Hướng dẫn soạn bài Đeo nhạc cho mèo

Nội dung lý thuyết

Các phiên bản khác

ĐEO NHẠC CHO MÈO

(Truyện ngụ ngôn)

I. TÌM HIỂU CHUNG

1. Thể loại

Truyện ngụ ngôn là loại truyện kể, bằng văn xuôi hoặc văn vần;

Truyện ngụ ngôn mượn chuyện về loài vật, đồ vật hoặc về chính con người để nói bóng gió, kín đáo chuyện con người, nhằm khuyên nhủ, răn dạy con người ta bài học nào đó trong cuộc sống.

2. Trong lịch sử văn học, truyện ngụ ngôn ra đời từ rất sớm.

Từ thời cổ đại đã có Ê-dốp – một nhà thơ Hi Lạp chuyên viết truyện ngụ ngôn bằng thơ. Sau này có La Phông-ten cũng là một tác giả ngụ ngôn nổi tiếng.

3. Tóm tắt

Bởi mèo cứ ăn thịt chuột mãi nên chuột phải tìm cách bảo vệ giống nòi.

Cả làng chuột họp nhau lại. Ông Cống có sáng kiến đeo nhạc vào cổ mèo để mèo đi đâu cũng phát ra tiếng kêu, chuột nghe thấy biết đường mà chạy. Cả làng chuột đều cho cách đó rất hay nhưng khi cử người làm thì ai cũng chối đây đẩy. Rốt cuộc anh chuột Chù không biết chối vào đâu được đành phải nhận lời. Khi thấy chuột Chù rón rén đến, mèo nhe nanh, giơ vuốt khiến Chù vội vứt nhạc chạy về báo làng. Không ai dám bàn đến cái nhạc nữa. Bởi thế nên đến tận bây giờ, mèo vẫn cứ ăn thịt chuột.

II. TRẢ LỜI CÂU HỎI

1. Lúc đầu, sáng kiến "đeo nhạc cho mèo" do ông Cống đưa ra được cả làng chuột đồng thanh ưng thuận nên cuộc họp diễn ra trong không khí rất sôi nổi. Nhưng khi bàn đến việc cử người thực hiện cái sáng kiến "tuyệt diệu" ấy thì ngược lại, ai cũng chối đây đẩy, tìm đủ mọi lí do để trốn việc và đùn đẩy cái việc chết người ấy cho kẻ khác. Ông Cống đùn sang anh Nhắt, anh Nhắt láu lỉnh lại đẩy sang cho chuột Chù. Rốt cuộc chuột Chù, vì không chối vào đâu được nữa mà cũng không biết đẩy cho ai, nên đành phải nhận.

2. Sự đối lập giữa hai cảnh tượng ấy chứng tỏ làng chuột đa phần là những kẻ "khi vui thì vỗ tay vào", chỉ biết nói suông, khi cần bàn đến việc cụ thể, liên quan đến tính mạng của cá nhân thì "cháy nhà mới ra mặt chuột", từ ông Cống đến anh Nhắt, lộ nguyên hình là những kẻ chỉ biết chỉ tay sai khiến, đùn đẩy công việc cho người khác.

3*. Có thể nói: việc tả các loại chuột trong truyện rất sinh động, hóm hỉnh, vừa diễn tả được không khí chung của họ hàng nhà chuột vừa thể hiện được tính cách sắc nét của từng nhân vật. Mỗi nhân vật trong truyện lại tương ứng với một loại người trong làng:

- Ông Cống "rung rinh béo tốt" là bậc bề trên, có chút chữ nghĩa, kẻ cả, cậy thế cậy quyền, chỉ đòi "ăn trên ngồi trốc".

- Anh Nhắt láu lỉnh, khôn ngoan, khéo trốn tránh công việc tương ứng với loại chức sắc "dở ông dở thằng".

- Anh Chù thật thà, chất phác thuộc hàng ngũ những người "thấp cổ bé họng", thường bị bọn chức sắc bắt nạt.

4*. Trong cuộc họp của làng chuột (và cũng là của làng xã trước đây), người có quyền xướng việc và sai khiến người khác là những vị có vai vế hàng đầu như ông Cống, người tự cho mình cái quyền không phải làm những việc nặng nhọc, nguy hiểm là những vị chức sắc dở dở ương ươngnhư anh Nhắt. Còn những người cùng đinh, ở dưới cùng trong bậc thang phân cấp xã hội như anh Chù thì phải gánh vác những công việc nặng nhọc, những kế hoạch nhiều khi rất viển vông do các vị chức sắc xướng lên.

5. Câu chuyện nêu lên những bài học ở đời: Thứ nhất, một sáng kiến hay kế hoạch tốt phải có điều kiện để thực hiện nó. Dù tốt đến mấy nhưng không thể thực hiện được trong thực tiễn thì đó cũng chỉ là những kế hoạch, sáng kiến viển vông, không có giá trị. Thứ hai, người thực hiện kế hoạch phải có đủ phẩm chất, năng lực để thực hiện nó. Nếu chỉ đùn đẩy, trốn tránh trách nhiệm, bắt một ai đó phải nhận thì dù kế hoạch có tính thực tiễn cũng chưa chắc đã thực hiện được. Thứ ba, một hội đồng toàn những kẻ chỉ biết nói cho sướng miệng rồi đùn đẩy trách nhiệm cho người khác chỉ có thể là hội đồng chuột, rất dễ đi đến những quyết định ảo tưởng, phi thực tế.