Nội dung lý thuyết
Đề bài : Bình luận ý kiến sau đây của Tuân Từ (313-235 TCN) : " Người chê ta mà chê phải là thầy của ta; người khen ta mà khen phải là bạn ta; những kẻ vuốt ve, nịnh bợ ta chính là kẻ thù của ta vậy"
Bài làm
Tuân Tử (313-235TCN) còn có tên là Tuân Huống, Tuân Khanh, người có học vấn vô cùng uyên thâm, được tôn vinh là " Đại sư nho học" thời Xuân thu chiến quốc. Ông có một câu nói bất hủ về mối quan hệ giữa nhân dân và vua : "Vua như thuyền, dân như nước, nước dâng thuyền nhưng cũng có thể lật thuyền".
Vốn là một nhà giáo đức trọng tài cao, Tuân Tử cũng từng khuyên đệ tử :
" Người chê ta mà chê phải là thầy của ta; người khen ta mà khen phải là bạn ta; những kẻ vuốt ve, nịnh bợ ta chính là kẻ thù của ta vậy"
Có thể nói đây là một lời dạy, một lời khuyên rất thấm thía, sâu sắc về ba mối quan hệ trong cuộc đời của mỗi người : thầy của ta, bạn của ta, kẻ thù của ta.
Tại sao người chê ta mà chê phải là thầy của ta ? Chữ "chê" trong câu này có nghĩa là đánh giá, nhận xét, khuyên bảo. Chê mà lại là "chê phải", chê đúng có nghĩa là đánh giá, nhận xét, khuyên bảo đúng. Có thể chê về khuyết điểm nào đó về nhân cách, có thể chê về hạn chế trong kiến thức, học vấn. Chê đúng, chê phải là chỉ mong ta sửa chữa, khắc phục sở đoản, nhận ra khuyết điểm để vươn lên, vượt lên hoàn thiện nhân cách, để tài giỏi hơn, tốt đẹp hơn, có sở trường hơn.
Xin để kể vắn tắt một truyện cổ dân gian : Ngày xưa có một họa gia vẽ bộ tứ bình trên lụa về phò mã và công chúa. Bức tranh một : Phò mã cầm tàn che cho công chúa. Bức tranh hai : Phò mã đẩy xe cho công chúa ngắm vườn thượng uyển. Bức tranh ba : Phò mã quạt cho công chúa nằm ngủ. Bức trang bốn : Phò mã đua võng cho công chúa. Ai cũng khen đẹp. Nhưng một hôm có một bác " nhà quê" ăn mặc áo nâu quần nâu, ngắm nhìn bức tranh rồi mỉm cười. Tuy kín đáo nhưng họa sĩ vẫn biết và nhẹ nhàng hỏi :
- Bác cười chắc có sự đánh giá ?
- Tranh vẽ đẹp lắm. Đúng là tài tử giai nhân hạnh ngộ. Nhưng ....
- Nhưng thế nào mong bác chỉ giáo
- Tôi e rằng các chi tiết nghệ thuật như cầm tàn, đẩy xe, quạt, đưa võng đã làm cho nhân cách phò mã không được đẹp, được nhã. Kẻ sĩ không nên có cử chỉ ấy.
Nhà danh họa vội bỏ bút lông xuống bàn. Chắp tay vái người khách lạ, rồi cung kính nói : " Đa tạ ! đa tạ ! Lời vàng ngọc.....tôi không bao giờ quên lời chỉ giáo của sư phụ..."
Qua mẩu chuyện nhỏ này, ta càng hiểu thêm lời Tuân Tử : " Người chê ta mà chê phải là thầy của ta". Cũng cần nói rõ hơn "lời chê". Trước mọi lời chê, ta cần xét đến nội dung đúng - sai và động cơ, thái độ của người chê. Có lời chê chỉ châm biếm đả kích, xoi mói....ta cần phải thận trọng, tế nhị và có cách ứng xử hợp lí. Ca dao có câu : " Chuột chù chê khỉ rằng hôi - Khỉ mới trả lời : Cả họ mày thơm !". Âu đó cũng là chuyện đời, cần biết.
Sau lời chê là lời khen. Ta phải tiếp nhận thế nào ? Tại sao người khen ta mà khen phải là bạn ? - Khen phải khen đúng, khen có mức độ vừa phải, khen để động viên, khích lệ ta. Khen vô tư, khen chân tình. Khen như thế rất quý báu, giúp ta vươn lên sống tốt hơn, làm đẹp hơn. Đến bệnh viên thăm người bạn bị đau ốm, có người khen ta sống có tình. Một học sinh cuối năm được tặng giấy khen, được đón nhận phần thưởng, bạn bè xúm lại và khen học giỏi. Một nông dân làm ăn giỏi, trở thành triệu phú, được dân làng khen ngợi.... Đó là những lời khen đúng, khen phải. Người khen muốn được chia sẻ niềm vui với người được khen. Đúng là người khen ta mà khen phải là bạn ta. Bằng lới khen, qua lời khen, họ muốn ta tốt đẹp hơn nữa.
Trong xã hội lại có kẻ thích được tâng bốc, được xu nịnh. Nghe lời vuốt ve, xu nịnh thì phổng mũi lên. Lại có người xun xoe, ton hót, xu nịnh. Hai tiếng " nịnh thối" đã lột tả nhân cách kém cỏi của hạng người này.
Truyện cười dân gian " Bây giờ thì thối thật!" đã châm biếm sâu cay hạng người xu nịnh và ưa phỉnh nịnh. Lời xu nịnh, vuốt ve có bao giờ đúng đắn, thật thà. Kẻ xu nịnh hễ cất lời là ngọt như mía, như đường, nhằm cầu thần, cầu lợi. Vua nghe lời nịnh thần mà mất ngai vàng. Lãnh đạo mà tin dùng bọn xu nịnh thì hỏng việc và mất uy tín. Có kẻ vì ưa xu nịnh mà sa đọa, đáng chê. Đúng như Quân Tử đã nhắc nhở : "Những kẻ vuốt ve, nịnh bợ ta chính là kẻ thù của ta vậy." Truyện ngụ ngôn " Con chồn và con gà trống" nói về cái chết đau đớn của gà trống ưa phỉnh nịnh, chắc nhiều người trong chúng ta đều nhớ.
Tóm lại, câu nói trên đây của Tuân Tử là một lời khuyên sâu xa, lí thú. Lời dạy của ông giúp chúng ta biết được thầy ta, bạn ta, kẻ thù của ta. Phải học, học để nâng cao bản lĩnh sống, có thế mới phân biệt được lời chê, tiếng khen và sự vuốt ve, xu nịnh. "Làm người khó" là vì thế !