Bài viết số 3 - Văn lớp 9

Nội dung lý thuyết

Các phiên bản khác

ĐỀ BÀI THAM KHẢO

Đề 1: Hãy kể về 1 lần trót xem nhật ký của bạn.

Đề 2: Hãy tưởng tượng mình gặp gỡ và trò truyện với người lính lái xe trong bài thơ về tiểu dội xe không kính của Phạm Tiến Duật. Viết bài văn vế cuộc gặp gỡ và trò chuyện đó.

Đề 3: Nhân ngày 20/11, kể cho các bạn nghe về một kỉ niệm đáng nhớ giữa mình và thầy, cô giáo cũ.

Đề 4: Kể về cuộc gặp gỡ với các anh bộ đội nhân ngày thành lập quân dội nhân dân Việt Nam (22/12). Trong buổi gặp đó,em được thay mặt các bạn phát biểu những suy nghĩ của thế hệ mình về thế hệ anh đã chiến đấu, hi sinh đễ bảo vệ tổ quốc.

BÀI VIẾT THAM KHẢO

Đề 1: Hãy kể về 1 lần trót xem nhật ký của bạn.

Bài làm

           Nhật ký là nơi mà mỗi chúng ta gửi vào đó tất cả tâm tư, tình cảm của mình mỗi ngày. Nhật ký là góc nhỏ riêng tư nhất, thầm kín nhất của riêng mình bạn, chẳng ai có quyền xâm phạm. Vậy mà tôi lại đi đọc nhật ký của người bạn thân nhất của mình.

           Lê là cô bạn gái thân thiết nhất của tôi. Thế nhưng, tính cách của Lê lại trái ngược hẳn với tôi. Tôi là một người cực kỳ vui vẻ và lạc quan. Lê thì trầm lặng, e dè, ít nói. Dù hai đứa chơi thân với nhau đã lâu, nhưng cái cảm giác chưa hiểu hết về Lê luôn thôi thúc trong tôi ý muốn tìm hiểu thêm về Lê bằng mọi cách. Sự tò mò ấy đã khiến tôi phạm phải một lỗi lầm không thể tha thứ được. Đó là xem trộm nhật ký của Lê.

            Hôm ấy, tôi và Lê cùng hẹn nhau học nhóm tại nhà Lê. Tôi đã lên đến tận phòng mà Lê chẳng hề hay biết, vẫn cắm cúi viết vào một cuốn sổ màu hồng khá dày. Đến khi tôi chào Lê thì Lê bỗng giật mình, tỏ ra lúng túng, vừa giấu vội quyển sổ vào trong tủ vừa nói:

 - Lan đấy à, làm Lê hết cả hồn luôn!

Đúng lúc ấy, có tiếng mẹ Lê gọi từ dưới lầu, bảo Lê xuống mang bánh và nước lên để hai đứa học nhóm cho thoải mái. Lê bảo tôi ngồi chờ rồi líu ríu chạy xuống. Tôi nghĩ thầm trong bụng:

- Nhật ký à? Đọc một chút không biết có sao không nhỉ?

         Tôi rón rén như kẻ ăn trộm, mở tủ lấy quyển nhật ký ra. Bàn tay tôi cứ nửa như muốn lật từng trang, nửa như muốn cất nó đi vì không muốn xâm phạm đến bí mật riêng tư của người khác. Tôi giật thót tim khi nghe tiếng bước chân Lê bước lên cầu thang. Tôi vội vàng cất quyển nhật ký vào chỗ cũ rồi giả vờ như đang đọc cuốn sách toán một cách chăm chú. Lúc ấy, tim tôi đập nhanh ghê lắm. May mà Lê không phát hiện ra.

          Suốt buổi hôm ấy, tôi chẳng thể tập trung vào học được. Quyển nhật ký lúc nãy vẫn tiếp tục khơi gợi trí tò mò của tôi. Lê viết gì trong cuốn sổ ấy nhỉ? Tôi lén nhìn gương mặt của bạn tôi. Có lẽ vì chơi thân với nhau khá lâu nên tôi và Lê trông hơi giống nhau, cùng làn da trắng mịn, cùng mái tóc đen dài thẳng mượt. Điều duy nhất khác biệt giữa hai chúng tôi là đôi mắt, cửa sổ tâm hồn. Mọi người đều bảo đôi mắt tôi tròn xoe, luôn ánh lên những nét rạng rỡ khi có niềm vui. Còn đôi mắt Lê thì rất đẹp với đôi hàng mi cong vút, nhưng lúc nào cũng đượm buồn. Chỉ cần đọc cuốn nhật ký ấy thì tôi đã có thể biết được hết những gì ẩn chứa trong đôi mắt ấy. “Đọc một chút thôi, chỉ một chút thôi chắc không sao đâu”. Tôi nghĩ thầm và quyết tâm thực hiện ý định ấy.

          Hôm sau, biết Lê phải đi học thêm trước giờ học nhóm, tôi bèn đến nhà Lê sớm hơn thường lệ. Quyển nhật ký của Lê vẫn cất trong chiếc tủ ấy. Bàn tay tôi run run lần giở từng trang:

“Ngày… tháng… năm…

Hôm nay là ngày đầu tiên của mình ở trường cấp hai. Mình cảm thấy thật vui vì đã có một cô bạn đáng yêu đến làm quen với mình. Nhật ký biết không, bạn ấy như một thiên thần hạnh phúc vì đã giúp mình thoát khỏi sự cô đơn và buồn chán khi lần đầu tiên bước vào môi trường xa lạ này. Một tình bạn khởi đầu thật đẹp. Mong là sẽ luôn như thế.”

“Ngày… tháng… năm…

Nhật ký ơi, mình buồn quá! Mình đã hy vọng vào tình bạn này thật nhiều. Thế mà hôm nay Lan lại bảo rằng không thể nào chịu được sự lặng lẽ của mình. Lan nói đôi mắt đượm buồn của mình luôn khiến Lan lo lắng nhưng mình không bao giờ chịu nói lý do để Lan yên tâm. Lan ơi, hãy thông cảm cho mình nhé. Mình đã thật có lỗi khi không nói ra sự thật về gia đình mình cho Lan biết. Ba mẹ mình đã ly dị nhau từ hồi mình mới ba tuổi. Ba mình không đi công tác nước ngoài như mình từng kể với Lan. Thật ra, ba mình đã có gia đình riêng ở xa lắm. Mình luôn muốn được gọi tiếng “ba”, được ba chăm sóc, chiều chuộng như ba Lan thương yêu Lan vậy. Đôi khi mình ganh tỵ với Lan lắm, Lan biết không. Xin Lan hãy tha lỗi cho Lê nhé!”

“Ngày… tháng… năm…

Mình và Lan đã làm hòa với nhau rồi. Lan luôn dặn mình phải lạc quan hơn, cười nhiều hơn và sống vui vẻ hòa đồng hơn. Mình biết Lan rất yêu quý mình. Từ nay mình phải luôn cười và yêu đời mới được. Tại sao không cười vì hạnh phúc khi mình có một người bạn tuyệt vời như Lan.”

Đọc đến đây, tôi không thể đè nén những cảm xúc của mình nữa. Tôi cất cuốn nhật ký vào chỗ cũ rồi xin phép mẹ Lê về nhà. Về đến phòng mình, tôi nằm trên giường và khóc thật nhiều. Khóc vì thương bạn tôi phải chịu những nỗi buồn như thế, khóc vì Lê hết mực yêu quý tôi mà tôi lại lén lút đọc nhật ký của bạn ấy.

         Ngay sau đó, vừa đi học thêm về, Lê đã sang thăm tôi ngay vì nghĩ rằng tôi bị bệnh. Lúc ấy, tôi đã ôm chầm lấy Lê, nói trong nước mắt:

- Lê ơi, mình xin lỗi cậu nhé! Tụi mình là bạn tốt của nhau mãi nha!

Lê ngạc nhiên, rồi cũng ôm chầm lấy tôi. Lê đâu biết tôi đã làm gì. Nhưng có một điều mà cả tôi và Lê đều biết. Đó là hai đứa đã là bạn tri kỷ của nhau rồi.

       Thế là sau bao suy nghĩ sai lầm, thật may mắn rằng điều đó đã dẫn đến một tình bạn đẹp nhất mà chúng tôi từng có. Nhưng chắc chắn rằng nếu có lần sau, tôi sẽ không bao giờ phạm phải cái sai lầm rất lớn là đọc trộm nhật ký của ai đó. Mỗi người đều có một khoảng trời riêng mà chúng ta phải tôn trọng. Sự thiện chí và chân thành sẽ giúp con người dần hiểu nhau và yêu thương nhau nhiều hơn.

Đề 2: Hãy tưởng tượng mình gặp gỡ và trò truyện với người lính lái xe trong bài thơ về tiểu dội xe không kính của Phạm Tiến Duật. Viết bài văn vế cuộc gặp gỡ và trò chuyện đó.

Bài làm

           Chiến tranh chống đế quốc Mĩ xâm lược kết thúc cách đây đã gần 40 năm (1975 – 2014), nhưng ấn tượng về một thời đau thương và oanh liệt đã khắc sâu trong tâm khảm của mỗi người dân Việt Nam, không thể nào quên. Trong những năm tháng hào hùng ấy, ông nội em và hai người bác ruột của em cũng tham gia vào sự nghiệp cách mạng giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Ông nội đã từng là binh trạm trưởng của một binh trạm,trên tuyến đường mòn Hồ Chí Minh huyền thoại. Giờ đây, ông là Hội trưởng Hội cựu chiến binh của huyện Phong Châu. Trong số người ngày trước từng là lính của ông, em thích nhất bác Đạt vì bác ấy hay kể chuyện về những ngày tháng chiến đấu ở Trường Sơn. Điều thú vị hơn cả là bác Đạt chính là một nhân vật trong Bài thơ về tiểu đội xe không kính của nhà thơ quân đội Phạm Tiến Duật.

           Bác Đạt kể rằng sau khi giặc Mĩ mở rộng chiến tranh ra miền Bắc, chúng đã dùng hàng ngàn chiếc máy bay thả bom phá hoại các công trình như nhà máy, xí nghiệp, kho tàng, bến bãi, mục tiêu quân sự… thậm chí cả bệnh viện, trường học và khu dân cư với mục đích “đưa miền Bắc trở về thời kì đồ đá”, hủy diệt hậu phương lớn của tiền tuyến lớn miền Nam. Nhưng bất chấp đau thương, tang tóc, nhân dân miền Bắc vẫn nêu cao tinh thần “Tất cả vì miền Nam ruột thịt”. Lớp lớp thanh niên lên đường tòng quân, xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước. Bác Đạt lúc đó đang học đại học cũng tình nguyện rời giảng đường ra mặt trận.

           Sau một lớp huấn luyện ngắn ngày, bác được phân công về một tiểu đội xe vận tải chuyên chở vũ khí, đạn dược và những thứ hàng hóa đặc biệt phục vụ chiến trường. Con đường mòn xuyên Trường Sơn đã trở thành con đường giao thông huyết mạch. Hàng vạn thanh niên xung phong làm nhiệm vụ mở đường, phá bom, bắc cầu, dẫn lối cho xe ra tiền tuyến, với khẩu hiệu thể hiện một quyết tâm cao độ: “Giặc phá, ta cứ đi”.

          Suốt mấy năm ròng, không thể nào đếm hết những trận mưa bom máy bay Mĩ ném xuống con đường nhưng từng đoàn, từng đoàn xe màu xanh được nguy trang bằng lá cây vẫn xuyên rừng, băng băng tiến lên phía trước.

           Mất mát, hi sinh là tất yếu. Những chiếc xe từ trong bom rơi đạn nổ đã về đây họp thành tiểu đội xe không kính, chẳng chiếc xe nào nguyên vẹn vì đã trải qua bao lần bị máy bay giặc rượt đuổi, bắn phá. Đã thế, khí hậu ở Trường Sơn lại vô cùng khắc nghiệt. Đường Trường Sơn mưa lầy, nắng bụi. Xe không kính, người lái cực khổ gấp mấy lần. Ngày mưa, ngồi trong ca bin mà vẫn bị mưa tuôn, mưa xối vào người ướt sũng như ngồi ngoài trời. Nhưng ướt thì mặc ướt, các chiến sĩ vẫn tiếp tục lái xe chạy hàng trăm cây số nữa. Họ bảo nhau rằng không cần nghỉ, bởi mưa mãi cũng phải ngừng; gió lùa, quần áo sẽ khô thôi. Mưa đã khổ vậy, nắng cũng chẳng sướng hơn. Bụi Trường Sơn mùa khô mù mịt như lốc cuốn. Xe không kính, chỉ cần chạy một quãng là cánh lái xe bị bụi phun tóc trắng như người già. Toàn thân phủ đầy bụi, riêng đôi mắt các chiến sĩ vẫn sáng lên vẻ trẻ trung, tinh nghịch. Bụi kệ bụi, chưa cần rửa mặt làm gì! Châm điếu thuốc, chuyền tay nhau phì phèo, anh nọ cười anh kia mặt lấm. Tiếng cười ha ha vui nhộn vang khắp rừng già. Bao gian nan mệt nhọc tan biến cả.

           Cứ thế, ngày lại ngày, các chiến sĩ lái xe kiên cường, dũng cảm, thông minh đối đầu với bom đạn giặc, chở những chuyến hàng tiếp viện cho đồng bào miền Nam đánh Mĩ. Xe ra, xe vào, qua ô kính vỡ, những cái xiết tay của đồng đội vội vã nhưng rất chặt, truyền hơi ấm và quyết tâm chiến đấu cho nhau.

            Bác Đạt kể đời chiến sĩ lái xe ra mặt trận lắm gian nan, nhiều thử thách nhưng cũng không thiếu niềm vui và những kỉ niệm đẹp đẽ. Mỗi lần giao xong một chuyến hàng, tâm hồn phơi phới như được chắp cánh bay. Đồng đội quây quần bên nhau, cùng ăn bữa cơm nấu vội. Cánh võng chông chênh, đong đưa theo nhịp bánh xe lăn. Xe không kính lúc này lại hóa ra tiện lợi. Người chiến sĩ lái xe như được gần gũi, gắn bó với thiên nhiên hơn. Ban ngày thì cánh chim, ban đêm thì sao trời, như sa, như ùa vào buồng lái. Trên đầu là bầu trời xanh cao vời vợi. Thơ mộng biết chừng nào! Cận kề cái chết nhưng không ai thối chí, nản lòng. Dẫu không kính, rồi không đèn, không mui… thì xe vẫn hướng về phía trước – tiền tuyến lớn miền Nam; chỉ cần trong xe có một trái tim sôi sục dòng máu nóng yêu nước và nhiệt tình cách mạng.

         Những câu chuyện của bác Đạt tác động rất nhiều đến suy nghĩ và tình cảm của em. Em tự hào về thế hệ ông cha đã lập nên những chiến công và vinh quang lừng lẫy, đánh gục tên đế quốc tự xưng là hùng mạnh nhất thế giới; tôn vinh tên tuổi của dân tộc và đất nước Việt Nam trước toàn nhân loại. Ngày nay, đường mòn Hồ Chí Minh năm xưa, đã được mở mang thành đại lộ Hồ Chí Minh xuyên suốt chiều dài Tổ quốc. Em ao ước có dịp được đi trên con đường huyền thoại ấy để hiểu sâu hơn và thấm thìa hơn về giá trị của hai chữ tự do thiêng liêng mà các thế hệ đi trước đã phải đổ bao nhiêu máu xương mới giành lại được.

Đề 3: Nhân ngày 20/11, kể cho các bạn nghe về một kỉ niệm đáng nhớ giữa mình và thầy, cô giáo cũ.

Bài làm

Các bạn thân mến!

Trong đời học sinh, ai cũng có những kỉ niệm vui buồn về thầy cô, bè bạn. Có những kỉ niệm sâu sắc đến mức nó sẽ theo ta suốt cả cuộc đời. Sau đây, tôi sẽ kể cho các bạn nghe về một kỉ niệm như thế về thầy Đức, chủ nhiệm lớp 8A năm ngoái.

Thú thật với các bạn, tôi chẳng thể nào yêu thích nổi môn Toán. Không phải do thầy dạy dở mà là vì tôi dốt. Cho nên cứ đến giờ Toán là tôi cảm thấy chán ngán, đầu óc vẩn vơ đâu đâu. Lời thầy giảng vào tai nọ ra tai kia, chẳng đọng chút gì trong óc tôi cả. Nhìn các bạn giải bài tập vừa nhanh, vừa đúng, lại trao đổi với nhau hào hứng, sôi nổi, tôi phục lắm!

 Ấy thế nhưng tôi lại là “cây Văn” và “cây Anh văn” của lớp đấy nhé! Điểm 8, 9 hai môn này với tôi chỉ là chuyện thường thôi. Tôi tự hào về điều đó nên cũng hơi “kiêu”.

Nhiều lần, thầy Đức khuyên tôi không nên học lệch, phải cố gắng học các môn tự nhiên để đạt kết quả tốt hơn. Nếu không, sang năm lên lớp 9 là gay. Nghe lời thầy, tôi đã nhờ bạn Trí kèm thêm môn Lí và bạn Hùng kèm thêm môn Hoá. Còn thầy Đức, thầy sẵn sàng giảng lại thật kĩ những bài nào tôi chưa hiểu hoặc hiểu lơ mơ. Nhiệt tình của thầy khiến tôi cảm động. Tôi tự nhủ sẽ nghiêm túc và tự giác học tập để thầy vui.

Thê nhưng chuyện buồn lại xảy ra ngay sau đó. Mà nguyên nhân cũng lại do tính chủ quan, lơ là của tôi trong học tập.

Tôi còn nhớ hôm ấy là thứ năm. Đầu tiết 1, thầy Đức cho làm bài kiểm tra 15 phút về lí thuyết của bài Hình học tuần trước. Tôi hoảng sợ và lúng túng mất hồi lâu vì đã quên hết cả. Nhìn sang bên cạnh, các bạn đang chăm chú viết. Tôi loay hoay cô vắt óc nhớ lại nhưng nội dung định lí cứ trốn đâu mất cả. Năm phút trôi qua. Mồ hôi đã bắt đầu rịn ra trên trán và chảy dọc sống lưng tôi.

Bất chợt, trong đầu tôi loé lên một tia sáng và tôi bám chặt lấy nó như người chết đuối vớ được phao: Giờ Hình tuần trước, tôi quên mang theo vở nên đã chép bài vào cuốn nháp, mà cuốn nháp thì tôi đang dùng để kê tờ giấy làm bài kiểm tra. May quá! Nhân lúc thầy nhìn sang dãy bàn bên trái, tôi lật giở rất nhanh, tìm đúng chỗ và cố giữ vẻ mặt thản nhiên, tôi chép lia chép lịa, không sót chữ nào.

Thầy Đức báo đã hết giờ kiểm tra. Bạn Hùng lớp trưởng đi thu bài mang lên nộp cho thầy. Tôi thở phào nhẹ nhõm vì hành động gian dối không bị ai phát hiện. Tuy thế, trong thâm tâm, tôi vẫn lo lắng.

Đúng một tuần sau, thầy Đức trả bài. Tôi đi học muộn, chẳng dám vào, đành ngồi nép dưới chân tường chỗ cửa sổ cuối lớp. Tiếng thầy Đức nói, tôi nghe rõ mồn một:

– Hôm nay, thầy tuyên dương bạn Hải đã có tiến bộ vượt bậc. Hải rất thuộc bài. Thầy cho Hải điểm 10 toán đầu tiên. Rất tiếc, Hải không có mặt ở đây! Các em hãy học tập tinh thần phấn đấu vươn lên của Hải!

Trời ơi! Giá như lúc ấy đất dưới chân tôi nứt ra để tôi chui xuống trốn thì hay biết mấy! Tôi xấu hổ vô cùng và không ngớt thầm mắng nhiếc mình là đồ dối trá vô liêm sỉ. Cũng may mà đi học muộn chứ nếu ở trong lớp lúc này, chỉ cần các bạn nhìn tôi bằng ánh mắt nghi ngờ và giễu cợt thì tôi cũng đủ “chết đứng” rồi!

Tôi lom khom cúi rạp xuống để không ai phát hiện ra rồi len lén vòng qua hồ nước, ngồi ở đó chờ hết tiết Toán mới dám vào. Vừa thấy tôi, đám bạn trai cùng bàn hét tướng lên: Hải được 10 điểm Toán, chuyện lạ thế giới! Tâm đưa bài cho tôi. Tôi giật phắt lấy rồi cất ngay vào cặp, cúi mặt chẳng dám nhìn ai.

Cái điểm 10 không xứng đáng ấy hành hạ tôi đến mức ăn không ngon, ngủ không yên. Nửa tháng sau, tôi đã gặp thầy Đức, trình bày mọi chuyện và thành thật xin lỗi thầy, mong thầy giữ kín. Thầy Đức hứa và đã giữ đúng lời hứa. Thầy tha lỗi cho tôi, khen tôi dám dũng cảm nhận khuyết điểm như vậy là tốt.

Từ đó, tôi đề ra cho bản thân một nội quy học tập khá chặt chẽ, nghiêm túc. Các bạn thấy đấy, học kì I vừa qua, điểm kiểm tra các môn tự nhiên và xã hội của tôi chênh nhau không đáng kể. Được kết quả như vậy, tôi biết ơn thầy Đức rất nhiều bởi thầy đã kiên trì giúp đỡ và động viên tôi học tập. Có được một người thầy tận tụy, hết lòng vì học sinh như thế, quý biết bao, phải không các bạn?!

Đề 4: Kể về cuộc gặp gỡ với các anh bộ đội nhân ngày thành lập quân dội nhân dân Việt Nam (22/12). Trong buổi gặp đó,em được thay mặt các bạn phát biểu những suy nghĩ của thế hệ mình về thế hệ anh đã chiến đấu, hi sinh đễ bảo vệ tổ quốc.

Bài làm

          Trong chúng ta chắc hẳn ai cũng biết ngày 22-12 là ngày gì. Và ngày này có ý nghĩa lịch sử rất lớn đối với dân tộc, với đất nước và với mỗi con người Việt Nam chúng ta. Nó không chỉ trở thành ngày lễ của các chú, các bác trong quân ngũ mà nó còn là ngày vui chung của mọi người trên đất nước Việt Nam.

           Để kỉ niệm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, giáo dục học sinh truyền thống lịch sử lâu dài của dân tộc, trường em đã tổ chức một buổi tham quan Viện Bảo tàng Quân đội. Chuyến đi này đã để lại cho em nhiều ấn tượng sâu sắc và nhiều bài học lí thú, bổ ích. Hơn thế nữa, trong buổi tham quan này, chúng em đã được vào Phòng Truyền thống của Viện bao tàng, gặp gỡ những con người đã đi vào lịch sử dân tộc: Đại tá Bùi Quang Thận – người trực tiếp lái xe tăng tiến thẳng vào Dinh Độc lập Ngày 30 - 4; Đại tá Lê - người trực tiếp kéo cờ trong ngày Quốc khánh 2-9.

Cuộc trò chuyện thật là vui vẻ, bổ ích. Chúng em quây quanh hai bác.

Gương mặt ai ai cũng hớn hở lạ thường; bởi trong lòng mỗi người đều có niềm hãnh diện đã được gặp mặt những người anh hùng trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Linh Hương – lớp trưởng đứng lên thay mặt cả lớp hỏi thăm sức khỏe của các bác. Nhìn những tấm huân chương sáng lấp lánh trên ngực áo, em thấy một phần công lao của các bác trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng đất nước. Bác Lê dịu dàng hỏi:

- Thế nào, các cháu khỏe chứ? học tập ra sao?

- Có ạ, có ạ! Học kì một, lớp cháu hầu hết đều được học sinh giỏi, hạnh kiếm tốt đấy bác ạ. – Cả lớp nhao nhao.

- Thế là rất tốt, rất tốt. Các cháu đã thực hiện tốt năm điều Bác Hổ dạy, ngoan lắm! Bác Lê gật gù:

Bây giờ các cháu muốn hỏi gì nào?

Một loạt cánh tay giơ lên nhưng Quý nhanh nhảu giơ tay lên trước:

- Bác ơi! Tại sao có ngày 22 - 12 ạ?

Bác Thận gật đầu, mĩm cười rồi trả lời:

- Thế này cháu ạ! Vào ngày 7 - 5 - 1944, Tổng bộ Việt Minh ta ra chỉ thị cho các cấp sửa soạn khởi nghĩa và kêu gọi nhân dân “sắm vũ khí đuổi thù chung”. Không khí lúc bấy giờ sôi sục trong tất cả các khu căn cứ. Chính bác cũng cảm nhận được bầu không khi bận rộn. Tình hình thời cuộc lúc này rất khẩn trương, vào khoảng tháng 10-1944, lãnh tụ Hồ Chí Minh đã gửi thư cho đồng bào toàn quốc nêu rõ “Phe xâm lược gần đón ngày bị tiêu diệt… Cơ hội cho dân tộc ta giải phóng chỉ ở trong một năm hoặc năm rưỡi nữa. Thời gian rất gấp. Ta phải làm nhanh!”. Sau đó, theo chỉ thị của Cụ Hồ, Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân được thành lập ngày 22- 12-1944 nhằm phát động phong trào đấu tranh cả chính trị và quân sự để thúc đẩy quá trình cách mạng tiến lên mạnh mẽ hơn nữa. Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân đã đánh thắng liên tiếp hai trận ở Phay Khắt và Nà Ngần. Từ đó ngày 22-12-1944 đã trở thành ngày truyền thống của Quân đội nhân dân Việt Nam. Các cháu đã rõ chưa nào?

        Bây giờ thì em đã hiểu xuất xứ ngày 22-12 qua lời kể của bác Thận, hiểu về truyền thống yêu nước và ý chí chiến đấu bảo vệ đất nước của dân tộc và đặc biệt là các chú, các bác trong quân đội. Càng hiểu nơi bắt đầu thì càng phải trân trọng, càng cần phải khắc ghi nó vào tiềm thức. Đó cũng là việc làm thể hiện lòng biết ơn của mình đối với các bậc tiền bốì đã hi sinh để ngày lễ này càng có ý nghĩa và sâu sắc.

Kế tiếp là câu hỏi của Trang dành cho bác Lê:

- Thưa bác? Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập tại Quảng trường lịch sử Ba Đình, bác là người trực tiếp kéo cờ Việt Nam lên cột cờ trong lúc mọi người hát Quốc ca. Cho cháu hỏi: Tâm trạng của bác lúc ấy như thế nào ạ?

- Đúng là lúc ấy bác giữ trọng trách nặng nề. Bác vừa mừng lại vừa lo. Các cháu có biết vì sao không? Mừng vì bác là người trực tiếp kéo cờ trong một buổi lễ hết sức quan trọng; rất vinh dự và tự hào. Lo là vì phải kéo cờ làm sao cho vừa hết bài Quốc ca thì cờ cũng phải kéo lên đỉnh cột cờ. Trong lúc đang kéo cờ thì bác có một cảm xúc rất khó tả nhưng vô cùng mãnh liệt: Sự xúc động đã lấn át trái tim bác. Lòng bác như muốn nói thật to: Việt Nam tự do! Việt Nam độc lập! Hồ Chủ tịch muôn năm!”.

           Khuôn mặt bác thể hiện rõ nỗi xúc động cứ đan xen vào nhau. em thấu hiếu rằng ngày 2 - 9 có ý nghĩa cực kì to lớn trong mỗi con người Việt Nam, làm đẹp thêm tâm hồn con người và làm vẻ vang thêm trang sử hào hùng của dân tộc Việt. Khuôn mặt mỗi thành viên của lớp 9A6 cũng khác nhau. Có người bộc lộ nét tươi tắn, sung sướng, hãnh diện và tự hào vì đất nước ta đã giành chiến thắng từ tay thực dân Pháp bằng rất nhiều nỗ lực phi thường, cũng có bạn vẻ mặt trầm tư, suy nghĩ. Có lẽ bạn đang nghĩ, để có được hòa bình, độc lập như hôm nay, dân tộc ta đã đổ không biết bao nhiêu xương máu, bao con người đã ngã xuống cho Tổ quốc quyết sinh.

         Sau đó, bác Thận lại kể cho chúng em nghe về chiến thắng lịch sử ngày 30-4. Nhờ có lời kể của bác mà chúng em biết được chiến thắng lẫy lừng với sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, tinh thần yêu nước nồng nàn của nhân dân ta và sự giúp đỡ to lớn của bạn bè năm châu.

         Chính lúc này đây, em thật sự cảm động. Sự biết ơn, niềm tự hào, một chút hãnh diện, một chút hổ thẹn đã tạo nên trong lòng em một cảm xúc khó tả. Em đứng lên phát biểu những suy nghĩ và tình cảm của mình.

         Cháu xin thay mặt cho các bạn ngồi đây có đôi lời phát biểu. Thế hệ chúng cháu may mắn sinh ra đã được hưởng một nền hòa bình. Chúng cháu biết, để có được ngày hôm nay, cả dân tộc Việt Nam đã phải đánh đổi rất nhiều. Chúng cháu rất biết ơn các bác, những người đã hi sinh biết bao công sức và xương máu để bảo vệ đất nước. Chúng cháu hứa nguyện sẽ nỗ lực rèn luyện, học tập và tu dưỡng đạo đức để mai sau xây dựng đất nước vững mạnh hơn. Và ngày mai bắt đầu từ ngàv hôm nay. Ngay bây giờ, khi còn ngồi trên ghế nhà trường, chúng cháu sẽ cố gắng học tập tốt, để khi vào đời góp phần đưa nước ta sánh vai với các cường quốc trên thế giới. Chúng cháu sẽ tiếp tục kế thừa và phát huy những truyền thống mà cha anh đi trước để lại. Cuối cùng, cháu xin chúc các bác một sức khỏe dồi dào để công tác tốt.

          Em vừa kết thúc câu nói, một tràng pháo tay rộn rã vang lên. Tiếp theo, chúng em cùng các bác đi thăm Viện Bảo tàng. Vừa đi, các bác vừa giảng giải cho chúng em về truyền thống yêu nước của dân tộc ta. Trời gần trưa, ánh nắng bắt đầu gay gắt, chúng em luyến tiếc chia tay các bác để lên xe ô tô trở về trường.

          Buổi ngoại khóa tuy kết thúc nhưng đã để lại trong lòng chúng em biết bao cảm xúc. Đối với riêng em, đây là một dịp để nói lên những suy nghĩ của mình với thế hệ cha anh đi trước, tăng thêm lòng quyết tâm và niềm tin vào một ngày mai tươi sáng hơn.