CẢM NGHĨ VỀ BÀI THƠ TĨNH DẠ TỨ CỦA LÍ BẠCH
Lý Bạch – một nhà thơ nổi tiếng thời Đường, một ngôi sao sáng chói trên thi-văn-đàn Trung Quốc. Bài thơ Tĩnh Dạ Tứ của Lý Bạch cũng là một kiệt tác trong thế giới Đường Thi trùng trùng điệp điệp. Hình thức cô đọng thâm thúy của bài thơ là một thử thách lớn lao mà thi nhân phải đương đầu vì "ngôn bất tận ý" (lời không nói hết được ý ) và phải dùng ngôn từ tương ứng thế nào để có thể vừa miêu tả cảnh vật vừa diễn đạt được cảm xúc lai láng của “thi tiên”.
Lý Bạch là một người có tài, nhưng ít may mắn trên đường công danh sự nghiệp. Ông hay đi ngao du sơn thủy, làm thân lữ khách nơi quán trọ tha phương, xa gia đình bạn bè. Nỗi nhớ quê lúc nào cũng bồn chồn, khắc khoải trong ông và bài thơ "Tĩnh Dạ Tứ" đã khởi hứng từ nỗi lòng nhớ quê hương tha thiết của thi nhân.
Sàng tiền minh nguyệt quang
Nghi thị địa thượng sương
Bức tranh được tô điểm bằng một vầng trăng thu huyền ảo. Trăng soi lồng lộng trên sóng nước bập bềnh biến dòng sông thành một giải lụa vàng óng ả. Ánh trăng trong trắng, lung linh tỏa sáng, bao phủ không gian vô tận và khe khẽ len qua khung cửa sổ rọi sáng đầu giường Lí Bạch. Trong giây phút huyền diệu, thi nhân đã để trọn lòng mình với thiên nhiên, đập chung nhịp đập xao xuyến của đất trời. Gió trăng vào chơi không cần gõ cửa, như người bạn cố tri từ lâu lắm rồi. Trong không gian tịch mịch giữa đêm khuya, hồn thơ đã nhập vào hồn trăng bay lâng lâng. Những tia sáng chập chờn mờ ảo của trăng làm nhà thơ ngỡ ngàng như sương khói bao phủ đầu giường. Hồn Lý Bạch chơi vơi. Sau giây phút say sưa ngắm trăng, lòng thi nhân buồn vời vợi, ngổn ngang trăm mối tơ lòng. Ánh trăng sáng vời vợi trên bầu trời cao kia, tỏa những tia sáng lặng lẽ, êm ái huyền diệu, gần gũi và thân thiết với thi nhân làm sao, đó cũng chính là vầng trăng Lý Bạch đã mải mê ngắm trên núi Nga My trong những ngày niên thiếu ở quê nhà. Lúc này sương và trăng làm nổi bật sự trống vắng vô tận, làm tăng thêm khung cảnh u uẩn đìu hiu của trời đêm cô liêu, đem lại những cảm giác mông lung hư ảo quanh quất đâu đây: sương là trăng hay trăng là sương?. Trong cái ngây ngất chếnh choáng của màn đêm mờ ảo, nhà thơ đã tài hoa hữu hình hóa cái huyền diệu của trăng và sương. Cái tĩnh lặng của không gian bàng bạc trong bài thơ đã tràn ngập cảm xúc, nội tâm và tư duy khó tả. Hình ảnh màn sương "ngờ ngợ" phủ trắng nền đất trong trời đêm đã mở ra một khoảng không gian tịch liêu cô quạnh mông lung, làm tăng thêm nỗi cô đơn của tác giả.
Cử đầu vọng minh nguyệt
Đê đầu tư cố hương
Nỗi nhớ quê trào lên bội phần, thi nhân đã dùng những hình tượng dựng cảnh, nhưng thật ra là muốn ngụ tình, gửi gắm những tâm sự thầm kín của tác giả. Những hình tượng mơ hồ gợi cảm, gợi sầu, gợi nhớ đó đã đem lại cho nhà thơ nỗi cô đơn thắm thiết, nỗi nhớ nhà dằng dặc khôn nguôi. Không có trăng nào đẹp bằng trăng thu, chẳng có trăng nào nào sáng hơn trăng quê, vầng trăng ở quê nhà bao giờ cũng lung linh sáng soi hơn trăng ở bất cứ nơi nào trên đất khách quê người. Ngẩng đầu lên ngắm trăng, cúi đầu thì nhớ cố hương da diết. Cái hoài niệm về quê cha đất cũ, về quá khứ thân thương êm đềm cứ chập chờn xôn xao ám ảnh, bồn chồn day dứt mãi trong tâm hồn thi nhân. Nỗi ngậm ngùi ảo não của người thơ đã hội nhập với cái không gian tĩnh lặng mênh mông của đất trời, đó là cái sầu của vũ trụ vô cùng. Trăng ở trời cao vẫn nhìn xuống, thi nhân khó mà đi vào giấc ngủ lãng quên. Nội tâm của người bị xâu xé dằn vặt, càng thao thức, càng tê tái chua xót. Ánh sáng của vầng trăng đã tô đậm hình bóng lung linh huyền ảo của một quá khứ, hoài niệm thương tiếc mãi mãi khó quên trong lòng người thơ, thiết tha, xao xuyến, bịn rịn, khắc khoải một cách lạ lùng.
Bài thơ đã bộc lộ những xúc cảm sống động, dạt dào, rung lên những âm vang tha thiết của nhạc điệu trữ tình. Cái "dư vị" trong bài thơ Tĩnh Dạ Tứ của Lý Bạch chỉ là cảnh sắc của màn đêm huyền ảo với trăng, sương chập chùng nhưng rất hữu tình, đem lại những cảm xúc nao nao xót xa, đưa thi nhân đi tìm lại những mảnh ký ức, hồi tưởng của sông xưa, núi cũ, quê nhà. Nhịp thơ chấm phá đã hình tượng hóa được nỗi ưu tư sầu não tê tái một cách cụ thể, đó là cái quằn quại khổ đau của một kiếp người lang thang giữa đất trời trôi nổi, và những giọt lệ ly hương đã tuôn trào lai láng thành mạch sầu thiên cổ vô tận, biết dạt trôi về đâu ?
"Tĩnh Dạ Tứ" của Lý Bạch có âm hưởng tuyệt vời, trở thành một bài nhạc phủ (khúc hát mùa thu) trác tuyệt của Đường Thi. Ngôn từ cô đọng, không mòn sáo, dễ hiểu, giản dị, tự nhiên mà lại rất hàm súc sống động và nhiều hình tượng gợi cảm, đó là những rung động kỳ lạ, huyền ảo từ trái tim bộc trực của nhà thơ, đó là tiếng nói tri âm chí tình chân thực, là tâm hồn thanh khiết nhạy cảm tinh tế của người thơ.Với phép đối đắc địa ở câu hai câu cuối tạo nên sự sánh đôi màu nhiệm. Phải chăng đó là sự linh diệu thầm lặng của thơ, của ý tưởng ngẫu nhiên tuôn trào nhưng có một hấp lực vô hình gây tác động mạnh mẽ, gợi lên những chuỗi liên tưởng phong phú trong tâm hồn người đọc:
Ngẩng đầu nhìn trăng sáng
Cúi đầu nhớ cố hương