Ứng phó với thiên tai

Nội dung lý thuyết

Hoạt động 1: Tìm hiểu dấu hiệu của một số loại thiên tai.

- Kể tên một số loại thiên tai mà em biết.

- Quan sát các hình ảnh sau, gọi tên và nêu dấu hiệu đặc trưng của các loại thiên tai đó.

- Chia sẻ kết quả tìm hiểu dấu hiệu của một số loại thiên tai và nghe các bạn bổ sung. 

Ảnh

Tên thiên tai

Dấu hiệu nhận biết

Ảnh 1.

Bão.

Bão vào gần thì trời sẽ bị một lớp mây che lấp như một tấm màn màu sữa (mây ti tầng). Trên lớp mây này thường có quầng xuất hiện, mây cứ thấp dần, dày dần, đen dần, có khi nổi lên những hình cục. Sau đó khi có mây thấp xuất hiện, màu xám, rải rác, xơ xác, bay rất nhanh và ngày càng nhiều.

Ảnh 2.

Lũ quét.

Lũ quét là một loại lũ đặc biệt lớn, dòng chảy xiết, có hàm lượng chất rắn cao và sức tàn phá lớn. Đặc điểm chính của lũ quét là chứa lượng vật rắn rất lớn, thường chiếm 3-10%, thậm chí trên 10% nên còn được gọi là lũ bùn đá. Lũ quét thường xảy ra khi có lượng mưa lớn và kéo dài ở lưu vực các sông suối nhỏ miền núi, có độ dốc lớn, mặt lưu vực bị phong hoá mạnh, kết cấu kém. Lũ quét thường xảy ra trong thời gian ngắn (3-6h), vào ban đêm và sáng sớm, trong các tháng mùa lũ.

Ảnh 3

Ngập lụt.

Lũ : là hiện tượng nước sông dâng cao trong một khoảng thời gian nhất định, sau đó giảm dần. Lũ là do mưa trên lưu vực gây ra, song cũng có thể do vỡ đê, vỡ đập làm cho nước sông dâng cao. Lụt: là hiện tượng ngập nước của một vùng lãnh thổ do lũ lớn, vỡ đê, vỡ đập gây ra. Dấu hiệu xuất hiện lũ, lụt: Khi có mưa to trong vài giờ, hoặc mưa tương đối lớn trong vài ngày liên tục; Khi bị ảnh hưởng của bão hoặc áp thấp nhiệt đới.

Ảnh 4.

Hạn hán.

Hạn hán là một thời gian kéo dài nhiều tháng hay nhiều năm khi một khu vực trải qua sự thiếu nước. Thông thường, điều này xảy ra khi khu vực đó luôn nhận được lượng mưa dưới mức trung bình. 

Ảnh 5.

Lốc xoáy.

Thông thường, khi thấy những đám mây trên bầu trời bỗng nhiên vần vũ và đen sẫm lại, gió đang thổi bỗng nhiên ngừng hẳn, kèm theo đó là nhiệt độ giảm, độ ẩm trong không khí cao, không khí bỗng trở lên mát mẻ, se lạnh, đây là dấu hiệu cho thấy có khả năng dông và sấm sét, lốc xoáy sẽ xảy ra.

Ảnh 6.

Cháy rừng.

Nền nhiệt độ luôn cao trên 40 độ C thì rất dễ dấn đến cháy rừng. Những khu rừng vào mùa hanh khô thường có dấu hiệu như là cây khô héo, cành cây, gốc cây trơ lại thường rất dễ bén lửa. Chỉ cần một chút lửa thôi nhưng do gió đưa đi làm cho cả cánh rừng mấy ha cũng có thể bị thiêu rụi trong vòng vài chục phút. Đây là nguyên nhân cháy rừng không thể bỏ qua. Nhiệt độ tăng làm hiện tượng bốc hơi nhanh hơn. Hay nói cách khác, bầu khí quyển sẽ hấp thụ hơi ẩm từ đất đai nhiều hơn khiến cho nó trở nên khô hơn. Đồng thời, ở các nước có tuyết, nhiệt độ tăng cũng làm cho mùa tuyết tan đến sớm hơn bình thường. Gây hậu quả là mặt đất bị khô trong thời gian dài hơn. Đây chính là điều kiện thuận lợi cho lửa tấn công.

Ảnh 7.

Sạt lở.

Cần quan sát những thay đổi xảy ra xung quanh khu vực sinh sống như các rãnh thoát nước mưa trên các sườn dốc (đặc biệt là những nơi mà dòng nước chảy tụ lại), xuất hiện dấu vết sạt lở, cây bị sập… Cửa hoặc cửa sổ bị kẹt, không thể mở ra. Vết nứt mới xuất hiện trên tường, trần, gạch, hoặc nền. Bức tường ngoài, lề đường hoặc cầu thang không nguyên dạng. Xuất hiện các vết nứt mở rộng trên mặt đất hoặc trên lối đi. Vỡ mạch nước ngầm. Mặt đất có hiện tượng phồng rộp, đường bấp bênh. Nước phun ra từ mặt đất tại nhiều vị trí mới. Hàng rào, tường chắn, cột điện, cây cối bị nghiêng hoặc di chuyển. Chú ý sự thay đổi của dòng nước. Nếu nước đang từ trong chuyển sang đục thì đây cũng là một dấu hiệu cho thấy sắp có sạt lở đất. Khi bắt đầu nghe thấy tiếng rơi của đất đá và âm lượng tăng dần, mặt đất bắt đầu dịch chuyển xuống theo chiều dốc, các lớp đất thụt xuống, những âm thanh lạ, như tiếng cây gãy hoặc tảng đá va chạm với nhau tức là sạt lở đất sắp xảy ra.

Ảnh 8.

Sóng thần.

Dù không thể dự đoán được sóng thần một cách chính xác, nhưng theo các nhà khoa học vẫn có những dấu hiệu để nhận biết một đợt sóng thần sắp xảy ra khi chúng ta ở gần biển. Thứ nhất, cần chú ý theo dõi tin tức về động đất, không chỉ ở khu vực mình đang ở mà cả ở những khu vực khác. Sóng thần có thể tạo nên bởi những trận động đất cách xa hàng ngàn dặm. Thứ hai, nên chú ý âm thanh lạ, vì những người sống sót sau các trận động đất nói rằng họ nghe thấy âm thanh như tiếng tàu chở hàng. Thứ ba, khi thấy nước rút nhanh và bất ngờ trong thời gian không phải thủy triều xuống, cần chạy nhanh lên bờ. Nước rút nhanh là dấu hiệu của sóng thần. Nhiều người chết trong trận sóng thần ở Ấn Độ Dương năm 2004 là do họ đi ngắm bờ biển khi nước rút xuống nhanh. Thứ tư, đợt sóng đầu tiên của trận sóng thần không phải đợt sóng nguy hiểm nhất. Nó còn có thể vào tận các con sông và suối nối với biển. Thứ năm, sóng thần thực sự xuất hiện chỉ khoảng 5 phút sau dấu hiệu đầu tiên.

Hoạt động 2: Xác định những việc cần làm để bảo vệ bản thân trong một số tình huống thiên tai.

1. Xác định những việc cần làm để bảo vệ bản thân khi có bão.

Gợi ý:

- Tìm hiểu thời gian xảy ra bão và cấp độ của bão bằng cách nào?

VD: Em có thể tìm hiểu qua thông báo của nhà nước, xem thông tin trên báo và các trang thông tin.

- Trước khi bão tràn về nơi em sinh sống, em và gia đình cần chuẩn bị gì?

VD: 

+  Kiểm tra nhà cửa xem có cần sửa chữa gì hay không (ví dụ: mái, cửa ra vào, cửa sổ, trần nhà).

+ Trước khi bão đổ bộ, nên kiểm tra hệ thống thoát nước của căn nhà để thông tắc nếu cần.

+ Dự trữ đủ thực phẩm và nước uống cho vài ngày. Lý tưởng nhất là các thực phẩm đóng hộp để phòng khi bạn không thể nấu nướng.

+ Kê mọi thứ trong nhà lên cao, nhất là các vật dụng có điện để nước không ngấm vào trong nếu nước lụt tràn vào nhà.

+ Thu hoạch nông sản ngay lập tức.

+ Đối với ngư dân, hãy neo đậu tàu thuyền vào chỗ an toàn.

+ Nếu bạn đang sống ở vùng trũng, đất dốc và/hoặc nguy hiểm, giải pháp tốt nhất là hãy sơ tán càng sớm càng tốt.

+ Luôn luôn dự trữ đèn pin, nến, pin và hộp cứu thương.

+ Bạn nên có một chiếc đài bán dẫn (pin đã được sạc phòng khi mất điện) để cập nhật tin tức về đường đi của cơn bão.

+ Thường xuyên theo dõi tình hình diễn biến của bão trên đài phát thanh địa phương, TV.

- Trong khi bão đang xảy ra, em nên làm gì?

VD: 

+ Ở nhà, hoãn tất cả các chuyến du lịch.

+ Theo dõi tiến triển của bão trên đài phát thanh địa phương, TV

+ Nếu lũ lụt xảy ra, hãy tắt các nguồn điện chính để tránh giật điện.

+ Không lội nước qua những khu vực bị lụt để tránh các bệnh lây truyền qua nước.

+ Không bật các thiết bị điện khi lũ lụt xảy ra.

+ Không dùng các nguồn ga hoặc điện đã bị ngập nước.

+ Canh chừng nến đang cháy hoặc đèn dầu.

+ Nghe theo lời khuyên của nhà chức trách nếu họ yêu cầu bạn đi sơ tán. Nếu phải di chuyển đến trung tâm sơ tán, hãy làm theo những chỉ dẫn sau:

+ Bình tĩnh sơ tán.

+ Đóng các cửa sổ và tắt nguồn điện tổng.

+ Kê các thiết bị và đồ đạc lên chỗ cao.

+ Không đi về phía sông hoặc đi dọc theo sông.

- Sau khi bão kết thúc, em và gia đình cần làm gì để khắc phục hậu quả?

VD: 

+ Theo dõi tình hình cơn bão trên đài phát thanh, TV

+ Kiểm tra nhà cửa xem có bị thiệt hại gì hay không và tiến hành sửa chữa ngay. Tránh các mảnh vụn kim loại và gỗ vì có thể có những chiếc đinh han gỉ nhô ra.

+ Trang bị đồ và thiết bị bảo hộ khi làm việc ở những khu vực nguy hiểm.

+ Nếu nhà của bạn gặp thiệt hại, hãy kiểm tra xem đã an toàn hay chưa trước khi bạn vào nhà.

+ Hãy nhờ một người có hiểu biết kiểm tra hệ thống điện trước khi sử dụng các thiết bi điện.

+ Cẩn thận với các dây điện hở hoặc dây cáp ngập trong nước.

+ Thông báo cho nhà chức trách biết nếu có dây cáp bị hư hại hoặc cột điện đổ.

+ Cẩn thận chú ý các động vật nguy hiểm như rắn có thể bò vào nhà.

+ Đun sôi nước trước khi uống để tránh nhiễm bệnh.

+ Bỏ các thực phẩm ôi thiu do thiếu điện và tủ lạnh.

+ Không để nước tràn vào lốp xe, thùng hay chậu để tránh tạo điều kiện cho muỗi phát triển, gây bệnh sốt xuất huyết.

2. Xác định những việc cần làm để bảo vệ bản thân khi xảy ra dông, sét.

Gợi ý:

- Khi thấy có dấu hiệu dông, sét em nên làm gì? 

VD: 

+ Nhanh chóng đến chỗ trú ẩn an toàn: nhà được bảo vệ bằng hệ thống chống sét; bên trong một kết cấu kim loại (ví dụ, một xe ô tô có mái che); bên dưới chòi, lán trại có mái được nối đất. 

+ Nếu không có chỗ trú hãy ngồi xuống, giảm độ cao và mặt tiếp xúc với đất bằng cách đặt các bàn chân sát lại với nhau (lưu ý là không được đặt tay lên bất cứ vật gì đang tiếp xúc với đất).

+ Tránh đi xe đạp hoặc cưỡi ngựa ngoài trời, không ở trong các xe mui trần. 

+ Tránh tiếp xúc với nước hoặc bơi lội trên sông, hồ ngoài trời.

+ Tránh những nơi cao nhất hoặc các chỗ cao.

+ Tránh tiếp xúc và lại gần các kết cấu kim loại, hàng rào thép, các thiết bị điện, các khung cửa sổ, các máy vô tuyến truyền hình, máy thu thanh, các thiết bị điện,…

+ Không mang vác, chống bất cứ vật gì trên đầu, đặc biệt là kim loại (ô, dù; gậy đánh golf; dụng cụ lao động như cuốc, xẻng, xà beng …). 

+ Tránh ở dưới các cây cao hoặc cây đứng riêng lẻ giữa vùng trống. Nếu không thể, thì tránh đến gần cây rậm rạp có các cành cây dài.

+ Tránh hoặc hạn chế sử dụng điện thoại hữu tuyến (có dây) hoặc di động, tránh đứng gần các cửa sổ.

+ Tránh chạm, tiếp xúc với dây thoát sét tại các tòa nhà, tránh đứng gần các hệ thống thoát sét.

- Nếu đang đi đường bất ngờ dông, sét xảy ra em nên làm thế nào?

VD: 

+ Khi có hiện tượng xảy ra dông sét nên về nhà ngay.

+ Nơi tránh sét an toàn là toà nhà, công sở có lắp đặt hệ thống chống sét. Nhưng cần đứng xa cửa sổ, cửa ra vào, các đồ dùng điện. Tránh các chỗ ẩm ướt như buồng tắm, bể nước, vòi nước.

+ Tuyệt đối không trú mưa dưới gốc cây. Tránh các khu vực cao hơn xung quanh. Tránh xa các vật dụng kim loại.

+ Không đứng thành nhóm người gần nhau.

+ Nếu cảm thấy tóc bị dựng lên là có thể sắp bị sét đánh. Lập tức ngồi thụp xuống càng thấp càng tốt, tay bịt tai. Không nằm xuống đất mà nhón chân, hạn chế tiếp xúc với mặt đất ít nhất để giảm điện tích truyền xuống đất qua cơ thể.

- Khi đang ở nhà mà xảy ra dông, sét em nên làm gì?

VD: Khi ở trong nhà, nên đứng xa cửa sổ, cửa ra vào, các đồ dùng điện, tránh các chỗ ẩm ướt như buồng tắm, bể nước, vòi nước, không nên dùng điện thoại trừ trường hợp rất cần thiết. Rút phích cắm các thiết bị điện trước lúc có giông. Với các đường dây điện thoại hay dây điện vì nối với lưới bên ngoài nên rất có thể bị ảnh hưởng sét đánh lan truyền. Bởi vậy nên tránh xa các dây này và các vật dùng điện với khoảng cách ít nhất là một mét.

3. Xác định những việc cần làm để bảo vệ bản thân khi lũ, lụt xảy ra.

Gợi ý:

- Tìm hiểu thời gian, mức độ lũ, lụt xảy ra bằng cách nào?

VD: Cần chú ý đến lịch lũ thường niên, nghe thông tin từ đài báo chính phủ.

- Cần chuẩn bị những gì khi biết địa phương em có thể bị lũ, lụt và cô lập khi mưa bão?

VD: 

+ Thực hiện ngay việc chằng chống nhà cửa để có thể chống chọi được với gió bão mạnh (sử dụng bao cát để thêm lên các mái tôn hoặc gông mái nhà bằng tre, luồng, thép và dây buộc, đinh, cây gỗ kẹp mái nhà); cần tìm và tạo cho gia đình một chỗ trú tránh an toàn dễ dàng di dời đến khi mưa bão, lũ xảy ra. 

+ Bỏ tất cả các vật dụng quan trọng như tiền, vàng và các giấy tờ vào một cái túi không thấm nước, buộc chặt túi lại và cất vào nơi cao ráo, an toàn nhất.

+ Mỗi gia đình cần chuẩn bị sẵn lương thực (gạo, mì tôm,..) và nước uống sạch (đựng vào các chai nhựa), thuốc chữa bệnh,… đủ dùng cho gia đình trong thời gian từ 3 ngày đến một tuần để phòng khi phải di dời tránh bão, lũ thì có thể mang theo hoặc khi bị mưa, bão, lũ, sạt lở gây chia cắt, cô lập có thể tạm nuôi gia đình trong khi chờ ứng cứu.

- Khi ngập lụt em cần làm gì?

VD: 

+ Nếu thiên tai xảy ra, mọi người cần tuân thủ nghiêm hiệu lệnh của Xã, Thôn, Làng để thực hiện các biện pháp phòng tránh, ứng phó giảm thiểu thiệt hại do mưa, bão, lũ, sạt lở đất gây ra.

+ Khi có mưa bão không nên ra khỏi nhà, nhất là người già và trẻ em; không trú ẩn dưới cây to, cột điện,..

+ Nếu gặp nước lũ ngập vào nhà cần nhanh chóng ngắt cầu giao điện để tránh bị điện giật, chập cháy; mặc áo phao (nếu có) hoặc bám thật chắc vào một vật nào đó có thể nổi được trên nước (săm xe đã bơm hơi, cây chuối, can nhựa có nắp,….) và nhanh chóng tìm cách di chuyển lên vị trí cao, an toàn hơn.

+ Không lội qua sông, suối khi nước đang chảy xiết hoặc khi nước đang màu trong chuyển sang màu đục; không cố ra sông với củi, gỗ khi nước lũ đang lên.

+ Chú ý đề phòng rắn, rết và côn trùng cắn; không sửa chữa, cầm nắm dây điện khi trời đang mưa bão.

- Khi đang đi đường gặp nước lũ dâng và chảy xiết em nên làm gì?

VD:  Nếu đang đi trên đường còn ngập lụt, hãy dùng gậy thọc xuống đường để đo mức nước, đề phòng rơi xuống hố.

- Sau lũ, lụt em và gia đình cần làm gì để khắc phục hậu quả? 

VD: 

+ Nhanh chóng đưa người bị thương đến trạm xá, bệnh viện, tìm kiếm người còn bị mất tích.

+ Sửa chữa, dọn dẹp và vệ sinh nhà cửa, nước rút đến đâu, lau rửa nhà đến đó ; chôn xác gia súc, gia cầm bị chết; nhớ rắc vôi hoặc phun thuốc khử trùng nơi gia súc gia cầm chết và nơi chôn gia súc gia cầm để xử lí mầm bệnh.

+ Sử dụng nước sạch để ăn, uống; nếu không có nước sạch mà phải dùng nước sông, ao, hồ thì phải lọc và đun sôi kỹ.

+ Nhanh chóng khôi phục chăn nuôi, sản xuất đảm bảo đời sống sau thiên tai.

4. Xác định những việc cần làm để bảo vệ bản thân khi xảy ra sạt lở đất.

Gợi ý:

- Làm thế nào để biết được hiện tượng sạt lở đất có thể xảy ra?

+ Cần quan sát những thay đổi xảy ra xung quanh khu vực sinh sống như các rãnh thoát nước mưa trên các sườn dốc (đặc biệt là những nơi mà dòng nước chảy tụ lại), xuất hiện dấu vết sạt lở, cây bị sập… Cửa hoặc cửa sổ bị kẹt, không thể mở ra. Vết nứt mới xuất hiện trên tường, trần, gạch, hoặc nền. Bức tường ngoài, lề đường hoặc cầu thang không nguyên dạng. Xuất hiện các vết nứt mở rộng trên mặt đất hoặc trên lối đi. Vỡ mạch nước ngầm. Mặt đất có hiện tượng phồng rộp, đường bấp bênh. Nước phun ra từ mặt đất tại nhiều vị trí mới. Hàng rào, tường chắn, cột điện, cây cối bị nghiêng hoặc di chuyển.

+ Chú ý sự thay đổi của dòng nước. Nếu nước đang từ trong chuyển sang đục thì đây cũng là một dấu hiệu cho thấy sắp có sạt lở đất.

+ Khi bắt đầu nghe thấy tiếng rơi của đất đá và âm lượng tăng dần, mặt đất bắt đầu dịch chuyển xuống theo chiều dốc, các lớp đất thụt xuống, những âm thanh lạ, như tiếng cây gãy hoặc tảng đá va chạm với nhau tức là sạt lở đất sắp xảy ra và việc cần làm là nhanh chóng di dời khỏi khu vực nguy hiểm và thông báo cho chính quyền địa phương và hàng xóm để có thể được hỗ trợ kịp thời.

- Khi được biết hiện tượng sạt lở đất có thể xảy ra ở khu vực gia đình đang sinh sống, em cần làm gì?

VD: Khi được biết hiện tượng sạt lở đất có thể xảy ra ở khu vực gia đình đang sinh sống, em cần nhanh chóng di dời khỏi khu vực nguy hiểm và thông báo cho chính quyền địa phương và hàng xóm để có thể được hỗ trợ kịp thời.

Hoạt động 3: Tham gia trò chơi “Ứng phó với thiên tai”.

- Cách chơi và luật chơi:

+ Cách chơi: Thành lập 4 đội chơi. Quản trò nêu lần lượt từng câu hỏi về thiên tai và cách tự bảo vệ bản thân trước một số tình huống nguy hiểm do thiên tai. Khi có hiệu lệnh “Bắt đầu”, đội nào giơ tay nhanh nhất, đội đó giành quyền trả lời. Kết thúc trò chơi, tổng kết số điểm mỗi đội đạt được và công bố đội thắng cuộc.

+ Luật chơi: Khi có hiệu lệnh “Bắt đầu” mới được giơ tay. Mỗi câu hỏi phải được trả lời trong 15 giây. Đội nào giơ tay trước khi có hiệu lệnh hoặc trả lời quá thời gian là phạm luật.

@1276131@

- Chia sẻ sau khi tham gia trò chơi: Những điều em đã rút ra được qua trò chơi và cảm xúc của em.

VD: Qua trò chơi em đã học được cách chơi đúng luật cùng những kiến thức bổ ích để đối phó với thiên tai.

Hoạt động 4: Xử lý tình huống ứng phó với thiên tai.

Thảo luận, sắm vai thể hiện cách giải quyết các tình huống sau:

- Tình huống 1: Hằng ngày, Mai phải đạp xe qua một cánh đồng để tới trường. Chiều nay, trong lúc đang đi học về bất ngờ một cơn dông sét xảy ra kèm theo mưa to gió lớn. Nếu là Mai, em cần làm gì để tự bảo vệ bản thân?

VD: Nếu em là Mai, em sẽ xin trú nhờ ở một nhà gần đó. Nếu không có chỗ trú hãy ngồi xuống, giảm độ cao và mặt tiếp xúc với đất bằng cách đặt các bàn chân sát lại với nhau (lưu ý là không được đặt tay lên bất cứ vật gì đang tiếp xúc với đất). Tránh đi xe đạp, tiếp xúc với nước hoặc bơi lội trên sông, hồ ngoài trời. Tránh những nơi cao nhất hoặc các chỗ cao. Tránh tiếp xúc và lại gần các kết cấu kim loại, hàng rào thép, các thiết bị điện, các khung cửa sổ, các máy vô tuyến truyền hình, máy thu thanh, các thiết bị điện,… Không mang vác, chống bất cứ vật gì trên đầu, đặc biệt là kim loại (ô, dù; gậy đánh golf; dụng cụ lao động như cuốc, xẻng, xà beng …).  Tránh ở dưới các cây cao hoặc cây đứng riêng lẻ giữa vùng trống. Nếu không thể, thì tránh đến gần cây rậm rạp có các cành cây dài. Tránh hoặc hạn chế sử dụng điện thoại hữu tuyến (có dây) hoặc di động.

- Tình huống 2: Pao và các bạn đang trên đường đi học về, bỗng nhiên trời đổ mưa to, làm nước lũ ở đập tràn mà Pao phải đi qua dâng lên nhanh và chảy xiết. Một số bạn rủ Pao lội qua đập tràn về nhà kẻo tối. Nếu là Pao, em sẽ làm gì?

VD: Nếu là tao em sẽ khuyên các bạn không đi qua. Bởi vì khi mưa to, lũ ở đập dâng nhanh, tràn và chảy xiết rất dễ gây tình trạng lũ quét. Cố tình đi qua có thể để mạng. Pao nên tìm cách để để liên lạc báo cho người nhà, vào nhà dân gần đó hoặc trạm y tế, công an phường,... 

- Tình huống 3: Nhà Hà ở sát chân núi đất. Suốt tuần, mưa to tầm tã không dứt khiến núi có nguy cơ bị sạt lở. Nếu là Hà em sẽ cùng gia đình làm gì?

VD: Nếu là Hà em sẽ cùng gia đình di dời đến những địa điểm an toàn và thông báo cho hàng xóm, chính quyền biết. Chỉ mang theo những đồ dùng thiết yếu: thực phẩm, thuốc men, đèn pin,...

Hãy hành động

- Tham gia diễn tập sơ tán trong tình huống xảy ra lũ lụt.

- Cùng các bạn kiểm tra khu vực xung quanh trường xem có nơi nào không an toàn khi thiên tai xảy ra như: hồ, ao, hồ xung quanh không có rào chắn; nắp cống, nắp hồ ga bị vỡ;... Sau đó thực hiện một số việc để đảm bảo an toàn khi bị ngập lụt như: lấp hoặc làm nắp đậy hố, làm rào chắn xung quanh ao, hồ,...