hơ hiện đại mang những giá trị thời đại, nó sẽ trở thành truyền thống theo lôgíc truyền kiếp của tiếp biến văn hóa nên nó chỉ là phát triển biến dạng tinh vi của những giá trị thơ ca truyền thống chứ không hề phủ định những giá trị này. Nghiên cứu thi pháp của thơ hiện đại, chỉ ra những khác biệt của nó về đam mê và hình tướng trong so sánh với thi ca truyền thống cũng là để lần tìm trong cái rối bời cảm xúc và ngôn ngữ của nó một đầu mối mong manh liên kết sự hỗn loạn phù du của nó với cái gốc văn hoá, tâm linh và đời sống đã hiển nhiên trong tư cách nền tảng của giá trị thơ ca.
Trong nỗ lực cách tân của thơ ca hiện đại, con người dường như đang được phá ra làm lại, y như sửa lại một bản thảo với gạch xoá và thêm bớt. Con người bị xoá đi cái đường viền quen thuộc như ngàn xưa, cái đường viền tạo nên ranh giới giữa nó với tự nhiên và xã hội, giữa trần gian và vũ trụ. Để biểu hiện cái sức sống mởi mẻ, mãnh liệt và cái tâm thức giắng xé quằn quại của thời đại, con người hoá thân thành rất nhiều sinh thể khác nhau trong thơ. Nó cũng phân thân thành từng linh kiện, cái lưỡi, ngón tay, đôi mắt, chứng minh thư, mùi xoa, chiếc ghế... tất cả giờ đây chẳng ở yên trong trật tự của cái Tôi, một người tình, một công dân... mà náo loại đổi chỗ, đổi ngôi bứt khỏi nhau, vượt thoát khỏi lực hút của những trật tự cũ, những ý nghĩa cũ để lơ lửng trong thơ như những sinh thể riêng của vũ trụ. Chúng dường như đang sống trong nhịp đập của những thân phận vũ trụ vừa kỳ vĩ lớn lao, vừa thầm lặng bé nhỏ, vừa như đánh mất con người xã hội lại vừa như mở rộng đến vô cùng cuộc sống trần gian, là chứng nhân cho sự mở rộng nhân cách con người trong sự đồng cảm với những sinh vật khác.
Con người trong thơ hiện đại trở nên khoáng đạt, đôi khi ngông ngạo. Nó chẳng con giữ cái nhìn thiêng liêng sùng kính vào vũ trụ, vào người yêu, vào lãnh chúa như xưa. Nó lôi tuột vũ trụ huyền ảo về làm đồ vật thường ngày của nó: đám mây làm tã lót, sông Ngân Hà là con sông đục ngầu bởi mỏ vịt mò cua, tia nắng như lạt buộc, vầng trăng như cốc thủng, cây xanh thì tự xé rách lưỡi mình ví ngứa, những con chim thì bay lên như mí mắt người chết sống lại từ từ mở ra... Cả một vũ trụ bị đời thường hoá, đồ đạc hoá, còn đâu cái xa vời, lung linh, hư ảo của ngày xưa. Lý Bạch xưa chỉ dám coi trăng như bạn rượu, lịch sự và khát khao mời mọc. Looca thấy túi tiền xu như "vầng trăng trăm đầu", khắc khoải ám ảnh bởi cái khoảnh khắc "khi vầng trăng hiện". Trăng trong thơ xưa bao giờ chẳng xa, đẹp và thánh thiện, chẳng mấy ai ví nó như một đồ vật tầm thường như thi sĩ hôm nay. Có một sự đảo lộn và đổi chất trong quan niệm và cảm thức về cái thi vị, thiêng liêng. Thi sĩ hiện đại nổi loạn, lật đổ những ngôi vị thiêng liêng thơ mộng, những khát vọng trần thế để chiếm lĩnh vũ trụ, giống như Tôn Ngộ Không nhảy tót lên thiên đình vỗ vai Ngọc Hoàng và ngốn ngấu đào thiêng. Sự nổi loạn này có cội nguồn dân chủ và thực dụng, song nó không phải là dấu hiệu của sự khô đạo. Nó chỉ là sự đảo chính tôn giáo, lật đổ những Chúa Trời cũ, những thần tượng biểu tượng thơ ca cũ để xây dựng một tôn giáo mới, một chủ nghĩa trữ tình mới, ở đó những sinh vật bé nhỏ, những đồ đạc vốn tầm thường được trân trọng, lên ngôi, nhảy múa điên cuồng, thậm chí lung linh, tung tẩy trong áo mới như trong ngày hội. Nếu thơ xưa là ngày hội của quần chúng của thánh thần trong lịch sử và trong vĩnh cửu, thì giờ đây, thơ là ngày hội của các sinh vật nhỏ bé trong đời thực và trong vũ trụ. Chúng vừa được các nhà thơ đưa lên ngôi Chúa tể của thi hứng và được chia một mảnh trăng, một mảnh lịch sử, một mảnh cô đơn, một mảnh tình yêu, một mảnh hư vô ... Chúng gói ghém tất cả hành trang ấy trong cái tay nải thùng thình của ngôn ngữ chất lên vai và lết đi, trườn đi, như một lực lượng mới gánh vác tất cả những sứ mệnh vũ trụ, lịch sử, tôn giáo và thi ca của hàng ngàn năm, trườn đến cái đích vô định mà thậm chí các nhà thơ hiện đại cũng không hình dung được. Các nhà thơ hiện đại không chỉ bàn giao cho chúng sứ mệnh và thân phận của con người, họ còn trao cho chúng tất cả tình yêu và nghi lễ, những bài hát đưa tang, những khẩu hiệu tự do. Và thế giới hiện lên trong thơ hiện đại giống như giọt nước nhìn qua kính hiển vi nhung nhúc những sinh thể bé nhỏ, lấp lánh, điên cuồng, sợ hãi và tội nghiệp. Chúng giống như nạn nhân, bầu bạn và cứu tinh của con người, là nơi pha trộn cái bất lực, cái thi vị thiêng liêng, cái thảm hại đáng thương của đời sống hôm nay và hy vọng của ngày mai.
Con bọ chó trong thơ, giờ đây, đâu phải là con bọ chó tầm thường bẩn thỉu của ngày xưa, mà đã trở nên một sinh vật hùng tráng mang trong nó cái nguyên lý vũ trụ mênh mang mà con người vừa giác ngộ. Nó không còn là ký sinh trùng của một sinh vật quen thuộc trong thế giới quen thuộc của con ngươì mà đã trở thành một đại biểu của một thế giới mới mà con người vừa mới khám phá và đang còn say sưa thám hiểm - thế giới vi mô vô cùng vô tận, thế giới sinh học kỳ bí khôn lường, thế giới vô lượng kiếp trong cái nhìn nhà Phật, thế giới của những tiết tấu vũ trụ thầm kín mà hùng tráng nơi con người đã giác ngộ sự bất lực hữu hạn để khao khát hoà vào trong vũ điệu kỳ ảo của thiên nhiên. Bởi thế, nhà thơ hiện đại chẳng ngại ngần ký thác những tâm sự thời đại kỳ vĩ, những ám ảnh triết học khôn nguôi vào những bầu bạn mới vốn nhỏ bé và gớm ghiếc. Nhà thơ biết rằng, trong cách đo khác thường của giá trị thơ ca, con bọ chó, chú ốc sên có tầm vóc chẳng thua những ông vua, những anh hùng trong thơ ca truyền thống vì trong tư cách những hình tượng và biểu tượng những sinh vật bé nhỏ và yếu ớt kia có thể là điạ chỉ cuối cùng của hy vọng nơi những hồn thiêng của những anh hùng và những vĩ nhân tạm thời nương náu trong cơn thương khó bị xua đuổi khỏi lốt người. Nhà thơ có thể viết những bài thơ hùng tráng ca ngợi cuộc đấu tranh của chúng để kéo dài sự sống trong một kẽ lá khô, ca ngợi cái khát vọng muốn tận hưởng ánh trăng mà lâu nay chỉ dành riêng cho con người tận hưởng. Trong mắt nhà thơ hiện đại các sinh vật tầm thường bé nhỏ cũng đã được nhìn nhận như những vệ tinh mang nhân cách con người. Chúng là những công dân mới của vương quốc thơ ca mang trong mình cả cái phi thường và cái phàm tục, cái vô tận và cái nhỏ bé của nhân loại hôm nay. ở những bài thơ hay, chúng trở thành những ứng cử viên có hạng của sự tìm kiếm nhân vật thời đại vì chúng chính là những mảnh vụn của một vũ trụ thơ vừa bị phá nát vẫn cố mang cái sức mạnh, cái cao cả của vũ trụ trong cái vóc dáng bé nhỏ tội nghiệp... Chúng chỉ còn cố làm vẻ kiên trì đạo lý, làm nơi cư trú của tinh thần vũ trụ trong sự trốn chạy của một thế giới hư nát, thực dụng. ở những bài thơ xoàng, những nhân vật này chỉ là những con giòi nhốn nháo và lơ lửng đục khoét thi thể kiều diễm của Nàng Thơ, chúng thiếu đức hạnh của tôn giáo và vũ trụ. Dù ở cực nào thì những sinh vật nhỏ bé, những đồ đạc tầm thường trong thơ hiện đại cũng bộc lộ rõ xu hướng khước từ cái vĩ mô cổ điển, phổ những gì thi vị thiêng liêng cao cả vào những cái vi mô, cái đời thường. Đó là cách lặn sâu vào thế giới, thám hiểm những đường hầm chật chội bên dưới những nền tảng đời sống ù lì quen thuộc và nhàm chán.
Nhà thơ hiện đại đập nát vũ trụ thơ cũ và đập nát cả con người anh ta, cả gia đình, xã hội, cái tôi. Gia đình chẳng còn quyến rũ như tổ ấm, nó hiện lên trong thơ hiện đại như nơi cư trú của cô đơn, goá bụa, nơi gặp gỡ của những kẻ đi hoang, những kẻ ngoại tình, những chiếc mạng nhện, những con gián rung râu. Xã hội trở thành cái chợ nháo nhào những sách thánh, những xa lông, những xi líp, phao bơi, ly chén và ngỗng quay - nhốn nháo, ô hợp và dung tục. Còn con người, cái tôi, cả linh hồn và thân thể đều đang bị đập ra, mỗi bộ phận quấy lộn như một con thú muốn đòi riêng quyền sống, quyền tự trị. Cái lưỡi từng kiêu hãnh là kẻ phát ngôn những lời cao siêu tinh tế, giờ đây cũng không chịu nằm yên trong miệng mà cố trườn ra như rắn. Thân thể đòi quyền là một xác chết ngay khi nhà thơ còn sống. Móng tay tầm thường đòi trở thành chiếc lông chim ngũ sắc... Nhưng những đổ vỡ đó, những nhốn nháo ô hợp đó lại phát lộ một nỗi đau sâu sắc của nhà thơ thông qua những ấn tượng ghê sợ về sự dung tục của xã hội đương đại nơi con người có nguy cơ xuống cấp thảm hại về văn hoá. Tất cả những ấn tượng, cảm giác, những quấy lộn có màu sắc bệnh hoạn, nổi loạn đó là dấu hiệu hoang mang khắc khoải của một thời đại thi ca trong cảnh ngộ mất đi lực hút của những ý nghĩa nền tảng làm nên cấu trúc tổng thể của con người xưa và vũ trụ xưa. Chính là ý nghĩa sống, ý nghĩa xã hội, những giá trị lịch sử, những biểu tượng văn hoá cũ đã mất đi lực hút để cố kết tất cả những sinh thể và đồ vật của thế giới bên trong và bên ngoài thi sĩ, nên thi sĩ hiện đại quằn quại rên siết trong sự cứa xát của hàng triệu mảnh vụn vỡ của thế giới, nhạy cảm đớn đau, chạy trốn, khóc gào, điên dại và vơ váo nhưng vẫn không thôi mơ mộng khát khao cái đẹp và hướng thiện. Tất cả những sự loạn luân của con người với đồ vật, sinh vật và chủ nghĩa chỉ là cơn hoan lạc thi ca của những kẻ cùng cảnh ngộ đi hoang, vật vã đam mê, đớn đau trong bản năng vũ trụ, bản năng chữ, bản năng người. Cuộc loạn luân thơ ấy, thi pháp quần hôn mông muội ấy có thể không đẻ ra ý nghĩa cuộc đời, mà chỉ sản sinh ra cảm giác và ấn tượng. Nhưng điều đó không hề là dấu hiệu mất đi của chủ nghĩa nhân văn. Trái lại, đó là một chiều kích mới của chủ nghĩa nhân văn, không chỉ vì những ấn tượng và cảm giác đó vẫn thường khơi gợi những miền ký ức văn hoá thiêng liêng, những cảm hứng sáng tạo lành mạnh, mà chính vì đó là sự rên xiết của con người, cỏ cây và đồ vật trong một thế giới đã hư nát bởi sự đầu độc của văn minh vật chất, của những vụ cưỡng hiếp văn hoá, của những ảo tưởng tham lam, ti tiện, thù địch ngày ngày với ý tưởng nhân văn hằng sống trong thơ và tâm khảm các nhà thơ. Hơn thế nữa, trong thi pháp quần hồn mộng muội ấy đã lấp ló một đức hạnh của cảm thức hoà đồng quán xuyến trong cái nhìn vũ trụ và xã hội của con người phương Đông xưa. Cái đức hạnh sâu sắc khôn ngoan của con người công dân vũ trụ ấy trong đời sống tinh thần của con người Tây phương là khát vọng chinh phục vũ trụ, là ý thức về môi trường, là đạo đức học sinh thái, một đạo đức mới mà sự xuất hiện của nó đã gặp nhiều sự phản đối vì nó phá vỡ cấu trúc của chủ nghĩa nhân văn truyền thống. Dù ta quan niệm rằng cái đức hạnh vũ trụ khoáng đạt kia đã hạ thấp con người xuống tầm sâu bọ và sỏi đá hay đã nâng sâu bọ, rác rưởi lên ngang tầm con người, thì đó cũng là một thực tại tinh thần đang hiện diện, ám ảnh và day dứt trong tâm khảm các nhà thơ hiện đại đích thực. Và sự phập phồng của những thân phận vũ trụ khác xa với sự đập phá con người, xã hội và ngôn ngữ ở các chiều sâu triết học và những năng lượng thi ca.
II. Sự đầy đoạ ngôn từ
Hay là những ám ảnh của siêu ngôn ngữ
Trong thơ hiện đại bài thơ hay giống như một làn hương ám ảnh mà khó nắm bắt, thức dậy mà khó định hình, nó như con chim sôi động vỗ cánh trên tay nhà thơ và vút bay đi. Nhà thơ không buộc nó bằng một sợi dây ý tưởng như ngày xưa mà chỉ có thể chỉ tay lên khoảng không mông lung với cái nhìn ngẩn ngơ tiếc nuối. Thơ hiện đại là cái lá tươi non run rẩy trên cây hoặc nhàu nát trên tay, giữa những ngón bối rối, xé nát nó như người ta vẫn làm trong khoảnh khắc im lặng bên người yêu. Và, chiếc lá ngôn ngữ bị xé nát toả ra một làn hương bí ẩn của tâm trạng và của thiên nhiên cái hương lá thoảng qua có vẻ thứ yếu ấy ngờ đâu lại chính là kẻ lưu giữ ký ức, kỷ niệm, tình yêu, mang cái mã của khoảnh khắc bí ẩn kia để rồi có thể bất chợt bùng lên trong tâm trí. Đó là siêu ngôn ngữ, đó chính là thơ... Nếu như thơ xưa cố gắng mô tả bằng cái nhìn quan sát tỉnh táo mọi lời đối thoại, mọi quẫy lộn tinh tế của tâm hồn làm hiển hiện trên trang giấy cái hình hài rõ mồn một của sự bí ẩn tâm lý và nhịp đi của cuộc sống, thi thơ ca hiện đại tìm một cách riêng, bằng sự dày vò, đoạ đầy ngôn ngữ cố làm cho tâm hồn và cuộc sống tự nó toả hương.
Thơ truyền thống kể về sự thiêng liêng, đó là ngôn ngữ của các thầy chùa nói về các bí tích, các vị thần đang thờ phụng và các tấm lòng công đức ngưỡng mộ của tín đồ. Đôi khi nhà thơ cũng cảm nhận được cái run rẩy mơ hồ tinh tế đâu đây của một nguồn thơ vô hình, vô địa chỉ, nhưng sự tinh tế ấy, cái mơ hồ phiêu lãng ấy lại được kể lại, được hiện hình lên quá nét, quá tỉnh, quá rạch ròi, nó mất đi các chiều kích của hư vô làm nên bí ẩn và thấp thoáng. Thơ hiện đại cố gắng trình bày một bàn thờ mà ở đó chân dung các tượng thần có phủ một chút bóng tối thần bí, tạo nên chiều sâu của khoảng cách giữa thần thánh và trần thế khiến người đọc thơ có cơ hội đối diện với thần thánh đích thực, một sự đối thoại run rẩy có pha im lặng, từ chối và hoà nhập, không phải là sự đối thoại giữa khách viếng thăm với người quản lý chùa như thơ xưa. Những cảm xúc lớn hay những cảm xúc tinh tế đều cố gắng hiện diện trực tiếp qua bản thân hình thức trong hình thức có thêm chiều kích, lương tri của đời sống và của hư vô, không còn là một mặt phẳng rạch ròi và đơn điệu của sơ đồ thiết kế hay bản báo cáo về linh hồn và cuộc sống. Thông qua hình thức nhà thơ đưa tới hay thức dậy cho người đọc cái tính chất cái hồn vía của đời sống đích thực, run rẩy, tươi mới, sống động chứ không phải trình bày một đời sống đã đóng hộp trong các lô gích, sự kiện và kỷ niệm.
Nếu đọc thơ bằng đầu óc, để gắng hiểu ý nghĩa của câu thơ, bài thơ thì người đọc sẽ luôn cảm thấy khó hiểu. Phải đọc thơ, nhất là thơ hiện đại bằng sự cảm nhận tinh tế của văn hoá, của trái tim. Lâu nay ta vẫn có ngộ nhận đồng nhất tâm hồn, cuộc sống thực với ngữ pháp, ta cứ tưởng các mệnh đề ngôn ngữ sáng tỏ rạch ròi đó chính là cuộc sống nên khi thấy ngữ pháp bị xúc phạm ta tưởng rằng cuộc sống bị xuyên tạc, lương tri bị phá tan. Thực ra cuộc sống đích thực và chân lý thơ ca không phải luôn đồng nhất với các mệnh đề ngôn ngữ phổ biến. Nhiều khi do nó mang những chiều kích lớn hơn, tinh vi hơn, bí ẩn hơn ngôn ngữ nên nó phải phá tung bộ áo ngôn ngữ thô cứng chật chội để hiện ra trong sinh thể quyến rũ và vạm vỡ của sự sống và nhiều khi của chính lịch sử. Đó chính là cuộc sống đang tuôn chảy trong tiềm thức, vô thức của nhà thơ, cuốn trôi đi các bờ đê ngôn ngữ tạo nên một thác lũ, một phù sa mới. Đó chính là cái lịch sử đang hình thành và đang phát lộ, chưa thành lịch sử nhưng không thể nói là những giá trị của nó đối lập hay đứng ngoài cái lịch sử mà ta vẫn coi là chuẩn mực giá trị văn chương.
Thơ cũ với tinh thần duy lý tỉnh táo đóng chốt vào đầu ta những câu thơ hay như đóng những chiếc đinh vào ván gỗ. Câu thơ đến găm vào trí não như một vật cứng, ta có thể nhổ ra để nhường chỗ cho một chiếc đinh khác, có thể lớn hơn. Nhìn chung, thơ cũ giống như những vật cứng có quảng tính dễ đo đạc và dễ cắt tỉa ra chi tiết. Hiện tượng lảy ra một vài câu thơ hay để thưởng thức độc lập chỉ là dấu hiệu tố giác thơ ngày xưa không phải sự sống vô định mà cao nhất chỉ như những hòn ngọc trang sức ở trên thân thể của đời sống. Thơ hay đích thực giống như một người đẹp ta không thể cắt ra cái mũi để khoe nhau. Thơ hay giống như một làn hương thông qua ám ảnh và lan toả không dễ gì thu gọn lại, rút tiả ra một vài câu hay để thuộc lòng, để ngâm nga, để nhớ. Thơ hiện đại toả ra hương vị bí ẩn từ toàn bộ tác phẩm, mặc dù ta không thể nhớ một câu một chữ. Nó tạo nên một trường ám ảnh xung quanh các câu chữ, các câu chữ chỉ là những viên sỏi ném xuống mặt hồ tâm hồn và mất tích ở đó. Cái còn lại là những vòng sóng miên man lan toả mãi, run rẩy mãi trong ta, xung quanh ta. Chẳng có ai làm cái việc sưu tầm những viên sỏi đã ném đi theo cái lối chép những câu thơ hay vào sổ tay để thuộc như cái thời ấu trĩ của văn chương. Ngôn ngữ thơ ca chỉ là cái mà nhà thơ ném đi, hồn nhiên và loạn xạ, không phải là thứ nhà thơ cần nâng niu, gọt giũa vì cái đích của thơ ca không phải là bản thân ngôn ngữ. Nếu như những đứa trẻ có thể đập vụn một viên gạch để lấy những mảnh vụn chơi trò ném thia lia thì nhà thơ cũng có thể và cần phải đập vỡ những khuôn mẫu ngôn ngữ thô kệch để đạt tới sự ám ảnh, chập chờn và lan toả. Phật đã dạy : "Khi ta trỏ cho các ngươi mặt trăng thì hãy nhìn theo hướng ta trỏ chứ đừng nhìn vào ngón tay ta". Ngôn ngữ mà nhà thơ sử dụng cũng chỉ là những ngón tay chỉ lên những mặt trăng thi ca xa vợi không thể nhìn chằm chằm vào ý nghĩa của từ ngữ và câu cú mà tưởng rằng đã lĩnh hội được thơ ca đích thực.
Thơ hay thực sự bao giờ cũng mang trong nó một trường thẩm mỹ, lan toả mơ hồ và ám ảnh người đọc mà không dễ gì nắm bắt, không dễ gì định vị và học thuộc. Nó toả ra cái hương vị thân thiết và quyến rũ của cuộc sống và tâm hồn giống như mùi thơm từ thịt da con trẻ và mái tóc người yêu. Ta có thể cắt một lọn tóc để kỷ niệm, để làm một nghi lễ thề nguyền hẹn ước, nhưng cái mẩu tóc ấy quyết không phải là vật mang giá trị của con người. Câu thơ hay mà ta rút tỉa ra để học thuộc lòng cũng vậy, nó chỉ có thể gợi nhớ một giá trị, bản thân nó là vật chết chẳng có giá trị riêng. Cái giá trị đích thực là cái ở ngoài ta, xa ta, ta đã tưởng đạt tới nó, nắm bắt được nó (học thuộc nó, trích dẫn nó) nhưng nó lại chợt biến đi ẩn tàng ú tim đâu đó trong ta và quanh ta. Ta chỉ có thể ngơ ngác bần thần trong một khát khao kiếm tìm trở lại cái hình hài chợt hiện trong khoảnh khắc nó viếng thăm ta chứ không thể lôi nó từ trí nhớ đặt trên bàn như thò tay vào túi lấy ra những đồ đạc thuộc quyền sở hữu của ta. Ký ức thơ là một cái khác hoàn toàn trí nhớ khoa học và kỹ thuật cũng khác cái trí nhớ của người làm chứng tỉnh táo trong một phiên toà. Ký ức thơ ca tiềm ẩn trong ta, khiến cho một chiếc lá thu, một thoáng heo may, một giọt sương, một trận mưa rào, một tà áo thoáng qua có thể thức dậy cả một qúa khứ văn hoá, cả một thế giới thơ ca. Ta đâu có thuộc lòng hết thơ của Lý Bạch, Nguyễn Du. Paul Verlen và những ai đó nữa, nhưng một chữ một chi tiết hay một ngẫu nhiên thi thoảng trong trời đất và trong thơ có thể làm sống dậy tất cả hồn vía của các vị đó, ta thẫn thờ như một kẻ bị ma ám, bị lên đồng, bị bắt làm tù binh của một làn hương. Cái thấm thía thơ, cái ám ảnh thơ nó đâu có phải là cái thuộc lòng xác chữ. Nó là cái lãng quên - siêu nhớ, là cái ám ảnh vô hình lan toả từ phía sau ngôn ngữ. Đó là những ký ức văn hoá ấn tượng văn hoá mà không phải cậu học trò nào thuộc lòng bài vở cũng có thể có được. Đó là những mã văn hoá của đời sống tâm linh. Thơ hay là thơ thức dậy những ký ức văn hoá đó, để rồi lại trở thành ký ức văn hoá mới, ấn tượng mới, quên lãng mới. Nếu không đạt được điều đó - không ám ảnh ta bằng một sắc thái thẩm mỹ riêng - thì tất cả những trò đoạ đầy ngôn ngữ chỉ là trò ngáo ộp doạ trẻ con và trò loạn luân chữ nghĩa rẻ tiền. Trò chơi chữ vô hồn đó giống như các cậu bé tinh nghịch đi xe đạp bỏ hai tay trên đường phố dễ gây tai nạn. Và tai nạn ngôn ngữ, va quệt về ngữ pháp và ngữ nghĩa ấy rất khác với sự náo loạn vừa kinh sợ vừa thú vị của những người được chứng kiến sự đổ bộ của người ngoài vụ trũ từ những đĩa bay. Trò xiếc đơn giản ấy cũng rất khác với việc ảo thuật gia Devid Coccpophin làm biến mất cả bức tượng thần Tự do một biểu tượng có uy tín có lẽ còn lớn hơn uy tín của các mệnh đề ngữ pháp.
Ta vẫn hay dùng từ "phù thủy" ngôn từ để chỉ những nhà văn nhà thơ nhà hùng biện có năng lực sử dụng ngôn ngữ siêu việt cấp cho ngôn ngữ một năng lượng đảo lộn tâm hồn và cuộc sống. Vậy cái quyền năng ấy, cái bùa phép ấy thực sự là gì? Nếu nó chỉ là cái khả năng thức dậy sức mạnh trong chính ngôn ngữ thì hẳn là nó phải tôn trọng bộ lễ phục ngữ pháp mà ngôn ngữ vẫn kiêu hãnh chưng ra. Chắc chắn rằng việc các thầy phù thủy, các thiền sư, các nhà thơ hiện đại phá vỡ các kết cấu ngữ pháp và các kết cấu lô gích thông dụng là một việc lớn lao hơn một hành vi cư xử với ngôn ngữ - nó giống như một hành động phá đập để giải phóng những năng lượng tiềm ẩn của tâm hồn và đời sống, nó cũng giống như việc phá hủy kết cấu ổn định của nguyên tử tạo nên những phản ứng nhiệt hạch.
Phá vỡ một ngữ pháp một lô gích không giản đơn là trò đảo chữ và và chơi chữ, đó là sự công phá một tâm thức bền vững, một kết cấu truyền kiếp, một đập chắn khổng lồ trong ký ức cộng đồng mà nó chỉ có thể được thực hiện bởi một nội lực văn hoá mãnh liệt trong cảm hứng sáng tạo thi ca. Nội lực văn hoá đó, sự xâm nhập bất khả kháng của một luồng cảm hứng như năng lượng của thần linh hay của một thế giới khác ập đến sẽ biến câu thơ bài thơ thành một tập hợp siêu ngôn ngữ mà cái hỗn loạn của nó, sự đỗ vỡ ngữ pháp của nó mang một linh hồn mới khác hẳn với những xác chữ vô hồn trong các trò chơi chữ, hình thức chủ nghĩa cầu kỳ và lý trí. Các trò chơi đảo chữ thuần túy không phải là cái lắp bắp ú ớ của người thân trong cơn xúc động hay mê sảng làm ta thắt lòng, mà chỉ là những câu đố do đầu óc tỉnh táo và lạnh lùng chế tác.
Suy cho cùng, cái giá trị của thơ ca đích thực nằm trọn vẹn ở cái năng lực gây ám ảnh mà cái nguồn gốc của năng lực đó là nằm ngoài ngôn ngữ. Đó chính là tâm hồn, là cuộc sống là những giao lưu văn hoá sâu sắc và tinh tế giữa con người và những khoảng mờ của đời sống, những vùng xoáy của tâm linh, những tầng ký ức lịch sử, văn hoá, những thấp thoáng hình hài của tương lai ẩn hiện trong tiên cảm và linh giác. Bởi vậy, những người muốn cách tân ngôn ngữ thơ ca không nên vội loay hoay xoay đảo ngôn từ mà trước hết cần trang bị một vốn văn hoá lớn và vốn những ấn tượng trong đời sống thực. Khi những vốn liếng đó đủ đầy, rồi thì những cảm hứng sáng tạo mãnh liệt tự nó sẽ xáo tung kho ngôn ngữ, sống chết trong đấu trường với những con bò tót ngữ pháp. Ngay cả khi đó, chàng hiệp sĩ đấu bò vẫn không được quên cầm trên tay trái một tấm vải đỏ kỹ thuật để làm khiên che chắn, lái chiếc sừng ngôn ngữ hung hãn về phía có lợi cho chiến thắng của thi ca...