Nội dung lý thuyết
A- GỢI Ý GIẢI QUYẾT CÁC ĐỀ THAM KHẢO
I- Đề thuyết minh về một tác phẩm văn học:
Đề 1- Giới thiệu “Bài phú sông Bạch Đằng” của Trương Hán Siêu.
Gợi ý:(Xem bài Bài phú sông Bạch Đằng)
– Bài viết cần đảm bảo nội dung kiến thức và hình thức kết cấu của một văn bản giới thiệu tác phẩm văn học.
– Đối với Bài phú sông Bạch Đằng của Trương Hán Siêu, phải giới thiệu được hoàn cảnh ra đời, giá trị nội dung, đặc sắc nghệ thuật đặc biệt là lối cấu tứ, bố cục, việc lựa chọn chi tiết, nhân vật, lối kết hợp tự sự – trữ tình… tạo nên một bản tráng ca bất hủ ca ngợi lịch sử với lòng tự hào sâu lắng.
– Lời văn giới thiệu cần đĩnh đạc, lựa chọn từ ngữ, cách diễn đạt phù hợp đối tượng giới thiệu là một tác phẩm văn học cổ điển.
Đề 2. Giới thiệu “Chuyện chức Phán sự đền Tản Viên” của Nguyễn Dữ.
Gợi ý:
Đây là bài giới thiệu về một tác phẩm văn xuôi viết theo thể truyền kì. Bài viết cần nêu rõ xuất xứ, hoàn cảnh sáng tác, tóm tắt cốt truyện, giới thiệu nhân vật, nội dung ý nghĩa và những nét đặc sắc nghệ thuật của tác phẩm. Thuyết minh rõ giá trị hiện thực, giá trị nhân đạo và nghệ thuật truyền kì đặc sắc mà Nguyễn Dữ đã sáng tạo trong “thiên cổ kì bút” của mình.
Đề 3. Giới thiệu Bài tựa sách “Trích diễm thi tập” của Hoàng Đức Lương.
Gợi ý:
– Dựa vào bài học (SGK tập 2) và cách viết bài thuyết minh đã học, tham khảo bố cục các bài viết vừa nêu trên, xây dựng dàn ý trước khi viết.
– Qua lời giới thiệu, cần làm nổi bật lòng yêu nước, ý thức trân trọng di sản văn hoá của cha ông.
II- Đề thuyết minh về một tác giả văn học:
Đề 1: Giới thiệu tác giả Nguyễn Trãi.
Gợi ý:
Bài giới thiệu có thể theo các ý chính sau đây:
– Nguyễn Trãi là nhân vật toàn tài, hiếm có trong lịch sử dân tộc Việt Nam thời phong kiến. Ông là một nhà quân sự đại tài, nhà văn hoá xuất sắc và nhà văn lỗi lạc của dân tộc Việt Nam, danh nhân văn hóa thế giới.
– Ông sinh và mất năm nào? là con của ai? cháu ngoại của ai?
– Lúc nhỏ ông được học hành thế nào? Đỗ đạt gì?
– Khi giặc Minh sang xâm lược, đất nước, gia đình, và bản thân ông đã gặp hoạ gì?
– Ông theo Lê Lợi và được Lê Lợi tin dùng như thế nào? Vai trò của ông trong cuộc kháng chiến của dân tộc ta chống giặc Minh?
– Tác phẩm chính của ông trên các phương diện quân sự – chính trị (Bình Ngô sách, Binh thư yếu lược, Quân trung từ mệnh tập), văn hoá – khoa học (Dư địa chí) v.v…
Đặc biệt ông có nhiêu đóng góp trên lĩnh vực văn học. Các tác phẩm chính: Phú núi Chí Linh, Ức Trai thi tập, Quốc âm thi tập, Bình Ngô đại cáo…
– Các tác phẩm của ông toát lên tư tưởng yêu nước, thương dân, đồng thời cũng thể hiện một tâm hồn phóng túng, lãng mạn, tài hoa, nhưng rất cương trực, có bản lĩnh vững vàng, tầm nhìn sáng suốt…
– Nguyễn Trãi có vị trí rất quan trọng trong lịch sử văn hoá, văn học dân tộc.
Đề 2. Giới thiệu với bạn đọc Việt Nam về tác giả của những bài thơ hai-cư nổi tiếng của Ma-su-ô Ba-sô (Nhật Bản).
Gợi ý:
Dựa vào phần Tiểu dẫn bài Thơ hai-cư của Ma-su-ô Ba-sô, bài thuyết minh gồm các ý sau:
– Ma-su-ô Ba-sô là nhà thơ hàng đầu Nhật Bản, tác giả của những bài thơ hai-cư nổi tiếng thế giới.
– Tóm tắt tiểu sử của Ma-su-ô Ba-sô: năm sinh, năm mất; quê quán, gia đình; các mốc lớn trong cuộc đời; những phẩm chất, tính cách con người Ba-sô.
– Sự nghiệp văn học của Ba-sô: những tác phẩm tiêu biểu; đặc điểm tư tưởng và nghệ thuật của các sáng tác.
– Công lao của Ma-su-ô Ba-sô đối với thể thơ hai-cư. |
|
|
|
|
– Đánh giá chung: Ma-su-ô Ba-sô với thể thơ hai-cư của ông không chỉ nổi tiếng ở Nhật Bản mà còn có ảnh hưởng lớn đến nền thi ca nhân loại, đi biệt là ở khu vực Đông Nam Á.
Đề 3. Giới thiệu về La Quán Trung, tác giả của bộ tiểu thuyết nổi tiếng Tam quốc diễn nghĩa.
Gợi ý:
Nội dung kiến thức chủ yếu dựa vào phần Tiểu dẫn bài Hồi trống Cổ Thành. Tuy nhiên người viết cần đọc thêm các sách tham khảo để bài viết thêm phong phú, sinh động và hấp dẫn. Bố cục của bài viết chia làm hai phần chính:
Phần thứ nhất: Tiểu sử La Quán Trung.
Phần thứ hai: Sự nghiệp văn học của La Quán Trung.
III- Đề kết hợp thuyết minh về tác giả – tác phẩm văn học:
Đề 1: Giới thiệu về Trương Hán Siêu và ” Bài phú sông Bạch Đằng” nổi tiếng của ông.
Gợi ý.
(Xem phần Tiểu dẫn bài Bài phú sông Bạch Đằng).
Có thể thuyết minh theo dàn ý sau:
+ Mở bài: Giới thiệu khái quát chung về Trương Hán Siêu và Bài phú sông Bạch Đằng (Trương Hán Siêu là một vị tướng, là người giỏi văn chương, Bài phú sông Bạch Đằng là khúc tráng ca trong dòng thơ văn Bạch Đằng).
+ Thân bài: Giới thiệu chi tiết theo hai phần chính.
Phần thứ nhất:giới thiệu về Trương Hán Siêu:
– Tiểu sử, cuộc đời và con người.
– Sự nghiệp thơ văn.
Phần thứ hai:Giới thiệu về Bài phú sông Bạch Đằng của Trương Hán Siêu:
– Thể phú.
– Hoàn cảnh ra đời của Bài phú sông Bạch Đằng.
– Nội dung tư tưởng và giá trị nhiều mặt của Bài Phú sông Bạch Đằng.
+ Kết bài: Nhận xét, đánh giá về vị trí, giá trị, ảnh hưởng của tác giả Trương Hán Siêu và tác phẩm Bài phú sông Bạch Đằng (tác giả được lưu danh sử sách, tác phẩm sống mãi cùng non sông tổ quốc)
Đề 2. Giới thiệu Nguyễn Trãi và Đại cáo bình Ngô – một áng “thiên cổ hùng văn”
Gợi ý:
Nội dung kiến thức chỉ cần dựa vào hai bài là đủ: bài Nguyễn Trãi và bài Đại cáo bình Ngô (SGK Ngữ văn 10, tập 2). Nội dung bài viết có thể triển khai như sau:
a- Mở bài: Giới thiệu khái quát chung về Nguyễn Trãi và Đại cáo bình Ngô (Nguyễn Trãi là nhân vật toàn tài số một trong lịch sử Việt Nam thời phong kiến; Đại cáo bình Ngô là một áng văn bất hủ có giá trị nhiều mặt).
b- Thân bài: Giới thiệu chi tiết về Nguyễn Trãi và Đại cáo bình Ngô.
– Nguyễn Trãi (xem phần hướng dẫn đề 1, phần đề tham khảo thuyết minh về tác gia văn học).
– Đại cáo bình Ngô:
+ Hoàn cảnh ra đời: sau chiến thắng quân Minh của nghĩa quân Lam Sơn (1428).
+ Thể Cáo và đặc điểm của bài Đại cáo bình Ngô (Cáo là thể văn cổ dùng để công bố sự kiện quan trọng; Đại cáo bình Ngô viết theo lối văn biền ngẫu, thể chính luận, chữ Hán, bố cục bốn phần,…).
+ Giá trị nội dung tư tưởng (tư tưởng bao trùm, xuyên suốt là tư tưởng nhân nghĩa,…)
+ Giá trị nghệ thuật (Các yếu tố làm nên một thiên anh hùng ca, một áng văn chính luận mẫu mực).
c- Kết bài: Đánh giá chung (Nguyễn Trãi là một anh hùng dân tộc, một danh nhân văn hoá. Đại cáo bình Ngô là bản tuyên ngôn độc lập làm rạng rỡ non sông, nêu cao niềm tự hào dân tộc của người Việt).
Đề 3. Giới thiệu về Nguyễn Dữ, thể loại Truyền kì, “Truyền kì mạn lục”, và “Chuyện chức Phán sự đền Tản Viên” (Trích” Truyền kì mạn lục” của Nguyễn Dữ).
Gợi ý:
Đề bài có tới bốn yêu cầu cần thuyết minh. Bài viết sẽ lần lượt thuyết minh từng đối tượng:
– Thuyết minh về tác giả Nguyễn Dữ.
– Thuyết minh về thể truyền kì.
– Thuyết minh về tác phẩm Truyền kì mạn lục của Nguyễn Dữ.
– Thuyết minh về Chuyện chức Phán sự đền Tản Viên (Trích Truyền kì mạn lục của Nguyễn Dữ).
Nội dung kiến thức chủ yếu ở bài Chuyện chức Phán sự đền Tản Viên (SGK Ngữ văn 10, tập 2). Điều quan trọng là thể hiện trình tự kết cấu bài viết, khả năng vận dụng phối hợp các phương pháp thuyết minh, khả năng diễn đạt,… sao cho bài viết không chỉ chuẩn xác mà còn sinh động, hấp dẫn, thu hút người đọc, người nghe.
B - CÁC BÀI THAM KHẢO
Thuyết minh “ Chuyện chức Phán sự”
Nguyễn Dữ là tác giả nổi tiếng của văn học trung đại Việt Nam. Tên tuổi của ông gắn liền với danh tiếng của bộ truyện “Truyền kỳ mạn lục”, tác phẩm được đánh giá là “thiên cổ kỳ bút” của nền văn học nước nhà. Trong đó “Chuyện chức phán sự đền Tản Viên” là tác phẩm đặc sắc, ca ngợi tính cách dũng cảm, kiên cường, chính trực, dám chống lại cái ác đến cùng, trừ hại cho dân của Ngô Tử Văn-một trí thức nước Việt.
“Chuyện chức phán sự đền Tản Viên” viết bằng chữ Hán theo thể văn xuôi truyền kỳ. Đây là thể loại văn học phản ánh hiện thực cuộc sống qua những yếu tố kỳ ảo hoang đường. Nhân vật trong bộ truyền kỳ gồm cả người, ma quỷ, thần thánh, có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, có thể xâm nhập thế giới của nhau. Bộ truyện “Truyền kì mạn lục” được sáng tác vào khoảng thế kỉ XVI, lúc xã hội phong kiến Việt Nam rơi vào suy thoái, khủng hoảng, nhân dân bất bình với tầng lớp thống trị, nhiều nho sĩ rơi vào tâm trạng hụt hẫng, nuối tiếc cho thời thịnh trị dưới sự cai trị của vua Lê Thánh Tông. Nguyễn Dữ sáng tác bộ truyện trong khoảng thời gian ông đã cáo quan ở ẩn vừa để phản ánh tình trạng xã hội, vừa để bộc lộ quan điểm sống và tấm lòng của ông với cuộc đời.
Nhân vật chính của tác phẩm “Chuyện chức phán sự đền Tản Viên” xuất hiện ngay từ đầu truyện bằng mấy dòng giới thiệu trực tiếp ngắn gọn về tên họ, quê quán, tính tình, phẩm chất. Ngô Tử Văn được giới thiệu là người tính tình cương trực, thẳng thắn, khảng khái, nóng nảy, thấy sự gian tà thì không thể chịu được. Lời giới thiệu mang giọng ngợi khen, có tác dụng định hướng cho người đọc về hành động kiên quyết của nhân vật này. Minh chứng rõ ràng cho tính cách cứng cỏi của Ngô Tử Văn là hành động đốt đền tà của chàng. Trong khi mọi người đều lắc đầu, lè lưỡi, không dám làm gì quỷ thần ở ngôi đền gần làng quấy hại nhân dân thì Tử Văn cương quyết, công khai, đường hoàng, ung dung, tắm rửa sạch sẽ, khấn trời rồi châm lửa đốt hủy ngôi đền. Hành động đó xuất phát từ muốn diệt trừ yêu ma, trừ hại cho dân, từ lòng tự tin vào chính nghĩa của Ngô Tử Văn, chứng tỏ cốt cách khảng khái của kẻ sĩ.
Sự cương trực, khảng khái của Ngô Tử Văn còn bộc lộ rõ qua thái độ của chàng với hồn ma tên tướng giặc. Tướng giặc khi sống là kẻ xâm lược nước ta, tàn hại dân ta, khi chết rồi vẫn quen thói ỷ mạnh hiếp yếu, cướp nơi trú ngụ của thổ thần nước Việt, lại còn gian trá bày trò đút lót rồi tác yêu tác quái với nhân dân trong vùng. Hắn bị Tử Văn đốt đền là đáng đời nhưng lại hiện hình, xảo quyệt làm như mình là kẻ bị hại, dùng tà phép khiến cho chàng bị sốt nóng sốt rét, đầu lảo đảo. Hồn ma tướng giặc buông lời mắng mỏ, đe dọa, quyết kiện Tử Văn xuống tận Diêm Vương. Trước sự ngang ngược trắng trợn, quyền phép đáng sợ của hồn ma tướng giặc, Ngô Tử Văn vẫn điềm nhiên, không hề run sợ mà tự tin, không coi những lới đe dọa ra gì, thậm chí chẳng thèm tiếp lời hồn ma tướng giặc. Thái độ ấy thể hiện một khí phách cứng cỏi, một niềm tin mạnh mẽ vào chính nghĩa, sự đúng đắn trong hành động của Ngô Tử Văn. Mặt khác, bản lĩnh của chàng còn thể hiện qua thái độ biết ơn lời chỉ dẫn của thổ thần nước Việt. Do Tử Văn dũng cảm, trừ hại cho dân nên thần linh mới phù trợ giúp đỡ chàng.
Tính cách kiên định chính nghĩa của Ngô Soạn còn thể hiện rõ trong quá trình chàng bị lôi xuống địa phủ. Cảnh địa phủ rùng rợn với quỷ sứ hung ác, con sông đầy gió tanh sóng xám. Tử Văn bị bọn quỷ sai lôi đi rất nhanh, bị phán xét lạnh lùng là kẻ “tội sâu ác nặng, không được liệt vào hàng khoan giảm”, bị kết thêm tội ngoan cố bướng bỉnh nhưng chàng chẳng hề run sợ, không hề nhụt chí, một mực kêu oan, đòi phải được phán xét công khai, minh bạch. Khi đối diện trước Diêm vương uy nghiêm, Tử Văn đấu tranh vạch tội tên tướng giặc bằng những lí lẽ cứng cỏi, bằng chững không thể chối cãi, giọng điệu rất đanh thép vững vàng. Chàng đã bảo vệ lẽ phải mà bất chấp tính mạng của mình, không chịu khuất phục trước uy quyền, kiên quyết đấu tranh cho công lí và lẽ phải đến cùng. Kết quả, chàng đã chiến thắng hồn ma gian tà của tên tướng giặc, bảo toàn được sự sống của mình, được tiến cử vào chức phán sự đền Tản Viên, chịu trách nhiệm giữ gìn bảo vệ công lí. Chiến thắng ấy của Ngô Tử Văn có nghĩa vô cùng to lớn, đã trừng trị đích đáng hồn ma tướng giặc xảo trá, làm sáng tỏ nỗi oan khuấ, phục hồi chức vị cho thổ thần nước Việt, giải trừ tai họa cho nhân dân.
Qua cuộc đấu tranh không khoan nhượng, chống lại cái ác, Ngô Tử Văn đã nổi bật lên là người chính trực, khảng khái, dũng cảm bảo vệ công lí đến cùng, là một kẻ sĩ cứng cỏi của nước Việt. Từ đó, tác giả Nguyễn Dữ đã khẳng định niềm tin chính nghĩa nhất định thắng gian tà, thể hiện tinh thần tự tôn dân tộc, bộc lộ quyết tâm đấu tranh triệt để với cái xấu cái ác.
Truyện thông qua cuộc đấu tranh của Ngô Tử Văn còn ngầm phản ánh thế giới thực của con người với đầy rẫy sự việc xấu xa như nạn ăn của đút,tham quan dung túng che dấu cho cái ác hoành hành, công lí bị che mắt.
Truyện gây ấn tượng bằng một loạt những chi tiết kì ảo, cốt truyện giàu kịch tính, cách xây dựng nhân vật sắc nét, ngôn ngữ kể chuyện trau chuốt, súc tích. Truyện ca ngợi nhân vật Ngô Tử Văn, một trí thức nước Việt khảng khái, nhân cách cứng cỏi, cao đẹp, qua đó bộc lộ niềm tin vào công lí, vào việc chính thắng tà.
Đề bài: Hãy viết 1 bài văn thuyết minh để giới thiệu về 1 tác giả, tác phẩm hoặc một thể loại văn học mà em yêu thích
Nguyễn Trãi (1380-1442) là một nhà nho uyên bác, một nhà quân sự đa tài, một nhà chính trị sáng suốt, một nhà ngoại giao lỗi lạc … của nưóc ta, hơn thế nữa ông còn được UNESCO công nhận là danh nhân văn hoá thế giới (1980). Nguyễn Trãi ko nhưng đựơc người nguời khâm phục ở tài quân sự mà còn khâm phục ông là một người tận trung ái quốc, yêu mến quê hưong đất nước tha thiết. Văn võ song toàn, cống hiến suốt đời và đóng góp to lớn cho sự nghiệp cứu và dựng nước, đáng là bậc anh hùng nước ta. Với ~ chiến lược quân sự tài ba, lời lẽ chau chuốt của một nhà ngoại giao chính trị, lời văn mượt mà tha thiết của một nhà văn hóa, Luôn “lo trước điều thiên hạ phải lo, vui sau cái vui của thiên hạ”, Nguyễn Trãi lúc nào cũng sống một cuộc đời giản dị, cần kiệm liêm chính. Nguyễn Trãi đáng là một đại văn hào của dân tộc Năm 1407, giặc Minh sang xâm lăng nước ta. Năm 1417, tại núi rừng Lam Sơn, Thanh Hóa, Lê Lợi phất cờ khỏi nghĩa xưng là Bình Định Vương. Trải qua mưòi năm kháng chiến vô cùng gian lao và anh dũng, nhân dân ta quét sạch quân Minh ra khỏi bờ cõi. Mùa xuân năm 1428 thay lời Lê Lợi, Nguyễn Trãi thảo “Đại cáo bình Ngô” để tuyên cáo kết thúc cuộc kháng chiến chống Minh, giành lại độc lập cho Đại Việt.
Đại cáo bình Ngô hay một áng văn lớn bình phẩm về bọn “cuồng Ngô” T/p được viết bằng thể Cáo. Là thể văn nghị luận có thừ thời cổ ở Trung Quốc, thường được vua chúa hoặc thủ lĩnh dùng để trình bày một chủ trương, một sự nghiệp, tuyên ngôn một sự kiện để mọi người cùng biết. Trong thể cáo, có các loại văn đại cáo mang ý nghĩa một sự kiện trọng đại, có tính chất quốc gia. Cáo có thể được viết bằng văn biền ngẫu, không có vần hoặc có vần, thường có đối, câu ngắn không gò bó, mỗi cặp hai vế đối nhau. Cũng như hịch , cáo là thể căn hùng biện, do đó lời lẽ đanh thép, lí luận phải sắc bén, kết cấu phải chặt chẽ, mạch lạc.
“Đại cáo bình Ngô” là một “thiên cổ hùng văn”, là bản tuyên ngôn độc lập thể hiện khí phách của dân tộc ta. Khẳng định sức mạnh nhân nghĩa Đại Việt căm thù lên án tội ác ghê tởm của quân Minh, ca ngợi những chiến công oanh liệt thuở “Bình Ngô”, tuyên bố đẩt nước Đại Việt bước vào kỳ nguyên mới độc lập, thái bình bên vững muôn thuở. Đánh giá đầy đủ súc tích, sắc sảo về cuộc kháng chiến chống Minh gian khổ suốt mưòi năm trời mà nhân dân Đại Việt đã tiến hành dưới sự lãnh đạo của người anh hùng dân tộc Lê Lợi. Xuyên suốt tác phẩm là sự kết hợp hài hòa giữa nguyên lí nhân nghĩa và yêu nước, thương dân. Đó là nguyên lí lớn nhất của dân tộc ta, cũng là cái nguyên tắc lớn nhất mà ông tuân theo. Việc nhân nghĩa phải có tác dụng yên dân và khẳng định rằng việc khiến yên dân chính là việc nhân nghĩa. Đồng thời khẳng định yên dân là làm cho dân được yên, ăn yên, ở yên, sống yên; làm cho nhân dân yên vui, khắp mọi nơi không có tiếng than vãn oán hờn. Quá trình phát triển bài văn cũng là để phát triển tư tưởng ấy. Tư tưởng nhân nghĩa, tiêu chuẩn yên dân trong suốt bài văn, mặc dầu không được nhắc lại, nhưng vẫn sáng lấp lánh cả tác phẩm.
Đoạn một tác giả nêu luận đề chính nghĩa dựa trên mối quan hệ giữa ba yếu tố là nhân nghĩa, đất và nước. Đồng thời nêu lên truyền thống vẻ vang của dân tộc và khẳng định chủ quyền độc lập dân tộc. Chân lí về sự độc lập dân tộc đứng trên lập trưòng chính nghĩa.
Đoạn 2: vạch trần tội ác của bọn giặc điên cuồng. Như là một bản cáo trạng đanh thép tố cáo tội ác khủng khiếp của giặc Minh trong 20 năm trên đất nước Đại Việt.
Đoạn 3: Kể lại quá trình chinh phạt gian khổ và tất thắng của cuộc khởi nghĩa. Ở đây tác giả tập trung khắc họa hình tượng Lê Lợi với cách xưng hô thể hiện sự khiêm nhường. Nêu lên nhưng phẩm chất tốt đẹp với tinh thần vượt khó kiên trì, lòng căm thù giặc sâu sắc, biết tập hợp và đoàn kết tòan dân, có chiến lược và chiến thuật tài tình, nêu cao ngọn cờ nhân nghĩa. Cho ta thấy đựơc Lê Lợi là hình ảnh tiêu biểu của những nguời yêu nước dám hi sinh quên mình đứng lên chống ngoại xâm, bảo vệ độc lập tự do của dân tộc. Bài Cáo tập trung làm sáng rõ vai trò của một tập thể anh hùng trong quá trình kháng chiến. Tác giả còn sử dụng cách liệt kê để làm sáng rõ nhịp độ dồn dập của những trân chiến thắng.
Đoạn 4: tuyên bố kết thúc chiến tranh mở ra một kỉ nguyên mới hòa bình và phát triển.
Đại cáo bình Ngô là áng văn chính luận với nghệ thuật chính luận tài tình, cảm hứng trữ tình sâu sắc. Tác giả đã sử dụng phép liệt kê để làm sáng rõ nhịp độ dồn dập của những trân chiến thắng. Cuối bài với nhịp thơ dàn rải, trang trọng để khẳng định thế suy thịnh là tất yếu. Để đảm bảo vừa tăng cường sức thuyết phục vừa đạt được tính cô đọng, hàm súc của ngôn từ văn chương, Nguyễn Trãi đã sử dụng đan xen, kết hợp hài hòa giữa hình ảnh mang tính chất khái quát với những hình ảnh có tính cụ thể, sinh động. Bài Cáo có sự kết hợp hài hòa giữa tư duy logic và tư duy hình tượng. Tư duy logic được thể hiện qua hệ thống luận điểm, trình tự lập luận chặt chẽ. Mở đầu nêu lên tiền đề có tính chất nguyên lí, chân lí làm chỗ dựa về mặt lí luận và để triển khai lập luận trong những phần sau. Tiếp đến tác giả soi tiền đề vào thực tế, chỉ ra tội ác của giặc Minh để lên án, tố cáo, đồng thời nêu sự nghiệp chính nghĩa của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn để khẳng định, ca ngợi. Phần cuối, tác giả rút ra kết luận dựa trên cơ sở tiền đề và thực tiễn. Tư duy hình tượng thể hiện qua việc Nguyễn Trãi thường diễn đạt những cảm xúc, suy tư bằng hình tượng nghệ thuật. Tác giả đã sử dụng các hình ảnh nghệ thuật rất đa dạng và phong phú để nói lên tình cảm thê thảm của người dân vô tội, tố cáo tội ác của giặc cuồng Minh, diễn tả sự thất bại của quân địch, tạo nên khung cảnh chiến trường. Nhằm mục đích làm cho câu văn thêm sức truyền cảm, tác động cả vào nhận thức, cả vào tình cảm của người đọc.
Đại cáo bình Ngô một “áng văn chương muôn đời bất hủ” trong kho tàng văn học nước nhà. Lên án tội ác dã man của bọn giặc điên cuồng đồng thời khẳng định sức mạnh của nguyên lí nhân nghĩa và chủ quyền độc lập của dân tộc. Bài cáo đã để lại cho đời tư tưởng nhân nghĩa, yêu nước, yên dân thì phải trừ bạo. Lấy nhân nghĩa làm tiêu chí phấn đấu để xây dựng một đất nước hòa bình hùng mạnh. Đồng thời thức tỉnh cho những kẻ gây nên nhưng tội ác trắn trợn. Răng đe những kẻ có ý định, mưu đồ bất chính. Tác phẩm có giá trị ngàn đời cả về mặt nội dung và nghệ thuật.