Học tại trường Chưa có thông tin
Đến từ Hà Tĩnh , Chưa có thông tin
Số lượng câu hỏi 1
Số lượng câu trả lời 15
Điểm GP 1
Điểm SP 19

Người theo dõi (90)

phan thi hong ha
Ayuka Aiko
Vanila

Đang theo dõi (8)


Câu trả lời:

1. Ngụ ngôn vốn là một thể loại văn học dân gian, thường dựng chuyện về loài vật để nói về con người. Các câu chuyện ngụ ngôn có ý nghĩa xã hội, ý nghĩa giáo dục rất sâu sắc, chính vì vậy mà một số nhà văn cũng thường sáng tác theo thể loại này, tiêu biểu như E-dốp, La-phông-ten...

2. Hi-pô-lít Ten (1828-1893) là triết gia, sử gia đồng thời cũng là nhà nghiên cứu văn học nổi tiếng của Pháp, Viện sĩ Viện Hàn lâm Pháp. Ông đã dành nhiều thời gian nghiên cứu về truyện ngụ ngôn của La-phông-ten. Đây là một bài nghị luận văn chương, trích từ chương II, phần II của công trìnhLa-phông-ten và thơ ngụ ngôn của ông, in năm 1853.

3. Văn bản có bố cục hai phần:

- Phần một (từ đầu đến "tốt bụng như thế"): hình tượng con cừu trong thơ La-phông-ten.

- Phần hai (còn lại): hình tượng chó sói trong thơ La-phông-ten.

Trong cả hai đoạn, nhằm làm nổi bật các hình tượng con cừu và con chó sói trong thơ La-phông-ten, tác giả đều dẫn ra những dòng viết về hai con vật ấy của nhà khoa học Buy-phông. Mạch nghị luận trong cả hai phần cũng tương đối giống nhau, đều theo trật tự ba phần: dưới ngòi bút của La-phông-ten - dưới ngòi bút của Buy-phông - dưới ngòi bút của La-phông-ten. Trong phần một, hình ảnh cừu trong thơ La-phông-ten được thể hiện qua một đoạn thơ cụ thể. Cách viết như vậy khiến cho bài văn trở nên sinh động, hấp dẫn hơn.

4. Buy-phông viết về loài cừu và loài chó sói từ quan điểm của một nhà khoa học, bởi vậy, các chi tiết đều giống như trong đời thực. Ông không nói đến "sự thân thương của loài cừu" cũng như "nỗi bất hạnh của loài sói" bởi vì đó không phải là đặc điểm tiêu biểu của chúng. Những đặc điểm đó do con người "gán" cho loài vật, không thể xuất hiện trong công trình nghiên cứu của một nhà khoa học.

5. Khi xây dựng hình tượng con cừu, trước hết, La-phông-ten đã đặt một chú cừu con trong một hoàn cảnh đặc biệt: đối mặt với chó sói bên dòng suối. Hoàn cảnh đó làm nổi bật lên tính chất hiền lành, nhút nhát - cũng là một đặc điểm tiêu biểu cho tính nết của loài cừu. Vì sáng tác theo thể loại ngụ ngôn nên La-phông-ten đã nhân cách hoá con cừu, miêu tả cả chó sói và cừu như những con người cụ thể.

6. Hình tượng chó sói trong truyện ngụ ngôn của La-phông-ten được xây dựng dựa trên đặc tính vốn có của loài sói, đó là săn mồi. Từ đó, tác giả nêu ra hai luận điểm:

- Chó sói là kẻ đáng cười (vì  không kiếm nổi miếng ăn nên đói meo).

- Chó sói còn là một kẻ đáng ghét vì nó làm hại đến người khác.

Để làm sáng tỏ hai luận điểm trên, có thể phân tích hình tượng chó sói trong thơ ngụ ngôn của La-phông-ten theo những gợi ý sau:

+ Con chó sói được nói đến trong bài thơ là một con sói cụ thể, rất sinh động (gầy giơ xương, đi kiếm mồi, muốn ăn thịt cừu non...).

+ Con chó sói được nhân cách hoá như hình tượng cừu dưới ngòi bút phóng khoáng của nhà thơ và đặc trưng của thể loại ngụ ngôn.

Câu trả lời:

1. Nhà thơ Thanh Hải (1930-1980) quê ở huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Ông hoạt động văn nghệ trong suốt những năm kháng chiến chống Pháp rồi chống Mỹ và là một trong số những cây bút có công xây dựng nền văn học cách mạng ở miền Nam thời kỳ đầu.

2. Bài thơ Mùa xuân nho nhỏ thể hiện niềm yêu mến thiết tha với cuộc sống, với đất nước và ước nguyện của tác giả về một cuộc sống ngày càng tươi đẹp hơn.

3. Từ xúc cảm trước mùa xuân của thiên nhiên, đất trời đến mùa xuân của mỗi con người trong mùa xuân lớn của đất nước, thể hiện khát vọng được dâng hiến "mùa xuân nho nhỏ" của mình vào mùa xuân lớn của cuộc đời chung.

Có thể xác định bố cục của bài thơ gồm bốn đoạn:

- Khổ đầu (6 dòng thơ): cảm xúc trước mùa xuân của thiên nhiên, đất trời.

- Hai khổ 2, 3 (từ "Mùa xuân người cầm súng" đến "cứ đi lên phía trước"): hình ảnh mùa xuân đất nước.

- Hai khổ 4, 5 (từ "Ta làm con chim hót" đến "Dù là khi tóc bạc"): những suy nghĩ và ước nguyện của nhà thơ trước thiên nhiên đất nước.

- Khổ thơ cuối: Lời ca ngợi quê hương, đất nước qua điệu ca Huế.

4. Mùa xuân ở khổ thơ đầu là mùa xuân của thiên nhiên, đất trời với dòng sông xanh, bông hoa tím biếc, tiếng chim chiền chiện hót vang trời. Chỉ bằng vài nét phác hoạ, tác giả đã vẽ ra cả không gian cao rộng với dòng sông, mặt đất, bầu trời bao la, với màu sắc tươi thắm (sông xanh, hoa tím biếc), với những âm thanh vang vọng (tiếng chim chiền chiện) của mùa xuân.

Cảm xúc của tác giả trước cảnh mùa xuân được diễn tả qua hai câu thơ:

Từng giọt long lanh rơi

Tôi đưa tay tôi hứng.

Có nhiều cách hiểu về hai câu thơ này, tuy nhiên có thể hiểu "từng giọt" là "những giọt mùa xuân", là sự chuyển đổi các cảm giác, từ màu sắc, âm thanh, hình ảnh... sang hình khối, đường nét, một sự cụ tượng hoá những yếu tố vô hình (âm thanh, màu sắc...) thành một yếu tố hữu hình, có thể cảm nhận được bằng nhiều giác quan. Dù hiểu như thế nào thì hai câu thơ cũng thể hiện niềm say sưa ngây ngất của nhà thơ trước cảnh mùa xuân.

5. Từ cảm xúc về mùa xuân của thiên nhiên, đất trời, nhà thơ chuyển sang bày tỏ những suy ngẫm và tâm niệm về mùa xuân đất nước. Đó là khát vọng được hoà nhập vào cuộc sống, được cống hiến phần tốt đẹp của mình cho cuộc đời chung, cho đất nước.

Điều tâm niệm ấy được thể hiện một cách chân thành trong những hình ảnh tự nhiên, giản dị và đẹp. Nhà thơ đã dùng những hình ảnh đẹp của thiên nhiên để nói lên ước nguyện của mình: muốn "làm con chim hót", muốn "làm một cành hoa"... Niềm mong muốn được sống có ích, cống hiến cho đời là một lẽ tự nhiên như con chim mang đến tiếng hót, như bông hoa toả hương sắc, mang đến vẻ đẹp cho cuộc đời.

Đoạn thơ gợi cho ta những suy nghĩ sâu sắc về ý nghĩa cuộc sống của mỗi con người. Cuộc sống chỉ có ý nghĩa khi con người biết sống, biết chăm lo cho cuộc đời chung và có thể đóng góp những gì tốt đẹp của mình cho cuộc đời chung, cho đất nước.

6. Bài thơ có nhịp điệu trong sáng, thiết tha, gợi cảm, gần gũi với dân ca. Đặc điểm ấy có được là nhờ nhà thơ đã sử dụng các yếu tố như thể thơ, cách ngắt nhịp, cách gieo vần, cách sử dụng các điệp từ, điệp ngữ rất hiệu quả:

- Thể thơ năm chữ gắn liền với các điệu dân ca, nhất là dân ca miền Trung, có âm hưởng nhẹ nhàng, tha thiết. Cách gieo vần liền giữa các khổ thơ cũng góp phần toạ nên sự liền mạch cho cảm xúc.

- Kết hợp những hình ảnh tự nhiên giản dị (bông hoa tím, tiếng chim hót, vì sao...) với các hình ảnh giàu ý nghĩa biểu trưng, khái quát (đất nước như vì sao...).

- Tứ thơ xoay quanh hình ảnh mùa xuân, từ mùa xuân của đất trời đến mùa xuân của quê hương đất nước. Cách cấu tứ như vậy khiến cho ý thơ luôn tập trung, cảm xúc trong thơ không bị dàn trải.

- Giọng điệu của bài thơ thể hiện đúng tâm trạng của tác giả, biến đổi phù hợp với nội dung từng đoạn: vui, say sưa ở đoạn đầu, trầm lắng, thiết tha khi bộc bạch tâm niệm, sôi nổi, tha thiết ở đoạn kết.

7. Nhan đề Mùa xuân nho nhỏ là một sáng tạo độc đáo của Thanh Hải. Nhiều nhà thơ đã viết về mùa xuân với những sắc thái khác nhau: mùa xuân chín (Hàn Mặc Tử), mùa xuân xanh (Nguyễn Bính), xuân ý, xuân lòng (Tố Hữu)... Trong bài thơ này, ý nguyện của tác giả là muốn làm một mùa xuân nhưng chỉ là một mùa xuân nho nhỏ - đóng góp công sức nhỏ bé của mình làm đẹp thêm mùa xuân đất nước.

Câu trả lời:

1. Nhà thơ Hữu Thỉnh sinh năm 1942, quê ở huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc. Ông đã từng nhập ngũ, vào binh chủng Tăng - Thiết giáp rồi trở thành cán bộ văn hoá tuyên truyền của quân đội. Từ năm 2000, Hữu Thỉnh được bầu làm Tổng thư ký Hội Nhà văn Việt Nam.

Hữu Thỉnh rất gắn bó với cuộc sống nông thôn. Ông có nhiều bài thơ hay về con người và cuộc sống nông thôn.

2. Bài thơ Sang thu được tác giả sáng tác năm 1977.

3. Sự biến đổi của đất trời sang thu được nhà thơ cảm nhận bắt đầu từ những tín hiệu chuyển mùa: ngọn gió se mang theo hương ổi. Những sự biến đổi đó mang đến tâm trạng ngỡ ngàng, bâng khuâng được thể hiện qua các từ bỗng, hình như...

4. Sự biến chuyển của trời đất lúc thu sang được nhà thơ cảm nhận qua nhiều yếu tố, bằng nhiều giác quan và sự rung động tinh tế:

- Hương ổi phả vào trong gió se.

- Gió thu giăng mắc chầm chậm.

- Dòng sông dềnh dàng trôi.

- Những cánh chim bắt đầu vội vã (chuẩn bị cho chuyến đi tránh rét).

- Đám mây mùa hạ đã "vắt nửa mình sang thu".

- Nắng cuối hạ vẫn còn nhiều nhưng đã vơi dần những cơn mưa...

Những từ ngữ diễn tả cảm giác, trạng thái (bỗng, phải vào, chùng chình, dềnh dàng, vắt nửa mình...) được nhà thơ sử dụng rất tinh tế. Một mặt, chúng cho thấy trạng thái biến đổi của sự vật, mặt khác, chúng diễn tả tâm trạng bâng khuâng, xôn xao của tâm hồn trong thời khắc biến chuyển của đất trời.

5. Hai câu thơ cuối có cách diễn tả thật độc đáo:

Sấm cũng bớt bất ngờ

Trên hàng cây đứng tuổi.

Xét về ý nghĩa tả thực, hai câu thơ này có thể được hiểu rằng: Những tiếng sấm không còn bất ngờ nữa, thực chất là đã ít đi những tiếng sấm gắn liền với những cơn mưa mùa hạ quen thuộc. Một hiện tượng không có gì đặc biệt, thậm chí có thể coi là hiển nhiên nhưng cái hay của câu thơ nằm ở cách diễn đạt. Có cái gì đó thật ngộ nghĩnh, hồn nhiên trong cách cảm nhận và quan sát nhưng lại cũng rất già dặn, từng trải trong cách miêu tả và biểu hiện. Sấm là một hiện tượng thiên nhiên có tính bất thường. Trong hai câu này, dường như sấm còn là biểu tượng cho những vang động của cuộc sống sôi nổi. Mùa hè vốn đầy ắp âm thanh và màu sắc, mùa thu, trái lại, yên tĩnh và sâu lắng hơn. Chi tiết "sấm cũng bớt bất ngờ" cũng là một tín hiệu cho thấy mùa thu đang đến.

Câu trả lời:

1. Y Phương là một nhà thơ dân tộc Tày. Ông sinh năm 1948, quê ở huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng. Y Phương từng có thời gian trong quân ngũ từ 1968 - 1981. Từ năm 1993, Y Phương là Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Cao Bằng. Hiện ông sống tại Hà Nội.

2. Thơ Y Phương là tiếng lòng của một tâm hồn chân thật, mạnh mẽ và trong sáng.

3. Mượn lời một người cha nói với con, bài thơ gợi về cội nguồn của mỗi con người, đồng thời bộc lộ niềm tự hào trước sức sống mạnh mẽ, bền bỉ của quê hương mình. Bố cục của bài thơ thể hiện ý tưởng đó theo hai đoạn:

- Đoạn 1 (từ đầu đến câu "Ngày đầu tiên đẹp nhất trên đời"): con lớn lên trong tình yêu thương của cha mẹ và quê hương.

- Đoạn 2 (còn lại): lòng tự hào với sức sống mạnh mẽ, bền bỉ, với truyền thống cao đẹp của quê hương.

Theo bố cục, nhất là theo diễn biến tâm trạng của nhà thơ, có thể thấy nhà thơ đã mở rộng từ tình cảm gia đình đến tình cảm quê hương, từ những kỷ niệm gần gũi, thiết tha mà nâng lên thành lẽ sống.

4. Trong bốn câu thơ đầu, bằng những hình ảnh cụ thể, Y Phương đã tạo được không khí gia đình đầm ấm, quấn quýt. Từng bước đi, từng tiếng nói tiếng cười của con được cha mẹ mừng vui đón nhận:

Chân phải bước tới cha

Chân trái bước tới mẹ

Một bước chạm tiếng nói

Hai bước tới tiếng cười.

Những câu thơ có cách diễn đạt thật độc đáo đã cho thấy tình yêu thương của cha mẹ đối với con. Con lớn lên hàng ngày trong tình yêu thương ấy, trong sự nâng niu, mong chờ của cha mẹ.

Không chỉ có tình yêu thương của cha mẹ. Thời gian trôi qua, con trưởng thành trong cuộc sống lao động, trong thiên nhiên thơ mộng và nghĩa tình của quê hương. Đó là cuộc sống của những "người đồng mình", rất cần cù và tươi vui. Những từ ngữ giàu sắc thái biểu hiện (cài nan hoa, ken câu hát) đã miêu tả cụ thể cuộc sống ấy đồng thời thể hiện tình cảm gắn bó, quấn quýt của con người quê hương.

Rừng núi quê hương thơ mộng và trữ tình cũng là một trong những yếu tố nuôi con khôn lớn, nâng đỡ tâm hồn con. Thiên nhiên với những sông, suối, ghềnh, thác... đã nuôi dưỡng con người cả về tâm hồn và lối sống: "Rừng cho hoa, con đường cho những tấm lòng".

5. Người cha nói với con về những đức tính cao đẹp của "người đồng mình": không lo cực nhọc, sống vất vả mà gần gũi, khoáng đạt, gắn bó với quê hương dẫu còn cực nhọc, đói nghèo... Từ những phẩm chất ấy, có thể thấy "người đồng mình" (người quê mình) thật đẹp, thật đáng ca ngợi. Đó cũng chính là vẻ đẹp của quê hương. Là một thành viên của quê hương, con cần phải biết kế tục, phát huy một cách xứng đáng truyền thống ấy.

6. Qua những lời người cha nói với con, có thể thấy tình cảm của người cha đối với con thật trìu mến, thiết tha và tin tưởng. Điều lớn lao nhất mà người cha muốn nói với con chính là niềm tự hào với sức sống mạnh mẽ bền bỉ của quê hương và niềm tin khi bước vào đời.

7. Bài thơ có nhiều nét đặc sắc về nghệ thuật, tuy nhiên, độc đáo nhất và đặc sắc nhất là cách thể hiện, diễn tả tình cảm. Những từ ngữ, hình ảnh trong bài rất mộc mạc nhưng đồng thời cũng rất giàu hình ảnh gợi tả, vừa cụ thể vừa có sức khái quát cao.

 Ngoài ra, còn có thể kể đến bố cục chặt chẽ, cách dẫn dắt rất tự nhiên của tác giả.