Viết: Viết bài văn phân tích đặc điểm nhân vật

Nội dung lý thuyết

Các phiên bản khác

1. Định hướng

@2024595@

a. Phân tích đặc điểm nhân vật là giới thiệu, miêu tả và nêu lên nhận xét về những nét tiêu biểu của một nhân vật trong tác phẩm như: lai lịch, hình dáng, những suy nghĩ, lời nói, hành động, việc làm,... Chẳng hạn, đoạn văn sau đây:

"... Ông Hai bán rắn - tía nuôi An - trốn tù, đón vợ rồi bỏ vào rừng U Minh. Một con thuyền nhỏ, hai vợ chồng, thằng con trai và con chó Luốc đi lang thang kiếm sống bằng đủ thứ nghề: câu rắn, lấy mật, săn cá sấu,... Gương mặt ông khoáng đạt, rất dễ mến. Làn da mặt như người trẻ, chỉ ở đôi khóe mắt và trên vầng trán cao là có xếp mấy đường nhăn... Đôi mắt to, sáng quắc, núp dưới cặp chân mày rậm đen... Mấy nét thôi, nhưng hiện ra cái vẻ phóng khoáng, tự tin của một đời sống tự do và từng trải." (Theo Bùi Hồng)

Trong đoạn trích trên, người viết vừa giới thiệu các đặc điểm của nhân vật (lai lịch, xuất thân, hình dáng, hành động, việc làm,...), vừa kết hợp nêu lên các nhận xét về nhân vật ấy ("Gương mặt ông khoáng đạt, rất dễ mến.", "Mấy nét thôi, nhưng hiện ra cái vẻ phóng khoáng, tự tin của một đời sống tự do và từng trải.").

@2024664@

b. Để viết bài văn phân tích đặc điểm nhân vật, các em cần chú ý:

  • Lựa chọn nhân vật sẽ phân tích trong tác phẩm văn học.
  • Đọc kĩ tác phẩm viết về nhân vật đó.
  • Ghi chép các chi tiết về nhân vật (lai lịch, hình dáng, những suy nghĩ, lời nói, hành động, việc làm,...).
  • Nhận xét, đánh giá về nhân vật.
  • Lập dàn ý và viết bài văn phân tích đặc điểm nhân vật theo dàn ý đã lập.

2. Thực hành

Bài tập: Viết bài văn phân tích nhân vật Võ Tòng trong đoạn trích "Người đàn ông cô độc giữa rừng" (trích tiểu thuyết "Đất rừng phương Nam") của nhà văn Đoàn Giỏi.

@2024718@

a. Chuẩn bị

  • Xem lại nội dung đọc hiểu văn bản Người đàn ông cô độc giữa rừng (Bài 1).
  • Xem mục Định hướng nêu trên để nắm vững các yêu cầu về viết bài văn phân tích đặc điểm nhân vật.
  • Ghi chép về nhân vật Võ Tòng theo yêu cầu của bài văn phân tích đặc điểm nhân vật.

b. Tìm ý và lập dàn ý

- Tìm ý

  • Đặc điểm nhân vật Võ Tòng được khắc họa từ những phương diện nào?
    • Nhân vật Võ Tòng được khắc họa qua ngoại hình, lai lịch, hành động. Những phương diện đó làm nổi bật lên tính cách của nhân vật.
  • Có thể thấy Võ Tòng là người như thế nào?
    • Có thể thấy Võ Tòng là người: dũng cảm, thẳng thắn, kiên cường, bộc trực, vui vẻ, hào sảng.
  • Nhân vật Võ Tòng để lại trong em những ấn tượng, tình cảm và suy nghĩ gì về con người Nam Bộ?
    • Nhân vật Võ Tòng cho em thấy ấn tượng về vẻ đẹp của con người Nam Bộ, hào sảng, trượng nghĩa, kiên trung và anh hùng.
@2024783@

Lập dàn ý

  • Mở bài: Giới thiệu khái quát về nhân vật Võ Tòng. (Đó là nhân vật trong tác phẩm nào, của ai?...)
    • Đất rừng phương Nam là một tác phẩm đặc sắc của nhà văn Đoàn Giỏi kể về cuộc sống, chiến đấu của người dân Nam Bộ. Trong tác phẩm, các nhân vật như dì Tư Béo, ông Hai rắn, chú Võ Tòng... xuất hiện với những đặc điểm, tính cách riêng biệt như một xã hội thu nhỏ. Tôi đặc biệt ấn tượng với nhân vật chú Võ Tòng - một người đàn ông "kì hình dị tướng" nhưng mang những phẩm chất đáng quý, đẹp đẽ trong đoạn trích Người đàn ông cô độc giữa rừng.
  • Thân bài:
    • Phân tích và làm sáng tỏ đặc điểm nhân vật Võ Tòng qua các phương diện:
      • Lai lịch:
        • "... chú tên là gì, quê ở đâu cũng không rõ. Võ Tòng là tên mọi người gọi chú từ một sự tích trong truyện Tàu." (Theo Bùi Hồng).
        • Lai lịch: Không có tên tuổi, quê quán; đến đây từ mười mấy năm trước; sống cô độc một mình, không có ai làm bạn, giỏi võ; khỏe mạnh, dũng cảm: một mình giết chết con hổ chúa; có một vết sẹo từ thái dương xuống cổ sau lần giết hổ. => Chú Võ Tòng có lai lịch rất bí ẩn.
      • Lời truyền tụng:
        • Ra tù, Võ Tòng không trả thù kẻ đã phá hoại gia đình mình, chỉ kêu trời một tiếng, cười nhạt rồi bỏ làng vào rừng sinh sống,...
        • Có người kể rằng: chú Võ Tòng là người hiền lành, ở tận một vùng xa; có vợ con nhưng một lần đâm tên địa chủ ngang ngược, hống hách nên bị đi tù, vợ làm lẽ cho tên địa chủ nhà giàu kia, con chết; khi ra tù, Võ Tòng bỏ làng ra đi đến đây; sống một mình nên kì hình dị tướng.
      • Ngoại hình:
        • Hai hố mắt sâu hoắm, và từ trong đáy hố sâu thâm đó, một cặp tròng mắt trắng dã, long qua, long lại sắc như dao,...
        • Chú Võ Tòng xuất hiện với trang phục thoải mái: cởi trần, mặc một chiếc quần ka ki còn mới nhưng coi bộ đã lâu không giặt, đeo lủng lẳng một lưỡi lê nằm gọn trong vỏ sắt ở bên hông, thắt cái xanh-tuya-rông. Trang phục giống lính Pháp, có vẻ ngoài bặm trợn, bụi bặm nhưng cũng có phần gần gũi.
      • Hành động và việc làm:
        • Lời nóiGần gũi có phần suồng sã: Nhai bậy một miếng khô nai đi, chú em…Thể hiện sự dũng cảm, hiên ngang nhưng xen trong đó là nỗi đượm buồn chua chát; Lời nói thẳng thắn, bộc trực, thể hiện tình cảm trực tiếp.
        • Cách uống rượu: uống bằng bát.
    • Nhận xét về nhân vật Võ Tòng: Trình bày những suy nghĩ, cảm xúc,... của em về các đặc điểm đã phân tích về nhân vật Võ Tòng.
      • Qua những chi tiết trên, ta thấy chú Võ Tòng là người dũng cảm, thẳng thắn, kiên cường, bộc trực, vui vẻ, hào sảng.
  • Kết bài:
    • Nêu đánh giá khái quát về nhân vật Võ Tòng (Đó là một con người như thế nào?)
      • Chú Võ Tòng là con người cô độc, “kì hình dị tướng” nhưng mang những phẩm chất tốt đẹp, dũng cảm, kiên trung, anh hùng. Đoàn Giỏi đã thành công khắc họa một nhân vật vừa thực vừa ảo, vừa mang nét phương Tây, vừa mang nét phương Đông.
      • Liên hệ với những con người Nam Bộ bình thường, giản dị mà anh dũng, bất khuất trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ; từ đó, rút ra bài học cho mình và thế hệ trẻ hôm nay: Nhân vật Võ Tòng cho em thấy ấn tượng về vẻ đẹp của con người Nam Bộ, hào sảng, trượng nghĩa, kiên trung và anh hùng.

c. Viết

  • Dựa vào dàn ý đã lập, thực hành viết với những yêu cầu khác nhau:
    • Luyện tập viết đoạn mở bài và kết bài.
    • Viết đoạn văn phân tích một đặc điểm nào đó của nhân vật Võ Tòng.
    • Viết bài văn phân tích toàn bộ các đặc điểm của nhân vật Võ Tòng.
  • Trước khi viết, bám sát những chi tiết (lời nói, hành động, suy nghĩ, ... của nhân vật) và những nhận xét của nhân vật khác về Võ Tòng. Người viết có thể nêu những suy nghĩ, cảm xúc của mình về nhân vật được phân tích.

d. Kiểm tra và chỉnh sửa

  • Kiểm tra lại đoạn văn và bài văn đã viết, phát hiện các lỗi về nội dung (thiếu ý, trùng lặp ý, ...) và hình thức (chính tả, ngữ pháp, liệt kê câu,...)
  • Xác định những chỗ mắc lỗi và nêu cách sửa chữa.