Phần 1:
a. Nhan đề thích hợp cho mẩu chuyện là "Bài học về tình người".
b. Phương thức biểu đạt trong mẩu chuyện: tự sự, miêu tả, biểu cảm.
c. Đặc sắc nghệ thuật của truyện:
- Sử dụng nhiều tính từ độc đáo. Từ ngữ giàu tính sáng tạo.
- Hình ảnh phong phú, miêu tả thực tế tạo nên bức tranh cuộc sống hiện thực chuẩn xác.
- Thứ tự sự việc trong truyện hợp lí tạo nên sự hấp dẫn, thu hút người đọc.
d. Ý nghĩa: Truyện mượn hình ảnh đứa trẻ hiểu chuyện, thông minh, tốt bụng, biết giúp đỡ người khác để dạy cho chúng ta bài học về tình người, đồng thời phê phán những hành động ngó lơ, không biết giúp đỡ người khác của những người lớn hơn nhưng lại không có ý thức về tình yêu thương con người.
Phần 2: Bài làm:
Trong cuộc sống hiện nay, có rất nhiều người đặt ra những tiêu chí cho thứ quý giá nhất. Đó có thể là tiền bạc, là sắc đẹp, là danh tiếng,...Nhưng đối với riêng tôi, thứ quý giá nhất chính xuất phát từ tấm lòng của mỗi con người chúng ta, đó là tình yêu thương giữa con người và con người. Chỉ có tình yêu thương mới có thể thay đổi được suy nghĩ, hành động của cá nhân mỗi chúng ta. Nếu thiếu nó, con người mãi mãi sẽ không có một cuộc sống tốt đẹp được.
Tình yêu thương là một trong những phẩm chất cao quý của con người, là tình cảm, sự đùm bọc, chia sẻ, giúp đỡ nhau, làm những điều tốt đẹp cho người khác trong lúc họ khó khăn, hoạn nạn.
Ngày nay, ta có thể thấy được những hình ảnh về tình yêu thương con người ở khắp nơi.
Ở phạm vi gia đình, cha mẹ chính là hình ảnh thiết thực nhất. Cha mẹ luôn yêu thương con cái, chấp nhận hy sinh mọi thứ, tiền bạc, sức lao động, thậm chí là tính mạng để bảo vệ con cái, nuôi dạy con cái, cho chúng hết mức những điều kiện vật chất và tinh thần mà khả năng của họ có thể làm ra. Ngược lại, khi con cái ngoan ngoãn, trưởng thành, vâng lời và hiếu thảo, chắc chắn cha mẹ sẽ rất hạnh phúc. Đó chính là tạo tình yêu thương. Ngoài ra, nếu mỗi người trong gia đình biết bảo ban, nhắc nhở, lắng nghe nhau nói, anh chị nói em nghe, cha mẹ nói con nghe thì tình yêu thương mới bền được. Chẳng hạn như người mẹ trong văn bản "Mẹ hiền dạy con", ta thấy được rằng, bà mẹ của thầy Mạnh Tử là một người mẹ tuyệt vời, tuy yêu thương con nhưng không nuông chiều con, yêu thương bằng tấm lòng nghiêm khắc, cứng rắn, dạy con nhiều bài học về sự trung thực, lòng kiên định, từ đó giúp ông có thể đạt nhiều thành công.
Trong phạm vi xã hội, ta cũng thấy rất nhiều biểu hiện của tình yêu thương. Trong đời sống thực tế, chúng ta thấy có rất nhiều chương trình truyền hình được lập ra nhằm mục đích tạo điều kiện giúp đỡ những con người sinh ra trong cảnh đời bất hạnh, khó khăn, nâng cao đời sống, sinh hoạt của họ, giúp họ có thể có những bước ngoặc đổi mới, sống tốt hơn như Tiếp bước cho em đến trường, Vòng tay nhân ái, Trái tim cho em, Lục lạc vàng, Vượt lên chính mình,...Nhờ vậy mà họ có thể có một môi trường sống khá hơn.
Không chỉ ở hiện tại, mà ở quá khứ, trong lịch sử hào hùng của dân tộc Việt Nam chúng ta cũng có những hình ảnh yêu thương nhau giữa người với người. Điển hình là Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn đã cùng vào sinh ra tử với các tướng sĩ, cùng sống cùng chết trong ba cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên – Mông. Nhờ vậy đã đưa đất nước ta hướng đến thành công, thắng lợi vẻ vang. Hay vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc ta - Bac Hồ, xuất phát từ lòng yêu thương nhân dân, Bác đã ra đi tìm đường cứu nước vì đã chứng kiến cảnh dân tộc bị ép làm nô lệ: “ Tôi có một ham muốn, ham muốn tột bậc là làm sao cho nước ta tự do, độc lập, dân ta ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”.
Không chỉ trong đời sống thực tế, mà trong văn học, ta cũng cảm nhận được tình yêu thương hiện lên trong các nhân vật liên quan, hay những câu thơ, câu ca dao, tục ngữ, thành ngữ nói về lòng yêu thương con người. "Yêu nhau tam tứ núi cũng trèo/Ngũ lục sông cũng lội, thất bát cửu thập đèo cũng qua"; "Thương người như thể thương thân"; "Lá lành đùm lá rách"; "Bầu ơi thương lấy bí cùng/Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn"...Ngoài ra, trong văn bản "Dế Mèn bênh vực kẻ yếu" được trích ở tác phẩm "Dế Mèn phiêu lưu ký" của Tô Hoài, ta nhận ra được sự giúp đỡ, thương người, tốt bụng của Dế Mèn giúp chị Nhà Trò tránh khỏi bọn nhọn xấu xa, độc ác. Hay câu chuyện "Sự tích Hồ Ba Bể" giúp ta hiểu được tình yêu thương với bà lão, giúp bà khi gặp khó khăn, hoạn nạn của hai mẹ con nhà nghèo khiến bà lão cảm động và cứu hai mẹ con thoát khỏi cái chết mà không ai ngờ đến. Hoặc văn bản "Người ăn xin" của Tuốc-ghê-nhép, chắc rằng bản thân ai cũng rất cảm động trước những gì mà cậu bé làm và những gì mà cả hai nhận được sau lần gặp mặt ấy, thể hiện rất rõ lòng thương người...
Lòng thương người không chỉ dừng lại ở đó, mà nó còn mang rất nhiều ý nghĩa lớn. Khi giúp đỡ người khác khi gặp khó khăn, họ sẽ cảm thấy được bản thân như được sưởi ấm trái tim, giúp họ có thêm động lực và sức mạnh để vượt qua hoạn nạn, khiến họ không còn cảm thấy cô đơn, bất hạnh. Nhiều người thậm chí khi bị hoàn cảnh chèn ép quá mức có thể dẫn đến những suy nghĩ ngông cuồng, không chính xác, nên trong lúc này khi được sự trợ giúp từ mọi người, họ sẽ tránh vấp phải vào con đường lạc lối thoát, mang lại niềm tin, hạnh phúc và động lực để họ tiếp tục cố gắng. Khi biết yêu thương mọi người, tức chúng ta cũng đã yêu thương bản thân ta. Mình vì mọi người, mọi người vì mình. Người biết yêu thương mọi người sẽ được mọi người yêu quý, kính trọng, giúp nâng cao giá trị, phẩm chất mỗi con người. Đó chính là quan niệm nhân sinh cao quý.
Tuy nhiên, hiện nay, chúng ta cũng gặp một số ít trường hợp sống rất ích kỷ, chỉ vì bản thân, với lối sống thờ ơ, vô cảm, thiếu tình thương, không biết quan tâm, chia sẻ, đồng cảm và giúp đỡ người khác. Nhắc lại truyện "Sự tích hồ Ba Bể", những người dân khi đi trẩy hội qua lại rất nhiều, ai cũng mặc đồ sang trọng và đẹp, nhưng vẫn không một chút để ý, quan tâm hay giúp đỡ vài đồng bạc cho bà cụ nghèo đang ngồi ở đường mà ăn xin. Hay điển hình là cô gái trẻ hay cậu thanh niên trong mẩu truyện trên tuy có khả năng nhưng lại không muốn giúp đỡ, thậm chí là ngó lơ, không quan tâm ông lão đang ngồi ăn xin bên góc chợ. Tuy nhiên, vẫn có cậu bé là tốt bụng, liền kêu mẹ cho nó năm ngàn và một ổ bánh mì nóng để cho ông cụ.
Qua đó, ta có thể thấy trong xã hội hiện nay, có không ít người không có tình người, họ nhẫn tâm vô tư làm ngơ, thờ ơ trước những hoàn cảnh khó khăn của người khác. Tuy nhiên, đâu đấy trong số đó vẫn còn những tấm gương tốt, những hình ảnh cao đẹp, yêu thương con người.
Chúng ta cần phải luôn giúp đỡ, quan tâm, làm những điều tốt đẹp cho người khác. Điều này sẽ giúp cho đất nước ta được phát triển đồng đều, mọi người cùng vượt qua khó khăn, đó cũng là truyền thống quý báu của dân tộc ta, cần được giữ gìn, phát huy.
Tình thương người chính là lẽ sống cao cả của con người, là tình cảm thiêng liêng cao quý mà bản thân ai cũng cần có. Mỗi người chúng ta cần phải có ý thức hành động giúp đỡ những cảnh đời bất hạnh, không được may mắn, hãy yêu gia đình, sống biết sẻ chia để cuộc sống sống tốt đẹp và có ý nghĩa hơn.