Bố của Xi-mông -- Mô-pa-xăng

Nội dung lý thuyết

Các phiên bản khác

I. Tìm hiểu chung

1. Tác giả

- G.Mô-pa-xăng (1850 - 1893), tên đầy đủ là Guy de Maupassant.

- Quê quán: Vùng Normandie ở miền Bắc nước Pháp.

- Ông bắt đầu hoạt động văn chương vào khoảng thời gian từ 1871 - 1880 bằng những bài thơ.

- Ông đã sáng tác thêm khoảng 300 truyện ngắn, trong đó có nhiều truyện ngắn xuất sắc: Người đã khuất, Món tư trang, Cái thùng con,...

2. Tác phẩm

a. Hoàn cảnh sáng tác

- Văn bản là một tác phẩm trong truyện ngắn Bố của Xi-mông, lấy từ Tuyển tập truyện ngắn Pháp, thế kỉ XIX, bản dịch của Lê Hồng Sâm, NXB Đại học và THCN, Hà Nội, 1986.

b. Bố cục: 4 phần

+ Phần 1: Nỗi tuyệt vọng của Xi- mông.

+ Phần 2: Xi-mông gặp bác Phi- líp.

+ Phần 3: Bác Phi- líp đưa Xi- mông về nhà.

+ Phần 4: Ngày hôm sau ở trường.

@94118@

II. Đọc - hiểu văn bản

1. Nhân vật Xi-mông

- Đó là một cậu bé "độ bảy, tám tuổi. Nó hơi xanh xao, rất sạch sẽ, vẻ nhút nhát, gần như vụng dại". Dáng dấp ấy phần nào thể hiện hoàn cảnh đau đớn của em. Em mang tiếng là đứa trẻ không có bố và thường bị bạn bè trêu chọc.

- Nỗi đau đớn bộc lộ qua ý nghĩ và hành động của em. Em bỏ nhà ra bờ sông, định nhảy xuống sông cho chết đuối vì không có bố. May mà cảnh vật thiên nhiên (trời ấm dễ chịu; ánh nắng êm đềm; trên mặt cỏ, chú nhái con làm em nghĩ đến đồ chơi,...), khiến em nghĩ đến nhà, nghĩ đến mẹ.

- Nỗi đau thể hiện ở những giọt nước mắt của em. Em khóc. Nhà văn nhiều lần kể chuyện em khóc: "cảm giác uể oải thường thấy sau khi khóc...", "... và thấy buồn vô cùng, em lại khóc. Người em rung lên", "những cơn nức nở lại kéo đến", em "chẳng nhìn thấy gì quanh em và em chỉ khóc hoài", "em trả lời, mắt đẫm lệ, giọng nghẹn ngào", "ôm lấy cổ mẹ, lại òa khóc".

- Nỗi đau thể hiện ở cách nói năng của em. Nhà văn diễn tả em nói không nên lời, cứ bị ngắt quãng, thể hiện trong bài bằng những dấu chấm lửng "..." hoặc lặp đi lặp lại: "Chúng nó đánh cháu... vì ... cháu ... không có bố... không có bố". 

-> Tâm trạng của một em bé hiện ra qua cảnh thiên nhiên đẹp đẽ, hành động và cử chỉ rất phù hợp với tâm lí lứa tuổi. Nhà văn đã miêu tả tài tình diễn biến tấm lí lứa tuổi.

- Khi gặp bác Phi-lip, em như được dịp trút nỗi lòng đau khổ. Mắt đẫm lệ, giọng nghẹn ngào, buồn tủi. Điều đó thể hiện sự bất lực, tuyệt vọng của một đứa bé. Em đã hỏi bác Phi-lip: "Bác có muốn làm bố cháu không?", câu hỏi đó cho thấy một ước ao mãnh liệt của em đó là muốn có bố.

- Khi đến trường, em đã tự hào và hành diện khoe với các bạn: "Bố tao tên là Phi-lip". Đó chính là niềm vui, niềm tự hào lớn để em tiếp tục sống và học tập.

@94119@

2. Nhân vật Blăng-sốt

- Blăng-sốt là cô gái một thời lầm lỡ khiến cho Xi-mông trở thành đứa con không có bố. Nhưng thực ra chị là người phụ nữ đức hạnh, chẳng qua bị lừa dối, chị từng là "một trong những cô gái đẹp nhất vùng".

- Bản chất của chị được nhà văn chú ý thể hiện qua hình ảnh ngôi nhà của chị - "một ngôi nhà nhỏ, quét vôi trắng, hết sức sạch sẽ". Điều đó nói lên rằng chị tuy nghèo nhưng sống đứng đắn, nghiêm túc. 

- Bản chất của chị bộc lộ qua thái độ của chị đối với khách. Phi-lip là một người lạ, chị chưa gặp bao giờ. Phi-lip nhìn thấy chị, "bỗng tắt nụ cười, vì bác hiểu ra ngay là không bỡn cợt được nữa với cô gái cao lớn, xanh xao, đứng nghiêm nghị trước cửa nhà mình, như muốn cấm đàn ông bước qua ngưỡng cửa ngôi nhà...".

- Bản chất tốt còn bộc lộ ở nỗi lòng của chị khi con nói bị bạn đánh vì không có bố: "Đôi má thiếu phụ đỏ bừng, tê tái đến tận xương tủy,... nước mắt lã chã tuôn rơi". Khi nghe con hỏi Phi-lip: "Bác có muốn làm bố cháu không?" thì chị "lặng ngắt và quằn quại, dựa người vào tường, hai tay ôm ngực".

@94125@

3. Nhân vật Phi-lip

- Phi-lip là một người thợ cao lớn, râu tóc đen, quăn , vẻ mặt nhân hậu. Ở một đoạn khác chuyện không có trong văn bản, ta biết đấy là một người thợ rèn. 

- Diễn biến tâm trạng của Phi-lip:

+ Đến khi đưa Xi-mông về nhà, Phi-lip nghĩ bụng có thể đùa cợt với chị Blăng-sốt, "nghe đồn chị là một trong những cô gái đẹp nhất vùng" và "tự nhủ thầm rằng một tuổi xuân đã lầm lỡ, rất có thể lầm lỡ lần nữa".

+ Khi gặp chị Blăng-sốt, ý nghĩ kia không còn nữa. Bác hiểu ra chị là người tốt, nên không thể đùa bỡn với chị được nữa.

+ Cuối cùng, khi đối đáp với Xi-mông, phần vì thương Xi-mông, phần vì cảm mến Blăng-sốt bác nói nửa như thật, nửa như đùa là bác vui lòng là bố của Xi-mông.

-> Diễn biến tâm trạng của bác thợ rèn Phi-lip thì vừa phức tạp, vừa bất ngờ.

@94122@@94121@

III. Tổng kết

1. Nghệ thuật

- Ngòi bút miêu tả tâm lí nhân vật của tác giả thật sâu sắc và tinh tế.

- Hình thức giản dị, trong sáng, thể hiện một nội dung sâu sắc, cô đọng.

2. Nội dung

Qua diễn biến tâm trạng của ba nhân vật: Xi-mông, Blăng-sốt và Phi-líp, nhà văn gợi cho ta về lòng yêu bạn bè, mở rộng ra là yêu thương con người, sự thông cảm với những nỗi đau hoặc lầm lỡ của người khác. 

@94124@