Kiến thức cần nắm

SỰ PHÁT TRIỂN CỦA SINH GIỚI QUA CÁC ĐẠI ĐỊA CHẤT

I. HÓA THẠCH

1. Khái niệm

- Hoá thạch là di tích các sinh vật sống trong các thời đại trước đã để lại trong các lớp đất đá.

2. Các dạng hoá thạch

- Hoá thạch đá: xác sinh vật bị đất đá bao phủ, các phần mềm bị phân huỷ, để lại khoảng trống. Các chất khoáng tràn vào, lấp đầy khoảng trống và đúc thành một sinh vật bằng đá giống với sinh vật trước kia. Ví dụ: Hoá thạch lá cây, các thân mềm, xương khủng long…

- Hoá thạch trong băng: xác sinh vật được ướp trong băng. Ví dụ: xác voi mamut được ướp trong băng nên thịt còn tươi.

- Hoá thạch trong hổ phách: xác sâu bọ được bọc trong hổ phách, còn giữ nguyên màu sắc. Ví dụ: Hoá thạch sâu bọ và bọ cạp được bọc trong nhựa hổ phách.

3. Vai trò của hoá thạch trong nghiên cứu lịch sử phát triển của sinh giới

- Hóa thạch là các bằng chứng tiến hóa trực tiếp. Các nhà khoa học có thể xác định được tuổi của các hóa thạch bằng phương pháp đồng vị phóng xạ (Cacbon 14 hoặc Urani 238) và qua đó có thể giúp chúng ta:

  • Dự đoán được hình dạng ngoài, nơi sống và cách thức sống của các sinh vật đó.
  • Dự đoán được lịch sử xuất hiện, phát triển và diệt vong của các sinh vật.
  • Nghiên cứu lịch sử phát triển của vỏ quả đất.

II. SỰ PHÂN CHIA THỜI GIAN ĐỊA CHẤT

1. Phương pháp xác định tuổi của các lớp đất đá và hoá thạch

- Phương pháp phân tích phóng xạ: Quá trình phân rã của các nguyên tố phóng xạ diễn ra với tốc độ rất đều đặn trong tự nhiên → phân tích lượng chất phóng xạ còn lại trong mẫu → tuổi của lớp đất đá chứa mẫu đó.

 - Quan sát và nghiên cứu các lớp đá trầm tích

+ Sinh vật chết bị cuốn trôi ra biển, chìm sâu xuống đáy biển thành nhiều lớp trầm tích, lớp trên cùng là trẻ nhất, lớp dưới cùng là già nhất

2. Sự phân chia thời gian địa chất

- Sử dụng các thông tin từ các phương pháp xác định này, đồng thời căn cứ vào các biến cố lớn về địa chất, khí hậu, vào các hoá thạch điển hình, các nhà khoa học đã phân chia lịch sử phát triển của quả đất thành các đại và các kỉ.

- Ranh giới phân chia giữa các đại và các kỉ phần lớn là dựa vào các sinh vật hoá thạch chứa trong các lớp trầm tích thu được: Lịch sử phát triển sự sống có thể chia thành 5 đại và các kỷ:

  1. Đại Thái cổ (vỏ quả đất còn rất cổ sơ)
  2. Đại Nguyên sinh (sự sống hình thành bộ mặt nguyên thuỷ)
  3. Đại cổ sinh (sự sống còn ở trạng thái cổ sơ)
    • Kỉ Cambri: Cambri là tên cũ của xứ Wales ở Anh
    • Kỉ Ocđôvic.
    • Kỉ Xilua: Xilua là một dân tộc sống ở xứ Wales
    • Kỉ Đêvôn: Đêvôn là một quận ở Anh
    • Kỉ than đá: lớp đất ở kỉ này có tầng than đá rất dày
    • Kỉ Pecmi: tên của miền Pecmi ở phía tây dãy núi Uran.
  4. Đại Trung sinh (sự sống đã phát triển đến giai đoạn giữa)
    • Kỉ tam điệp: Hệ đá của kỉ này chia thành 3 lớp
    • ​​Kỉ Giura: tên dãy núi Jura ở biên giới Pháp - Thuỵ sĩ
    • Kỉ phấn trắng: Lớp đá của kỉ này có lớp phấn trắng ở nhiều nơi, hình thành từ vỏ của trùng lỗ.
  5. Đại Tân sinh (sự sống đã có bộ mặt giống ngày nay)
    • Kỉ thứ ba
    • Kỉ thứ tư

III. SỰ PHÁT TRIỂN CỦA SINH VẬT QUA CÁC ĐẠI ĐỊA CHẤT

1. Đại Thái cổ

- Thời điểm bắt đầu: 3.500 triệu năm trước

- Thời gian kéo dài: 900 triệu năm

- Đặc điểm địa chất, khí hậu: vỏ quả đất chưa ổn định, hoạt động của núi lửa vẫn diễn ra mạnh.

- Đặc điểm sinh vật: sự sống đã phát sinh và phát triển từ dạng chưa có cấu tạo tế bào đến dạng đơn bào rồi đa bào, vẫn tập trung ở dưới nước.

2. Đại Nguyên sinh

- Thời điểm bắt đầu: 2.600 triệu năm trước

- Thời gian kéo dài: 2.038 triệu năm

- Đặc điểm địa chất, khí hậu: Có nhiều đợt tạo núi lớn làm phân bố lại các đại lục và đại dương.

- Đặc điểm sinh vật: Vi khuẩn và tảo đã phân bố rộng. Thực vật đơn bào chiếm ưu thế, hình thành gần đầy đủ các ngành động vật không xương sống.

3. Đại cổ sinh

- Thời điểm bắt đầu: 570 triệu năm trước

- Thời gian kéo dài: 340 triệu năm

Kỉ Cambri

  • Tảo lục và tảo nâu ưu thế ở biển.
  • Đã có đủ các ngành động vật không xương sống (có cả Chân khớp và Da gai)
  • Xuất hiện đại diện nguyên thuỷ đầu tiên của động vật có dây sống (lưỡng tiêm).
  • Sự sống vẫn tập trung chủ yếu dưới nước. một số vi khuẩn, tảo xanh có mặt trên đất liền.
  • Hoá thạch chủ yếu là Tôm ba lá.

 

Kỉ Xilua

  • Xuất hiện các thực vật ở cạn đầu tiên (quyết trần – chưa có lá, thân, rễ thô sơ), hoạt động quang hợp tạo ra ôxi và hình thành lớp ôzôn chắn tia tử ngoại.
  • Xuất hiện các đại diện đầu tiên của động vật có xương sống (cá giáp)
  • Hoá thạch của kỉ: bọ cạp tôm, ốc anh vũ…

Kỉ Đêvôn

  • Thực vật di cư lên cạn hàng loạt (quyết thực vật, có thân, rễ, lá thật)
  • Xuất hiện cá giáp có hàm, cá vây chân, lưỡng cư đầu cứng vừa sóng dưới nước, vừa sống trên cạn.
  • Cá vây chân và lưỡng cư đầu cứng

 

Kỉ than đá

  • Quyết khổng lồ phát triển mạnh ở đầu kỉ. Cuối kỉ, quyết bị vùi lấp, xuất hiện dương xỉ có hạt.
  • Sâu bọ phát triển, xuất hiện bò sát, sâu bọ bay.
 

Kỉ Pecmi

  • Quyết thực vật bị tiêu diệt, cây hạt trần xuất hiện, thích ứng với khí hậu khô.
  • Bò sát phát triển nhanh, đa số ăn cỏ, một số ăn thịt.
  • Xuất hiện bò sát răng thú có răng phân hoá thành răng cửa, răng nanh và răng hàm.

 

 => Các sự kiện nổi bật ở Đại Cổ sinh:

  • Sự di cư lên cạn của thực vật ở kỉ Xilua.
  • Sự di cư lên cạn của động vật ở kỉ Đêvôn.
  • Hoàn cảnh sống trên cạn phức tạp hơn dưới nước, chọn lọc tự nhiên đã đảm bảo sự phát triển ưu thế của những cơ thể phức tạp hơn về tổ chức, hoàn thiện hơn về cách sinh sản.

4.  Đại Trung sinh

- Thời điểm bắt đầu: 220 triệu năm trước

- Thời gian kéo dài: 150 triệu năm

Kỉ tam điệp

  • Quyết thực vật và lưỡng cư bị tiêu diệt dần.
  • Cây hạt trần phát triển mạnh.
  • Cá xương phát triển, cá sụn thu hẹp.
  • Hình thành các nhóm cao trong bò sát như thằn lằn, rùa, cá sấu.
  • Một số thằn lằn quay lại đời sống ở nước.
  • Xuất hiện thú đầu tiên do thằn lằn răng thú tiến hoá lên.

 

Kỉ Giura

  • Cây hạt trần phát triển mạnh
  • Bò sát khổng lồ chiếm ưu thế tuyệt đối cả trên cạn, dưới nước và trên không trung.
  • Xuất hiện các đại diện đầu tiên của lớp chim. 

 

Kỉ phấn trắng

  • Thực vật hạt kín xuất hiện và nhanh chóng phát triển do có hình thức sinh sản hoàn thiện hơn.
  • Bò sát vẫn thống trị.
  • Chim gần giống ngày nay (vẫn còn răng)
  • Xuất hiện thú đẻ con (thú có túi)

 

 => Các sự kiện nổi bật ở Đại Trung sinh là đại phát triển ưu thế của cây hạt trần và bò sát

5. Đại Tân sinh

- Thời điểm bắt đầu: 70 triệu năm trước

Kỉ thứ ba

  • Khí hậu ôn hoà và ẩm. Cây hạt kí phát triển mạnh kéo theo sự phát triển của sâu bọ và động vật ăn sâu bọ.
  • Cuối kỉ lạnh đột ngột, xuất hiện các cây có lá rụng mùa rét.
  • Đồng cỏ lan rộng, xuất hiện động vật đồng cỏ.
  • Bò sát khổng lồ bị tiêu diệt, nhường chỗ cho chim và thú.
  • Từ thú ăn sâu bọ đã hình thành bộ Khỉ.

Kỉ thứ tư

  • Băng nhiều lần tràn xuống tân bán cầu Nam. Xuất hiện thú lông rậm và cây lá kim thích nghi với khí hậu lạnh.
  • Thực vật và động vật đã có bộ mặt giống ngày nay.
  • Phát sinh loài người.

=> Các sự kiện nổi bật ở Đại Tân sinh: là đại phồn thịnh của thực vật hạt kín, sâu bọ, chim và thú

IV. KẾT LUẬN VỀ LỊCH SỬ PHÁT TRIỂN CỦA SINH VẬT 

- Lịch sử phát triển của sinh vật gắn liền với lịch sử phát triển của vỏ quả đất. Sự thay đổi các điều kiện địa chất, khí hậu đã thúc đẩy sự phát triển của sinh giới.

- Sự thay đổi điều kiện địa chất, khí hậu thường dẫn tới sự biến đổi trước hết ở thực vật và thông qua mối quan hệ phức tạp giữa thực vật với động vật, động vật với động vật mà ảnh hưởng tới nhiều loài khác. Vì vậy. sự phát triển của sinh giới diễn ra nhanh hơn sự thay đổi chậm chạp của điều kiện khí hậu, địa chất.

- Sinh giới phát triển theo hướng ngày càng đa dạng, tổ chức ngày càng cao, thích nghi ngày càng hợp lí.