Đề bài : Bình luận tinh thần tương thân tương ái

Nội dung lý thuyết

Các phiên bản khác

Đề bài : Bình luận tinh thần tương thân tương ái

Bài làm 1

       Tương thân, tương ái là truyền thống đạo lí tốt đẹp của dân tộc ta, đồng thời cũng mang tính nhân loại.  Những con người có lương tri bao giờ cũng muốn sống gắn bó với nhau, cùng nhau " chia ngọt sẻ bùi". Đây chính là bản chất lương thiện và bản chất xã hội của con người, tạo nên cộng đồng dân tộc và cộng đồng thế giới.

       Tục ngữ, ca dao Việt Nam nói nhiều về lòng tương thân tương ái : " Lá lành đùm lá rách", " Một con ngựa đau, cả tàu bỏ cỏ", " Thương người như thể thương thân", "Nhiễu điều phủ lấy giá gương; Người trong một nước phải thương nhau cùng" và "Khôn ngoan đối đáp người ngoài; Gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau"... Có lẽ hơn bất cứ dân tộc nào trên thế giới, dân tộc Việt Nam từ bao đời nay, luôn luôn phải chiến đấu chống thù trong giặc ngoài; luôn luôn phải đấu tranh với thiên tai khắc nghiệt nên tinh thần tương thân tương ái trở thành phẩm chất tiêu biểu của con người Việt Nam, trở thành đặc trưng bản sắc của văn hóa Việt Nam và hơn thế nữa, nó trở thành yêu cầu tất yếu để dân tộc và đất nước Việt Nam tồn tại và phát triển.

        Truyền thống tương thân, tương ái biểu hiện trước hết ở tình yêu thương, đùm bọc, thông cảm với nhau trong những lúc khó khăn hoạn nạn. Những năm cả nước có chiến tranh, các gia đình có người thân ra tiền tuyến đều được bà con xóm làng, khu phố an ủi, động viên, giúp đỡ những khi ốm đau, thiếu thốn, tương trợ nhau trong sản xuất. Lòng tương thân, tương ái của đồng bào hậu phương tạo ra sức mạnh cho các chiến sĩ ngoài mặt trận đánh thắng kẻ thù. Đất nước hòa bình nhưng thiên tai dữ dội và liên tiếp lại làm cho nhân dân nhiều tỉnh, nhiều vùng gặp khốn khó ví dụ như trận lũ lụt khủng khiếp ở các tỉnh miền Trung năm 1999 và nạn hồng thủy ở vùng đồng bằng sống Cửu Long diễn ra gần ba tháng nay. Đồng bào cả nước, từ em nhỏ đến cụ già, từ người nông dân, công nhân đến các trí thức và nhà tu hành, cùng bà con tiểu thương, ở miền ngược và miền xuôi, đều người ít, người nhiều gom góp tiền của cứu trọ giúp đồng bào lũ lụt. Cộng đồng người Việt ở nước ngoài và nhiều tổ chức quốc tế cũng nhiệt tình ủng hộ nhân dân vùng gặp thiên tai. Thật là " Một miếng kho đói bằng một gói khi no". Những khi khó khăn, những lúc gặp rủi ro, nhân dân ta đều cùng nhau chia sẻ.

       Cùng với lòng thương người, truyền thống tương thân, tương ái còn được biểu hiện ở tinh thần biết vui với niềm vui chính đáng của người khác, biết coi thắng lợi và hạnh phúc của người khác như thắng lợi và hạnh phúc của chính mình. Có thêm điều này, lòng tương thân, tương ái mới trở nên toàn vẹn và sâu sắc. Gia đình nào có con em lấy vợ, lấy chồng hoặc đỗ đạt, thành tài thì bà con lối xóm đều đến chia vui.

       Tương thân, tương ái là truyền thống đạo lí dân tộc, là phẩm chất tốt đẹp của con người Việt Nam. Các câu tục ngữ, ca dao 

" Nhiễu điều phủ lấy giá gương

Người trong một nước phải thương nhau cùng"

hoặc :

" Bầu ơi thương lấy bí cùng

Tuy rằng khác giống nhưng chung một dàn"

không chỉ nói về truyền thống nhân đạo của dân tộc, mà còn là những lời nhắc nhở, khuyên răn mọi người nên có và cần phải có tinh thần tương thân, tương ái.

Bài làm 2 :

         Tục ngữ ta có câu “ lá lành đùm lá rách”, đó là một truyền thống đẹp đẽ của nhân dân ta. Những người có hơn thì giúp đỡ những người khổ hơn. Trong cuộc sống này biết bao nhiêu cảnh đời khác nhau, mỗi người một hoàn cảnh , mỗi người một số phận chẳng ai giống ai cả. hơn nữa nhân dân ta sống với nhau chan chưa tình thương yêu con người nên chính vì thế mà chúng ta luôn giúp đỡ nhau. Ý nghĩa của câu tục ngữ là tương thân tương ái với nhau. Vậy thì nghĩa của cụm từ tương thân tương ái là gì ?. Nó được biểu hiện như thế nào?

         Có thể giải thích cụm từ đó theo văn tự, tương có nghĩa là cùng, thân ái là yêu thương đùm bọc lẫn nhau mà cụ thể là sống chan chưa tình người với nhau. Thế nên nghĩa của cả cụm từ cùng giúp đỡ lẫn nhau bằng tình thương yêu nhân ái của con người với con người. Dù khó khăn thì cũng không bỏ mặc giống như câu tục ngữ trên vậy. Đó là sự giúp đỡ giữa con người với con người mà không đòi hỏi đền đáp.

         Trong học tập tinh thần tương thân tương ái được thể hiện rất rõ, trường học là nơi của những bài học, bạn bè và thầy cô. Đối với mối quan hệ bạn bè thì tương thân tương ái là giúp đỡ nhau trong học tập. Sự giúp đỡ đó ấy xuất phát từ tinh thần tự nguyện và sự yêu thương của mỗi học sinh dành cho nhau chứ không phải vụ lợi giúp để được cái gì. Nếu như giúp đỡ để đổi lại một cái gì đó thì đó không phải là tương thân tương ái nữa mà nó mang tính chất trao đổi rồi. Những bài tập khó những bạn làm được học giỏi hơn thì có thể giúp đỡ những bạn chưa biết, giảng giải cho bạn hiểu thì đó mới chính là tinh thần tương thân tương ái. Hay ngoài những tiết học ấy, ví dụ chỉ là một cuộc chơi mang tính đồng đội, khi thấy bạn mình yếu có thể thêm sức để giúp bạn thì đó cũng là tương thân tương ái. Như vậy có thể thấy tương thân tương ái đem không chỉ đem lại sự giúp đỡ cho người được giúp đỡ, mang lại sự vui vẻ thoải mái trước việc tốt của người giúp mà còn đem lại một tinh thần đoàn kết giữa mọi người. Hay thầy cô, nhà trường đối với học sinh cũng vậy. Sự tương thân tương ái thể hiện khi thầy cô chăm lo quan tâm đến những em học sinh. Không chỉ vậy những em học sinh nghèo vượt khó học tập tốt thì còn có cả học bổng. Đó một sự giúp đỡ có lẽ không quá lớn nhưng thể hiện được sự quan tâm của thầy cô, nhà trường, bạn bè với những em có hoàn cảnh khó khăn.

         Hay trong xã hội ngày nay cũng vậy, sự giúp đỡ của con người với con người là rất cần thiết vì có những người sinh ra đã giàu có còn có những người thì hoàn cảnh khó khăn từ bé. Chính vì thế mà người ăn thì không hết người lần chẳng ra nên gây sự chênh lệch mức sống của nhân dân trong xã hội. Chính vì thế mà ngày nay nhà nước ta luôn triển khai những chính sách hỗ trợ những nơi có hoàn cảnh khó khăn đặc biệt là nhân dân miền núi nước ta. Những chính sách kinh tế được phát triển ở đó và cho những thầy cô giáo lên bản để dạy học cho những em bé ở đây, giúp nâng cao dân trí vùng miền núi và nâng cao chất lượng cuộc sống cho những dân tộc vẫn còn nghèo khó. Đặc biệt trong xã hội ngoài những chính sách của nhà nước thì những người có khả năng họ luôn lập ra một quỹ từ thiện hay kêu gọi mọi người chung tay góp sức để mang cơm no áo ấm đến những nơi còn nghèo đói vất vả. hoặc ngay cả các chương trình game show trên ti vi cũng làm những chương trình từ thiện thể hiện tinh thần tương thân tương ái như chương trình vượt lên chính mình, lục lạc vàng và gương mặt thân quen.

          Như vậy có thể thấy tương thân tương ái là một tinh thần cao cả, và thân thiện. Mỗi người chúng ta nên tương thân tương ái với nhau, điều đó không chỉ có ý nghĩa với những người được giúp đỡ mà còn có ý nghĩa với chính cá nhân ta và toàn xã hội. Làm được một việc tốt thì ta cảm thấy nhẹ nhõm vui vẻ hơn, con người được giúp đỡ thì bớt đi những nhọc nhằn hơn, xã hội phát triển cân bằng hơn. Chính vì thế hãy cùng nhau tương than tương ái đùm bọc lấy nhau ngay bây giờ.

Bài làm 3 :

         Thực tế lịch sử đã cho thấy trong bốn ngàn năm sống còn trên dải đất bên bờ biển Đông đầy sóng gió này,dân tộc Việt Nam chúng ta đã từng gánh chịu biết bao là thiên tai,dịch họa vô cùng ác liệt.Phép lạ nào đã giúp tổ tiên chúng ta vượt qua được mọi khó khăn,điêu đứng ấy để đứng vững cùng bè bạn năm châu ? Phải chăng là ở sức mạnh của tinh thần đoàn kết,tương trợ lẫn nhau ? Phải chăng là nhờ nhân dân ta đã thực hiện đúng như câu tục ngữ mà từ bao đời nay cha ông ta đã truyền đời : “Lá lành đùm lá rách” ?
          Nội dung chứa đựng trong câu ấy có thể xem như một bài học về đạo lí làm người,đồng thời phản ánh mối quan hệ tình cảm đậm đà trong xã hội ta ngày trước.
          Đọc câu tục ngữ ấy lên,chúng ta hình dung được ngay một hiện tượng rất bình thường trong sinh hoạt hàng ngày của nhân dân ta.Đó là dùng lá cây-lá chuối chẳng hạn-để gói hàng.Nếu lá bị rách,người ta sẽ lấy một tấm lá khác lành lặn bọc lại bên ngoài cho thêm chắc chắn.
          Đó là nghĩa đen,nghĩa thực của câu tục ngữ.Thế nhưng về mặt nghĩa bóng thì sao ? Hình ảnh “lá lành”,”lá rách” ở đây tượng trưng cho con người trong những hoàn cảnh riêng khác nhau.”Lá lành” chỉ con người lúc yên ổn,thuận lợi,cuộc sống xuôi chèo mát mái.Trái lại “lá rách” chỉ con người lúc khó khăn,sa cơ lỡ vận.Bằng lối nói tượng trưng,dùng hình ảnh cụ thể và giản dị ấy,câu tục ngữ ngụ ý khuyên chúng ta nên biết chia sẻ,giúp đỡ,thông cảm,xót thương những người bị rơi vào cảnh ngộ cùng quấn, gieo neo.
          Với nội dung vừa nói,câu tục ngữ trên đã biểu hiện mối quan hệ tình cảm tốt đẹp,đậm đà của nhân dân ta từ xưa trong xã hội.Thật vậy,đoàn kết tương thân tương ái vốn là truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta.Ngoài câu tục ngữ trên,người xưa còn truyền đời các câu :
                                  “Chị ngã em nâng”.
                       “Nhiễu điều phủ lấy giá gương

                   Người trong một nước phải thương nhau cùng”.

                       “Bầu ơi ! thương lấy bí cùng
               Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”…

        Các câu trên đều khuyên nhủ ta hễ là đồng bào thì nên đoàn kết,hợp tác,chặt chẽ với nhau trong tinh thần tương thân tương ái,không nên thờ ơ,ngoảnh mặt,quay lưng trước nỗi bất hạnh của người khác mà trái lại phải luôn luôn quan tâm giúp đỡ,đùm bọc,chở che người khó khăn,thất thế.Những người giàu có nên thương yêu giúp đỡ cho những người nghèo khổ nhất là trong những khi họ gặp hoạn nạn tai ương như lụt lội,cháy nhà,bệnh tật…Những người có địa vị cao,trách nhiệm lớn nên tạo điều kiện,giúp đỡ quần chúng được sống một đời no ấm hạnh phúc.Đúng như tinh thần của người xưa đã từng khuyên dạy :
                              “Thấy ai đói rách thì thương
                      Rét thường cho mặc,đói thường cho ăn”.

        Trong đời sống xã hội,hoàn cảnh con người dễ thay đổi bất thường khi thành công,khi thất bại.Có cái tính thương người như thể thương thân ấy,thì cuộc sống xã hội mới tránh được mầm mống chia rẽ,xung đột,xây dựng được tình đoàn kết,tương thân,tương ái.Điều đó đủ cho thấy lòng nhân ái hay tình cảm nhân đạo chính là một phẩm chất tốt đẹp mà mỗi cá nhân cần phải có để lấy đó làm nền tảng xây dựng nên một xã hội bình đẳng,thân ái.Cũng phải thấy rằng thờ ơ trước nỗi đau bất hạnh của kẻ khác là một thói xấu,một thái độ ích kỉ,vô lương tâm.
         Trong đời sống còn nhiều khó khăn của buổi đầu xây dựng chủ nghĩa xã hội hiện nay,hơn lúc nào hết,lòng nhân ái,tình cảm thương yêu,đùm bọc lẫn nhau ấy phải được nâng lên thành ý thức tự giác ở mỗi con người chúng ta.
          Câu tục ngữ được truyền tiếp bao đời nay đủ khẳng định truyền thống cao quý trong đạo lí làm người của dân tộc ta.Chính nhờ sự đoàn kết keo sơn,tinh thần tương thân tương ái đậm đà nên trải qua bao đời Bắc thuộc,Pháp thuộc,và Mĩ thuộc,nhân dân ta vẫn bảo vệ được nền độc lập,bảo vệ được sự sống còn vững mạnh cho đến ngày nay.
         Tuy nhiên chúng ta cần phải nhận định,đánh giá đúng tinh thần của câu tục ngữ này.Lá lành đùm lá rách nghĩa là người khỏe mạnh,bình yên phải giúp đỡ người yếu đuối,khó khăn là một bổn phận cần thiết nhưng phải không được xuất phát từ động cơ cá nhân thấp hèn và cũng không phải là hành động ban ơn trịch thượng kiểu bố thí mà nhất thiết phải bắt nguồn từ lòng nhân ái hay tình cảm nhân đạo mà chúng ta vừa phân tích ở trên.Cả người được giúp đỡ cũng vậy,không nên ỷ lại,hoàn toàn sống nhờ vào tình thương xót của người khác để trở nên thụ động,biếng lười.Họ phải vươn lên xứng đáng để làm nên mối quan hệ bình đẳng thân ái với người khác.
           Tóm lại,tình yêu thương đùm bọc nhau là một truyền thống đẹp đẽ về đạo lí làm người đã được dân tộc ta giữ vững và phát triển qua nhiều thế hệ,trải qua các giai đoạn lịch sử của đất nước,nhất là trong khó khăn,hoạn nạn,dịch họa,thiên tai.
          Ngày nay,truyền thống ấy cần được kế thừa và phát huy mạnh mẽ hơn nữa.Mỗi người chúng ta phải có ý thức đoàn kết tương ái,tương thân,tương trợ nhau trong sinh hoạt,học tập và sẵn sàng tích cực tham gia các công tác cứu trợ xã hội.Tuy nhiên,hơn ai hết,thanh niên chúng ta cần chống tư tưởng ỷ lại,đề cao tinh thần tự lực cánh sinh.