Bài viết số 1 - Văn lớp 6

Nội dung lý thuyết

Các phiên bản khác

MỤC LỤC - Bài viết số 1 - Văn lớp 6

Đề 1 : Kể lại một truyện đã biết (truyền thuyết, cổ tích) Bằng lời văn của em

Đề 2 : Em hãy kể tóm tắt truyện Sự tích Hồ Gươm

Đề 3: Kể về một người thân của em.


Mẫu Bài Số 1 : Kể lại một truyện đã biết (truyền thuyết, cổ tích) Bằng lời văn của em

Bài Làm
Các bạn Có biết vì sao nhân dân ta tự xưng là con Rồng cháu Tiên hay không? Điều đó có liên quan đến câu chuyện sau đây:
“Ngày xưa, ngày xửa từ lâu lắm rồi, ở vùng đất Lạc Việt, nay là Bắc Bộ nước ta có một vị thần. Thần là con của Thần Long Nữ, tên là Lạc Long Quân. Thần mình rồng sức khỏe vô địch, thường sống ở dưới nước. Thần giúp dân giệt trừ yêu quái như Ngư Tinh, Hồ Tinh, Mộc Tinh… Thần còn dạy dân cách trồng trọt, chăn nuôi và dạy dân cách ăn ở sao cho đúng nghĩa.. Khi làm xong thần trở về Thủy cung sống với mẹ lúc có việc cần mới hiện lên.
Bấy giờ, ở vùng núi cao phương Bắc, có vị tiên xinh đẹp tuyệt trần là con gái Thần Nông tên là Âu Cơ. Nàng nghe nói ở vùng Lạc Việt có nhiều hoa thơm cỏ lạ bèn tìm đến thăm. Lạc Long Quân và Âu Cơ gặp nhau đem lòng yêu nhau rồi trở thành vợ chồng chung sống ở Long Trang. Chung sống với nhau được chừng một năm, Âu Cơ mang thai. Đến kì sinh nở, Âu Cơ sinh ra một cái bọc trăm trứng, trăm trứng nở ra một trăm đứa con da dẻ hồng hào. Không cần bú mớm mà vẫn lớn nhanh như thổi mặt mũi khôi ngô tuấn tú, đẹp đẽ như thần. Cuộc sống hai vợ chồng đã hạnh phúc lại càng hạnh phúc hơn.
Một hôm, Lạc Long Quân chợt nghĩ mình là dòng giống nòi rồng sống ở vùng nước thẳm không thể sống trên cạn mãi được. Chàng bèn từ giã vợ và và con về vùng nước thẳm. Âu Cơ ở lại chờ mong Lạc Long Quân trở về, tháng ngày chờ đợi mỏi mòn, buồn bã. Nàng bèn tìm ra bờ biển, cất tiếng gọi:
- Chàng ơi hãy trở về với thiếp.
Lập tức, Lạc Long Quân hiện ra. Âu cơ than thở:
- Sao chàng bỏ thiếp mà đi, không ở lại cùng thiếp nuôi dạy các con nên người?
Lạc Long Quân bèn giải thích:
- Ta vốn dĩ rất yêu nàng và các con nhưng ta là giống nòi Rồng, đứng đầu các loài dưới nước còn nàng là giống tiên ở chốn non cao. Tuy âm dương khí tụ mà sinh con nhưng không sao đoàn tụ được vì hai giống tương khắc như nước với lửa. Nay đành phải chia lìa. Ta đem năm mươi người con xuống biển, nàng đưa năm mươi con lên núi, chia nhau cai quản các phương. Khi có việc cần phải giúp đỡ lẫn nhau, đừng bao giờ quên lời hẹn này.
Rồi Lạc Long Quân đưa năm mươi người con xuống nước còn Âu Cơ đưa năm mươi người con lên núi.
Người con trai trưởng đi theo Âu Cơ sau này được tôn lên làm vua và đặt tên nước là Văn Lang, niên hiệu là Hùng Vương. Mỗi khi vua chết truyền ngôi cho con trai trưởng. Cứ cha truyền cho con tới mười mấy đời đều lấy niên hiệu là Hùng Vương.”
Do vậy, cứ mỗi lần nhắc đến nguồn gốc của mình Người Việt chúng ta thường tự xưng là con Rồng cháu Tiên và thân mật gọi nhau là đồng bào vì ai cũng nghĩ mình là cùng một bọc sinh ra cho nên người trong một nước phải thương yêu nhau như vậy. Câu chuyện còn suy tôn nguồn gốc cao quý thiêng liêng của cộng đồng người Việt và tự hào về nguồn gốc của dân tộc mình

 Mẫu Bài Số 2 : Em hãy kể tóm tắt truyện Sự tích Hồ Gươm

Bài 1: 

Giặc Minh đô hộ nước ta, chúng gây ra nhiều bạo ngược, Lê Lợi dựng cờ tụ nghĩa tại Lam Sơn nhưng ban đầu yếu thế, lực mỏng nên thường bị thua. Đức Long Quân quyết định cho nghĩa quân mượn thanh gươm thần để giết giặc. 

Một người đánh cá tên là Lê Thận ba lần kéo lưới đều gặp một thanh sắt, nhìn kỹ hóa ra một lưỡi gươm. Sau đó ít lâu, Lê Lợi bị giặc đuổi, chạy vào rừng bắt được chuôi gươm nạm ngọc trên cây đa, đem tra vào lưỡi gươm ở nhà Lê Thận thì vừa như in, mới biết đó là gươm thần.

Từ khi có gươm thần, nghĩa quân đánh đâu thắng đấy, cuối cùng đánh tan quân xâm lược.

Một năm sau khi thắng giặc, Lê Lợi đi thuyền chơi hồ Tả Vọng : Long Quân sai Rùa Vàng lên đòi lại gươm thần. Từ đó, hồ Tả Vọng được đổi tên thành hồ Hoàn Kiếm.

 

Bài 2: 
Vào thời giặc Minh đặt ách đô hộ ở nước Nam, chúng coi dân ta như cỏ rác, làm nhiều điều bạo ngược.

Nghĩa quân Lam Sơn nhiều lần chống giặc nhưng đều bị thua. Thấy vậy Long Quân quyết định cho nghĩa quân mượn Gươm thần đề đánh giặc.

Lê Thận làm nghề đánh cá ở Thanh Hóa. Một đêm, Thận thả lưới trên bến vắng, ba lần kéo lưới lên đều thấy một thanh sắt nhận ra đó là lưỡi gươm liền đem nó về cất xó ở nhà. Sau đó Lê Thận đã hăng hái gia nhập nghĩa quân Lam Sơn. Một hôm, chủ tướng Lê Lợi cùng tùy tùng đến nhà Thận, hôm đó thanh gươm tự nhiên sáng rực lên. Lê Lợi cầm lên thấy có hai chữ “Thuận Thiên”.

Một lần đi qua khu rừng, thấy chuôi gươm nạm ngọc trên ngọn cây đa, Lê Lợi giắt vào lưng đem về. Ba ngày sau, Lê Lợi gặp lại mọi người đã kể lại chuyện bắt được chuôi gươm, Lê Thận đem gươm ra tra vào chuôi thì vừa như in. Lê Thận nâng gươm trao cho Lê Lợi vào nói rằng đây là trời có ý phó thác cho minh công làm việc lớn. Lê Lợi với gươm báu trong tay, cùng nghĩa quân nhuệ khí ngày càng lớn mạnh. Trên các trận địa, quân Minh kinh hồn bạt vía. Uy danh của nghĩa quân vang khắp nơi. Chiến lợi phẩm thu về ngày càng nhiều, Đời sống của nghĩa quân khá hơn, Thế chủ động tấn công ngày một cao, chẳng mấy chốc đất nước ta quân thù sạch bóng. Một năm sau khi đuổi giặc Minh, vua Lê Lợi cưỡi thuyền rồng dạo quanh hồ Tả Vọng. Nhân đó Long Quân sai rùa vàng lên đòi lại thanh gươm thần. Thuyền rồng tiến ra giữa hồ, thấy con rùa lớn xuất hiện, vua ban lệnh cho thuyền chậm lại. Rùa vàng tiến về phía vua và nói: “Xin bệ hạ hoàn gươm lại cho Long Quân”. Nghe rùa vàng nói vua hiểu ý, rút gươm trả cho rùa vàng. Rùa vàng lập tức há miệng đớp lấy thanh gươm và lặn xuống nước.

Gươm và rùa đã chìm xuống nước, người ta thấy vật gì sáng loáng dưới mặt hồ xanh. Từ đó hồ Tả Vọng bắt đầu mang tên là hồ Gươm hay hồ Hoàn Kiếm. .

Đề bài :  Kể về một người thân của em

Công cha như núi Thái Sơn

Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra

Một lòng thờ mẹ kình cha

Cho tròn chữ hiều mới là đạo con"

Đúng như lời của câu ca dao, mẹ của em là một người rất tuyệt vời dù trong gia đình có bốn thành viên bố mẹ và bé Nguyên nữa. Người nào cũng rất quan trọng và đáng quí đối với em.

Mẹ tuổi ngoài 30 dáng người vữa phải, nước da trắng hồng. Mẹ có mài tóc dài đen nhánh phủ kín bờ vai.Sở thích của mẹ là đi chơi ở những bãi biển đẹp. Mẹ em làm nội trợ, trang phục của mẹ ở nhà là những bộ đồ thun. Những lúc ấy trông mẹ thật duyên dáng và dịu dàng. Mới ngoài ba mươi tuổi nên mẹ còn trẻ và sức khỏe dẻo dai lắm. Ở nhà công việc một tay mẹ làm, vậy mà lúc nàomẹ cũng vui vẻ. Mẹ vẫn thường nói với hai anh em rằng:"Vì gia đình, vì các con mẹ làm gì cũng được, chỉ mong gia đình ta sống hạnh phúc, các con học giỏi, chăm ngoan".Những ngày cuối tuần mẹ thường cải thiện món ăn ngon, lạ miệng cho cả gia đình. Những lúc ấy mẹ thường mặc những bộ đồ ôm gọn với dáng người. Mái tóc được mẹ búi lên gọn gàng sau gáy. Nhìn đôi tay mẹ nhanh nhẹn và khéo léo chế biến món ăn em khâm phục mẹ.Những con cá lóc còn sống đã được mẹ chiên lên vàng giòn,.. Những món ăn mẹ nấu rất ngon, bố thích nhất là món canh chua và món cà pháo ăn với mắm tôm. Có khi trong bữa ăn bố còn ngân nga câu hát:

"Anh đi anh nhớ quê nhà

Nhớ canh rau muống nhớ cả dầm tương"

Bữa cơm gia đình thật đơn giản nhưng cũng hạnh phúc vô cùng. Những miếng thịt gà chiên giòn, mẹ vần thường cho hai anh em vì đó là món khoài khẩu của hai anh em. Chiều nào cũng vậy, sau bữa cơm cả nhà quây quần bên chiếc ti vi để xem phim. Những lúc ấy em mới có dịp ngắm kĩ mẹ hơn. Hàm răng trắng và đều cùng với cặp mắt đen tròn của mẹ nhìn cả ba bố con tràn ngập hạnh phúc. Lúc mẹ cười đẹp như cô tiên trong truyện cổ tích.

Với gia đình thì vậy. Là một người nội trợ, trong gia đình mẹ rất yêu quí những đứa con của mình, mẹ thường chăm lo việc học tập cho chúng em. Những lúc ấy em thấy mình thật tự hào vì mẹ là tấm gương để hai anh em học tập.Mẹ đối xử rất chân tình với hàng xóm. nhà ai có gì khó khăn mẹ có mặt giúp đỡ ngay. Mẹ vẫn thường dạy chúng em:"Bán anh em xa, mua láng giềng gần"Mình phải biết yêu thương nhau thì cuộc sống ơới có ý nghĩa

Mẹ của em là một người như thế đấy, tấm gương để con cháu học tập. Dù sau này, khi tường thành, không được gần mẹ, nhưng hình ảnh của mẹ vẫn luôn sống mãi trong trái tim em. Lòng mẹ thật vĩ đại, hình ảnh mẹ hiện lên và sống mãi trong lời bài hát:"Lòng mẹ bao la như biển thái bình dạt dào. Tình mẹ tha thiết như dòng sữa ngọt..."

Đề 1: Trong vai Lạc Long Quân, kể lại câu chuyện truyền thuyết Con Rồng cháu Tiên.

Thuở ấy, đã lâu lắm rồi, có lẽ đến hơn 4000 năm về trước, lúc đất nước ta vẫn còn hoang sơ lắm. Trên đất chủ yếu là núi đồi, cỏ cây hoa lá chứ chưa có con người đông đúc như bây giờ. Trên trời, dưới nước, mỗi vùng đất đều do các vị thần tiên cai quản, trông nom.

Là con trai của thần Long Nữ, vị thần được thần trời giao cho cai quản vùng sông nước Lạc Việt, cha mẹ đặt tên cho ta là Lạc Long Quân. Được cha mẹ chỉ dạy đủ điều từ thủa ấu thơ, lại thêm sức lực vốn có của giống rồng, ta đã luyện được rất nhiều phép lạ. Thủa ấy, khi ta còn trẻ, ta thường hay xin phép Đức Long Vương lên trần gian thăm thú, giúp dân tiễu trừ bọn yêu tinh, dạy dân cách trồng trọt, chăn nuôi, cách ăn ở. Trần gian nhiều cảnh đẹp khiến ta gắn bó như đang sống dưới thủy cung.

Một hôm, đang thoả chí ngao du sơn thuỷ, ta say hứng quá chân lên tận vùng núi cao phương Bắc. Bỗngh ta gặp một thiếu nữ xinh đẹp tuyệt trần. Hỏi ra mới biết nàng là Âu Cơ, con gái Thần Nông. Nghe nói vùng Lạc Việt có nhiều hoa thơm, cỏ lạ, nàng xin phép cha dạo bước đến thăm. Ta cùng Âu Cơ mến cảnh hợp người, đem lòng yêu thương rồi thề ước nguyện cùng chung sống trọn đời.

ít lâu sau, Âu Cơ có mang. Kỳ lạ thay! Đến ngày sinh nở, nàng sinh ra một cái bọc trăm trứng. Rồi trăm trứng nở ra trăm con đều đẹp đẽ, hồng hào chẳng cần bú mớm mà tự lớn lên như thổi. Vợ chồng ta hết sức vui mừng, hết lòng chăm chút cho đàn con nhỏ.

Sống ở trần thế đã lâu, ta cũng thấy nóng lòng. ở thuỷ cung, cha mẹ đã già, công việc không biết ai gánh vác. Trăn trở nhiều lần, ta nghĩ: “Âu Cơ vốn thuộc dòng tiên hợp với non cao, ta lại là giống rồng quen sông nơi biển cả; tính tình, tập quán hẳn có nhiều cái khác nhau nên một cuộc biệt ly trong nauy mai khó là tránh khỏi. Ta bèn gọi trăm con cùng Âu Cơ và nói:

- Ta và vàng tuy sống chưa lâu nhưng nghĩa tình đến sông cạn đá mòn cũng không thay đổi. Ta nghĩ, ta là giống rồng, nàng là giống tiên, vậy khó mà tính kế dài lâu được. Nay vì đại nghiệp và vì sự mưu sinh của trăm con, ta sẽ đưa 50 con xuống biển, nàng đưa 50 con lên núi, chia nhau ra mà cai quản các phương hễ có việc gì thì báo cho nhau để mà tương trợ.

Âu Cơ nghe thấy hợp tình cũng đành nghe theo, cuộc chia ly ngậm ngùi, da diết.

Ta đưa 50 con xuống vùng đồng thấp dạy các con nghề biển mà an cư lập nghiệp. Âu Cơ đưa các con lên núi cao, lập con trưởng làm vua, lấy hiệu là Hùng Vương, đóng đô ở đất Phong Châu, đặt nước hiệu là Văn Lang, truyền đời nối ngôi đều lấy hiệu Hùng Vương, không hề thay đổi.

Sau đó rất lâu, ta và Âu Cơ không gặp lại nhau nhưng tình nghĩa vẫn không phai. Hơn thế, nghĩa “đồng bào” trong trăm con ta cũng không thay đổi. Bởi thế cho nên đến tận ngày nay, trên đất nước ta dẫu có tới trên 50 dân tộc, nhưng đều là anh em ruột thịt một nhà.

Đề 2: Kể lại một câu chuyện cổ tích bằng lời văn của em (Sọ Dừa).

- Ò ó o… o!

Nghe tiếng gà gáy, cô út choàng tỉnh dậy. Phải mất một lúc, cô mới hình dung nổi tình cảnh hiện tại của mình. Cô vừa thoát khỏi bụng con cá mập to tướng, một mình trên hoang đảo, xung quanh chỉ có đôi gà để làm bạn.

Cô bỗng nhớ lại tất cả, bắt đầu từ cái ngày kì lạ ấy. Thấy hai cô chị kiên quyết không ai chịu đem cơm cho Sọ Dừa, cô đành nhận lời đi. “Tuy dung mạo có hơi xấu nhưng dù sao cậu ta cũng biết nói tiếng người, thậm chí còn ăn nói rất dễ thương nữa là đằng khác” – cô nghĩ.

Từ đằng xa cô đã nghe thấy tiếng sáo du dương trầm bổng. Lạ quá! Ai thổi sáo thế nhỉ? Không lẽ lại là Sọ Dừa? Nhưng anh ta làm sao mà thổi sáo được kia chứ. Cô vẫn nhớ cái ngày Sọ Dừa xuất hiện ở nhà cô. Trông anh ta thật buồn cười, cứ lăn lông lốc dưới đất như một quả bí, vậy mà ăn nói đến là khéo. Hai cô chị trông thấy Sọ Dừa thì quay mặt đi, riêng cô không thấy sợ mà lại thương con người dung mạo kì dị, nhất là khi thấy anh ta làm việc gì cũng đến nơi đến chốn, chăn cả đàn bò mà con nào con nấy cứ béo tròn nung núc. Cô lên đưa cơm nhưng thực ra cũng muốn đến xem anh chăn bò như thế nào.

Đến gần, cô út lại càng ngạc nhiên. Sao lại có cái võng mắc ở kia, lại có ai đang nằm trên đó thổi sáo nữa chứ! Hay đó là người anh em của Sọ Dừa mà cô không biết? Thế anh ta đâu rồi?

Mải suy nghĩ, cô út dẫm phải một cành cây khô làm phát ra tiếng động. Cô cúi xuống nhìn rồi ngẩng lên, sửng sốt khi không thấy cả chiếc võng lẫn chàng thanh niên đâu cả. Chỉ có anh chàng Sọ Dừa, lúc trước không thấy đâu, giờ đang ở dưới gốc cây mà cười toe toét:

- Chào cô út! Cô mang cơm cho tôi hay là lên thăm tôi đấy?

Cô út không trả lời vì còn đang thắc mắc. Cô hỏi anh:

- Cái anh chàng vừa nằm trên võng thổi sáo đâu rồi?

Sọ Dừa chối biến:

- Chắc cô trông nhầm đấy chứ tôi ở đây suốt, làm gì có anh chàng nào thổi sáo đâu!

Cô út không tin là mình nhầm. Cô chợt nghĩ ra một điều khác thường. Phải rồi, Sọ Dừa nếu cứ thế kia thì làm sao có thể chăn được cả đàn bò, lại còn chàng trai trẻ, chiếc võng vừa đây mà đã biến mất… Cô không hỏi thêm gì nữa, đưa cơm cho anh rồi đi về, lòng vui rộn ràng.

Khi phú ông hỏi các cô con gái xem ai đồng ý lấy Sọ Dừa là hỏi lấy lệ để từ chối khéo bà mẹ đó thôi, lão chắc không cô gái nào lại đồng ý lấy một người kì dị, xấu xí như Sọ Dừa. Cô út đã làm cho ông bố một phen chưng hửng:

- Cha đặt đâu, con xin ngồi đấy ạ!

Hai cô chị trề môi chê em gái sao mà ngốc nghếch. Phú ông tức bầm gan tím ruột nhưng đã trót hứa với bà mẹ rồi, đành hẹn ngày dẫn cưới. Lão thách thật nặng nhưng cô út thầm đoán và mong rằng, điều đó không khó gì đối với người chồng tương lai của cô. Quả nhiên, Sọ Dừa không những mang đồ dẫn cưới đến đủ mà còn mang thêm rất nhiều người hầu hạ nữa khiến cho ai nấy cũng phải ngạc nhiên: xưa nay có thấy ai ra vào nhà Sọ Dừa đâu?

Đám cưới đang ăn uống linh đình, cô bèn bế Sọ Dừa vào nhà trong rồi thì thầm:

- Nào người chồng yêu quý của em, chàng xuất hiện đi thôi chứ!

Sọ Dừa mỉm cười, bắt cô quay mặt đi và nhắm mắt lại. Khi chàng bảo cô mở mắt ra thì trước mặt đúng là chàng trai trẻ hôm nào. Hai người sánh vai nhau ra chào quan khách. Mọi người hết sức ngỡ ngàng, hai người phải giải thích mãi, thậm chí Sọ Dừa còn phải hoá phép lại như cũ, mọi người mới tin là thật. Đám cưới đã vui lại càng vui hơn nữa.

Sọ Dừa học giỏi, đỗ trạng nguyên, được vua cử đi sứ nước ngoài, để cô ở lại. Cô có ngờ đâu hai bà chị vốn rất ghen tức khi thấy em lấy được người chồng vừa trẻ đẹp lại có tài, rắp tâm làm hại em để cướp chồng. Hai chị rủ em đi bơi thuyền rồi đẩy em xuống biển. Một con cá rất to bơi qua, nuốt luôn cô vào bụng. Thật may là Sọ Dừa như đã biết trước mọi chuyện. Chàng dặn cô luôn mang theo bên mình một con dao, quả trứng gà và hòn đá lửa. Có con dao, cô tự rạch bụng cá khiến cá chết, dạt vào bờ. Cô chui ra, lại có thịt cá ăn luôn, có lửa để nướng cá và có con gà để bầu bạn.

Một hôm cô đang loay hoay nướng cá để ăn dần, bỗng con gà trống gáy vang:

- Ò. ó. o…, phải thuyền quan trạng, rước cô tôi về!

Cô vội bỏ cá đấy chạy ra. Đúng là chồng cô rồi. Chàng đã đi sứ về, ngang qua nghe tiếng gà gáy, lại thấy có bóng người như vợ mình bèn cho thuyền vào đón. Hai vợ chồng gặp nhau, mừng mừng tủi tủi.

Nghe lời chồng, lúc gần về đến nhà cô nấp vào trong khoang thuyền. Nghe thấy hai bà chị thi nhau kể với Sọ Dừa về cái chết thương tâm của cô, cô bèn bước ra. Hai cô chị thấy em xuất hiện, ngượng quá, không nói không rằng bỏ đi biệt tích.

Cô cùng người chồng sống bên nhau hạnh phúc đến già.