PHẦN I:
1. Đoạn văn trên được trích trong tác phẩm "Cô bé bán diêm" do An-đéc-xen sáng tác.
2. Đoạn văn trên sử dụng những PTBĐ: tự sự kết hợp miêu tả, biểu cảm.
3.
*Một số câu văn có sử dụng yếu tố miêu tả:
- Ngọn lửa lúc đầu xanh lam, dần dần biến đi, trắng ra, rực hồng lên quanh que gỗ, sáng chói trông đến vui mắt.
- Diêm nối nhau chiếu sáng như giữa ban ngày.
*Một số câu văn có sử dụng yếu tố biểu cảm:
- Thật là dễ chịu!
- Chà! Khi tuyết phủ kín mặt đất, gió bấc thổi vun vút mà được ngồi hàng giờ như thế, trong đêm đông rét buốt, trước một lò sưởi, thì khoái biết bao!
*Tác dụng của các yếu tố miêu tả và biểu cảm:
- Diễn tả suy nghĩ và niềm khao khát mong ước được hạnh phúc như bao người khác trong đem giáng sinh.
- Giúp đoạn văn tăng thêm sự sắc sảo về hình ảnh, từ đó khiến người đọc hiểu rõ hơn về hình dạng, hoàn cảnh khốn khó của cô bé bán diêm.
-> Thể hiện rõ hình ảnh của cô bé bán diêm, giúp cho đoạn văn kể chuyện thêm sinh động và sâu sắc hơn.
4.
- Từ “đánh liều” trong đoạn văn cho ta biết cô bé bán diêm đang rất tủi thân vì phải đi bán diêm trong đêm giáng sinh buốt giá. Vừa bán vừa phải lo sợ nếu bán không được sẽ về bị cha đánh. Nhưng em không thể nào chịu được sự rét buốt này, vừa muốn được đánh que diêm vừa nghĩ nếu không bán diêm đem tiền về nên rất băn khoăn và suy nghĩ, nên mới “đánh liều” que diêm.
- Khi cô bé “đánh liều” một que diêm, suy nghĩ của em chỉ đơn giản là muốn sưởi ấm vì thời tiết quá lạnh và khắc nghiệt. Nhưng có một điều em không ngờ được rằng khi quẹt từng que diêm, em lại nhìn thấy rất nhiều hình ảnh kì diệu xuất hiện. Đốt que diêm thứ nhất em thấy lò sưởi, que diêm thứ hai em thấy một bàn ăn thịnh soạn, que diêm thứ ba em thấy cây thông Nô-en và những ngọn nến, que diêm thứ tư em thấy hình ảnh bà đang đón giáng sinh vui vẻ với em. Nhưng trong phút chốc, khi diêm tắt, bà cũng biến mất. Vì sự nhớ bà, mong muốn được bà ở lại bên em nên từ chỗ “đánh liều” lại đến “quẹt tất cả que diêm”. Mục đích hành động đấy là để níu kéo người bà thân thương ở lại với em. Điều này thể hiện sự cô đơn trong cuộc sống cũng như tình yêu thương, mong nhớ người bà sâu sắc của em bé bán diêm, niềm khao khát mong muốn có một cuộc sống hạnh phúc có đủ tình yêu thương như bao đứa trẻ khác.
5.
- Nội dung: Câu văn nói về cái chết bi thảm của cô bé bán diêm trong đêm đông giá rét. Tuy nhiên, đây là cái chết rất trong sáng, ngây thơ. Nói là chết nhưng đây chính là cái kết có hậu cho cô bé bán diêm, giúp em có thể đoàn tụ với người bà kính yêu của mình.
- Nghệ thuật: Sử dụng biện pháp “nói giảm nói tránh” nhằm làm giảm nỗi đau về cái chết, tránh gây đau buồn sâu sắc về sự ra đi của cô bé bán diêm tội nghiệp.
- Nhà văn lại cho cô bé đi bán diêm bởi vì ánh sáng của những que diêm chỉ kéo dài phát sáng trong một thời gian ngắn, sau thời gian ấy nó sẽ vụt tắt. Hình ảnh que diêm được thể hiện như hoàn cảnh của cô bé – cô đơn, lẻ loi, mong manh, yếu ớt.
- Ý nghĩa hình ảnh que diêm: Que diêm chính là ngọn lửa thắp lên ước mơ của cô bé, một ước mơ tuổi thơ hạnh phúc bên gia đình, có đủ tình yêu thương. Chính ngọn lửa que diêm đã đưa đẩy em được gặp lại người bà mà em mong nhớ. Ngoài ra, nó còn thể hiện lòng thương cảm, trân trọng sâu sắc của tác giả đối với nhân vật cô bé bán diêm.
6. Bài làm:
An - đéc - xen (1805 – 1875) là nhà văn Đan Mạch nổi tiếng với loại truyện kể cho trẻ em. Trong số đó phải nói đến câu chuyện nổi tiếng với bạn đọc khắp năm châu đó là “Cô bé bán diêm”. Qua truyện, ta thấy được nhân vật cô bé bán diêm là một nhân vật đáng thương, không có một cuộc sống được gọi là “tuổi thơ” như bao đứa trẻ khác mà phải cố gắng bán diêm trong đêm giáng sinh lạnh giá. Rồi cuối cùng, em đã “đi chầu Thượng đế”. Từ đó, ta thấy rằng nhà văn An-đéc-xen truyền cho chúng ta lòng thương cảm sâu sắc đối với một em bé bất hạnh. Hình ảnh que diêm mà nhà văn sử dụng đã chứng minh rõ điều đó. Nó cho thấy sự trân trọng, một cái nhìn thông cảm, mong muốn được giúp đỡ, sẻ chia của tác giả đối với em bé. Và ẩn chứa trong truyện đó là một thông điệp: tác giả phê phán xã hội, những con người vô cảm, ích kỉ đối với em bé tội nghiệp. Đồng thời cũng mang tính nhắc nhở mọi người luôn quan tâm, yêu thương trẻ em, tạo điều kiện cho chúng sống trong tình yêu thương.
PHẦN II: Bài làm:
Ngữ văn là môn học luôn chiếm một vị trí quan trọng đối với nền văn học nước ta nói chung và thế giới nói riêng từ xa xưa đến nay. Bởi môn học này không chỉ cho ta những kiến thức chuyên sâu mà còn giáo dục cả nhân cách của mỗi con người. Tuy nhiên, tình trạng học sinh không thích học môn Ngữ văn và có suy nghĩ tiêu cực về nó càng ngày càng tăng. Nhưng chúng có thật sự tiêu cực như nhiều bạn nghĩ hay không, chúng ta hãy tìm hiểu nhé.
Ngữ văn chính là một trong những sản phẩm tinh thần của con người. Lịch sử phát triển của môn Văn cũng giống như của các môn khác. Từ xa xưa, con người đã biết sử dụng văn học như là phương tiện giao tiếp. Đó có thể là những kí hiệu chữ viết, chữ số, mặt người, những mật mã,… Chính vì thế, nên những kiến thức, thông tin về lịch sử mới được lưu truyền đến ngày nay.
Ngoài ra, môn Ngữ văn cũng là tấm gương phản chiếu những hiện thực, những sự kiện, diễn biến xảy ra trong đời thực xã hội, đặc biệt là báo chí. Nhờ có chúng mà ta có thể nhận thức, hiểu biết về nhiều điều bổ ích trong cuộc sống không chỉ ở quá khứ, hiện tại mà còn ở tương lai. Chẳng hạn như, khi đọc những câu ca dao, tục ngữ, thành ngữ, ta có thể biết được ngày xưa tổ tiên, ông cha ta đã có những kiến thức, kinh nghiệm sống như thế nào, sinh sống ra sao, xây dựng đất nước như nào. Nhờ có văn học mà những kinh nghiệm, ước mơ, những bài học đạo lí ấy mới được truyền đạt cho con cháu sau này mãi đến tận bây giờ. Đó là những kho tàng kiến thức bao la và bổ ích làm sao!
Hơn nữa, văn học còn là một môn học dạy ta nuôi dưỡng tâm hồn ta phong phú hơn, là phương tiện giải trí bổ ích, giáo dục cả nhân cách và đạo đức. Khi ta đọc những cuốn sách nói về những hoàn cảnh khó khăn, những con người bất hạnh, ta sẽ cảm thấy cảm động trước những câu chuyện ấy, lòng ta sẽ mong muốn được sẻ chia cùng họ, giúp ta biết rằng, thế giới này còn biết bao nhiêu con người khó khăn, giúp ta yêu cuộc sống của mình hơn. Thêm vào đó, nếu học sinh khi ngồi trên ghế nhà trường không được học môn Ngữ văn, các bạn sẽ không biết được những tấm gương về anh hùng đã hy sinh anh dũng cứu nước, chiến đấu khổ cực như thế nào để đem lại độc lập, tự do, hạnh phúc cho chúng ta. Nếu không học văn, các bạn sẽ không tưởng tượng được quê hương, đất nước ta xinh đẹp đến nhường nào, vì trong cuộc sống, các bạn ít có bao giờ để ý thấy.
Vai trò của môn Ngữ văn thì lớn lao đấy, nhưng có một số bạn lại coi thường nó và có những suy nghĩ không tốt về môn Ngữ văn. Nhưng các bạn ơi, các bạn hãy nghĩ kĩ lại đi nhé!
Học văn chính là học tiếng mẹ đẻ của mỗi người, học tiếng nói chung của dân tộc. Khi các bạn học tốt tiếng mẹ đẻ, nó sẽ rất có lợi trong việc mang lại thành công trong công việc, giúp thông thạo cách diễn đạt lời ăn tiếng nói trong cả ngôn ngữ nói và ngôn ngữ viết. Bạn nghĩ thế nào khi người nước ngoài đánh giá một con người Việt Nam không biết viết tiếng Việt hay không biết diễn đạt lời nói sao cho hay bằng tiếng Việt. Thật là một sự xấu hổ không chỉ cho cá nhân người đó mà còn cho đất nước ta. Điều đó sẽ gây trở ngại lớn trong công việc cũng như học tập của chúng ta. Vì thế việc học văn tốt sẽ giúp các bạn thông thạo cả kĩ năng nói và viết.
Một số bạn hiện nay hay có xu hướng theo chuyên một môn và ngó lơ các môn khác, và đặc biệt là không quan tâm đến mô Ngữ văn. Các bạn hay tập trung vào các môn Toán, Lý, Hóa, Sinh. Vì các bạn nghĩ rằng học tốt các môn ấy sau này dễ tìm được công việc tốt. Mình không cấm các bạn đam mê các môn ấy, nhưng không ai cấm một nhà Toán học, Hóa học, Sinh học, Lý học vừa có tư duy tốt vừa có một tâm hồn văn thơ phong phú đâu. Sẽ khô khan biết bao khi xung quanh bạn chỉ có những công thức, những con số,… Điều đó sẽ khiến cho cuộc sống bạn trở nên buồn tủi, tẻ nhạt, tầm thường. Và sẽ rất thú vị nếu bạn chịu đọc một cuốn sách hay rồi tự rút ra những bài học thú vị, những kinh nghiệm cho bản thân.
Cuộc sống không bao giờ đơn giản chút nào, có thể mang lại những căng thẳng, lo âu cho bạn. Nhưng nhờ có văn học, nó có thể mang lại niềm vui và niềm tin cho bạn. Vì vậy, văn học rất cần thiết cho cuộc sống của chúng ta.
Qua những điều trên, ta thấy rằng văn học đóng một vai trò rất quan trọng trong cuộc sống. Nếu thiếu chúng, cuộc sống sẽ trở nên vô vị. Và để được thấy một cuộc sống tươi đẹp, đầy màu sắc, hãy tìm đến văn học. Còn học sinh như chúng ta, cần phải cố gắng học tập tốt đều các môn, và không được coi thường môn Ngữ văn vì những lợi ích của nó.