Thực hành đọc hiểu: Dọc đường xứ Nghệ

Nội dung lý thuyết

A. Chuẩn bị

Khi đọc, chú ý một số vấn đề:

  • Xem lại phần Kiến thức Ngữ văn để vận dụng vào đọc hiểu văn bản này.
  • Tóm tắt truyện.
  • Nhân vật chính là ai?
  • Truyện kể theo ngôi kể nào?
  • Truyện giúp em hiểu thêm gì về các địa danh, những nơi ghi dấu ấn lịch sử và tác động đến tình cảm của em như thế nào?

B. Đọc hiểu

I. Tìm hiểu chung

1. Thể loại

Thể loại: tiểu thuyết lịch sử.

2. Ngôi kể

Ngôi thứ ba.

3. Bố cục

  • Phần 1: từ đầu … “không cam chịu nộp mình cho giặc”: Câu chuyện tình sử Mị Châu – Trọng Thủy, đền thờ Thục Phán.
  • Phần 2: tiếp … “thể hiện khát vọng của con người”: Câu chuyện về vùng Ba Hòn và.
  • Phần 3: còn lại: Câu chuyện về đền thờ Nguyễn Du.

II. Đọc hiểu văn bản

@1987940@

1. Câu chuyện tình sử Mị Châu – Trọng Thủy

  • Bối cảnh: Cậu bé Côn cùng cha và anh trai đi thăm bạn bè của cha, đi qua vùng đất Diễn Châu, mảnh đất nổi tiếng trong lịch sử với tên gọi Châu Diễn.

  • Câu nói của cậu bé Côn: "con muốn được cha chỉ bảo chúng con về sự tích ngôi đền ni, về tên của các hòn núi kia, trông lạ mắt quá".

=> Câu hỏi cho thấy sự ham học hỏi, khát khao muốn được tìm hiểu, khám phá của cậu bé Côn.

  • Các chi tiết miêu tả ngôi đền:

    • Ngôi đền cổ kính có nhiều tòa từ trên đỉnh núi xuống tận chân núi, sát đường Thiên lí.

    • Nhìn từ xa, dãy núi có nhiều hình nhiều vẻ.

  • Câu chuyện về ngôi đền: ngôi đền gắn với câu chuyện tình sử Mỵ Châu – Trọng Thủy, với thành Cổ Loa, vua Thục Phán….

=> Qua lời kể của ông Sắc, cậu bé Côn đã hiểu được câu chuyện lịch sử trong quá khứ và rút ra được những nhận định của riêng mình. Ông cụ Phó Bảng là người am hiểu lịch sử dân tộc, có kiến thức sâu rộng.

  • Nhận xét của cậu bé Côn:

    • Câu chuyện tình sử hay tuyệt.

    • Vua Triệu nham hiểm.

    • Trọng Thủy ngoan ngoãn.

    • Vua Thục trọng chữ tín nhưng không phòng sự gian xảo; là người công tư phân minh và không chịu khuất phục kẻ thù khi đã chém đầu con và tự nhảy xuống biển.

    • Nàng Mỵ Châu ruột để ngoài da.

=> Cậu bé Côn có khả năng nhận định sắc bén khi đã nhận xét về những nhân vật lịch sử, chỉ ra mặt đáng coi trọng và mặt cần phê phán của vua Thục. Những lời nhận xét của cậu bé vừa có sự hồn nhiên, đáng yêu, đúng lứa tuổi vừa xác đáng, đúng đắn, sâu sắc. Những nhận định của cậu bé Côn đã khiến cho ông cụ Phó bảng có chút sững sờ.

2. Câu chuyện về vùng Ba Hòn

  • Các chi tiết miêu tả không gian:

    • Hòn lèn gần nhất giống một người cụt đầu đứng hiên ngang. Người ta gọi là Hòn Vai hoặc là núi “Tướng rơi đầu”

    • Phía xa xa là hòn Trống Thủng.

    • Từ Hòn Trống Thủng, một dãy núi dài dằng dặc sát chân trời, đó là núi Cờ Rách.

=> Những hòn núi có hình dáng và tên gọi rất đặc biệt.

  • Câu nói của Khiêm: "ai tưởng tượng ra đầu tiên hình dáng các hòn núi nớ hẳn là mắt tiên".

=> Câu nói cho thấy sự ngạc nhiên, thán phục trước sự liên tưởng của người xưa, đồng thời cũng thể hiện sự hồn nhiên của một đứa trẻ.

  • Câu chuyện về vùng núi Ba Hòn:

    • Có một vị tướng đánh thắng giặc phương Bắc rất nhiều trận nhưng trong một lần không may đã bị giặc chém đầu. Vị tướng nhoai người lấy đầu lắp lên cổ phi ngựa chạy trở về.

    • Trên đường về gặp một ông lão ở phía bắc sông Mã, hỏi ông có tin người bị chặt đầu mà chắp lên cổ sống được không. Ông lão tin. Tướng quân tiếp tục phi về.

    • Về Diễn Châu gặp một bà già ở phía nam sông Bùng, hỏi bà có tin người bị chặt đầu mà chắp lên cổ sống được không. Bà lão không tin. Đầu tướng quân rơi xuống đất. ông hóa thành hòn núi Hai Vai.

    • Ngựa hóa núi Mã.

    • Trống, cờ hóa núi Trống Thủng, Cờ Rách.

=> Cụ Phó bảng đã kể một câu chuyện mang màu sắc hư cấu kì ảo nhưng chứa đựng trong đó những giá trị cao đẹp, niềm tin, ước vọng của nhân dân. Các hòn núi gắn liền với câu chuyện đầy bi hùng, thể hiện sức mạnh, sự kiên cường, quả cảm, anh hùng của nhân dân ta. Qua câu chuyện, ta thấy được cụ Phó bảng là người có hiểu biết sâu rộng, kiên nhẫn, ân cần giáo dục các con từ những câu chuyện xưa.

  • Nhận xét của Côn: "Ước vọng của dân ta thật đẹp. Tưởng tượng của người ta đến là tuyệt!".

=> Cậu bé Côn hiểu được ý nghĩa câu chuyện cha kể, thấy được ước nguyện của người dân được gửi gắm qua những câu chuyện về các địa danh. Qua đây, người đọc thấy được một cậu bé ham học hỏi, có suy nghĩ sâu sắc, chín chắn.

3. Câu chuyện về nhà thờ họ Nguyễn Tiên Điền

  • Ba cha con đến thăm nhà thờ họ Nguyễn Tiên Điền, thăm mộ đại thi hào Nguyễn Du và nhớ về kiệt tác Truyện Kiều của ông.

  • Cậu bé Côn đã phát hiện ra: Nguyễn Du là người có tài năng và để lại một kho tàng những tác phẩm mang nhiều giá trị nhưng lại không được lập đền thờ vì quan niệm không coi trọng thơ văn của người xưa. Vậy mà có thằng ăn trộm bị đánh chết lại được lập đền thờ vì “đạo tặc tối linh tôn thần”.

=> Qua những câu nói của Côn, ta thấy cậu bé Côn là người tinh tế, biết chú ý đến những điều đang diễn ra xung quanh mình, có những câu hỏi, phát hiện khiến mọi người phải suy nghĩ, trăn trở.

=> Cậu bé Côn đã rất tinh tế khi phát hiện ra một nghịch lí. Nghịch lí này đã để lại cho ba cha con những suy ngẫm về cuộc đời. Phải chăng cuộc đời đa diện, nhiều chiều, những gì chúng ta thấy, nghĩ là đúng đắn chưa chắc đã được coi trọng; những gì chúng ta nghĩ nó là xấu lại được tôn vinh? Phải chăng đúng, sai, tốt, xấu là do suy nghĩ của con người mà ra?

III. Tổng kết

1. Nội dung – Bài học:

  • Nội dung: Câu chuyện kể về hành trình đi qua các địa danh của ba cha con cụ Phó Bảng. Mỗi địa danh họ đi qua gắn với một câu chuyện. Và qua các câu chuyện đó, cụ Phó Bảng đã giáo dục các con những phẩm chất, tu dưỡng làm người.

  • Bài học: Qua câu chuyện, ta thấy thêm yêu đất nước, tự hào về vẻ đẹp của non sông. Đồng thời, nhắc nhở mỗi người phải luôn nhớ về cội nguồn, rèn luyện những phẩm chất tốt đẹp để xứng đáng với lịch sử hào hùng của dân tộc.

2. Nghệ thuật

  • Nghệ thuật kể chuyện hấp dẫn, thú vị. Qua câu chuyện, gửi gắm những bài học sâu sắc.

  • Kết hợp tự sự với miêu tả, biểu cảm.