Bài tập cuối chương VI

Nội dung lý thuyết

1. Khái niệm phân số

Với \(a,b \in \mathbb{Z}, b \neq 0\), ta gọi \(\frac {a} {b}\) là một phân số, trong đó \(a\) là tử số (tử) và \(b\) là mẫu số (mẫu) của phân số.

Chẳng hạn, \(\dfrac{-2}{9};\dfrac{52}{-11};...\); ... là các phân số.

2. Hai phân số bằng nhau

Quy tắc bằng nhau của hai phân số

\(\dfrac{a}{b}=\dfrac{c}{d}\) nếu \(a.d=b.c\).

Chẳng hạn: 

+) Hai phân số  \(\dfrac{25}{-20}\) và \(\dfrac{-5}{4}\) bằng nhau vì 25.4 = (- 20).(- 5) (cùng bằng 100).

+) Hai phân số \(\dfrac{4}{-7}\) và \(\dfrac{4}{7}\) không bằng nhau vì 4.7 ≠ (- 7).4.

3. Tính chất cơ bản của phân số

Tính chất cơ bản của phân số

   1. Nếu nhân cả tử và mẫu của một phân số với cùng một số nguyên khác 0 thì ta được một phân số bằng phân số đã cho.

\(\dfrac{a}{b}=\dfrac{a\cdot m}{b\cdot m}\) với \(m \in \mathbb{Z}, m \neq 0\).

   2. Nếu chia cả tử và mẫu của một phân số cho cùng một ước chung của chúng thì ta được một phân số bằng phân số đã cho.

\(\dfrac{a}{b}=\dfrac{a:n}{b:n}\) với \(n\) là ước chung của \(a\) và \(b\).

Chẳng hạn, \(\dfrac{-15}{51}=\dfrac{\left(-15\right):3}{51:3}=\dfrac{-5}{17}\).

Chú ý. Phân số tối giản là phân số mà cả tử và mẫu đều không có ước chung nào khác 1 và - 1.

Để rút gọn một phân số chưa tối giản về phân số tối giản, ta chia cả tử và mẫu cho ước chung lớn nhất của chúng.

Chẳng hạn, ƯCLN(- 21; - 56) = 7. Do đó \(\dfrac{-21}{-56}=\dfrac{\left(-21\right):7}{\left(-56\right):7}=\dfrac{-3}{-8}=\dfrac{3}{8}\).

4. Quy đồng mẫu nhiều phân số

Để quy đồng mẫu hai hay nhiều phân số có mẫu dương, ta làm như sau:

  1. Tìm một bội chung (thường là BCNN) của các mẫu để làm mẫu chung.
  2. Tìm thừa số phụ của mỗi mẫu bằng cách chia mẫu chung cho từng mẫu.
  3. Nhân tử và mẫu của mỗi phân số với thừa số phụ tương ứng.

Lưu ý. Với các phân số có mẫu âm, ta viết lại thành các phân số mới bằng nó nhưng có mẫu dương.

Chẳng hạn, để quy đồng mẫu các phân số \(\dfrac{-3}{5};\dfrac{1}{-4}\) ta làm như sau:

  • Đưa về phân số có mẫu dương: \(\dfrac{1}{-4}=\dfrac{1\cdot\left(-1\right)}{\left(-4\right)\cdot\left(-1\right)}=\dfrac{-1}{4}\).
  • Tìm mẫu chung: BCNN(5; 4) = 20.
  • Tìm thừa số phụ: 20 : 5 = 4; 20 : 4 = 5.
  • Ta có: \(\dfrac{-3}{5}=\dfrac{\left(-3\right)\cdot4}{5\cdot4}=\dfrac{-12}{20}\)\(\dfrac{-1}{4}=\dfrac{\left(-1\right)\cdot5}{4\cdot5}=\dfrac{-5}{20}\).

Vậy quy đồng mẫu các phân số \(\dfrac{-3}{5};\dfrac{1}{-4}\) ta được các phân số \(\dfrac{-12}{20};\dfrac{-5}{20}\).

5. So sánh hai phân số

a) So sánh hai phân số cùng mẫu

Trong hai phân số có cùng một mẫu dương, phân số nào có tử lớn hơn thì phân số đó lớn hơn.

Chẳng hạn, \(\dfrac{11}{24}>\dfrac{-23}{24}\) vì 11 > - 23.

b) So sánh hai phân số không cùng mẫu

Muốn so sánh hai phân số không cùng mẫu, ta viết chúng dưới dạng hai phân số có cùng một mẫu dương rồi so sánh các tử với nhau: phân số nào có tử lớn hơn thì phân số đó lớn hơn.

Chẳng hạn, để so sánh hai phân số \(\dfrac{-5}{12}\) và \(\dfrac{-11}{18}\) ta làm như sau:

Vì BCNN(12, 18) = 36 nên ta có: \(\dfrac{-5}{12}=\dfrac{\left(-5\right)\cdot3}{12\cdot3}=\dfrac{-15}{36};\dfrac{-11}{18}=\dfrac{\left(-11\right)\cdot2}{18\cdot2}=\dfrac{-22}{36}\).

Vì - 15 > - 22 nên \(\dfrac{-15}{36}>\dfrac{-22}{36}\). Do đó \(\dfrac{-5}{12}>\dfrac{-11}{18}\).

5. Phép cộng hai phân số

a) Cộng hai phân số cùng mẫu

Muốn cộng hai phân số cùng mẫu, ta cộng các tử và giữ nguyên mẫu:

\(\dfrac{a}{m}+\dfrac{b}{m}=\dfrac{a+b}{m}\).

Chẳng hạn, \(\dfrac{-19}{18}+\dfrac{-5}{18}=\dfrac{\left(-19\right)+\left(-5\right)}{18}=\dfrac{-24}{18}=\dfrac{-4}{3}\).

b) Cộng hai phân số không cùng mẫu

Muốn cộng hai phân số không cùng mẫu, ta viết chúng dưới dạng hai phân số cùng mẫu rồi cộng các tử và giữ nguyên mẫu chung.

Chẳng hạn, \(\dfrac{1}{3}+\dfrac{8}{5}=\dfrac{5}{15}+\dfrac{24}{15}=\dfrac{29}{15}\).

6. Số đối

Hai số gọi là đối nhau nếu tổng của chúng bằng 0. Kí hiệu số đối của phân số \(\dfrac{a}{b}\) là \(-\dfrac{a}{b}\).

\(\dfrac{a}{b}+\left(-\dfrac{a}{b}\right)=0\).

Lưu ý: \(-\dfrac{a}{b}=\dfrac{-a}{b}=\dfrac{a}{-b}\).

Chẳng hạn, \(\dfrac{-5}{7}\) và \(\dfrac{5}{7}\) là hai số đối nhau vì \(\left(\dfrac{-5}{7}\right)+\dfrac{5}{7}=0\).

7. Tính chất của phép cộng phân số

Tương tự như phép cộng số nguyên, phép cộng phân số cũng có các tính chất:

  • Giao hoán: \(\dfrac{a}{b}+\dfrac{c}{d}=\dfrac{c}{d}+\dfrac{a}{b}\).
  • Kết hợp: \(\left(\dfrac{a}{b}+\dfrac{c}{d}\right)+\dfrac{e}{f}=\dfrac{a}{b}+\left(\dfrac{c}{d}+\dfrac{e}{f}\right)\).

Chẳng hạn: 

\(A=\dfrac{-5}{14}+\dfrac{9}{22}+\dfrac{13}{22}+\dfrac{5}{14}=\left(\dfrac{-5}{14}+\dfrac{5}{14}\right)+\left(\dfrac{9}{22}+\dfrac{13}{22}\right)=0+\dfrac{22}{22}=0+1=1\).

8. Phép trừ hai phân số

  • Muốn trừ hai phân số cùng mẫu, ta lấy tử số của phân số thứ nhất trừ đi tử số của phân số thứ hai và giữ nguyên mẫu.

\(\dfrac{a}{m}-\dfrac{b}{m}=\dfrac{a-b}{m}\).

  • Muốn trừ hai phân số không cùng mẫu, ta quy đồng mẫu hai phân số, rồi trừ hai phân số đó.

Chẳng hạn:

+) \(\dfrac{28}{43}-\dfrac{8}{43}=\dfrac{28-8}{43}=\dfrac{20}{43}\);

+) \(-5-\dfrac{2}{5}=\dfrac{-5}{1}-\dfrac{2}{5}=\dfrac{\left(-5\right)\cdot5}{1\cdot5}-\dfrac{2}{5}=\dfrac{-25}{5}-\dfrac{2}{5}=\dfrac{-27}{5}\).

Lưu ý. Muốn trừ một phân số cho một phân số, ta có thể cộng số bị trừ với số đối của số trừ.

9. Phép nhân hai phân số

Muốn nhân hai phân số, ta nhân các tử với nhau và nhân các mẫu với nhau.

\(\dfrac{a}{b}\cdot\dfrac{c}{d}=\dfrac{a\cdot c}{b\cdot d}\).

Chẳng hạn, \(\dfrac{-21}{8}\cdot\dfrac{10}{7}=\dfrac{\left(-21\right)\cdot10}{8\cdot7}=\dfrac{-210}{56}=\dfrac{-15}{4}\).

10. Tính chất của phép nhân

Tương tự phép nhân số nguyên, phép nhân phân số cũng có tính chất giao hoán, kết hợp và phân phối của phép nhân đối với phép cộng.

Chẳng hạn, \(\dfrac{-9}{16}\cdot\dfrac{8}{11}\cdot\dfrac{-16}{9}=\left(\dfrac{-9}{16}\cdot\dfrac{-16}{9}\right)\cdot\dfrac{8}{11}=1\cdot\dfrac{8}{11}=\dfrac{8}{11}\).

11. Phép chia phân số

Hai phân số gọi là nghịch đảo của nhau nếu tích của chúng bằng 1.

Muốn chia một phân số cho một phân số khác 0, ta nhân số bị chia với phân số nghịch đảo của số chia:

\(\dfrac{a}{b}:\dfrac{c}{d}=\dfrac{a}{b}\cdot\dfrac{d}{c}=\dfrac{a\cdot d}{b\cdot c}\).

Chẳng hạn, phân số nghịch đảo của \(\dfrac{3}{10}\) là \(\dfrac{10}{3}\).

Khi đó ta có \(\dfrac{-2}{5}:\dfrac{3}{10}=\dfrac{-2}{5}\cdot\dfrac{10}{3}=\dfrac{-20}{15}=\dfrac{-4}{3}\).

12. Tìm giá trị phân số của một số cho trước

Quy tắc tìm giá trị phân số của một số

Muốn tìm \(\dfrac{m}{n}\) của một số \(a\) cho trước ta tính \(a\cdot\dfrac{m}{n}\) (\(m \in \mathbb{N}, n \in \mathbb{N}^*\)).

Chẳng hạn, \(\dfrac{5}{6}\) của - 120 là \(\dfrac{5}{6}\cdot\left(-120\right)=-100\).

13. Tìm một số biết giá trị phân số của nó

Quy tắc tìm một số biết giá trị phân số của số đó

Muốn tìm một số biết \(\dfrac{m}{n}\) của số đó bằng \(b\), ta tính \(b:\dfrac{m}{n}\) (\(m,n \in \mathbb{N}^*\)).

Chẳng hạn, \(\dfrac{2}{3}\) tấm vải dài 4 m. Tấm vải dài \(4:\dfrac{2}{3}=4\cdot\dfrac{3}{2}=6\) mét.