Ôn tập ngữ văn lớp 6 học kì I

Bạn chưa đăng nhập. Vui lòng đăng nhập để hỏi bài
Viet Thang

1, Miêu tả cảnh mùa xuân ở thành thị

2, Cảm nhận của em về tết cổ truyền dân tộc

Mk đang cần gấp, ai hay thì mk sẽ tick luôn. Tks trước nha

Nguyễn Thị Thảo
1 tháng 2 2017 lúc 19:42

1, Bài làm

Chỉ còn đúng một tuần nữa thôi là đến Tết Nguyên Đán Đinh Hợi. Những ngày cuối cùng của năm cũ, thời gian trôi nhanh vùn vụt. Nhịp điệu cuộc sống ở Thành phố Hồ Chí Minh thường ngày vốn đã hối hả nay lại càng thêm hối hả.

Khác với mùa xuân phương Bắc, mùa xuân phương Nam không có mưa bay, gió lạnh mà vẫn rực vàng một màu nắng ngọt ngào. Bầu trời cao vời vợi trong vắt như thuỷ tinh. Gió thổi lao xao trên những hàng cây dầu, cây sao trồng dọc những con đường lớn, đem lại cảm giác mát mẻ, lâng lâng trong lòng người đang náo nức đón xuân.

Sau ngày hăm ba tháng Chạp cúng đưa ông Táo về trời, không khí Tết rộn ràng hẳn lên. Từ khắp các cửa ngõ thành phố, dưa hấu được chở bằng ghe, thuyền, bằng xe tải đổ về các chợ lớn nhỏ và chất đầy các sạp ven đường. Đủ các loại: dưa để trưng trên bàn thờ Tết có trái hàng chục kí, màu da xanh đen; dưa hấu Long Trì ngọt ngon nổi tiếng bày bên cạnh dưa ruột đỏ, ruột vàng của Thái Lan, Hồng Kông... Người miền Nam ăn Tết không thể thiếu được dưa hấu vì nó đem lại cảm giác nhẹ nhàng, dễ chịu trong những ngày nắng nóng. Bên cạnh dưa hấu là hàng chục thứ trái cây quen thuộc, thứ nào cũng đẹp, cũng quý như bưởi Năm Roi, vú sữa Cái Bè, măng cụt Lái Thiêu, quýt Lai Vung, xoài cát Hoà Lộc, thanh long Châu Thành... Đặt cạnh nhau, màu sắc đa dạng của chúng sẽ tạo nên bức tranh tĩnh vật sinh động, thể hiện sự trù phú, phì nhiêu của xứ sở này.

Theo đường thuỷ và đường bộ, hoa cùng cây cảnh từ miền Tây lên, từ Đà Lạt xuống, từ các vùng trồng hoa ở ngoại thành vào, tràn ngập khắp nơi. Các chợ hoa ở Tao Đàn, công viên 23 tháng 9 với hàng trăm loài hoa đua nhau khoe hương, khoe sắc. Phong lan, địa lan, hồng, cúc, lay-ơn, loa kèn, hướng dương, huệ, cầm chướng... thứ nào cũng đẹp, cũng thu hút du khách. Người xem tập trung rất đông ở khu trưng bày cây cảnh để thưởng ngoạn vẻ kì thú của những chậu mai bon sai cổ thụ hàng trăm tuổi, đủ mọi hình thù lạ mắt, bông hoa khá lớn với ba bốn lớp cánh mịn màng màu vàng tươi, vàng nghệ hoặc trắng ngần. Khách xúm xít nhìn ngắm, tấm tắc bình luận bên những cây mai chi chít nụ xanh, lác đác vài bông nở sớm... Miền Nam là xứ sở của mai. Hoa mai tượng trưng cho mùa xuân phương Nam. Cây chắt chiu tinh tuý từ lòng đất suốt một năm, để đến khi Tết đến, xuân về, nở bừng một sắc hoa vàng rực như lời chúc tốt lành, may mắn. Đi dạo trong chợ hoa xuân, ta sẽ thấy tâm hồn rạo rực niềm vui và hi vọng.

Khi màn đêm buông xuống, Thành phố Hồ Chí Minh lung linh, rực rỡ trong muôn ánh đèn màu. Từ trên cao nhìn xuống, ta sẽ thấy bao nhiêu con đường là bấy nhiêu dòng sông ánh sáng cuồn cuộn chảy trôi vô tận Âm thanh thành phố là thứ âm thanh náo nhiệt của một trung tâm công nghiệp và thương mại lớn nhất nước. Thành phố Hồ Chí Minh đang rộng vòng tay, đón người từ trăm nẻo về đây chung sống, góp phần tạo nên một gương mặt mới mẻ trẻ trung và hiện đại cho thành phố thân yêu.


Nguyễn Thị Thảo
1 tháng 2 2017 lúc 19:44

2, Bài làm

Những cảm xúc về ngày tết cổ truyền dân tộc.

Có lẽ,trong mỗi chúng ta ,những người con sinh ra trên mảnh đất Việt Nam yêu dấu,đã từng trải qua không khí đón tết cổ truyền dân tộc.Và tôi cũng vậy,ngày tết cổ truyền luôn là ngày tôi chờ đợi ,háo hức nhất trong một năm.

Dù ai đi xa,học tập,hay công tác ở khắp mọi miền của Tổ Quốc,đều mang trong một nỗi nhớ quê hương:”Quê hương nếu ai không nhớ,sẽ không lớn nổi thành người”.Tết cổ truyền là dịp tốt nhất để anh em,bạn bè,gia đình..đoàn tụ,quây quần sau những tháng ngày xa cách. Ấn tượng về ngày tết cổ truyền xuất hiện trong tâm trí tôi từ những lúc còn bé.Những lần đi chợ tết cùng bố mẹ,bạn bè thật khó quên,không khí đón tết thật sôi nổi,nhộn nhịp,mọi người đua chen nhau để vào chợ tết.Một năm lao động vất vả ,mệt nhọc,một năm học tập căng thẳng,áp lực rồi cũng qua đi ,để hướng tới một sự khởi đầu mới.

Tết trong tôi là những đêm cùng mẹ nấu bánh chưng.Phong tục nấu bánh chưng ngày tết là một truyền thống tốt đẹp có từ thời vua Hùng.Dân tộc nào cũng có những món ăn truyền thống riêng.Bánh chưng,bánh dầy chính là biểu tượng của văn hóa ẩm thực Việt Nam,là những món ăn ý nghĩa nhất dâng lên thờ cúng tổ tiên.Đồng thời,bánh chưng,bánh dầy còn thể hiện truyền thống uống nước nhớ nguồn,nhớ công ơn sinh thành,nuôi dưỡng của cha mẹ.

Những lần cùng bạn bè vào chùa hái lộc,thắp hương,để cầu mong một năm mới may mắn,an lành sẽ đến với chúng ta.Cùng anh chị,bố mẹ chờ đợi từng phút,từng giây đón khoảnh khắc giao thừa,chuyển giao sang năm mới.Những tiếng pháo nổ inh ỏi,vang vọng là một nét đẹp quen thuộc trong đêm giao thừa.

Bữa cơm năm mới cùng gia đình thật ấm áp, nó như xua đi cái rét giá lạnh của tiết trời mùa đông.Mọi người cùng quây quần,sum họp vui vẻ nói chuyện cùng chúc nhau những điều tốt đẹp nhất.Ai cũng vậy,đều thích được nhận những bao lì xì xinh xắn,dễ thương trong ngày tết.Mặc dù,số tiền lì xì nhận được từ mọi người là không nhiều nhưng ý nghĩa của nó thì vô cùng lớn.Cầu chúc cho mọi người gặp được nhiều may mắn,có sức khỏe dồi dào,học tập tốt...Có lẽ ,ngày tết là ngày mà mọi người khoác trong mình những bộ cánh đẹp nhất trong một năm…

Tết cổ truyền là một niềm vui,một sự khởi đầu,ba chữ”Tết Nguyên Đán “ đã nói lên điều đó.”Nguyên” có nghĩa là bắt đầu,”Đán “ là buổi ban mai,là sự khởi đầu của một năm mới.Năm mới đến,cũng là lúc chúng ta thêm một tuổi mới ,bố mẹ chúng ta cũng già thêm một tuổi.Những sợi tóc bạc, những nếp nhăn của bố mẹ cứ in hằn trong tâm trí tôi.Tôi chỉ muốn thời gian dừng lại,không trôi qua nữa mà không thể được.Thời gian như một mụ phù thủy xấu xa cướp đi tuổi xuân,những kỉ niệm của mỗi chúng ta.Nhưng thời gian thì không chờ đợi ai cả,vì vậy chúng ta phải sống thật tốt với mọi người xung quanh để không phải nuối tiếc quá nhiều.Tôi tự hứa với lòng mình ,sẽ trân trọng những giây phút quý giá bên bố mẹ.

Đón tết với một niềm vui ,hạnh phúc là một niềm may mắn với cá nhân tôi.Trên dải đất hình chữ S của chúng ta,còn rất nhiều những gia đình khó khăn rất cần sự quan tâm của mọi người.Hy vọng,những tấm lòng vàng quyên góp từ thiện của mọi người sẽ phần nào xoa dịu được nỗi buồn trong họ. Rồi những chiến sĩ nơi biên giới,hải đảo xa xôi còn đang chiến đấu,bảo vệ hòa bình,độc lập cho Tổ quốc Việt Nam.Cảm ơn các anh rất nhiều,những anh hùng trong thời đại mới.

Nguyễn Trần Thành Đạt
1 tháng 2 2017 lúc 23:22

Bài 2:

Tết Nguyên Đán là ngày hội cổ truyền lớn nhất, lâu đời nhất, có phạm vi phổ biến rộng và là ngày lễ tưng bừng, nhộn nhịp của cả dân tộc. Tết Nguyên Đán là khâu đầu tiên và quan trọng nhất trong hệ thống lễ hội Việt Nam, nó mang đậm nét văn hóa dân tộc sâu sắc và độc đáo, phản ánh tinh thần hòa điệu giữa con người và thiên nhiên theo chu kỳ vận hành của vũ trụ. Chữ Nguyên có nghĩa là bắt đầu, chữ đán có nghĩa là buổi ban mai, là khởi điểm của năm mới. Đồng thời, tết cũng là dịp để gia đình, họ hàng, làng xóm, người thân xa gần sum họp, đoàn tụ thăm hỏi, cầu chúc nhau và tưởng nhớ, tri ân ông bà tổ tiên. Ở góc độ mối quan hệ giữa con người và tự nhiên, Tết là do xuất xứ từ (thời tiết) thuận theo sự vận hành của vũ trụ, biểu hiện ở sự chu chuyển lần lượt các mùa Xuân – Hạ – Thu – Đông, điều đó có ý nghĩa rất đặc biệt đối với một nước thuần nông như nước ta. Theo tín ngưỡng dân gian, bắt đầu từ quan niệm “Ơn trời mưa nắng phải thì” người nông dân còn cho đây là dịp để tưởng nhớ các vị thần linh có liên quan đến nông nghiệp như thần Đất, thần Mưa, thần Sấm, thần Nước… Người nông dân cũng không quên ơn các loài vật đã cùng họ sớm hôm vất vả như trâu, bò, gia súc, gia cầm và các loại cây lương thực, thực phẩm đã nuôi sống họ. Về ý nghĩa nhân sinh của Tết Nguyên Đán, đó là Tết của gia đình, Tết của mọi nhà. Người Việt Nam có phong tục hằng năm, mỗi khi năm hết, Tết đến dù làm bất cứ nghề gì, ở bất cứ nơi đâu, kể cả người xa xứ cách hàng ngàn ki-lô-mét vẫn mong được về sum họp dưới mái ấm gia đình trong ba ngày Tết, được khấn vái dưới bàn thờ tổ tiên, nhìn lại ngôi nhà, ngôi mộ, nhìn lại nơi mà một thời bàn chân bé dại đã tung tăng và mong được sống lại với những kỷ niệm đầy ắp yêu thương nơi chúng ta cất tiếng khóc chào đời. “Về quê ăn Tết” không chỉ là khái niệm đi về, mà đằng sau nó là cả một quá trình hành hương về với cội nguồn, về nơi chôn nhau cắt rốn. “Từ thuở mang gươm đi mở cõi, ngàn năm thương nhớ đất Thăng Long”. Theo quan niệm truyền thống của người Việt Nam, ngày Tết xuân là ngày đoàn tụ, đoàn viên, mối quan hệ họ hàng làng xóm được mở rộng ra, ràng buộc lẫn nhau thành đạo lý chung cho xã hội. Tết cũng là dịp đúc kết mọi hoạt động liên quan đến một năm qua, chào đón một năm mới với hy vọng tốt lành cho cá nhân và cho cả cộng đồng. Tết Nguyên Đán là lễ hội truyền thống mang tính toàn dân. Vì vậy vào những ngày cuối năm, mọi hoạt động đều hướng vào Tết, chuẩn bị cho Tết. Rõ nét nhất là không khí chuẩn bị nhộn nhịp khẩn trương, từ việc mua sắm, may mặc đến việc trang trí nhà cửa, chuẩn bị bánh trái, cỗ bàn, đón tiếp người thân ở xa về…Tết đến từ ngày 23 tháng Chạp là ngày đưa tiễn ông Táo về Trời tâu việc trần gian thì không khí Tết bắt đầu rõ nét. Tết cổ truyền Việt Nam là thế đơn sơ nhưng ấm áp và tràn đầy tình thương. Lòng tôi lâng lâng nhìn cây Đào đang ra hoa trước nhà lòng hân hoan mong chờ tết đến. Mong xuân về đẻ xóa tan cái giá lạnh của mùa đông và mang tia nắng ấm áp về với mọi người mọi nhà.
Thảo Phương
2 tháng 2 2017 lúc 12:37

Những ngày cuối đông, cơn mưa phun cũng đang tất tưởi đi về nghỉ ngơi sau một mùa dài làm việc, để lại nhường chỗ cho tia nắng cuối đông mang đến cho muôn cảnh vật một sự ấm áp đầu xuân.

Sau một thời gian dài nghỉ đông, những cành cây khô héo nay đã đâm chồi nảy lộc, những con đường cũng đã được khoác lên một bộ áo của mùa xuân tràn đầy màu sắc. Sương tan, bầu trời trải đầy một màu xanh biếc, những cây non cũng vươn mình lên để đón lấy những ánh nắng hiếm hoi sau một mùa dài ảm đạm và rét mướt. Như để chứng minh cho sức sống mãnh liệt của mình, những cây cổ thụ gần như chết khô vào mùa đông lạnh giá, thì bây giờ cũng mặc sức vươn mình, đâm chồi, nảy lộc để chào đón sự trở lại của mùa xuân – mùa của đất trời tươi mới – mùa của sự bắt đầu – và mùa của ấm áp, hạnh phúc.

Những chú chim thi nhau ca hát, chuyền cành, nhảy nhót làm cho cảnh vật mùa xuân càng thêm đậm đà hương vị tươi vui. Những chú chim non đang vươn mình ra để đón nắng, như muốn nuốt lấy những tia dinh dưỡng hiếm hoi để thân thể cứng cáp hơn, còn những chú chim mẹ chim bố thì đua nhau đi tìm thức ăn sau một mùa đông nghỉ ngơi trong rét mướt.

Nếu nói mùa đông là mùa nghỉ ngơi, là mùa già cỗi của muôn loài thì mùa xuân chính là mùa của sự sinh sôi, của sự phát triển. Đâu đó, trong khu vườn bé nhỏ đầy sắc hương, những chú ong chăm chỉ đi tìm hoa lấy mật, những nàng bướm kiêu kì mặc lên mình những bộ cánh xinh đẹp như muốn đi dự lễ hội sắc màu cùng thiên nhiên, những bông hoa e ấp khoe lên như nụ hoa mới chớm mang vẻ đẹp như những cô gái mười sáu đôi mươi.

Mùa xuân cũng là mùa của tình yêu, mùa của những cuộc hội ngộ, và mùa của đoàn viên. Đối với những người con xa nhà thì mùa xuân chính là mùa ấm áp, mùa bên gia đình, mùa của người thân. Mùa xuân mang đến hương vị tết – hương vị quê nhà.

Xuân đến, con người cũng như rộn rang hơn, những bước chân cũng nhanh hơn, phiên chợ quê cũng đông đúc nhộn nhịp hơn, tất cả như muốn hòa vào bức tranh đầy sinh động của một mùa xuân mới. Nếu mùa xuân mang đến cho cảnh vật sức sống thì nó cũng mang đến cho con người sư hồi sinh, sự bình yên và ấm áp. Chúng ta ai cũng trả qua một mùa hè sôi động hết mình như chính tuổi trẻ vậy, và rồi đến với một mùa thu đầy sự trải nghiệm và rồi bước sang một mùa đông cằn cỗi, đầy nỗi thương tâm, vì vậy mùa xuân chính là cho chúng ta một cái bắt đầu lại, một cái quay đầu cho những gì đã đi qua, một cái thương nhớ cho những hồn xưa năm cũ, một cái hồi tưởng cho những vấn vương, và quan trọng nhất chính là một sự bắt đầu cho một tương lai mới.

Mùa xuân – mùa của lộc non, mùa của thắng lợi, mùa của sự bắt đầu và mùa của sự sinh sôi.

Mùa xuân người cầm súng

Lộc dắt đầy quanh lưng

Mùa xuân người ra đồng

Lộc trải dài nương mạ

Tất cả như hối hả

Tất cả như xôn xao


Các câu hỏi tương tự
Trần Nghiên Hy
Xem chi tiết
Thiên thần của ánh sáng
Xem chi tiết
Huỳnh Ngọc Gia Linh
Xem chi tiết
Miyaki Vũ
Xem chi tiết
Trần Khắc Nguyên Bảo
Xem chi tiết
ThiênÝ Trần
Xem chi tiết
Ánh Nguyễn
Xem chi tiết
zZz SoÁi Ca KaRrY zZz
Xem chi tiết
Nhi Nguyen
Xem chi tiết