Bạn tham khảo nha!
Khi hàng phượng cuối sân trường bắt đầu thắp lên những bông lửa đỏ và khi tiếng ve bắt đầu náo nức âm ran thì đó cũng là lúc một năm học sắp hoàn thành. Mùa hè đến! Đó là mùa của những cuộc chia ly và cũng là mùa của những kỳ thi quan trọng đối với những cô cậu học trò.
Sáng nay, sân trường đã rụng đầy những cánh phượng màu đỏ thắm. Hương thơm dịu nhẹ thoang thoảng lan toả trong một không gian rộng lớn.
Trường tôi trồng nhiều hoa phượng. Hàng phượng chạy vòng quanh khắp cả sân trường. Thú thực mới đầu chúng tôi không thích lắm. Ai lại trồng nhiều phượng như thế bao giờ. Nhưng giờ đây mới thấy người đi trước có một cái nhìn đầy nghệ thuật. Phượng nở đỏ như một dải lụa thắm chạy vòng quanh. Nếu nhìn từ xa vào nhà hoa nở, ai cũng ngỡ rằng ngôi trường đang tưng bừng trong ngày hội với hàng chục băng rôn hồng kỳ đỏ thắm.
Nhưng không chỉ có phượng. Gọi hè về còn có những tiếng ve. Từ cuối tháng tư ve đã bắt đầu dạo khúc nhạc mùa hè. Sang tháng năm ve kêu ồn ã liên hồi hầu như không bao giờ ngớt. Nghĩ cĩng cứ lạ, loài ve chẳng biết tụi học trò buồn hay vui nhưng cứ suốt ngày dạo nên những bản đàn rộn rã của tuổi thơ khiến tụi tôi xôn xao lắm. Loài ve lạ lắm! Có con dốc hết sức mình ca hát đến chết mới thôi. Lúc chết cân vẫn còn bám chặt lấy thân cây tỏ vẻ lưu luyến lắm.
Nhưng cũng phải nói thật lòng, mỗi lần phượng nở mỗi lần ve kêu tôi lại thấy buồn buồn. Dù biết nó đánh dấu một bước trưởng thành trên con đường học vấn nhưng nghĩ đến cảnh xa trường, xa thầy, xa bạn tôi lại thấy nao nao. Các anh chị cuối cấp lại còn lo lắng hơn vì đó là lúc bước vào những kỳ thi quan trọng.
Đổi lại nỗi buồn hoa phượng, tôi bước vào những ngày hè bổ ích bên họ hàng và người thân. Thời gian cứ thế trôi đi, mùa hè sẽ lại qua, rồi lại đến năm học mới. Và sau đó dù biết sẽ rất buồn nhưng tôi lại mong gặp màu hoa phượng, lại mong đón những tiếng ve và để lại bước vào những ngày hè.
“Khi ta ở, chỉ là nơi đất ở; Khi ta đi đất bỗng hoá tâm hồn”. Ba năm Trung học phổ thông. Ba năm – một khoảng thời gian quá ngắn, song ba năm ấy là một đoạn đời đẹp nhất trong cuộc đời một con người. Bởi, cái hồn nhiên trong trẻo của thời áo trắng mới đẹp làm sao; “Lơ đễnh nhìn ai qua cửa lớp; Vô tư nhặt ép cánh hoa xinh”!
Ngoài kia phượng rơi chưa? Mà sao nắng nồng nàn trên lá; mà sao nụ cười vẫn tươi, nhưng sao mềm đến lạ? Hạ đến rồi ư?! Những năm tháng ấy chất chứa bao nhiêu kỉ niệm, những lúc không làm vừa ý thấy, cô để rồi bị rầy la; những lúc cùng nhau chụm đầu giải bài toán khó; những lúc nô đùa giành nhau cánh phượng rơi xuống sân trường. Thế rồi: ve, nắng, phượng, và thi,… nghĩa là hạ đến!
Hạ đến rồi ư?! Những sắc màu của hạ rạng rỡ, lung linh.
Hạ đỏ là hạ của chia xa: những cái bắt tay hẹn tương lai rạng rỡ. Hạ tím là hạ của bâng khuâng, cổng trường khép – những lời chưa kịp ngỏ. Hạ vàng là hạ của mùa gặt hái những thành công qua bao tháng ngày gian khó. Hạ xanh là hạ của những bước chân lên rừng xuống bể: tay đắp đất, tay dựng nhà, tay chắp bút cho em thơ từng con chữ — hạ của những sẻ chia, đồng cảm với mọi người. Nước da có thể đen thêm, nhưng đen đẹp, đen duyên. Bàn tay có thể chai thêm mà tự hào cứng cáp. Thử thách có thể cao thêm mà chẳng hề chùn bước. Cuộc đời có thể rộng thêm, nhưng ta đã trưởng thành.
Ba năm chắt chiu, gom góp hành trang được trao từ thầy cô, giờ chúng ta đã lên đường bước vào cuộc sống mới. Cái quy luật khắc nghiệt của cuộc sống là vậy, làm sao ta cưỡng lại được. Lá xa cành đâu phải vì cơn gió kia cuốn đi, cũng đâu phảỉ là lá chẳng cần cây, mà đơn giản chỉ là đến lúc lá phải bay đi – bay đi đến những nơi xa, với những điều mới lạ: với mộng tưởng nên thơ về tương lai phía trước. Giờ chia tay đã đến! Những buồn vui hiện lên trong ánh mắt trìu mến của thầy cô, những nụ cười của bạn bè sẽ đi vào kỉ niệm. Góc sân, ghế đá, chiếc bàn của thầy cô và cái bảng đen sao hôm nay dội vào mình ta những điều thật lạ: bâng khuâng, bùi ngùi, xao xác cả nỗi lòng! Chợt nhớ câu thơ của Pháp “Đi là chết trong lòng một ít”. Chết! Bởi khi ta đi, ta đã gởi lại nơi ấy một phần hồn. Ve sầu gọi, nắng vàng rơi, phượng rơi, tiếng ai gọi rơi thầm trong tâm tưởng, cổng trường khép — những lời chưa kịp ngỏ. Ánh mắt ai xa vắng u buồn,… nghĩa là hạ đến' — nghĩa là xa thầy xa cô!
Hạ đến rồi ư! Chợt hiểu, đời là những chuyến đi dài trong vô tận. Không muốn thầy là người chèo đò lam lũ trong quạnh quẽ u buồn, cũ kĩ thầy phải là một dải phù sa. Bởi lẽ, phù sa âm thầm bồi đắp cho những bãi bờ, những châu thổ, bến sông ngày một tốt tươi, xanh cành trĩu quả. Phù sa tự ngàn đời vẫn lặng lẽ chảy trôi mà chẳng đợi được vinh danh. Nhưng, phù sa đã hoá thân vào những mùa màng bội thu, đã nhuận sắc cho biết bao ngọt ngào hoa trái…!
Bài làm 2
Có những khoảnh khắc trôi đi không trở lại, có những điều dù níu giữ lại cũng chỉ ở trong tim. Có những mùa hè xa rồi còn gặp lại nhau khi năm học mới đến. Nhưng có một mùa hè, mùa hè cuối cùng của thời áo trắng mãi mãi đứng đó, không trở lại. Mùa hè năm học lớp 12 khép lại, mỗi đứa mỗi nơi, một con đường đi mới, nhiều khó khăn và thử thách hơn. Nhưng mùa hè đó còn neo giữ lại bao nhiêu kỉ niệm bao nhiêu buồn vui lẫn lộn. Mùa hạ cuối, mùa hạ chia li và mùa hạ hội ngộ ở những chặng đường mới.
Chắc hẳn rằng tâm trạng của cô cậu học trò nào học lớp 12 cũng sẽ bồi hồi, xúc động khi nghĩ đến mùa hè năm nay. Đây là giai đoạn nước rút để chuẩn bị cho hai kì thi căng thẳng là tốt nghiệp và đại học. Mùa hạ vẫn cứ trôi qua, những tiếng cười, tiếng nói vẫn còn văng vẳng đâu đây nhưng cảm xúc trong mỗi người dừng như đang nghẹn lại.
Suốt 12 năm ngồi trên ghế nhà trường, vô tư, hồn nhiên, không phải lo lắng, băn khoăn hay nghĩ ngợi quá nhiều ngoài chuyện học tập. Nhưng sau mùa hè này, các bạn sẽ phải định hướng con đường đi trong tương lai cho mình. Con đường đi đó sẽ được quyết định ở năm 12 này một phần, sự nỗ lực và cố gắng sẽ được đền đáp xứng đáng.
Mỗi lần tiếng ve kêu lên râm ran trên những tán hoa phượng nở đỏ rực một góc sân, lũ học trò lại nhao nhao lên vì vui sướng. Có lẽ vui vì được nghỉ hè, được thư giãn, không phải bận rộn với sách vở, với trang viết, với phép tính. Nhưng mùa hè năm học lớp 12 có lẽ là mùa hè chưa bao giờ được mong đợi. Bởi rằng sau mùa hè này, mỗi một thành viên sẽ có một con đường đi riêng, có sự chia li, có nước mắt, có những lời hẹn áo trắng.
Mùa hè đang đến gần thì thời gian cho hai kì thi cũng không còn xa nữa. Lo âu, hồi hôp hiện hữu trên từng gương mặt. Không ai mong mình phải trải qua mùa hè của năm học lớp 12, bởi rằng đó là mùa hè cuối cùng của thời áo trắng mộng mơ.
Chúng ta ai rồi cũng sẽ trưởng thành, sẽ phải đối mặt với chia li, đối mặt với rất nhiều thử thách, đối mặt với không ít chông gai đang chờ phía trước.
Có những cô bạn trong buổi lễ tổng kết năm học ở lớp 12 đã ôm mặt khóc rưng rức vì nghĩ đến chặng đường 3 năm học cùng với nhau, chơi đùa cùng nhau, tâm sự cùng nhau. Ấy vậy mà sau mùa hè này, liệu rằng có được học chung dưới một mái trường nữa hay không? Câu hỏi ấy cứa vào trái tim mong manh và dễ vỡ, để rồi những tiếng nấc cứ thế, cứ thế vang lên nghe chua xót.
Vẫn biết rằng chia tay nhau, mai này mình còn gặp lại ở một con đường mới, môi trường mới nhưng kỉ niệm còn vương mùi thời gian, vừa mới xảy ra hôm qua sao nỡ bỏ.
Ai dù mạnh mẽ nhưng cũng sẽ có lúc yếu lòng. Có không ít cậu con trai đã đứng sau gốc cây phượng thân quen, nhìn lần lượt từng chỗ ngồi từng đến, những đứa bạn từng cốc đầu nhau mỗi giờ ra chơi cũng bật khóc ngon lành. Bởi ai cũng biết rằng mùa hè không trở lại, thời gian không trở lại để chúng ta có thể vô tư như thế này nữa. Chúng ta ai rồi cũng sẽ phải lớn, phải trưởng thành…
Có lẽ những kỉ niệm suốt 3 năm học trên ghế trung học phổ thông sẽ là những điều tươi đẹp nhất trong cuộc đời của mỗi người về sau. Vì đó là bước ngoặc, là những suy nghĩ của một người sắp phải lớn.
Lớp học, thầy cô và bạn bè là tất cả những gì mà chúng ta có được, còn lưu giữ cho đến khi không còn học ở đây nữa. Dù buồn, dù nuối tiếc nhưng cuộc đời là vậy. Trân trọng những gì đã qua, để đón nhận những điều chắc sẽ tốt đẹp ở phía trước. Những gì mà bản thân có được khi còn ngồi trên ghế nhà trường phổ thông sẽ là hành trang đáng quý nhất trong cuộc đời về sau.
Những lần không học bài cũ bị cô giáo phạt, những lần trốn học đi chơi, những lần nói dối cô vì đến muộn và rất nhiều lần khác nữa… Tất cả, tất cả là một miền kí ức tươi đẹp nhất ở tháng năm tươi đẹp nhất.
Mùa hạ năm 12 đến rồi, chúng ta sẽ trân trọng những điều đã qua. Để mỗi khi nhớ về mỉm cười hạnh phúc vì những điều đã có với nhau.
Bài làm 3
“Ngày mai xa nhau rồi
Trường mến thương xa rồi
Hè về phượng buồn tiếng ve cũng buồn
Nghe trong tim sao thiết tha…”
Những ca từ và giai điệu thân thương ấy, đã được ngân vang đầy tha thiết, xúc động bởi nhiều thế hệ anh chị học trò cuối cấp trong những lần bế giảng năm học mà tôi từng được tham dự. Mới chỉ ngày hôm qua thôi, chúng tôi dường như còn thờ ơ với những giọt nước mắt chia tay bạn bè, thầy cô và mái trường của họ, mà trong lòng chỉ háo hức mong chờ kỳ nghỉ hè sắp tới để được vui chơi thật thoả thích khi một năm học đã đi qua. Bất giác, tôi choàng tỉnh sau những cơn mụ mị của tâm trí khi kỳ thi học kỳ cuối cùng trong cuộc đời học sinh của mình đã kết thúc. Trước mắt tôi không chỉ là hai bước ngoặt lớn sắp phải đối mặt sau 12 năm đèn sách, mà còn là nỗi buồn ấp ủ trong một niềm tiếc nuối vô hạn khi những ngày cuối cùng của thời học sinh đang vụt trôi qua, vô phương níu kéo. Ngày mai, chúng tôi phải rời xa trường lớp thân yêu thật rồi! Rồi ta sẽ đi đâu trong cõi miền sâu thẳm của tâm hồn để có thể quên đi khoảng trống đầy ắp sự hụt hẫng ấy?
Mái trường THPT Đông Hà thân yêu này là nơi tôi đã gắn bó suốt ba năm tưởng như dài lắm mà thực ra thật ngắnThêm ảnh ngủi của thời trung học. Nơi mà ngày ngày tôi cùng người bạn thân mất vài phút đi bộ trên quãng đường dài chừng 200m để đến với cánh cửa màu xanh dương quen thuộc của ngôi trường đã 35 tuổi, cũng là đến với cánh cửa mở ra những tri thức mới, những chân trời mới. Con đường đến trường với ngã tư đông người buổi ban sáng; với con dốc uốn lượn hắt nắng vàng ngày hạ hay chút lạnh phả vào mặt trong những buổi sương sớm ngày đông; với những dòng nước nhỏ tinh nghịch trong một buổi chiều mưa cùng nhau đi học thể dục; với mùi hương ngào ngạt toả ra từ những bông hoa sữa trắng muốt ngày thu; những mái tóc đen dài óng mượt sánh bước cùng tà áo dài nữ sinh thướt tha; tất cả chúng luôn được in đậm trong trí nhớ và gắn liền với hình ảnh ngôi trường cấp III đẹp đẽ. Hiện ra trước mắt tôi là một dãy nhà ba tầng mang chút cổ kính và một sân trường đầy bóng mát của cây xanh với những đường chỉ cỏ thẳng tắp xếp thành nhiều ô vuông, nhìn từ trên cao xuống như một mặt màu xanh lá của khối rubic khổng lồ. Sân sau trường cũng là những ô cỏ hình bông hoa tuyệt đẹp và dãy nhà bốn tầng được xây lên cách đây không lâu, vẫn mới tinh và rất khang trang, hiện đại. Trường yêu với một dãy nhà ba tầng khác cùng những dãy nhà trệt xinh xinh, những hàng ghế đá đủ màu sắc rải rác khắp sân trường dưới những tán cây râm mát, cùng một hội trường lớn tách biệt và một sân thể dục hoành tráng, đã để lại trong tôi cùng nhiều thế hệ học sinh một niềm vui thích xen lẫn niềm tự hào về mái trường giàu truyền thống mà mình đã được học tập và rèn luyện.
Mái trường này, trong trái tim tôi và nhiều người khác, như chính ngôi nhà thứ hai của mình vậy. Nhà thì không phải lúc nào cũng vui vẻ và bình yên, nhưng niềm vui và sự ấm áp luôn lớn hơn gấp nhiều lần so với những nỗi buồn và sự cô đơn. Không phải lúc nào ta cũng muốn trở về nhà, cũng như là đến trường vậy, nhưng đó chỉ là những lúc mà tâm trạng ta bất ổn với những rắc rối thường tình của tuổi mới lớn, và rồi mọi thứ sẽ trôi qua và ta lại thèm gắn bó với “mái nhà” của mình. Mái nhà thứ hai này của tôi là nơi những người bạn như những người anh chị em trong một đại gia đình với những tính cách, sở thích và khả năng khác nhau, nhưng hầu như đều yêu thương và giúp đỡ nhau cùng tiến bộ. Mái nhà này còn là nơi có hơn 80 người cha, người mẹ hết lòng dạy dỗ, bảo ban cho gần 2000 đứa con đôi khi rất nghịch ngợm, ương bướng và vô tâm của mình. Họ luôn mong muốn những điều tốt đẹp nhất cho những đứa con, bất kể chúng có phạm phải sai lầm hay lạc lối trên đường đời. Họ luôn dang rộng vòng tay che chở và sẵn sàng hy sinh nhiều niềm hạnh phúc cá nhân cho một sự thành công lớn với nỗ lực của nhiều con người. Có những người cha, người mẹ đã không ngại khó khăn để thức suốt đêm chấm bài kịp cho những mong ngóng của những đứa con. Người khác lại không quản mệt nhọc để hoàn thành bài học cho con mình dù đã phải đứng lớp suốt 5 tiết buổi sáng mà vẫn tổ chức dạy bù vào tiết 1, tiết 2, không cần nghỉ ngơi. Có người cha đã gần 60 tuổi đời vẫn không giảm nhiệt huyết trong từng bài giảng, người cha khác chúng tôi lại chưa từng được truyền dạy bất cứ một bài học lý thuyết nào nhưng vẫn rất cảm phục vì tài năng và sự tâm lý với con mình, có người mẹ cổ họng dù ngứa rát vẫn cố nói to để con mình nghe cho rõ, cho hiểu bài học. Dẫu đôi khi giữa những người cha, người mẹ và những đứa con có rất nhiều bất đồng trong quan điểm, dẫu vài lần người cha hơi cứng nhắc, người mẹ hơi nghiêm khắc, nhưng rồi chúng tôi vẫn tìm được tiếng nói chung, hoà hợp với nhau. Để rồi khi đạt được thành quả, tất cả đều vui sướng và hạnh phúc vì công sức nhỏ mà mình đã góp vào thành công chung, thật đáng trân trọng. Một “đại gia đình” dù không hoàn hảo nhưng thật tuyệt vời như thế, chắc hẳn sẽ khiến những cô cậu học trò chúng tôi cảm thấy tiếc nuối khi ngày chia tay đang đến gần, và sẽ rất nhớ nhung nếu sau này bước đi bằng chính đôi chân của mình trên con đường đời…
Tôi từng được cô giáo dạy Văn của mình đúc rút cho một kỹ năng sống và thấy nó quả thật đúng đối với những ai sống thiên về lý trí: “Hãy sống bằng kinh nghiệm của người khác”. Thú thật, với một cô học trò sống thiên về tình cảm như tôi thì chính những trải nghiệm mà bản thân đã trải qua mới có thể khiến tôi nhận ra mình đã sai lầm như thế nào và bỏ lỡ những gì trong cuộc đời. Quãng đời học sinh cấp III của tôi dưới mái trường này cũng không là ngoại lệ, và đến giờ tôi mới thật sự thấm thía và luyến tiếc, thì chẳng còn cơ hội nào nữa để làm lại từ đầu. Bởi đã từng có lần tôi làm thầy cô thất vọng vì không chịu cố gắng học tập, không tích cực tham gia phong trào chung mà chỉ mang tính đối phó, làm bạn bè phiền muộn vì sự ích kỷ của mình, hay bỏ lỡ những giây phút vui chơi tập thể, những kỷ niệm cùng với tập thể lớp mà mình yêu quý. Thế mà tôi vẫn không thể nhận ra mình đã làm tổn thương người khác như thế nào, cho đến tận bây giờ.
Nhưng tự dằn vặt bản thân như thế này sẽ chẳng mang lại điều gì cả, tôi tự nhủ. Tôi vẫn còn một cơ hội để làm điều gì đó có ý nghĩa cho ngôi trường mà mình rất yêu quý này, phải không? Chính vì thế, tôi đã viết nên những dòng này, như một lời tri ân chân thành đến tất cả những người mà tôi quý mến và kính trọng. Đó là Ban giám hiệu nhà trường, những người cô, người thầy đã dìu dắt tập thể lớp tôi suốt ba năm qua, những thầy cô đã đứng lớp giảng dạy cho chúng tôi, và cả những thầy cô mà tôi chưa từng một lần được nghe giảng, đặc biệt là thầy phụ trách văn phòng trường tôi. Những người thầy, người cô ấy, có lẽ tôi vẫn sẽ nhớ mãi. Tôi không chắc sau này có đủ khả năng để thành công trong sự nghiệp và trở lại trường đóng góp chút gì đó cho nơi đã dưỡng dục mình nên người. Nhưng có một điều chắc chắn là những ký ức đẹp đẽ, đáng nhớ về trường yêu, tôi sẽ mang theo bên mình, như một cái túi chứa đựng nhiều niềm vui, để mỗi khi cảm thấy cô đơn, buồn bã, tôi sẽ mở chiếc túi thần kỳ ấy ra, và những chuỗi ký ức đáng nhớ ấy của thời cấp III lần lượt hiện lên trước cửa sổ tâm hồn, rồi khiến tôi mỉm cười, dù chỉ là với chính bản thân mình!
“Nào bạn ơi đến đây, cùng hát vang
Cho những ngày buồn tan biến hết
Cho thầy cô, cho mái trường
Cho bạn, và cho tôi…”
Vẫn là những câu hát trong ca khúc “Kỷ niệm mái trường”, bất chợt lại ngân vang trong tôi. Có thể, ngày mai, trong lễ tri ân và bế giảng cuối cùng của đời học sinh, tôi sẽ dũng cảm một lần bước lên sân khấu lớn và hát tặng thầy cô, bè bạn những giai điệu đầy ý nghĩa này!
Mái trường là biểu hiện sức sống, sự vươn lên của xã hội. Dường như mỗi người đều có một mối liên hệ nào đó với một mái trường, dù có thể đó là mái trường nho nhỏ nơi miền quê.
Mái trường đem lại niềm vui cho nhiều học sinh. Nhiều bạn đã thể hiện tài năng từ mái trường tiểu học, và họ ít nhiều đều giữ được những kỷ niệm đẹp về mái trường xưa.
Dưới một mái trường, những người dạy học mới thực sự có những suy nghĩ chín chắn về công việc, về học sinh và về các đồng nghiệp của mình.
Trong suốt quãng đường dài giữa hai mùa hạ, người giáo viên có đủ thì giờ để đưa học sinh của mình đến bờ bên kia. Cô giáo được xem là người mẹ hiền và tập thể giáo viên cũng là gia đình của mỗi thầy giáo, cô giáo.
Gia đình này giúp cho mỗi người làm công tác giáo dục thêm gắn bó với nơi mình đang làm việc. Và một cách tự nhiên từ đáy lòng mình, mỗi giáo viên đã gọi ngôi trường mình đang giảng dạy là "mái trường của tôi ".
"Mái trường của tôi" là tình cảm, là tấm lòng, là niềm tin của mỗi giáo viên gửi vào nơi mà mình gắn bó bao năm tháng! "Mái trường của tôi"cũng là tiếng nói tự hào về những công việc đã làm được của nhà trường để góp phần làm cho quê hương thêm tươi đẹp.
Năm tháng trôi qua... Giữ mãi những kỷ niệm êm đềm trong tình bè bạn là việc nên làm của mỗi chúng ta. Chúng ta không thể nhớ hết những buổi họp mặt. Chúng ta họp hành, tranh luận sôi nổi, nhiều khi đến mức gay gắt cũng chỉ vì một mục đích là nâng cao tay nghề, làm cho hiệu quả giảng dạy ngày một cao hơn.
Trên sân trưòng, những cây xanh lớn dần theo năm tháng. Thành tích cũng không thể chợt đến trong ngày một, ngày hai… Thành tích của ngày mai được làm nên từ các buổi lên lớp ngày hôm nay. Thành quả ngày hôm nay giúp chúng ta nhìn rõ hơn mục tiêu phấn đấu cho ngày sau.
Tôi vẫn còn ngồi đây bên bạn bè trong những cuộc họp bàn về chuyên môn giảng dạy. Không khí náo nhiệt trên sân trường như vẫn còn vang mãi bên tôi. Thành quả trong chặng đường đã qua như tiếp thêm sức sống cho mỗi người làm công tác giáo dục.