Học tại trường Chưa có thông tin
Đến từ Hà Nội , Chưa có thông tin
Số lượng câu hỏi 2
Số lượng câu trả lời 11
Điểm GP 1
Điểm SP 6

Người theo dõi (3)

Đang theo dõi (0)


Câu trả lời:

Trong xã hội, người thầy mang một vai trò rất quan trọng trong việc tu dưỡng, rèn luyện, hình thành, phát triển, hoàn thiện nhân cách của lứa tuổi học sinh. Điều đó cũng được ông cha ta quan niệm, khẳng định từ hàng nghìn đời nay. Chính vì vậy trong kho tàng tục ngữ, ca dao dân ca Việt Nam có câu: “Không thầy đố mày làm nên” để bộc lộ rõ nét điều đó.
Câu tục ngữ trên mang hình thức thách đố nhưng bản chất lại là câu khẳng định, nó còn mang cấu trúc kiểu phủ định, thuộc loại câu hỏi tu từ. Hai từ: “thầy” – “mày”, từ “mày” không có ý nghĩa hạ thấp giá trị học sinh mà để đi liền với chữ “thầy” cho vần và dễ nhớ. Câu tục ngữ này nêu lên vai trò quan trọng của người thầy đối với nền giáo dục và học sinh, đồng thời cũng nhắc nhở chúng ta phải biết ơn, kính trọng thầy cô giáo. Không chỉ vậy, câu tục ngữ này còn mang giá trị truyền thống tôn sư trọng đạo của dân tộc Việt Nam từ rất lâu đời.

Thầy không chỉ là người dạy dỗ chúng ta về kiến thức mà còn là người dạy ta đạo đức, phẩm chất, giá trị mỗi con người. Học chữ, học làm việc, tất cả mọi cái học đều phải có thầy. Có thể nói thầy như thế hệ đi trước, trải qua biết bao kinh nghiệm trong cuộc sống, nay truyền thụ lại kiến thức cho học sinh, mở đường chỉ lối, giúp ta có con đường đúng đắn nhất để đi. Công lao đó không gì sánh nổi. Những ngày đầu tiên bước vào lớp, thầy đã dìu dắt, dạy dỗ, chỉ bảo. Thầy dạy học đếm, học viết, học đánh vần. Lên lớp cao, thầy dạy cho chúng ta những điều sâu sắc. Suốt quá trình học tập thì thầy là người luôn sát cánh bên ta, trợ giúp, nâng đỡ , chắp cánh cho ta bay vào tương lai. Không một người học sinh nào có thể thành đạt vào đời mà không có sự kèm cặp của thầy. Tất nhiên là nếu thầy dạy cho chúng ta mà chúng ta không biết tiếp nhận, không biết vận dụng thì công sức của thầy cũng chỉ là không. Chính vì vậy chúng ta cần phải biết rằng tâm huyết của thầy dành cho chúng ta là hết mình nên chúng ta cũng phải nỗ lực, cố gắng, chịu khó để không phụ lòng những công ơn đó. Công lao của thầy đối với sự nghiệp sau này của học sinh là vô cùng lớn, nó chính là mầm mống của sự thành đạt. Khi một người thầy hết lòng vì học sinh thì đó chính là niềm đam mê yêu nghề của thầy và cũng là tư tưởng lớn trong nền giáo dục.
Chúng ta có được ngày hôm nay cũng chính là do sự dìu dắt của thầy. Thầy đã truyền thụ kiến thức, rèn giũa những phẩm chất cao quý tốt đẹp trong mỗi con người chúng ta để chúng ta trở thành những viên kim cương sắc bén, đã được gọt giũa, luôn toả sáng trong đường đời, và cũng chính điều đó nhắc nhở chúng ta hãy biết kính trọng người thầy ở mọi lúc mọi nơi, hình ảnh của người thầy phải đi vào sự tôn kính trong mỗi chúng ta. Hãy biết vận dụng vốn kiến thức của thầy đã truyền thụ kết hợp với khả năng vốn có của bản thân để tạo nên một sự thành đạt rực rỡ trong cuộc đời của mình. Đó chính là những gì thầy mong muốn, gửi gắm niềm tin ở ta. Và nó cũng thể hiện lòng tôn kính một cách sắc nét nhất đối với thầy. Câu tục ngữ này mang giá trị trường tồn cùng thời gian và trong bất kì hoàn cảnh nào thì nghĩa của nó cũng luôn được chấp nhận, khẳng định. Không chỉ vậy, câu tục ngữ còn mang hình thức giản dị, âm điệu vui nhộn, nhưng ẩn chứa trong đó là biết bao nỗi niềm, tâm sự của ông cha ta.
Nói tóm lại câu tục ngữ này muốn nói với chúng ta một điều sâu sắc nhất. Đó chính là hãy hiểu được vai trò giá trị của người thầy, hãy biết suy nghĩ một cách toàn diện nhất để có những thái độ bộc lộ sự kính trọng đối với thầy, không chỉ là lời nói, mà còn bằng hành động. Hãy thể hiện rằng, chúng ta là những con người văn minh, biết đạo lí làm người và xứng đáng là người con đất Việt.

Câu trả lời:

Một trái tim còn đập là trái tim biết yêu thương. Yêu thương con người chính là biểu hiện của chữ "tình" trong cuộc sống. "Tình người là đáng quý". Mọi người sống với nhau là trọng cái "tình", cái "nghĩa". Đó là bản sắc của con người Việt Nam mà ai ai cũng phải thừa nhận. Ngay từ khi còn nhỏ, ta đã được giáo dục về cái lẽ sống ấy. Biết yêu thương con người, biết đồng cảm với những người có hoàn cảnh éo le, bất hạnh, thiếu thốn hơn mình, biết giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh khi có thể dù chỉ nhỏ thôi cũng đủ để họ có một hi vọng lớn vào tương lai. Quả là thật đúng với tinh thần của câu nói: "Lá lành đùm lá rách" của thế hệ đi trước để lại.

Đặc điểm chung của dòng văn học dân gian Việt Nam đó là hình ảnh được sử dụng để miêu tả hết sức bình dị, gần gũi với người dân. Trong câu nói này, người dân, những người lao động đã sử dụng hình ảnh "chiếc lá" để ví von, ẩn dụ cho cái ý nghĩa sâu thẳm bên trong. Thưc sự rất thâm thúy! Hình ảnh chiếc " lá lành" và "lá rách" thực sự rất dễ để người nghe liên tưởng, tưởng tượng và thấu hiểu. Lá ở trên cành có cái lành cái rách giống như con người trong xã hội có kẻ giàu người nghèo, có những mảnh đời cơ cực bất hạnh. Lá rách là chiếc lá dễ bị tổn thương nhất trên cây. Chỉ cần một chút gió mạnh mưa giông, chiếc lá ấy cũng có thể rớt xuống lìa cành. Cũng giống như những mảnh đời éo le trong xã hội là những thành phần dễ bị tổn thương nhất. Họ không đủ sức để chống trọi với những sóng gió của cuộc đời. Một chiếc lá ngay từ khi mới mọc chồi đâu muốn trở thành chiếc lá rách yếu ớt. Con người ngay từ khi sinh ra cũng đâu muốn mình trở thành kẻ yếu thế. Nhưng những nhân tố khách quan đã đẩy họ đến bước đường đó. Có thể là họ đã gặp rất nhiều những sóng gió trước đây và không còn đủ sức để chống chọi thêm được nữa. Có thể là ngay từ đầu cuộc sống của họ đã khó khăn nhưng ngày càng khó khăn thêm mà không có lối thoát. Câu nói "lá lành đùm lá rách" được lấy từ hình ảnh nhũng chiếc lá cứ đan xen vào nhau, không tách rời. Cứ tầng tầng lớp lớp lá đan vào nhau che phủ cả một khoảng nắng trên sân. Ít ai có thể thấy được những chiếc lá rách. Từ "đùm" có nghĩa là đùm bọc, chở che, bảo vệ. Câu nói này ngụ ý, hay biết cảm thông, giúp đỡ khi có thể với những người có hoàn cảnh éo le hơn mình. Bởi cuộc sống là cho đi đâu chỉ nhận về. Người với người sống với nhau là để yêu thương. Hơn ai hết, những người bất hạnh cũng muốn mình có một tương lai tốt đẹp. Không ai muốn mình cứ đắm chìm mãi trong bất hạnh, mệt mỏi, chán trường. Nên nếu có thể hay dang rộng vòng tay giúp đỡ họ. Dù chỉ nhỏ thôi như một lời động viên an ủi cũng có thể làm họ cảm thấy vững tin, hi vọng vào tương lai tươi sáng. Ở Việt Nam chúng ta, có rất nhiều hoạt động được thực hiện trên tinh thần đó. Nhỏ nhất có thể nói đến như hoạt động phát cơm tại các bệnh viện của đội sinh viên tình nguyện. Lớn hơn có thể nói đến những mạnh thường quân chung sức ủng hộ cho những mảnh đời cơ cực, éo le, bị bệnh cần một khoản tiền lớn để chữa trị. Tron khuôn khổ nhà trường có thể kể đến các hoạt động nhỏ như mua tăm ủng hộ, quyên góp áo ấm… Những câu truyện cổ tích ngày xưa mẹ thường hay kể đã rất nhiều lần đề cập đến câu nói này. Chắc hẳn không ai có thể quên những hình ảnh bà tiên giả làm người đi đường nghèo khổ để thử lòng con người và cái kết là người đã giúp đỡ bà sẽ được hạnh phúc trong cuộc sống. Một cốt truyện quen thuộc nhưng ở trong đó là cả một triết lý sâu xa. Đó là cho đi sẽ được nhận về xứng đáng. Có cho thì mới có nhận. Hãy biết yêu thương con người, đồng cảm với mọi người. Bởi lẽ có như vậy thì tâm hồn bạn mới được thanh thản.

Câu trả lời:

Lòng kiên trì bền bỉ, tinh thần hăng say lao động là một yếu tố rất quan trọng trong cuộc sống của mỗi chúng ta. Trong cuộc sống sẽ chẳng có gì tốt đẹp tự đến với ta nếu ta không chuyên tâm, không chịu đi tìm tới nó để đạt được mục đích của mình. Muốn vậy tư phải nhẫn nại, không ngại khổ dám vượt qua tất cả và trang bị cho mình tinh thần hăng say lao động kiên trì thì chắc chắn kết quả tốt đẹp trước sau cũng đến với ta. Đúc rút kim nghiệm sống qua bao đời nay để nhắc nhở con cháu mình phải biết sống có nghị lực, nhân dân ta đã khẳng định: “Có công mài sắt có ngày nên kim” Mỗi người Việt Nam, có mấy ai mà không biết câu tục ngữ quen thuộc ấy. Nhưng để hiểu đúng, hiểu rõ nó, mỗi chúng ta nên tìm hiểu kỹ câu nói ngắn gọn nhưng sâu sắc ấy, thì việc khắc sâu và áp dụng nó một cách đúng đắn sẽ có một hiệu quả tốt đẹp. Câu tục ngữ ngắn gọn nhưng nói được bao điều ấy gợi cho ta một công việc và một kết quả đạt được; đó là nếu bỏ ra nhiều công mài sắt thì sẽ có ngày được kim xinh xắn có ích cho đời. Nếu chỉ hiểu đơn giản có vậy thì cũng không sai, nhưng chưa sâu, chưa kĩ, chưa thể giúp ích cho ta một cách tốt đẹp, hiệu quả. Ta có thể hiểu rộng hơn một chút; muốn có được kết quả như mơ ước cần phải có đức tính kiên trì bền bỉ, tình yêu lao động thiết tha và một thời gian lâu dài do sự thử thách của công việc, của cuộc sống. Tất cả những điều ấy khi chúng ta vượt qua được thì kết quả đã cầm chắc trong tay. Cũng như cách ví của chúng ta: Từ một miếng sắt khi bỏ công sức mài mòn thì sẽ trở thành cây kim được. Qua cách ví ấy ta cũng thấy được công việc đơn giản nhưng thật là gian nan khi muốn đạt kết quả. Câu tục ngữ bao hàm một ý nghĩa lớn lao gói gọn trong tám từ cô đọng. Trên đời này chẳng có gì làm nên nếu không có yếu tố: Cần cù, kiên định, tình yêu lao động.Tất cả đều trải qua một quá trình dài mà hình thành được, có khi cả cuộc đời con người cũng chưa thể xong và phải có sự kế tục của thế hệ sau. Thật vậy, vạn vật chung quanh ta và ta cũng thế, cũng dần dần hoàn thiện và chẳng có gì tự dung hoàn thiện ngay được trong cuộc đời này. Qua bao đời dúc kết và rút kinh nghiệm, qua thực tế cuộc sống hôm nay, câu tục ngữ trên không có điểm gì sai sót cả, đó là một chân lí không thể phủ nhận, không thể tách rời mỗi chúng ta. Từ việc nhỏ cho tới việc lớn, tất cả đều gắn bó với quan niệm ấy để tồn tại, để xây dựng. Bài học đó được nhân dân ta gởi gắm cho người lao động. Mai An Tiêm trên đảo hoang trơ trụi vẫn tìm được nguồn sống dồi dào nhờ vào đôi bàn tay trắng, nhờ vào đầu óc tìm tòi và con tim cháy bỏng tình yêu cuộc sống. Tất nhiên, mọi việc không dễ dàng nhưng con người làm được. Chúng ta cần phải học tập, ghi nhớ lời dạy của nhân dân vì đó chính là dòng sỡ mẹ mát trong nuôi ta giữa cuộc đời khi gặp bất trắc cũng như khi dòng đời êm ả. Ta phải làm gì đây khi hiểu được lời dặn dò ân tình ấy? Không, đó không phải là chuyện đơn giản, không thể muốn làm gì cũng được bởi vì nếu áp dụng nó vào mục đích tốt đẹp thì kết quả sẽ tốt đẹp. Ngược lại, hậu quả sẽ tai hại nếu dụng vào mục đích xấu xa. Tầm quan trọng của câu tục ngữ thật lớn lao, thật khó nói hết. Nếu ta không làm gì cả cho ta, cho đời thì lúc đó ta như đồ bỏ; nếu ta làm rồi bỏ dở thì thật là vô ích. Nhưng khi ta làm theo, thật xứng đáng với từng hoàn cảnh thì chính ta và cuộc sống sẽ tốt đẹp hơn lên rất nhiều. Là một học sinh, là người con của cha mẹ, chúng ta cần phải kiên trì học tập, lao động để trở thành học sinh giỏi. Ta phải lễ phép ngoan ngoãn giúp đỡ cha mẹ để xứng đáng là con ngoan của gia đình. Là người chủ tương lai của xã hội, mỗi chúng ta phải lao động không ngừng, luôn luôn mở đường cho tương lai đất nước bằng công sức, trí tuệ và con tim đầy sức sống của tuổi trẻ. Đừng ai như những chú vờ suốt ngày bay lượn để chiều tối chết đi một cách vô ích không ai biết tới, không làm gì được. Giữa đời thường thiếu gì những kẻ ngồi mát ăn bát vàng, cả cuộc đời không làm gì để thực hiện ước mơ của mình, vun đắp cho đời. Có người không dám vượt qua thử thách vì ngại khó khăn. Còn chúng ta khi đã nhận thức và tâm niệm được “Có công mài sắt, có ngày nên kim” thì, đừng bao giờ như vậy, đừng áp dụng nó vào mục đích đen tối, xấu xa gây hại, đừng bỏ mặc cuộc đời trôi đi không chịu làm gì để rồi luyến tiếc, đừng nản chí khi gặp khó khăn, bởi vì sẽ “có ngày nên kim” nếu “có công mài sắt”. Đó không phải là điều mơ hồ xa xôi, đó không phải là cái gì to lớn, nó rất gần gũi hàng ngày với ta. Mỗi chúng ta hãy tự đứng dậy và bước lên phía trước mặc cho gian khó cản đường và hãy tin tưởng ở tương lai. Thực tế đã chứng minh điều ấy. Non sông ta phải trải qua bốn ngàn năm lịch sử dựng và giữ nước, rồi chín năm kháng chiến chống Pháp trường kì gian khổ hi sinh, tiếp đó là mười năm chống Mỹ cứu nước mới thống nhất được đất nước như ngày hôm nay là một minh chứng. Câu nói nhắc nhở của nhân dân ta với con cháu mình “có công mài sắt có ngày nên kim” là một chân lí sáng ngời cho hôm qua, hôm nay, ngày mai và mãi mãi muôn đời sau cũng vậy. Sau khi hiểu được thật rõ ý nghĩa của câu tục ngữ ấy, em thấy mình gắng công học tập thật nhiều nữa thì mới không phụ lòng cha mẹ, mới xứng đáng là người công dân tương lai xây dựng đất nước. Mai đây dù có quên đi điều gì nhưng lời dặn dò ấy thì mãi mãi bên em như một người thầy giáo của cuộc sống. Tương lai đang chờ và lúc nào cũng chờ đón chúng ta, chờ đón những con người dũng cảm. Hãy bước tới mạnh mẽ và tự tin bởi vì: Không có việc gì khó Chỉ sợ lòng không bền Đào núi và lấp bể Quyết chí ắt làm nên.

Nguon : http://hoctotnguvan.net/giai-thich-cau-tuc-ngu-co-cong-mai-sat-co-ngay-nen-kim-23-1446.html