Đề bài : Phân tích bài thơ “Thu điếu” của Nguyễn Khuyến

Nội dung lý thuyết

Các phiên bản khác

Đề bài: Phân tích bài thơ Thu điếu của Nguyễn Khuyến

Bài làm

Mùa thu luôn là đề tài không bao giờ cạn kiệt cảm xúc đối với thi sĩ. Một Nguyễn Đình Thi phơi phới, rộn ràng, vui tươi trong “Đây mùa thu tới”, một Hữu Thỉnh tinh tế, nhẹ nhàng trong “Sang thu”…Chắc hẳn Nguyễn Khuyến sẽ là nhà thơ để lại cho người đọc cảm nhận độc đáo mà gần gũi nhất qua chùm thơ thu “Thu điếu”, “Thu vịnh”, “Thu ẩm”. Trong đó bài thơ “Thu điếu” là bài thơ gần gũi, bình dị nhất khi tác giả lột tả được vẻ đẹp yên bình ở vùng quê Bắc Bộ.

Với ngôn từ giản dị và cái nhìn tinh tế, Nguyễn Khuyến đã thổi linh hồn vào mùa thu, cảnh thu, sắc thu và khí thu. Một bức tranh thu nơi làng quê thanh bình, yên ả.

Ao thu lạnh lẽo nước trong veo

Một chiếc cần câu bé tẻo teo

Một không gian thu hẹp nhưng dường như mùa thu đang bao trùm lấy. Tác giả cảm nhận rõ rệt nhất mùa thu ở nước mùa thu. Màu nước “trong veo” phảng phất u buồn và lạnh lẽ. Có lẽ đó chính là đặc trưng của mùa thu xứ Bắc, hiếm có nơi nào có được. Hình ảnh “chiếc cần câu” nhỏ bé, một mình giữa ao hẹp càng thu hẹp không gian hơn. Cụm từ “bé tẻo teo” phần nào đã lột tả được sự hữu hạn của không gian. Sự hòa hợp giữa cảnh vật khi thu về hết sức bình lặng.

Sóng biếc theo làn hơi gợn tý

Lá vàng trước gió khẽ đưa vèo

Sự trầm tĩnh, yên lặng ở hai câu thơ đầu tiên đã không còn nữa. Đến hai câu thơ này có lẽ đường nét và âm thanh của mùa thu đang len lỏi vào phá vỡ sự thanh tĩnh của không gian. Sự chuyển động tinh vi, nhẹ nhàng của sóng lăn tăn nơi mặt hồ đánh dấu sự chuyển động của mùa thu. Lá vàng là hình ảnh đặc trưng của mùa thu. Từ “vèo” ở cuối câu thơ có ý chỉ tốc độ nhanh, thoáng qua, không kịp nắm bắt.

Bức tranh mùa thu với không gian hẹp nơi vùng quê bắc bộ và sự chuyển động tinh tế nhẹ nhàng có lẽ đã làm xiêu lòng tác giả.

Tầng mây lơ lửng trời xanh ngắt

Ngõ trúc quanh co khách vắng teo

Tác giả đã bắt đầu mở rộng không gian thu, không còn thu hẹp của cái ao thu lạnh lẽo nữa mà đã lan tỏa lên đến tận trời cao, có mâu “lơ lửng” trôi. Nét thu chấm phá lên nền trời một màu xanh ngắt đặc trưng khiến cho lòng người khó cưỡng lại. Mùa thu có chút gì đó ảm đạm và vắng vẻ. Những con đường làng nhỏ, quanh co không bóng người. “Khách vắng teo” với cách gieo vần “eo” càng gợi tả sự trầm tĩnh đến cùng cực. Bóng dáng của con người cũng không thấy. Một sự tĩnh lặng khiến cho tác giả trầm ngâm.

Tựa gối ôm cần lâu chẳng được

Cá đâu đớp động dưới chân bèo

Đến hai câu thơ cuối thì thực sự đã hiển hiện lên “chủ nhân” của chiếc cẩn câu bé tẻo teo ở hai câu thơ đầu tiên. Mọi thứ đều tĩnh lặng, mùa thu cũng tĩnh lặng khiến tác giả cảm thấy mình đơn độc, lạc nhịp. Tư thế “tựa gối” như đang tự thu nhỏ mình lại để phù hợp với không gian mùa thu bé nhỏ, chật hẹp ở một vùng quê vắng vẻ.

Bỗng nhiên từ “đớp” ở cuối câu thơ dường như làm náo động cả bài thơ. Đây chính là thủ pháp lấy động tả tĩnh cực kỳ đắc điệu của nhà thơ. Hình ảnh “cá đớp” ấy khiến cho tác giả giật mình khi đang chìm đắm trong cảnh sắc mùa thu u buồn, nó đã đánh thức suy nghĩ, đánh thức thực tại. Cá đớp có lẽ là một hình ảnh ẩn dụ cho những biến động của xã hội thời bấy giờ, dân tình loạn lạc, đất nước lầm than. Qua đây người đọc có thể thấu hiểu được nỗi lòng của tác giả đối với dân với nước nhưng bất lực, không biết bày tỏ cùng ai.

Bài thơ “Thu điếu” thực sự là một kiệt tác về mùa thu. Ông đá vẽ lên trước mắt người đọc một bức tranh mùa thu xứ Bắc tuyệt đẹp và ẩn sau đó chính là nỗi niềm tâm sự với dân với nước.