Thảo Luận Văn Chương do Dzịt tổ chức

      Người thành công luôn chịu trách nhiệm cho bất cứ chuyện gì xảy ra trong cuộc sống của họ, vì họ là một phần nguyên nhân gây ra nó. Còn những kẻ thất bại bao giờ cũng có khuynh hướng đổ lỗi cho mọi người ngoại trừ bản thân họ. Chính lẽ đó đã gây nên suy nghĩ:"Những người và những việc xung quanh mình khiến mình thất bại lại làm cho con người trở thành nạn nhân bất lực, không thể thay đổi cuộc sống". Khái quát hơn, rộng hơn mà nói đây là hậu quả của việc không làm chủ trong cuộc sống hàng ngày.

      "Việc không làm chủ trong cuộc sống hàng ngày" có thể hiểu là không tự giác, không tự ý thức, không tự làm chủ được bản thân gây trì hoãn, ảnh hưởng công việc, thành quả không chỉ của riêng cá nhân mà còn của cả một tập thể. Và không làm chủ giống như sống theo bản năng: liều lĩnh và nguy hiểm, không tạo được niềm tin với mọi người, không được quý mến. Khi không làm chủ được mình, người ta sống theo phản ứng bản năng hơn là sự điều khiển của ý thức qua việc quản lí tâm ý và hành vi. Thông thường, người nguyên tắc nhất cũng dễ vi phạm những nguyên tắc mà bình thường họ tự lập ra và nghiêm túc thực hiện. 

     Luật lệ xét cho cùng là phạm vi chúng ta xác định để tự mình thể hiện đầy đủ nhân vị làm người, vượt qua ngưỡng ấy chúng ta tự hạ thấp nhân của mình và đôi khi phải chuốc họa vào thân. Ví như người đi đường, một khi không làm chủ được mình, thay vì đi bên phải và đi đúng làn dành cho phương tiện mình đang điều khiển theo luật định khi tham gia giao thông, họ lại đánh võng vòng vèo từ bên phải sang bên trái; như vậy họ dễ va quẹt vào người đi ngược chiều và gây ra tai nạn, rước họa cho mình và gieo khổ cho người.

     Nhiều người trẻ bốc đồng không làm chủ mình, đua xe tốc độ, không lường dến nguy hiểm, chỉ vài lời nói khích của bạn bè thì không còn biết tôn trọng luật lệ, coi mạng sống con người chẳng là gì và kết cuộc gây ra tai nạn giao thông nghiêm trọng, dẫn đến khổ đau cho mình và người.

     Khi không làm chủ được mình, người ta như đang quờ quạng trong tăm tối và si mê đến ngu xuẩn, đem cả thân và tâm giao cho bản năng sai khiến và hành động liều lĩnh, nói năng thiếu sự kiểm soát của ý thức, đến khi tỉnh táo trở lại thì mọi chuyện e đã quá muộn màng. Người không làm chủ được mình dễ sa ngã vào các tệ nạn xã hội, các trò đen đủi may rủi có sức hấp dẫn và có tính gây nghiện ghê gớm, đến mức tan nát cửa nhà, gia sản tiêu tan, sự nghiệp không còn, hôn nhân đổ vỡ, người thân phân tán, gia đình liêu xiêu,... nhưng vẫn không biết dừng lại. Đến lúc tỉnh táo, cảm giác ân hận choán hết tâm hồn, nhưng cũng không thể giải quyết được hậu quả vì không ai có thể quay ngược thời gian để thay đổi một quyết định sai lầm trong quá khứ.

     Khi không làm chủ được mình, người ta không còn khả năng tự quyết, chính lúc đo họ đã như tự đánh mất mình. Chẳng khác nào một chiếc xe đang lao xuống vực thẳm mà người điều khiển lạc tay lái, không thể lường được biết bao hiểm nguy đang rình rập phía trước. Khi không làm chủ được mình, chúng ta bị chi phối bởi cảm xúc bản năng vốn chỉ có sức mạnh hoang dã mà không có mắt dẫn dắt, rồi hành xử theo tập quán, lúc này lí trí dường như bị che lấp bằng dải băng đen sì...

    Như vậy, không làm chủ bản thân để lại nhiều hậu quả không lường trước được. Vậy nên mỗi chúng ta cần tỉnh táo, luôn giữ thăng bằng trên sợi dây của xã hội, không được ham vui quá mức với những cái mới lạ thì mỗi người sẽ tạo nên một xã hội đầy năng lượng, tích cực, cuộc sống sẽ được nâng cao hơn.

Điểm  10

Nhận xét: