Đề bài : Bàn về đức tính giản dị

Nội dung lý thuyết

Các phiên bản khác

Đề bài : Bàn về đức tính giản dị

Bài làm

       Thầy giáo tôi không có chức trọng quyền cao nhưng có nhiều phẩm chất tốt đẹp, tiêu biểu nhất là đức tính giản dị. Từ các bạn đồng nghiệp, chú bảo vệ, chị lao công đến các bạn học sinh trong trường rất quý trọng thầy.

       Tôi thường tự hỏi : "Thế nào là giản dị ?" - Đơn giản một cách tự nhiê, trong phong cách sống (Từ điển Tiếng Việt - Hoàng Phê chủ biên). Người ta thường nói : Con người giản dị : lối sống giản dị, ăn mặc giản dị mà lịch sự. Nói mộc mạc, lời văn dễ hiểu, không có gì rắc rối, khó hiểu là lối nói, lối viết giản dị.

       Người giản dị là người có tính đơn sơ, không lập dị, không làm chuyện khác người, không cầu kì khách sáo, sống chan hòa tự nhiên giữa tập thể, cộng đồng.

       Tính giản dị thể hiện  ở cách sống, cách ứng xử, giao tiếp, biểu hiện ở cách nói năng, trong cử chỉ, hành động, cách ăn mặc....

       Tôi có rất nhiều ấn tượng đẹp về thầy giáo của chúng tôi. Hôm ấy, tôi và các trong tổ bạn trèo bàng ở phía sau trường để hái quả. Thầy bắt được, đứa nào cũng lo. Thầy kể chuyện con thầy năm học lớp 6 trèo cây, phá tổ chim bị ngã, chảy máu chân. May là không bị què. Thầy không mắng, thầy nhẹ nhàng khuyên bảo. Mấy chúng tôi nhớ mãi. Bác bán hàng quả ngồi ở cổng trường đi bệnh viện mới về, thầy gặp và hỏi thăm. Thầy vẫn hay ngồi chơi, uống nước chè, hút thuốc với mấy chú bảo vệ. Mùa đông cũng như mùa hè, thầy ăn mặc giản dị, bình dị. Thầy nói : áo quần phải sạch, không rách rưới, cốt ngay ngắn, gọn gàng là được. Không cầu kì, diêm dúa. Cách sống giản dị của thầy tôi là thế.

      Lớp tôi có một số bạn gái ăm mặc sặc sỡ, đủ mốt, móng tay móng chân nhuộm xanh đỏ, một số bạn trai nhuộm tóc vàng, đeo khuyên.....Tôi nghĩ các bạn ấy không giản dị trong lối sống. Tuy mọi người đều có quyền sống theo sở thích riêng của mình nhưng cũng đừng thái quá, gây phản cảm. Nhìn cách sống lập dị của một số bạn trong lớp, tôi luôn luôn tự nhắc nhủ mình phải rèn luyện, tu dưỡng đức tính giản dị.

      Lối nói hoa hòe, hoa sói, cách ăn mặc cầu kì, ngồi xe máy, đứng trên đường, cầm điện  thoại cười nói oang oang  làm cho mọi người ngạc nhiên, khó chịu. Những người có đức tính giản dị không hành xử như thế.

     Người giản dị không xa hoa lãng phí mà rất tiết kiệm. Bà nội tôi có một chiếc chăn bông bộ đội của ông nội tôi để lại, Chiếc chăn đã cũ, đã sờn. Một hôm mẹ tôi mua về một chiếc chăn rất đẹp. Mẹ tôi xin bà đem cho cái chăn bông ấy đi. Bà không đồng ý, nói : " Cái chăn ấy là kỉ vật của ông. Tuy nó đã sờn nhưng đừng nên có mới nới cũ..."

     Con người giản dị sống rất thoải mái, tự nhiên. Họ không bị chi phối nhiều bởi vật chất. Họ sống thực tâm, thực tình, mộc mạc như vốn có. Một nụ cười, một câu chào hòi, chén nước chè,...của họ đều giản dị. Cái nhà sàn, đôi dép cao su, bộ quần áo ka - ki,.....còn trưng bày trong bảo tàng, tất cả đều thể hiện đức tính giản dị cao quý của Bác Hồ. Trong bài " Sáng tháng năm", Tố Hữu viết năm 1951, có một đoạn thơ mà tôi nhớ mãi :

                          " Bác Hồ đó, chiếc áo nâu giản dị

                            Màu quê hương bền bỉ đậm đà

                            Ta bên Người, Người tỏa sáng trong ta

                            Ta nỗng lớn ở bên Người một chút...."

      Có người nói " Văn tức là người". Đọc tác phẩm thơ văn, ta có thể biết được một phần phong cách và con người của tác giả. Đọc phóng sự " Việc làng", tiểu thuyết "Tắt đèn", tôi cảm nhận Ngô Tất Tố có một lối viết giản dị. Đọc tác phẩm " Vang bóng một thời", " Sông Đà".... thôi thấy phong cách nghệ thuật của tác giả rất độc đáo, nhưng lại cầu kì có thể tác giả không phải là một con người giản dị. Không biết có gì ngộ nhận chăng ?

     Tóm lại, người có đức tính giản dị dễ chan hòa với mọi người xung quanh, không có gì cách bức với bạn bè, anh em, đồng chí. Ngôn ngữ, cử chỉ, ăn mặc, cách sinh hoạt, cách sống, cách ứng xử của người giản gị để lại cho chúng ta nhiều cảm mến.

     Tôi đã và đang rèn luyện tính giản dị và lối sống giản dị.