Đề bài : Nghị luận xã hội về câu tục ngữ “Ở hiền gặp lành”

Nội dung lý thuyết

Các phiên bản khác

Đề bài :  Nghị luận xã hội về câu tục ngữ “Ở hiền gặp lành”.

Bài làm

Trong cuộc sống, đã và đang có những người luôn tình nguyện giúp đỡ người khác mà không quản ngại khó khăn, để rồi sau đó, bằng cách này hay cách khác, cuộc đời lại trả ơn họ một cách hậu hĩnh… Người ta gọi những con người trong câu chuyện đó là “ở hiền gặp lành”.

Có một bà mẹ trẻ đơn thân luôn phải sống trong cảnh thiếu thốn vì không đủ tiền mua sữa cho con, có những ngày chị thậm chí còn phải nhịn ăn từ sáng đến tối để tiết kiệm chút tiền lẻ. Thế nhưng, người phụ nữ đáng thương đó vẫn không quên giúp đỡ bà hàng xóm già yếu, ốm đau phải sống một mình vì đứa con trai đi làm ăn xa xứ. Chị thường xuyên lui tới để nấu cơm, dọn dẹp nhà cửa cho bà. Năm tháng trôi đi, một ngày kia đứa con trai bà trở về và mang theo một món tiền lớn. Cậu giờ đây đã trở thành một ông chủ trên thành phố, biết ơn người hàng xóm tốt bụng vì đã chăm sóc mẹ già, cậu liền giới thiệu cho chị một công việc tốt. Nhờ công việc đó mà cuộc sống của hai mẹ con ngày càng dư dả.

Câu chuyện trên đã phần nào minh chứng cho câu tục ngữ “ở hiền gặp lành” là có thật. Người “ở hiền” ở đây không có nghĩa là một người nhẫn nhịn hay luôn e thẹn tỏ vẻ hiền lành, “ở hiền” có nghĩa là luôn hướng thiện, làm nhiều việc tốt, biết giúp đỡ người khác mà không mong báo đáp và sẽ không làm hại ai cả. “Gặp lành” chính là kết quả cho việc “ở hiền”, một người “gặp lành” thường hay nhận được nhiều may mắn – đó chính là sự báo đáp công bằng từ cuộc sống. Thực tế cho thấy, đã có rất nhiều người làm việc tốt đã khiến không chỉ mình mà ngay cả con cháu được hưởng phúc lây. Vậy nên, có thể nói câu tục ngữ “ở hiền gặp lành” khuyên con người ta nên sống tử tế, tốt đẹp bởi mình đối xử với mọi người thế nào thì họ sẽ đối xử với mình y như vậy. Để làm được điều này thì trước hết mỗi người cần tự mình trau dồi đạo đức cá nhân, tìm hiểu những giá trị nhân văn đích thực trong cuộc sống, tránh xa những điều xấu đang tồn tại trong xã hội và không ngừng cố gắng để hoàn thiện mình theo hướng tích cực hơn.

Tuy nhiên, vẫn có nhiều ý kiến xoay quanh câu tục ngữ này, nhiều người cho rằng nó không hoàn toàn thực tế bởi có rất nhiều người sống hiền lành, tốt bụng nhưng lại luôn gặp trắc trở trong mỗi bước đi của cuộc đời. Thật ra, lời khuyên vẫn chỉ là lời khuyên, nếu ta không đưa ra hành động bằng cách cùng nhau góp sức để loại trừ những thói hư, tật xấu trong xã hội thì có những người dù có ở hiền đến đâu cũng dễ bị xã hội đẩy đến tận cùng của cái khổ. Pháp luật đôi khi cũng không thể trừng trị kịp thời những kẻ xấu, vậy nên chúng cứ tung hoành và cố tình cướp đi cái gọi là “gặp lành” của biết bao người khác. Sự chung tay của mọi người sẽ giúp cho xã hội trở nên công bằng hơn. Và khi đó, câu tục ngữ “ở hiền gặp lành” sẽ được thực thi theo đúng nghĩa.

Cuộc sống hạnh phúc hơn, vận may luôn “rủ nhau” tìm đến, những đứa con, cháu sẽ được hưởng phúc lành… đó là ba trong số rất nhiều những điều “lành” mà người ở hiền sẽ gặp được. Chỉ cần phân biệt được rạch ròi giữa tốt và xấu, đúng và sai, nên hay không nên làm thì dù ở tầng lớp nào trong xã hội hiện đại này con người cũng đều có thể biết cách để cái “lành” luôn ở bên.