Thưa ngài António Guterres - Tổng thư ký Liên Hợp Quốc!
Trước hết, tôi xin chúc mừng ngài đã chính thức nhậm chức TTK Liên Hợp Quốc. Đây quả là một chức vụ vinh quang nhưng cũng đầy nặng trách nhiệm và ưu tư.
Là một cố vấn bên cạnh ngài, tôi hiểu ngài muốn bắt tay ngay lập tức vào việc giải quyết các vấn đề nóng của thế giới mà LHQ có trách nhiệm.
Thưa ngài Antonio Guterres,
Trong 10 năm ngài giữ vai trò người phụ trách Cao ủy LHQ về người tị nạn, tôi biết ngài đã có những nỗ lực không mệt mỏi để giúp đỡ những người phải rời bỏ nhà cửa để chạy trốn xung đột, nghèo đói và thiên tai. Ngài vẫn cho rằng nghèo đói là vấn nạn lớn nhất của thế giới hiện nay và phải giải quyết nó cho triệt để thì mới có cơ sở để giải quyết nhiều vấn đề khác.
Năm 2015, sau khi Các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ hết hạn, chúng ta đã đề ra 17 mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) giai đoạn từ nay đến 2030, trong đó hai mục tiêu quan trọng nhất được đề cập đến chính là xóa nghèo, xóa đói.
Hiện nay trên thế giới vẫn còn có 836 triệu người sống ở mức nghèo. Cứ 5 người có 1 người sống với dưới 1,25 USD/ngày. Bên cạnh đó, hiện cứ 9 người thì có 1 người không có đủ thức ăn. Mục tiêu của chúng ta đặt ra là đến năm 2030 sẽ xóa nghèo cho tất cả mọi người ở mọi nơi; xóa đói và đảm bảo tất cả mọi người, đặc biệt là những người nghèo và những người dễ bị tổn thương, bao gồm cả trẻ sơ sinh, được tiếp cận với nguồn thức ăn đầy đủ, dinh dưỡng và an toàn trong cả năm.
Xóa đói giảm nghèo rõ ràng là mục tiêu bao trùm của SDGs bên cạnh các mục tiêu về giáo dục, bình đẳng giới, bảo vệ môi trường…
Thưa ngài,
Hiện nay tình trạng đói nghèo đặc biệt cao ở hai khu vực là châu Á và châu Phi. Đây là những khu vực có nền kinh tế kém phát triển, khí hậu khắc nghiệt, thiên tai nhiều, và có lịch sử phải trải qua nhiều biến động, chiến tranh.... Để tiến tới xóa đói, giảm nghèo ở các khu vực này, mà trước hết là tình trạng đói nghèo cùng cực, tôi cho rằng việc đầu tiên là phải phát huy được tối đa các nguồn lực tại chỗ, để mỗi người dân là một đại sứ trong công tác xóa đói giảm nghèo.
Ở Việt Nam - đất nước tôi, nhiều năm qua, chính phủ đã không ngừng nỗ lực giảm tỉ lệ đói nghèo trong nhân dân. Theo tiêu chí cũ, từ 1993, Việt Nam còn 58% hộ nghèo thì đến 2015, giảm còn 4,45%, nếu theo chuẩn nghèo đa chiều tỷ lệ này tương đương với 9,92%. Việt Nam đã về đích trước mục tiêu thiên niên kỷ của LHQ trong bối cảnh toàn thế giới hiện vẫn còn trên 1 tỷ người nghèo, chủ yếu là ở vùng nông thôn.
Những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam là không thể phủ nhận khi chủ động đưa vấn đề xóa đói giảm nghèo vào các chính sách của Nhà nước, đồng thời vận động, tạo điều kiện cho mọi tổ chức, tầng lớp nhân dân cùng tham gia. Song, ở đất nước Việt Nam cũng tồn tại những mô hình hỗ trợ đói nghèo cực kỳ thú vị và hữu ích, mà tôi xin được chia sẻ với ngài dưới đây.
Cuối năm 2011 - 1 nhà báo của Việt Nam - ông Trần Đăng Tuấn có thành lập một dự án nhỏ để giúp các em học sinh ở một vùng dân tộc có thêm những bữa ăn có thịt. Dự án này đã lớn mạnh nhanh chóng ngoài dự kiến ban đầu của những người khởi xướng và Quỹ trò nghèo vùng cao với chương trình trọng tâm "Cơm có thịt" đã ra đời!
Quỹ này hoạt động với lời kêu gọi đơn giản "Chương trình "CƠM CÓ THỊT" - Để nhiều em bé được ăn cơm ngon hơn, mặc áo ấm hơn… cần nhiều người chung tay, mỗi người một chút, ít thôi nhưng đều đặn!" Quỹ sẽ hỗ trợ tiền để bổ sung dinh dưỡng cho bữa ăn tại lớp tại các trường vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn. Khởi điểm ban đầu là mang đến cho các em nhỏ vùng khó khăn những bữa cơm có đủ dinh dưỡng - xóa đói, quỹ đã dần tiến tới hỗ trợ xây dựng phòng học, ký túc xá, bếp ăn, đồ dùng, vật dụng học tập cần thiết cho học sinh, các phương tiện nâng cao đời sống tinh thần của học sinh, giáo viên vùng cao.
Thưa ngài, chỉ 4 năm sau khi ra đời, chương trình Cơm có thịt đã góp phần xóa đói thiết thực cho hàng ngàn học sinh nghèo trên khắp Việt Nam. Số tiền quyên góp cho dự án đã lên tới vài triệu USD. Đặc biệt, đây là một dự án có sức lan tỏa lớn. Từ Việt Nam, Cơm có thịt đã có mặt tại Australia, Mỹ, Đức, Nhật Bản, Trung Quốc...và nhiều đất nước khác. Với tiêu chí hoạt động công khai tài chính, tôi tin rằng Cơm có thịt sẽ còn tiếp tục lan tỏa và thực hiện tốt vai trò của mình.
Hàng năm, Liên Hợp Quốc vẫn có các chương trình cứu đói cho nạn nhân ở nhiều vùng quốc gia, lãnh thổ khó khăn. Liên Hợp Quốc cũng có nhiều hoạt động, ký kết, thỏa thuận với các quốc gia để cùng nhau bắt tay xóa đói giảm nghèo. Tuy nhiên theo tôi, chúng ta cần có thêm các chương trình tuyên truyền, vận động mạnh mẽ hơn nữa; với những chiến dịch hỗ trợ thực sự hữu ích tăng cường khả năng hỗ trợ tự xóa đói giảm nghèo ở từng địa phương, quốc gia. Tôi cho rằng nếu chúng ta thực sự sâu sát, không ngần ngại sát cánh bên các dự án đang đạt hiệu quả cao hoặc sắp được triển khai mà xác suất thành công lớn ngay tại các địa phương thì kết quả chúng ta mong muốn cũng sẽ gần hơn.
Khó khăn của mỗi nơi thì chính nội tại sẽ là hiểu rõ nhất. Như ông Trần Đăng Tuấn vì đến tận nơi mà biết rõ lũ trẻ nghèo vùng cao cần nhất thịt và gạo để bữa cơm đủ no, đủ dinh dưỡng. Các nạn nhân đói nghèo ở Ấn Độ có thể cần hỗ trợ để có việc làm; các nạn nhân tại một số nước châu Phi có thể lại cần nước nhất. Một cách tiếp cận đa chiều và cần thật sâu sát, với những nghiên cứu và định hướng chiến lược nhằm tăng cường năng lực ở cấp địa phương, coi đây là những nhân tố chính trong các chương trình xóa đói giảm nghèo bền vững của mỗi quốc gia là rất cần thiết.
Chúng ta cũng nên hỗ trợ Chính phủ các nước đo lường các kết quả đạt được; dùng những ảnh hưởng đặc biệt của Liên Hợp Quốc để hỗ trợ những chương trình đang có tác động tốt tới việc xóa đói giảm nghèo, cải thiện các chỉ tiêu phát triển con người; nghiên cứu khả năng nhân rộng ở những khu vực phù hợp.
Tôi hy vọng rằng, đói nghèo cùng cực sẽ chấm dứt. Tỉ lệ đói nghèo sẽ giảm dần không chỉ ở đất nước tôi mà còn ở nhiều quốc gia khu vực kém phát triển khác trên thế giới; tiến tới một thế giới bình đẳng hơn, các quyền con người được đảm bảo hơn, mỗi cá nhân sẽ có cuộc sống ấm no, hạnh phúc; và chúng ta sẽ có một thế giới hòa bình, an lành hơn!
Chúc ngài sức khỏe
Thạch Thảo
Việt Nam, ngày 11 tháng 1 năm 2017
Kính thưa Tổng thư ký LHQ Ngài Antonio Guterres!
Chắc hẳn Ngài cũng biết tình hình thế giới của chúng ta trong những năm gần đây đang có những biến động đáng kể: Sự liều lĩnh của các tổ chức khủng bố, căng thẳng trên Biển Đông, sự leo thang của các chiến dịch quân sự và các bệnh dịch, thiên tai đang kéo đến với những tần suất liên tục khiến con người chúng ta phải đối mặt với bao hệ lụy.
Biết bao nhiêu người mất nhà, mất cửa, phải di cư; biết bao trẻ em tị nạn hàng ngày sống “vật vờ” quanh các bến xe, các khu chợ chỉ để chờ “bố thí” một miếng ăn. Điều ấy báo động sự bùng nổ của các cuộc khủng hoảng nhân đạo.
Ngài có biết, ở Nam Sudan kể từ tháng 12/2013, hơn 2 triệu người đã phải rời bỏ nhà cửa của họ. Khoảng 1,6 triệu người đã phải đi lánh nạn ở trong nước, trong khi có hơn 900.000 người đã phải đi tị nạn tại các quốc gia láng giềng.
Tình hình càng trở nên tồi tệ hơn kể từ khi xảy ra các vụ đụng độ hôm 7/7 tại Juba, giữa các lực lượng ủng hộ Tổng thống Salva Kiir và các lực lượng ủng hộ ông Riek Machar. Chỉ riêng trong tháng 7/2016, khoảng 70.000 người Nam Sudan đã vượt qua biên giới để sang Uganda xin tị nạn.
Trong khi đó, khoảng 4,8 triệu người trên khắp cả nước vẫn đang phải đối mặt với an ninh lương thực trầm trọng và có tới 250.000 trẻ em bị suy dinh dưỡng nặng. Bên cạnh đó, Nam Sudan cũng phải đang chống chọi với sự bùng phát của dịch tả. Chính những điều này đã khiến cho cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Nam Sudan ngày càng trầm trọng hơn.
Hiện nay, các chiến dịch quân sự và các cuộc tấn công của lực lượng khủng bố khiến cho nguy cơ khủng hoảng nhân đạo xảy ra ngày càng cao. Ngày 17/10 Liên Hợp Quốc cảnh báo cuộc tổng tấn công của các lực lượng Chính phủ Iraq nhằm giành lại thành phố Mosul từ Tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng có thể gây ra một cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng, với hàng trăm nghìn dân thường phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn.
Trong khi trước đó, 1,5 triệu người vẫn đang mắc kẹt tại Mosul và giao tranh có thể khiến 1 triệu người phải đi sơ tán. Đó là chưa kể, Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn (UNHCR) ước tính khoảng 100.000 người Iraq sẽ tới Syria và Thổ Nhĩ Kỳ để tránh các cuộc giao tranh tại thành phố Mosul.
Một trong những hệ quả rõ ràng nhất từ các cuộc xung đột trên thế giới là số lượng người dân tại các nước bất ổn buộc phải liều mạng vượt biển đang tăng cao. Ít nhất 2.000 người thiệt mạng khi tìm cách vượt qua Địa Trung Hải để tới các nước châu Âu trong năm 2015.
Nếu đến những vùng tôi kể trên hay bất cứ nơi nào đang có giao tranh về quân sự trên thế giới, Ngài sẽ chẳng khó khăn gì để nhìn thấy những đoàn người lê từng bước mệt mỏi, trên tay cầm tất cả những gì quý giá nhất với họ. Có thể, chỉ là một cái bánh hay vài bộ quần áo. Và đương nhiên, trong con đường đi tị nạn ấy cũng chẳng thiếu gì người già hay trẻ nhỏ.
Để tìm kiếm sự sống họ sẵn sàng liều mình vượt biển, vượt đại dương nhưng lại chẳng thể nào biết được cuộc đời mình sẽ về đâu trong những ngày tháng tiếp theo.
Họ ngủ giữa đường cao tốc, gặp nguy hiểm bất cứ lúc nào khi lênh đênh trên xuồng quá tải và kiệt sức khi tới bờ là vấn đề mà bất cứ người tị nạn vượt biển nào cũng phải đối mặt. Có thể đất nước mà họ đã phải vất vả đi hàng trăm kilomet để tới nó cũng chẳng sáng sủa gì với cái nơi mà họ đã rời đi để bảo vệ sự sống.
Tôi còn nhớ như in hình ảnh một ông bố Syria bế con cố bơi về đảo Lesbos khi xuồng của họ hỏng động cơ lúc vượt qua biển Aegean từ Thổ Nhĩ Kỳ ngày 18/9. Khi đưa con vào bờ thành công, dù sự lo lắng và mệt mỏi thể hiện rõ trên khuôn mặt nhưng ông bố ấy đã nói một câu khiến tôi ám ảnh mãi cho tới tận giờ: "Bạn không cần quá nhiều để có thể cảm thấy hạnh phúc. Đôi khi, những điều giản đơn nhất lại đem đến niềm hạnh phúc lớn hơn cả".
Có thể với những người như tôi, như Ngài thì sự giàu sang phú quý, có con đường danh vọng xán lạn, có nhiều người nể phục là hạnh phúc. Nhưng với những người tị nạn, nhất là trong bối cảnh cuộc khủng hoảng nhân đạo có nguy cơ bùng nổ cao hơn thì được sống mới là hạnh phúc của họ.
Tôi hi vọng rằng với sự sáng suốt của ngài Tổng thư ký LHQ António Guterres ngài sẽ tìm cách để cộng đồng thế giới cần phải thay đổi hẳn tư duy về công tác cứu trợ để giải quyết tận gốc sự khủng hoảng nhân đạo.
Bên cạnh đó quyết tâm chính trị phải đi kèm với hành động cụ thể. Trong đó, những quốc gia phát triển giàu có thể hiện hành động cụ thể đối với vấn đề nhân đạo.
Tôi tin rằng, với sự quyết liệt của Ngài trong việc giải quyết vấn đề khủng hoảng nhân đạo thì một tương lai không xa, thế giới của chúng ta sẽ được mang tên “Thế giới hạnh phúc”.
Việt Nam, ngày 13 tháng 12 năm 2016
Thạch Thảo