2. Chọn đất và làm đất: Rau cải có thể trồng trên nhiều loại đất khác nhau. Tuy nhiên, chọn đất trồng và làm đất trồng cải xanh, cải ngọt, xà lách an toàn phải đảm bảo các yêu cầu sau:
- Chọn đất thịt nhẹ, đất phù sa ven sông, giàu chất dinh dưỡng, có độ pH từ 5,6 - 6,8; đất giữ được độ ẩm, thoát nước tốt.
- Phải làm đất tơi xốp, phơi ải 5 - 7 ngày để tiêu diệt hoặc làm giảm sự gây hại của sâu bệnh.
- Lên luống thoát nước tốt, trước khi trồng cần xử lý đất bằng vôi bột để tiêu diệt mầm mống sâu bệnh.
+ Đối với những đất khô cằn nên chỉ lên luống từ 5 - 10cm;
+ Đối với những vùng trũng hay bị ngập nước lên luống từ 15 - 30cm.
3. Giống và xử lý hạt giống:
- Hiện nay, trên thị trường có rất nhiều giống cải xanh, cải ngọt, xà lách. Nên mua các giống rau cải có nguồn gốc rõ ràng, tại các cửa hàng, đại lý kinh doanh hợp pháp.
- Hạt giống trước khi gieo trồng bà con nên ngâm hạt giống vào nước ấm (2 sôi, 3 lạnh) trong thời gian 2 - 4 giờ, sau đó vớt ra để ráo nước rồi ủ trong khăn ẩm khoảng 10 - 12 giờ, để hạt nức nanh, nảy mầm là đem đi gieo.
4. Gieo và chuẩn bị cây con:
- Có thể gieo hạt giống vào trong các khay lớn hoặc tận dụng mảnh đất bên ruộng trồng rau để gieo ươm cây con.
- Sau khi gieo, tiến hành rải một lớp đất mỏng lên trên để phủ kín hạt, đồng thời phủ một lớp rơm mỏng để chống mưa và giữ ẩm trong mùa nắng.
- Sau khi gieo 15-17 ngày (đối với rau cải xanh và cải ngọt) và 20 – 25 ngày (đối với xà lách) thì tiến hành nhổ cây con đem trồng. Đối với những ruộng mà gieo trực tiếp lên luống thì tiến hành tỉa thưa cho cây rau phát triển.
- Trước khi nhổ cây con 2 - 3 ngày, nên tưới phân urê hoặc DAP loãng để cho rau bến rễ và phải để đất khô 1 ngày trước khi nhổ đi trồng.
- Cây con phải sinh trưởng, phát triển tốt, không bị sâu, bệnh gây hại.
5. Phân bón:
- Lượng phân bón khuyến cáo cho 500 m2: Phân chuồng hoai mục: 400-500 kg; Phân vi sinh 20 - 25kg; Ure: 6 - 8kg; Kali: 5 - 6kg; Lân 10 - 15kg. Ngoài ra, giai đoạn cây con có thể bổ sung phân bón lá để rau phát triển nhanh.
- Cách bón: Nên bón lót toàn bộ lượng phân trên. Bón phân lót theo hàng, bón ở độ sâu thích hợp, được vùi lấp kỹ.
6. Mật độ trồng:
- Cải xanh, cải ngọt: Lượng hạt giống gieo cho 1 sào (500m2) là 20 - 40g. Khoảng cách trồng:
+ Đối với cải xanh: 10 x 10-12 cm;
+ Đối với cải ngọt: 15 x 20 cm.
- Cải xà lách: Lượng hạt giống gieo cho 1 sào (500m2) là 20 - 30g. Khoảng cách trồng:
+ Vụ Đông Xuân: 15 x 18 hoặc 15 x 15.
+ Vụ Hè Thu: 15 x 15 hoặc 12 x 12.
7. Chăm sóc:
- Tưới nước: Sau khi gieo, đất trong vườn ươm cần phải được giữ ẩm thường xuyên. Nếu đất khô nhanh thì ngày tưới 2 lần vào lúc sáng sớm và chiều mát.
- Đối với những ngày nắng nóng thì ta có thể dùng lưới để che nắng cho cây mới trồng, để hạn chế việc chết heo cây.
- Nhổ cỏ: Phải làm thường xuyên vì ruộng ẩm, đất tốt, cỏ mọc nhanh, nhổ cỏ lúc còn nhỏ.
- Tỉa cây: Khi mật độ mọc quá dày thì tiến hành tỉa bớt cây để cho cây thoáng tạo điều kiện cho cây phát triển tốt.
8. Thu hoạch: Sau khi trồng 25 – 35 ngày thì ta tiến hành thu hoạch.
- Cần thu hoạch đúng lúc để đảm bảo năng suất, chất lượng và thẩm mỹ hình thái và màu sắc rau.
- Sau khi thu hoạch xong tiến hành rửa rau và cho vào bao bì trước khi vận chuyển đến nơi tiêu thụ.
9. Biện pháp phòng trừ sâu, bệnh hại: Đối với rau cải thường bị các sâu bệnh hại như: Sâu tơ, sâu xanh, bọ nhảy, bệnh lỡ cổ rễ (Rhizoctonia solani), bệnh đóm vòng (Alternaria barassicae), bệnh thối nhũn (Erwinia carotovora),…
9.1. Sâu tơ:
a. Triệu chứng và mức độ gây hại:
- Sâu non tuổi 1 ăn nhu mô dưới biểu bì lá, sang tuổi 2 gặm ăn mặt dưới lá, để lại lớp biểu bì mặt trên lá, tạo thành những đốm trong mờ. Cuối tuổi 2 sâu gặm lá thành những lỗ thủng.
- Chúng gây hại nhưng thường để lại các gân lá. Cây con bị hại chậm lớn và có thể bị chết.
b. Biện pháp phòng trừ: Hệ thống quản lý dịch hại tổng hợp được sử dụng hiện nay là :
+ Canh tác: Bố trí thời vụ thích hợp; Luân canh với cây trồng không cùng ký chủ như lúa, ngô… nên trồng xen với cây họ cà sẽ đuổi được bướm sâu tơ; Thường xuyên vệ sinh đồng ruộng hủy bỏ tàn dư cây trồng; Tưới phun mưa vào buổi chiều có tác dụng ngăn cản việc giao phối và đẻ trứng của sâu tơ, sâu con có thể bị rửa trôi.
+ Biện pháp sinh học: Sử dụng thiên địch của sâu tơ như nhóm bắt mồi, nhóm ong ký sinh, nhóm vi sinh vật gây bệnh; Dùng bẫy pheromone có hiệu quả diệt trưởng thành sâu tơ.
+ Hóa học: Luân phiên thay đổi các loại thuốc để chống lại hiện tượng quen thuốc của sâu. Có thể dùng các loại thuốc tiếp xúc và thấm sâu như: Padan 95 SP, Trebon 10EC, Sherpa 25EC… Khi phun phải phun kỹ ở mặt dưới lá.
Hiện nay thường kết hợp thuốc hóa học với chế phẩm Bt hoặc dùng thuốc thảo mộc như dùng lá thuốc lá, thuốc lào, thái nhỏ ngâm nước nóng 90-100°C trong 30 phút, hoặc 24 giờ trong nước lã, 1kg ngâm trong 10 lít nước, sau đó lọc bả lấy nước pha loãng 4 lần + 0,2% xà phòng rồi đem phun trừ sâu (sâu tơ không có khả năng chống lại thuốc này).
9.2. Bọ nhảy:
a. Triệu chứng và mức độ gây hại
- Trưởng thành ăn lá tạo thành những lỗ thủng nhỏ li ti, khi mật độ cao có thể ăn hết phần thịt lá chỉ để lại gân lá xơ xác. Khác với sâu tơ, ở đây các vết thủng gọn gàng hơn và mép lá bị ăn khuyết nhiều
- Sâu non gặm ăn phần rễ non và thân ngầm dưới mặt đất tạo thành những đường lõm ngoằn ngoèo trên bề mặt hay tạo thành những lỗ sâu. Khi mật độ sâu non cao có thể ăn hết rễ làm cho cây bị héo, rất dễ nhầm lẫn với một số bệnh gây hiện tượng héo cây.
b. Biện pháp phòng trừ
- Chọn nơi quang thoáng làm vườn ươm, làm sạch cỏ, phát quang cây dại ven ruộng, thu dọn sạch tàn dư rau họ thập tự trên ruộng trồng rau mới.
- Nếu cây giống đã nhiễm sâu hoặc trứng nên nhúng rễ cây vào thuốc trước khi trồng và sau 1 tuần trồng nên tưới 1 lần thuốc vào vùng rễ, trước khi gieo hạt bón phân lót để cây con phát triển tốt.
- Luân canh rau thuộc họ hoa thập tự với lúa nước và các cây trồng không phải là ký chủ ưa thích của bọ nhảy. Nếu không có điều kiện luân canh với lúa nước (điều kiện nhà lưới và một số vùng đất cao không có nước) thì sau vụ trồng nên rắc 30kg vôi bột/1 sào sau đó cày lật cho đất phơi khô hoặc cho nước vào ngâm (thời gian cho đất nghỉ khoảng 1 tháng).
- Diệt cây dại họ thập tự vụ hè cũng góp phần hạn chế nguồn sâu cho vụ đông và đông xuân.
- Dùng 0,5kg bột thuốc lá + 1,5kg tro bếp hoặc 5 phần bột thuốc lá + 4 phần vôi bột trộn đều và phun lên lá vào sáng sớm khi sương vẫn còn trên lá thì hiệu quả cao.
- Khi mật độ bọ nhảy cao có thể phun thuốc hóa học theo liều lượng khuyến cáo vào lúc trưởng thành bắt đầu hoạt động mà chưa bắt đầu đẻ, hoặc ở thời kỳ cây non mới chui ra khỏi đất nếu phát hiện thấy bọ nhảy phải phun thuốc. Khi phun thuốc phải phun vòng tròn từ xung quanh ngoài vào giữa. Các loại thuốc thường dùng là Endosal, Cyclodan, Tigrodan, Thiodan, Thasodan. Polytrin P440ND, Forwathion 50EC, Cyperan 25EC hoặc Alphan 50EC, Trutat 0.32EC. Khi phun nên kết hợp tưới ngập 2/3 rãnh để dòi chui lên lớp đất mặt sau đó phun thuốc tỷ lệ chết sẽ cao hơn.
9.3. Bệnh lở cổ rễ, chết cây con
a. Triệu chứng: Bệnh có thể xảy ra ở hai giai đoạn:
- Giai đoạn tiền nảy mầm: Nấm tấn công trên hạt gieo hay trước khi cây con nhô khỏi mặt đất.
- Giai đoạn hậu nẩy mầm: Lúc cây con đã xuất hiện đến lúc cây con được vài đôi lá.
- Tuy nhiên, bệnh phổ biến nhất là giai đoạn cây được đôi lá đầu tiên đến khi cây có đôi lá thứ ba.
- Bệnh này cũng có thể hiện diện ở giai đoạn khi cây con đã lớn.
- Vết bệnh thường xuất hiện ở phần gốc thân gần mặt đất. Phần mô bị bệnh ban đầu hơi chuyển màu xậm hơn sau hóa màu đen và hơi lõm vào làm cho phần vỏ thân dễ bị tuột ra. Khi vết bệnh lan rộng cây bị ngã rạp.
- Bộ rễ cây thường bị thối đen. Trên líp ươm bệnh thường xuất hiện thành từng cụm sau đó lan rất nhanh.
- Nấm bệnh phát triển nhanh trong điều kiện nhiệt độ và ẩm độ cao, nhất là các liếp ươm bị đọng nước.
b. Tác nhân gây bệnh: Do các loại nấm trong đất như: Pythium sp, Rhizoctonia solani và Sclerotium sp...
c. Biện pháp phòng trừ:
- Nấm thường xuyên hiện diện trong đất nên đất gieo trồng phải được xử lý trước với một trong những loại thuốc sau: Ridomil Gold, Mancozeb, Zineb hoặc sử dụng môi trường là phân hữu cơ hoai mục kết hợp với nấm đối kháng Trichoderma. Tốt nhất là các bầu đất trên cây con nên chứa phân hữu cơ và có chủng nấm đối kháng, vì như vậy nấm này sẽ phát tán và hoạt động hiệu quả khi cây được trồng trên vùng đất mới.
- Hạt trước khi gieo cũng nên được xử lý nhiệt 52 - 55oC trong 10 đến 15phút, hoặc xử lý bằng các loại thuốc như Zineb, Benomyl, Mancozeb hay Rovral, cũng có thể kết hợp xử lý nhiệt và thuốc, hiệu quả sẽ cao hơn.
- Cần phải gieo trồng với mật độ thích hợp, nên kiểm soát chặt chẽ nguồn nước tưới, không để bầu đất quá ẩm.
- Giai đoạn cây con 3 - 4 cặp lá nên phun thuốc định kỳ.
- Không bón quá nhiều đạm, nhất là đạm nitrate.
*Chú ý: Sử dụng thuốc bảo vệ thực vật phải đảm bảo nguyên tắc 4 đúng và thời gian cách ly. Nên sử dụng thuốc BVTV có nguồn gốc sinh học.