Nằm trong hệ thống các khu rừng đặc dụng của Việt Nam, Khu bảo tồn thiên nhiên Bình Châu – Phước Bửu (Khu BTTN BC-PB) được công nhận theo Quyết định số 194/CT ngày 9 tháng 8 năm 1986 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ). Đây là khu rừng tự nhiên cây họ Dầu ven biển duy nhất còn sót lại của Việt Nam tại huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, với diện tích 10.432,4 ha, khu bảo tồn bao gồm nhiều dạng sinh cảnh núi, rừng, cồn cát, hồ, biển,…và còn là một địa điểm nghiên cứu khoa học, du lịch sinh thái hấp dẫn với nhiều loại hình du lịch như: nghỉ ngơi, thể thao, leo núi, cắm trại, tắm biển,…
Khu BTTN BC-PB được xếp vào “Kiểu thực vật rừng kín, nửa rụng lá ẩm nhiệt đới”. Thành phần thực vật gồm 796 loài thuộc 134 họ (theo báo cáo kỹ thuật. Trung tâm đa dạng sinh học và phát triển, Viện sinh học Nhiệt đới và Khu bảo tồn thiên nhiên Bình Châu – Phước Bửu, năm 2012), trong đó có nhiều loài quý hiếm như: Cẩm lai Bà Rịa, Gõ đỏ, Gõ mật, Giáng hương, Bình linh nghệ, Dầu cát..., riêng loài Dầu cát (Dipterocarpus costatus) được coi là loài cây đặc hữu của Khu bảo tồn thiên nhiên Bình Châu – Phước Bửu. Kết quả khảo sát, điều tra về Tài nguyên động vật rừng đã xác định có 325 loài có xương sống thuộc các lớp ếch nhái, bò sát, chim và thú (chiếm ~91% các loài động vật trong toàn tỉnh BR-VT), một số loài quý hiếm có tên trong sách đỏ Thế giới và Việt Nam như: Khỉ đuôi dài, Khỉ đuôi lợn, Gà lôi hông tía, Cu li nhỏ, Rùa núi vàng... Tuy nhiên, trong những năm gần đây diện tích rừng đang bị thu hẹp đáng kể về số lượng lẫn chất lượng, tình trạng người dân lén lút vào chặt phá rừng, đốt rừng, lấn chiếm rừng đang diễn ra rất phức tạp, chính vì thế môi trường sống của các loài động thực vật đã và đang bị đe dọa nghiêm trọng, số lượng cá thể suy giảm, nhiều loài quý hiếm đã và đang bị dồn đến bờ vực của sự tuyệt chủng. Vì vậy, đa dạng sinh học tại Khu BTTN BC-PB đang phải đối mặt với một thách thức lớn về vấn đề bảo tồn. Chính vì vậy việc nâng cao nhận thức về bảo vệ rừng cho cộng đồng dân cư sống ven rừng là biện pháp tiền đề quan trọng và có giá trị bền vững nhất trong công tác bảo tồn đa dạng sinh học tại Khu BTTN BC-PB. Trong những năm qua, Khu BTTN BC-PB đã triển khai nhiều biện pháp, trong đó đặc biệt chú trọng đến công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật bảo vệ rừng đến cộng đồng dân cư với nhiều hình thức như: hàng tháng, BQL Khu bảo tồn đều có bài tuyên truyền Bảo vệ rừng, Bảo vệ môi trường, Phòng cháy chữa cháy rừng, chống chặt phá rừng, chiếm đất rừng trên Đài phát thanh của huyện, UBND 4 xã có rừng, Bản tin NN & TT và Website của Sở NN&PTNT; phối hợp với UBND các xã có rừng phân phát tờ rơi và ký cam kết bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường, tuyên truyền lưu động đến từng hộ dân sống ven rừng; tổ chức các lớp tập huấn, hội thảo để tuyên truyền phổ biến pháp luật về Bảo vệ rừng và Phòng cháy chữa cháy rừng,…đây là những hình thức tuyên truyền thiết thực và cần được phát huy.Tuyên truyền cho học sinh THCS ở ven rừng |
Bên cạnh các hoạt động trên thì BQL Khu bảo tồn cũng đang tiếp tục triển khai thành lập 04 CLB Xanh tại 04 trường THCS ven rừng, vì học sinh THCS là lứa tuổi đang trong giai đoạn hình thành tính cách và phẩm chất cá nhân, nếu tác động kịp thời những quan điểm đúng đắn và những bài học thuyết phục, các bạn sẽ dễ dàng nắm bắt và nhận thức được vấn đề (năm 2011, được sự tài trợ của Quỹ bảo tồn Việt Nam, Khu bảo tồn đã phối hợp với 04 trường THCS ven rừng thành lập được 04 CLB Xanh, qua một năm thực hiện cũng đã gặt hái được những thành công nhất định, nhưng do kinh phí dự án kết thúc nên không thể duy trì hoạt động)
Mục tiêu của các CLB Xanh là bảo tồn thiên nhiên thông qua các hoạt động thiết thực, vừa học, vừa chơi nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết của các em học sinh trong công tác bảo vệ môi trường, bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, định hướng cho các em sống có trách nhiệm với môi trường và có những hành động cụ thể nhằm bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên. 04 CLB Xanh với 100 thành viên, 8 thầy cô giáo và 02 cán bộ khu bảo tồn phụ trách. Hoạt động theo nguyên tắc tự nguyện và chịu sự quản lý của Ban giám hiệu các Trường, dưới sự giám sát của Ban quản lý Khu bảo tồn. Theo đó,các CLB Xanh sẽ hoạt động ít nhất 1 tháng/lần. Các thành viên của CLB được tham gia vào các hoạt động tình nguyện do CLB tổ chức như: thi viết bài về bảo vệ môi trường theo các chủ đề hàng tháng (rừng, đất, nước, không khí, biến đổi khí hậu, đa dạng sinh học,…) đăng trên bản tin của CLB; tham quan, tuần tra rừng cùng lực lượng bảo vệ rừng Khu bảo tồn; diễu hành tuyên truyền bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường; dọn dẹp vệ sinh trường học, khu dân cư và các tuyến đường trung tâm,… Để công tác tuyên truyền trong thời gian tới đạt chất lượng và hiệu quả hơn nữa nhằm góp phần bảo tồn và phát triển nguồn tài nguyên đa dạng sinh học. BQL Khu BTTN Bình Châu – Phước Bửu rất cần sự quan tâm, phối hợp, hỗ trợ của các cơ quan chức năng, Đài phát thanh huyện, UBND các xã có rừng và Phòng giáo dục huyện, BGH các trường có hoạt động CLB Xanh trong công tác phối hợp tuyên truyền và tổ chức các hoạt động.14 đó nha !