Đề bài : Phân tích khổ thơ đầu bài “Tống biệt hành’ của Thâm Tâm

Nội dung lý thuyết

Đề bài: Phân tích khổ thơ đầu bài “Tống biệt hành’ của Thâm Tâm

 

Bài làm

Thâm Tâm là nhà thơ sáng tác chỉ tầm 20 bài thơ nhưng phong cách của ông được xem là “độc” và “lạ” trên thi đàn. Chỉ với bài thơ “Tống biệt hành”, tên tuổi của Thâm Tâm đã thực sự được nhiều người biết đến. Một bài thơ viết theo thể hành toát lên không gian của một cuộc chia li, tâm trạng, cảm xúc của người ra đi và người ở lại. Khổ thơ đầu tiên có thể nói là khổ thơ để lại trong lòng người đọc nhiều dư âm nhất.

Đưa người ta không đưa qua sông

Sao có tiếng sóng ở trong lòng

Bóng chiều không thắm không vàng vọt

Sao đầy hoàng hôn trong mắt trong.

Một khổ thơ chỉ có 4 câu với những nét vẽ tinh tế và tài hoa, mang hơi hướng của thơ Đường đã thực sự chinh phục được trái tim khó tính của độc giả. Những hình ảnh thơ, câu chữ và cả cảm xúc dường như đều vương một chút của thơ cổ Trung Quốc. Có lẽ đây là sự ảnh hưởng trong phong cách sáng tác của ông khi tiếp cận với những đề tài như thế này.

Bốn câu thơ đầu diễn tả tâm trạng lưu luyến, bịn rịn, đầy nhớ thương của người ra đi và kẻ ở lại. Những dòng cảm xúc của tác giả khiến cho chúng ta liên tưởng đến cuộc chia li của nhiều người có chí lớn, vì một mục đích nào đó mà phải “dứt áo ra đi”, thực hiện lí tưởng và khát vọng của mình. Cũng có thể đó là những người bạn tri âm, tri kỉ vì cuộc sống mà buộc phải nói lời từ biệt. Trong lịch sử Trung Quốc có rất nhiều cuộc chia li khiến cho người đọc xúc động và ngưỡng mộ như cuộc chia li tại Hoàng Hạc Lâu của hai vị thi sĩ…Dù là cuộc chia li nào thì Thâm Tâm cũng dồn hết tâm và lực mình để viết ra.

Hai câu thơ đầu gợi nên không gian diễn ra buổi chia li:

Đưa người ta không đưa qua sông

Sao có tiếng sóng ở trong lòng

Đây chính là tâm trạng của người ở lại, tiễn đưa một người. Ở đây người ở lại đã giãi bày “đưa người ta không đưa qua sông”, có lẽ là tiễn đưa ở một nơi khác. Nhưng chính cảm xúc trong lòng người ở lại dường như lại nghẹn ngào, như dâng trào “sóng”. Câu hỏi tu từ “sao có tiếng sóng ở trong lòng” dường như là một câu hỏi để khẳng định cho cảm xúc của người ở lại lúc đó.

Câu thơ đầu tiên cất lên với vần bằng, nhịp thơ chậm, đều đều góp phần diễn tả cảm xúc đang tràn đầy, không thể nhiều hơn được nữa. Chính nhà thơ, hay chính người ở lại đang tự cảm thấy sóng đang cuộn trào ở trong lòng, dữ dội và mãnh liệt hơn.

Đọc những câu thơ đầu tiên, chúng ta cảm nhận được tính chất cổ điển của thơ Đường, bởi thơ cổ thường mượn hình ảnh để nói lên tâm trạng. Ở đây Thâm Tâm cũng đã mượn “tiếng sóng” ở trong lòng để nói lên dòng cảm xúc bâng khuâng, lưu luyến khi phải tiễn đưa một người ra đi, một người không biết bao giờ mới gặp lại.

Tiếp nối với mạch cảm xúc ở hai câu thơ đầu, hai câu thơ tiếp theo dường như cứa sâu vào lòng người đọc tâm sự lắng sâu hơn:

Bóng chiều không thắm không vàng vọt

Sao đầy hoàng hôn trong mặt trong.

Vẫn là cách đặt câu hỏi tư từ mang ý nghĩa khẳng định, Thâm Tâm đã thật tài tình và tinh tế khi diễn tả cảm xúc và nỗi nhớ

Bóng chiều không thắm không vàng vọt

Sao đầy hoàng hôn trong mắt trong?

Điệp từ “không” được nhắc lại hai lần ở trong một câu thơ như vừa phủ định, vừa khẳng định rằng “bóng chiều” không hề “thắm” và “vàng”. Sự khẳng định này dẫn đến tâm trạng chồng chất, ngổn ngang trong câu thơ tiếp theo. Ở đây tác giả đã lựa chọn thời điểm ‘chiều’ để diễn tả nỗi nhớ, đây chính là sự lựa chọn khéo léo và tinh tế. Bởi buổi chiều thường gợi cảm giác buồn mênh mang và buồn man mác, thời điểm thường khiến cho trái tim con người dễ yếu lòng hơn.

Không gian tiễn đưa không phải ở bến sông, cũng không phải lúc ngày đã tàn nhưng cảm xúc trong lòng của người ở lại da diết và bâng khuâng đến như vậy. Phải chăng nỗi buồn, nỗi nhớ đó như khiến tác giả cảm chừng nặng tựa nghìn non. Đôi mắt của người ra đi và kẻ ở lại như đong ‘đầy hoàng hôn’. Có lẽ hoàng hôn trong lòng người đang khiến cho cảm xúc của cuộc tiễn đưa thêm nặng nề. Đây không phải là cuộc tiễn đưa vợ chồng, mà là cuộc tiễn đưa vì nghĩa lớn, nhưng tâm trạng và cảm xúc của hai người vẫn chẳng thể vơi bớt được.

Với sự cảm nhận tinh tế, cách vận dụng điển tích, điển cố tiêu biểu và đầy sức gợi; Thâm Tâm đã khiến cho người đọc không thể kìm nén được cảm xúc khi nhắc đến hai từ chia li. Thâm Tâm xứng đáng là một nhà thơ tài năng, với cách viết đầy ấn tượng như thế.