý bắt và giam, giữ người vì lý do không chính đáng hoặc do nghi ngờ không có căn cứ; việc, bắt, giam, giữ người phải theo đúng quy định của pháp luật. - Mỗi cá nhân đều có quyền bảo vệ danh dự, nhân phẩm của mình, đồng thời có nghĩa vụ tôn trọng danh dự, nhân phẩm của người khác. Điểm đặc biệt của quyền nhân thân về danh dự, nhân phẩm so với các quyền nhân thân khác ở chỗ quyền này được tôn trọng và bảo vệ một cách tuyệt đối. Đối với danh dự, nhân phẩm của cá nhân thì dù bất kỳ trường hợp nào, pháp luật cũng không cho phép bất kỳ cá nhân, tổ chức nào xâm phạm đến danh dự, nhân phẩm của cá nhân khác, dù người đó là công dân bình thường hay người đang bị kết án tù. - Việc khám nghiệm tử thi, thử nghiệm y học, dược học, khoa học hay bất kỳ hình thức thử nghiệm nào khác trên cơ thể người phải có sự đồng ý của người được khám nghiệm, thử nghiệm. |
Công dân có quyền bất khả xâm phạm về cơ thể. Không ai được xâm phạm tới cơ thể của người khác. Việc bắt giữ người phải theo đúng quy định của pháp luật
Công dân có quyền được pháp luật bảo hộ về tính mạng, sức khỏe, danh dự và nhân phẩm. Điều đó có nghĩa là mọi người phải tôn trọng tính mạng, sức khỏe, danh dự và nhân phẩm của người khác
Mọi việc làm xâm phạm đến tính mạng, thân thể, sức khỏe và danh dự và nhân phẩm của người khác đều bị pháp luật trừng phạt nghiêm khắc