Vòng 2

Bài làm

“Những giọt mưa ngâu rả rích như khêu cơn buồn cho kẻ xa nhà. Cảnh khổ cực của chồng và con tự nhiên kéo đến đầy trước mắt chị.

Ðứng không yên, ngồi không yên. Buồn bã, chị giở gói áo xin được của các cô thải ra, cắt lại và may lại, để khi được phép về chơi nhà thì đem về cho các con.

Ðêm đã khuya, chị thấy đau lưng, mới ngả mình xuống giường, toan nghĩ một lát, rồi lại trở dậy khâu nữa. Không ngờ mỏi quá, chị thiu thiu chợp mắt rồi ngủ đi mất.

Trong lúc mơ màng, thình lình chị thấy như có người nào sờ tay vào ngực. Giật mình, chị tỉnh dậy. Ngọn đèn hoa kỳ đã tắt lúc nào, cánh cửa khép kín. Trong phòng tối om. Hoảng hốt chị nắm cái bàn tay ấy và giật giọng hỏi:

- Ai đấy?

Mang tai chị thấy hơi rầm rạm như bị những sợi râu ngắn quét vào rồi thấy có tiếng thì thào.

- Tao! Tao đây. Cụ.... đây. Nằm im.

- Bẩm cụ chúng con là phận tôi tớ...

- Nói khẽ chứ. Tắt đèn nhà ngói như nhà tranh. Tao không cần gì cái đó.

Buông tay, chị vội choàng dậy, mở cửa chạy té ra sân. Trời tối như mực và như cái tiền đồ của chị.”

Chị cứ chạy mãi, chạy mãi, chị chạy đến bờ sông rồi ngồi thụp xuống. Những giọt nước mắt nóng hổi lăn dài trên má, chị khóc cho cái khổ của riêng chị. Tiền sưu nhà chưa trả hết, chị đã phải bán con, bán đàn chó mà vẫn không đủ tiền. Đám cai lệ, người nhà lý trưởng cứ mấy hôm lại kéo đến, trói chồng chị như “trói chó để chuẩn bị đem đi thịt”. Xoay xở chật vật mà nhà chị ăn chẳng đủ, nay còn phải trả tiền sưu cho người em chồng đã mất từ năm ngoái. Anh Dậu sẵn đã mang bệnh sốt rét, nay còn bị trói, bị đánh, anh ngất đi tưởng chết, đám cai lệ mới trả về. Sau một lần chống trả đám quan lại phong kiến, chị bị bắt giải lên huyện. Tên tri phủ đồi bại định nhốt chị vào phòng riêng để giở trò, chị đã phải vùng vẫy, thậm chí còn “ném cả nắm giấy bạc vào mặt con quỷ dâm ô” mà chạy thoát thân. Nợ nhà vẫn còn đó, chị phải lên tỉnh đi ở vú. Nay còn suýt bị cố Thượng cưỡng hiếp làm chị phải trốn chạy. Nhiều lần quẫn trí, chị đã có ý định tự vẫn. Nhưng còn con cái bé, chồng ốm yếu, chị không dám thực hiện cái ý định tiêu cực ấy. Trong dòng suy nghĩ ấy, chị thiếp đi từ lúc nào không hay, trong lòng vẫn đầy rẫy những lo sợ…

Trời chưa sáng rõ, chị đã giật mình tình dậy. Chị lò dò đi ra đường lớn chờ xe về đoạn gần nhà. Mãi đến gần trưa mới có một xe nhỏ chở hàng về đoạn Đông Xá, chủ xe cũng vui vẻ cho chị đi nhờ. Con đường quen thuộc chị vẫn đi, nay chị phải rón rén chạy về nhà. Vì chị biết chỉ một chút nữa thôi, cai lệ sẽ kéo đến đòi sưu, tiền công ở vú của chị cũng chẳng được mấy. Chị qua nhà bà láng giềng, đón cái Dần với cái Tỉu về nhà. Chồng chị đang nằm thiêm thiếp trên cái phản lạnh, thấy chị về anh Dậu choàng tỉnh, hỏi han vợ sao đã về sớm thế. Lúc ấy bà hàng xóm cũng sang hỏi thăm. Chị liền kể phải làm việc cực khổ ra sao, phải vắt sữa mình cho cụ cố uống, còn suýt bị cố Thượng giở trò đồi bại nữa. Bà lão hàng xóm ái ngại lắm, bà liền đem mấy củ khoai hồi sáng mới luộc cho chị với chồng ăn tạm cho đỡ đói, bà về còn lo việc bếp núc nữa. Ở đầu ngõ, tiếng trống, tiếng tù và đinh tai nhức óc lại vang lên. Ngặt nỗi, anh Dậu lại lên cơn sốt rét, lăn đùng ra phản, người lả đi. Chị lo lắng lắm. Nhưng chưa kịp làm gì, cai lệ và người nhà lý trưởng đã sầm sập tiến vào, nay còn kéo theo mấy tên lính lệ. Người nhà Lý trưởng hắng giọng, quát lớn:

-  Chị tính bao giờ thì nộp tiền sưu đây, đến hôm nay rồi nhà nước không cho chị khất một đồng tiền sưu nào nữa đâu!

-  Các anh nói hộ với quan lớn, cho tôi khất thêm chừng tháng nữa, tôi thu xếp rồi tôi trả hết ạ. – Chị Dậu thẽ thọt.

          Chị biết chị có thể phản kháng hai tên “quan nhà nước” này, nhưng còn đám lính kia nữa. Hơn nữa, gần như cả đêm qua chị không được ngủ, nay đã thấm mệt. Chị chỉ còn biết dỗ cho hai đứa bé bớt khóc. Tên cai lệ nhếch mép:

-  Tưởng đâu cô mới lên tỉnh, đi ở vú kia mà. Hay lại lên đấy ăn chơi phè phỡn, không làm ra trò gì nên bị đuổi về.

Rồi không để chị giải thích hay nói thêm câu nào nữa, hắn quát:

-  Lính đâu, lấy dây trói thằng chồng nó lại, điệu ra đình!

- Ối ông ơi, đừng trói chồng cháu ra đình, chồng cháu đang ốm, ra đó các ông đánh sao chồng cháu sống nổi…

- Này thì sống này…!

          Cai lệ tát bốp một cái rồi đẩy chị ra. Trong góc nhà, hai đứa trẻ vẫn rưng rức khóc. Bọn quan lại đi hết, chị mới dám ôm hai đứa nhỏ vào lòng để an ủi. Mấy củ khoai hồi trưa bà hàng xóm đưa, chị đưa mấy đứa nhỏ ăn cho bớt đói. Còn chị lấy bọc áo thừa xin được ở chỗ từng ở vú, chị may lại để cho cái Dần, cái Tỉu và – cả cái Tí nữa, chị vẫn mong có ngày chị được gặp lại nó, được đưa nó về nhà để gia đình sum họp.

          Mấy hôm sau, nhờ có sự trợ giúp của bà hàng xóm, chị Dậu đã may được kha khá bộ quần áo cho các con, thậm chí  chị còn may quần áo giúp mọi người trong làng để kiếm thêm thu nhập, vừa để trả tiền sưu vừa để chuộc cái Tí về - mong muốn gia đình sum họp chưa bao giờ lớn đến vậy đối với chị. Đám quan lại thỉnh thoảng vẫn đến quát nạt, chửi mắng chị hòng thu tiền sưu, tuy nhiên chị vốn đã quá quen với việc này, mà tên cai lệ không muốn dây vào “một con đàn bà”. Nhưng, bất hạnh thay, một ngày nọ, chị đang may áo cho khách thì lính lệ kéo đến, trả cho chị anh Dậu chồng chị – nay không khác gì một cái xác không hồn. Nhìn anh mới tội nghiệp làm sao: khắp người đầy thương tích, trán vã mồ hôi… Chị lay mãi mà chồng không dậy, hoảng quá, chị cầu cứu hàng xóm xung quanh chị. Một lúc sau, anh Dậu tỉnh, nhưng thở thều thào, cố gắng lắm mới nói được những câu cuối cùng với vợ: “U nó ở lại, nhớ chăm sóc cho cái Dần, cái Tỉu nhé, có lẽ tôi không sống nổi nữa…” Chị Dậu phải lấy tay bịt miệng để không lộ ra những tiếng khóc nấc nghẹn lòng. Những người xung quanh thấy vậy cũng không khỏi xót thương. Đám tang của anh Dậu diễn ra với sự đau thương của chị Dậu, vài người hàng xóm và hai đứa trẻ. Tên cai lệ với đám lính có đến, tuy nhiên cũng chỉ là thúc tiền sưu, rồi bỏ về một cách nhẫn tâm…

          Thấm thoắt đã mười năm trôi qua, các con của chị đã lớn. Thằng Dần ngày nào nay đã là một chàng trai biết nghĩ cho gia đình, cái Tỉu cũng đã lớn thành cô bé nhanh nhẹn, hiểu chuyện và rất thương mẹ. Gia cảnh nhà chị Dậu giờ đây cũng khấm khá hơn: năm nào chị cũng lo đủ tiền sưu, sửa lại căn nhà dột nát năm xưa, thậm chí còn gửi cái Dần lên tỉnh học bổ túc. Từ một gia đình “nhất nhì trong hạng cùng đinh”, nhà chị đã khá hơn lên. Và năm nào chị cũng dành dụm một số tiền nhỏ, chờ đợi một ngày thuận lợi để đón cái Tí về nhà. Ngày đến nhà cụ Nghị Quế, chị Dậu dắt theo cái Tỉu đi cùng. Mười năm trôi qua, Nghị Quế đã mất, còn mụ Quế nay đã là một bà già, đi lại chậm chạp và bớt đanh đá đi phần nào. Chị Dậu thong thả bước vào nhà Nghị Quế, hỏi chuyện mụ Quế:

-  Con chào cụ. Con là cái Dậu, chừng mười năm trước bán cho cụ đàn chó với cái Tí đây ạ. Cụ khỏe không ạ?

-  Tao vẫn khỏe. Con Tí làm việc chăm chỉ gớm. Đáng đồng tiền tao bỏ ra.

-  Giờ con mua lại cái Tí được không cụ? – Chị hỏi, giọng hơi có ái ngại

-  Cái gì? Mày nói sao? Mày đòi chuộc lại con Tí á?

Mụ Quế sốc lắm, chừng như vừa nghe nhầm gì. “Thôi kệ, bán lại cho nó, bớt một suất cơm”.

-  Cụ cho con chuộc lại cái Tí được không ạ? Cả chục năm nay con không gặp nó… – Chị hỏi, giọng mếu máo như cầu xin.

-  Bảy đồng, mày mua được thì mua, không thì thôi.

Chị Dậu giật bắn mình, nhưng rồi chị cố gom hết những đồng tiền lẻ trong cái túi nhỏ vẫn mang theo bên mình bao năm qua của chị.

-  Bảy đồng của cụ đây ạ, con gửi cụ. Mà cái Tí đâu rồi cụ?

-  Nó đương đi chợ, tí nữa nó về.

Vừa nói xong, cái Tí xuất hiện ở ngưỡng cửa “Thưa cụ, con đi chợ về ạ. Cụ đương có khách ạ?”. Rồi như chợt nhận ra, nó chạy vào nhà, ôm chầm lấy mẹ nó. Hai mẹ con gặp lại nhau, mừng mừng tủi tủi. Cái Tí mười năm sau lần chia ly từ biệt ấy, nay đã trở thành một cô gái lớn, chăm chỉ, biết suy nghĩ chín chắn. Mụ Quế, dường như vừa nhận được một món tiền hời, làm bộ xúc động, vỗ vai cái Tí:

-  Cháu gái, cụ vừa nhận tiền của mẹ cháu rồi. Giờ cháu có thể về với mẹ cháu.

Hai mẹ con mừng mừng tủi tủi dắt nhau về, trước khi đi cũng không quên chào mụ Quế. Chị Dậu với cái Tí đi trên con đường làng – con đường từ lâu đã nhuốm màu tang thương do chế độ thực dân nửa phong kiến. Giờ đây cả nhà được sum họp cùng nhau, mừng vui không tả xiết được. Gia đình chị Dậu như đang hướng về phía ánh sáng, nơi những điều tốt đẹp nhất sẽ đến với mỗi người…

Điểm  13.88

Nhận xét: Bài viết có cảm xúc á Có sáng tạo nhưng có đoạn xử lí chị dậu trả được nợ nó không hợp lí lắm... kiểu nó cứ cụt, hơi hụt hẫng ,.... +Điểm: 13,2+0,68