Trong cuộc sống, có thể khẳng định rằng, mối quan hệ giữa người với người là hạt nhân cốt yếu của xã hội. Mối quan hệ ấy có tốt đẹp, con người có biết yêu thương, giúp đỡ và đùm bọc lẫn nhau thì xã hội mới bền vững và phát triển. Vậy nhưng, ở đâu đó, trong xã hội này, vẫn còn tồn tại những người mà luôn ghen ghét, đố kị, ghen tị với người khác. Họ luôn soi mói, săm soi người khác, và nếu người ta hơn mình, họ sẽ cảm thấy khó chịu, bực bội. Nói về điều này, nhà văn người Ý Ét-môn-đô đơ A-mi-xi từng khuyên: "Đừng để cho con rắn ghen tị luồn vào trong tim. Đó là một con rắn độc, nó gặm mòn khối óc và làm đồi bại con tim". Suy nghĩ của em về vấn đề đó."
Trước hết, chúng ta cần phải hiểu ghen tị là gì?
Ghen tị là một cảm xúc phổ biến như tình yêu hay tức giận, và tất nhiên ghen tị cũng là một cảm xúc mạnh mẽ như bất cứ đam mê nào khác trong lòng người. Ngày xưa cũng như ngày nay, sự ghen tị đều làm chúng ta buồn phiền, bất chấp ý hướng hay những nỗ lực tốt lành mà chúng ta muốn thực hiện để khắc phục sự ghen tị. Trong khi một số người chỉ cảm nhận sự ghen tị như một cảm xúc nhất thời và chóng qua, thì có những kẻ lại bị “chế ngự bởi sự ghen tị,” và hậu quả là họ phải đau đớn trầm trọng về mặt tâm thần, khi sự ghen tị thống trị cuộc sống và tâm thức của họ.
Thần học và tâm lý học Kitô giáo đều cảnh giác chúng ta đừng coi thường sức hủy hoại của lòng ghen tị. Truyền thống Kitô giáo xem lòng ghen tị như một điều xấu cố hữu, nên đã xếp lòng ghen tị vào danh sách bảy mối tội đầu.
Các nhà phân tâm học cũng quan tâm đến lòng ghen tị, vì họ nghĩ rằng lòng ghen tị là nhân tố nằm bên dưới nhiều vấn đề liên quan đến mối tương quan giữa con người, gây đổ vỡ giữa vợ chồng, con cái, bạn bè và các quốc gia.
Theo từ điển Webster, ghen tị là: cảm thấy đau đớn và tức giận khi người khác vui hưởng một lợi lộc, đồng thời ước ao muốn chiếm đoạt lợi lộc ấy. Các nhà tâm lý bổ túc thêm: và muốn phá hoại kẻ đang chiếm hữu lợi lộc ấy.
Một con người có lòng ghen tị, đố kị có biểu hiện như thế nào?
Chúng ta dễ dàng nhận thấy rằng một người có lòng hay đố kỵ biểu hiện dễ thấy nhất của họ là luôn khó chịu khi thấy ai đó hơn mình. Khi nghe ai đó có tin vui thì thay vì chúc mừng, họ lại cảm thấy không thoải mái, ganh ghét và tức giận. Điều này đúng với hầu hết với tâm lý bình thường của con người trong xã hội ngày nay. Ví dụ khi nghe bạn bè hay đồng nghiệp có công việc mới với lương cao hay được thăng chức họ sẽ có suy nghĩ mong muốn điều tồi tệ đến với người đó cho thỏa cơn ganh ghét vì sao ta không bằng họ và sợ họ hơn ta. Thậm chí người ganh tị thường cảm thấy hả hê và vui sướng khi người khác sa cơ hay vấp ngã.
Đặc điểm thứ hai của người hay ghen tị với người khác là luôn sói mói chuyện của người khác. Những người này luôn “ngó nghiêng, ngó dọc” từng hành động và việc làm của người mà họ cảm thấy đố kỵ. Họ cũng thường hay nhòm ngó sự thành đạt, hạnh phúc, nhan sắc của người khác sinh ra lòng tức tối rồi đắm chìm với những suy nghĩ và cảm xúc tiêu cực như buồn bực, lo lắng, căm ghét và cảm giác tự ti . Hơn thế nữa, họ luôn chăm chăm vào những khuyết điểm hay lỗi lầm của người khác để phán xét nhằm giảm giá trị của người đó với mọi người. Có thể nói, một người có lòng ghen tị sẽ không bao giờ ngừng so sánh bản thân với người khác như một việc làm vô thức. Họ luôn không hài lòng với bản thân mình và so sánh với người khác dù trong bất kỳ tình huống hay hoàn cảnh nào.
Vì sự ghen tị che mắt, họ muốn thấy bản thân tốt đẹp hơn người khác và cũng vì không có lòng thương xót, nên trong nhiều trường hợp họ sẽ đem tật xấu của người khác ra bới móc, lăng mạ, làm trò cười để hả hê lòng ganh ghét của bản thân. Đối với một số người bởi vì lòng đố kỵ làm cho họ mờ lý trí không biết đâu là điểm dừng, để có thể chứng minh mình hơn người hay muốn người khác phải chịu mang tiếng xấu, họ sẽ không tiếc lời thiêu dệt những điều trái sự thật và bêu rếu khắp nơi để làm giảm giá trị và danh dự về người khác.
Đã là một người có lòng ganh tị với người khác, việc công nhận thành quả của người khác là điều khó khăn đối với họ. Cũng có thể nói họ cảm thấy việc chấp nhận thành công, thành tích của người khác đồng nghĩa với việc tự chấp nhận mình thất bại. Vì vậy khi đối mặt với sự thành đạt hay hạnh phúc của người khác, họ sẽ có thái độ khinh thường, phản pháo, thậm chí nói những điều làm mất vui hay làm người khác cảm thấy tổn thương. Người ghen ghét đố kị cũng giống như một người mù, họ không bao giờ nhìn thế giới như nó vốn vậy, thay vào đó, họ bóp méo nó đi, và thường có các câu hỏi tại sao như: “Tại sao người kia không tài giỏi như tôi, không thông minh như tôi nhưng lại làm sếp tôi?”, “Tại sao cô ấy không xinh đẹp như tôi, nhưng lại có thể có được gia đình hạnh phúc như vậy?", “Tại sao cô ấy/anh ấy được sinh ra trong một gia đình giàu có còn tôi thì không”?,..
Nói tóm lại, người có lòng ganh tị sẽ không chấp nhận bất cứ điều tốt đẹp nào của người khác nếu như họ không có được.
Những người có lòng ghen tị sẽ không tiếp cận hay quá thân thiết với những người tài giỏi hơn mình. Trong một số trường hợp, khi phát hiện đồng nghiệp, bạn bè hay người thân của mình có tài năng hay năng lực hơn mình người có lòng ghen tị sẽ tìm cách xa lánh hoặc nói xấu người đó vì trong tâm hồn và suy nghĩ của họ đã bị sự đố kỵ lắp đầy, họ luôn cảm thấy ganh ghét và muốn ganh đua với người giỏi hơn.
Lòng ghen tị sẽ như một con rắn độc, nó gặm mòn khối óc và làm đồi bại con tim như lời khuyên của Ét-môn-đô đơ A-mi-xi. Người có lòng ghen tị sẽ tự hành hạ và làm khổ bản thân mình, làm khổ những người xung quanh. Nó là một con rắn độc trong tim khi bạn cứ tự hành hạ mình, tự làm mình đau khổ, tự dằn vặt mình, tự trahcs móc số phận, hiềm khích với người khác; những người có lòng ghen tị sẽ không thể sống thanh thản để thưởng thức niềm vui, hạnh phúc của bản thân mình… Họ luôn thấy khó chịu, bứt rứt, so đo với người khác.
Lòng ghen tị còn làm biến dạng tâm tồn con người, làm tâm can con người trở nên tối tăm; từ đó không làm chủ được thái độ, cảm xúc và hành vi. Cảm xúc đó có thể khiến con người hoặc tự co rút bản thân để lẩn tránh nỗi đau (tự hành hạ mình); hoặc tỏ thái độ phản ứng gay gắt đối với người xung quanh; tạo nên khoảng cách giữa mình với mọi người và đẩy họ rời xa mình. Vô hình chung, chính lòng ghen tị đã biến bản thân mình trở thành một người xấu trong mắt mọi người.
Nhà văn Pháp De Balzac cũng đã từng nói “Người có tính ganh tỵ khổ sở hơn bất cứ một người bất hạnh nào. Bởi vì hạnh phúc của người khác càng lớn bao nhiêu thì nỗi bất hạnh trong anh ta sẽ nhân lên bấy nhiêu lần”. Lòng ghen tị nguy hiểm như vậy đấy, không chỉ phá đi những mối quan hệ giữa người và người, ảnh hưởng đến sức khỏe mà còn làm cho bạn mất đi chính mình. Tóm lại dù bất cứ trường hợp nào cũng đều ảnh hưởng không tốt cho cuộc sống và công việc.
Vậy thì làm như thế nào để hạn chế được lòng ghen tị trong bản thân của mỗi người?
Bước đầu tiên quan trọng nhất để khắc phục thói ghen tỵ chính là thừa nhận nó. Đây là điều không đơn giản, bởi ghen tỵ là một cảm xúc tự nhiên của con người nhưng lại có tính chất tiêu cực và không được chấp nhận trong mọi giao dịch và hoạt động nghiêm túc của xã hội, nên phần lớn chúng ta có xu hướng phủ nhận nó trong cả môi trường công việc lẫn cuộc sống cá nhân. Một khi chúng ta thừa nhận tình trạng hay ghen tỵ của chính mình, chúng ta có thể khắc phục và loại bỏ nó dần dần bằng liệu pháp nhận thức hành vi và các kỹ thuật tự giúp mà mỗi người đều có thể tự thực hiện được cho mình. Nếu những kỹ thuật này không hiệu quả và thói đố kỵ ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống của bạn, hãy tìm gặp chuyên gia tâm lý để được tư vấn.
Tiến sĩ Smith – một nhà khoa học người Mỹ đã đưa ra một số biện pháp để khắc phục thói ghen tị như sau:
Thứ nhất, đó là tin vào bản thân và kiên trì: Trong trường hợp này, “kiên trì” nghĩa là chúng ta cần thường xuyên nhìn nhận những suy nghĩ mình đã và đang có và xem xét xem chúng có liên quan đến sự ghen tỵ của mình với người nào đó hay không. Nếu bạn nhận ra rằng chúng là những suy nghĩ có tính chất đố kỵ, hãy tự nhắc nhở bản thân mình rằng việc giữ những suy nghĩ đó trong đầu không những không ích lợi gì cho bản thân mình mà còn gây hại cho cuộc sống của mình. Bạn càng quản lý tốt những cảm xúc của mình và kịp thời điều chỉnh chúng, bạn sẽ dần loại bỏ được thói ghen tỵ.
Thứ hai là dẹp bỏ những suy nghĩ tiêu cực và tập trung vào những điều tốt đẹp: Mỗi khi bạn nhận thấy mình đang có những suy nghĩ tị nạnh với ai đó, hãy nhanh chóng nhắc nhở bản thân rằng những điều tốt đẹp hay quyền lợi mà người kia đang có không phải là điều gì đó quá to tát giữa thế giới rộng lớn này; thay vào đó, hãy tập trung nghĩ về những điều tích cực và thiết thực trong tầm quản lý của chính mình (một kỷ niệm đẹp, những công việc thú vị bạn sắp hoàn thành,…) hoặc chuyển qua hoạt động khác. Bằng cách định hướng những gì mình nghĩ, bạn sẽ hạn chế được những suy nghĩ tiêu cực và dần hình thành thói quen quản lý tốt cảm xúc của bản thân.
Thứ ba, yêu thương và chăm sóc bản thân: Tự nhắc nhở bản thân về những ưu điểm và lợi thế của chính mình. Chiến lược này không làm triệt tiêu sự ghen tỵ ngay lập tức, nhưng mang lại lợi ích vô giá lâu dài cho cuộc sống của bạn, giúp bạn cảm thấy yêu đời và hạnh phúc hơn, dễ dàng vượt qua được những cảm xúc tiêu cực mỗi khi chúng xuất hiện – bao gồm sự ghen tỵ.
Mỗi người trong chúng ta, dường như ai cũng có một chút tính xấu hơn thua với người khác. Tuy nhiên, thay vì buồn với sự thành công của họ, chúng ta nên lấy đó là động lực để mình cần phải cố gắng hơn nữa. Có như vậy, tâm ta mới cảm thấy luôn nhẹ nhàng, thư thái và nhận được nhiều sự yêu mến của mọi người.
Tóm lại, khi vượt qua được lòng ghen tị, chế ngự được nó thì cuộc sống của mỗi người mới trử nên thanh thản. Đó cũng là điều kiện để mỗi người nhận ra được giá trị đích thực của bản thân và của những người xung quanh; môi người sẽ có một tâm hồn đẹp, thánh thiện; có được niềm tin để đi đến thành công và niềm vui trong cuộc sống. Hãy bỏ con rắn ghen tị trong lòng mình, bạn nhé!
A. Về kĩ năng
– Biết vận dụng kết hợp các thao tác lập luận như phân tích, giải thích, chứng minh… để viết bài nghị luận xã hội.
– Bố cục bài viết chặt chẽ, luận điểm rõ ràng, hợp lí, có sức thuyết phục.
– Diễn đạt lưu loát, ngôn ngữ có sức gợi.
– Dần chửng phong phú, tiêu biểu (cả trong văn chương và cả trong
đời sống thực tiễn).
B. Về kiến thức
– Từ hình ảnh người anh trai của cô bé Kiều Phương trong truyện Bức tranh của em gái tôi (Ngữ văn 6, tập hai) rút ra được bản chất của thói ghen tị, biểu hiện và hậu quả của thói ghen tị. Phân biệt được thói ghen tị với sự thi đua: “Giữa lòng ghen tị và sự thi đua có một khoảng xa cách như giữa tật xấu xa và đức hạnh.” (La Bruy-e)
– Ghen tị là ghen ghét, đố kị, là uất ức, hcậm hực trước sự thành công, trước sự ưu việt hoặc trước uy tín của người khác. “Thói ghen tị là một thuộc tính của con người – luôn luôn ẩn náu trong ta và luôn luôn chờ thời cơ để nhảy bổ vào chi phối những suy nghĩ, ứng xử, hành động của ta…cái con rắn ghen tức, đố kị sẽ tìm cách khuất phục lí trí để ngóc đầu dậy tác oai tác quái…” (Tạ Duy Anh)
– Vì vậy thói ghen tị có thể làm cho con người trở nên nhạt nhẽo, tầm thường, thậm chí ích kỉ và độc ác. Đối với cá nhân, nó làm thui chột nhiều tình cảm tốt đẹp, nhiều mới quan hệ thiêng liêng. Đối với xã hội, nó kìm hãm tài năng, cản trở phát triển, thậm chí là kéo lùi sự phát triển của lịch sử (dẫn chứng).
– Do đó, trong quá trình học tập và rèn luyện để hoàn thiện nhân cách của mình, chúng ta phải dũng cảm, phải kiên quyết loại bỏ thói ghen tị: “Đừng để cho con rắn ghen tị luồn vào trong tim. Đó là một con rắn độc, nó gặm mòn khối óc và làm đồi bại trái tim” (Ét-môn-đô đơ A-mi-xi).
- Đặt vấn đề: giới thiệu vấn đề cần nghị luận: lòng ghen tị
- Giải quyết vấn đề:
+ Nêu khái niệm và các biểu hiện của lòng ghen tị.
+ Phân biệt giữa lòng ghen tị và sự thi đua."Giữa lòng ghen tị và sự thi đua có một khoảng xa cách như giữa tật xấu xa và đức hạnh."
+ Tác hại của lòng ghen tị. “Đừng để cho con rắn ghen tị luồn vào trong tim. Đó là một con rắn độc, nó gặm mòn khối óc và làm đồi bại con tim.”
- Kết thúc vấn đề:
+ Khẳng định giữa “lòng ghen tị và sự thi đua có một khoảng xa cách” và giá trị lời khuyên của A-mi-xi.
+ Nêu ý thức trách nhiệm của mình trong việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức.