Bài 8: Quy luật Menđen: Quy luật phân li

Nội dung lý thuyết

Các phiên bản khác

1. Phương pháp nghiên cứu di truyền học của Menđen

a. Một số khái niệm liên quan

  • Dòng thuần chủng: Là hiện tượng tất cả các thế hệ con lai trong dòng họ đều có kiểu hình giống nhau và giống bố mẹ
  • Con lai: Là thế hệ con cháu được tạo thành khi đem lai 2 dòng thuần chủng có kiểu hình khác nhau
  • Gen: Là nhân tố di truyền qui định đặc điểm bên ngoài của cá thể
  • Alen: Là các trạng thái khác nhau của cùng 1 gen, mỗi trạng thái qui định 1 kiểu hình khác nhau
  • Gen trội (alen trội-A):Thể hiện kiểu hình ở trạng thái đồng hợp tử trội (AA) và dị hợp tử (Aa)
  • Gen lặn (alen lặn-a): Chỉ có thể biểu hiện kiểu hình khi ở trạng thái đồng hợp tử lặn (aa)
  • Kiểu gen: Là các cặp alen qui định các kiểu hình cụ thể của tính trạng đang nghiên cứu
  • Tính trạng: Là 1 đặc điểm nào đó đang được nghiên cứu
  • Kiểu hình: Là đặc điểm cụ thể của tính trạng đang được nghiên cứu đã thể hiện ra bên ngoài cơ thể
  • Cặp tính trạng tương phản: Hai kiểu hình có biểu hiện trái ngược nhau của cùng 1 tính trạng

b. Phương pháp nghiên cứu di truyền của Mendel

Mendel sử dụng phương pháp phân tích di truyền cơ thể lai và lai phân tích, đánh giá kết quả dựa trên thống kê toán học để rút ra được những quy luật di truyền

  • Phương pháp phân tích di truyền cơ thể lai:
    • Quan sát sự di truyền của một vài tính trạng qua nhiều thế hệ
    • Tạo ra các dòng thuần chủng có các kiểu hình tương phản
    • Lai các dòng thuần chủng với nhau để tạo ra F1
    • Cho các cây lai F1 tự thụ phấn để tạo ra đời F2. Cho từng cây F2 tự thụ phấn để tạo ra F3
    • Dùng thống kê toán học trên số lượng lớn, qua nhiều thế hệ sau đó rút ra quy luật di truyền
  • Phương pháp lai phân tích:
    • Lai phân tích là phép lai giữa cá thể có kiểu hình trội (AA hoặc Aa) với một cá thể có kiểu hình lặn (aa), mục đích là kiểm tra kiểu gen của kiểu hình trội là thuần chủng hay không thuần chủng

    • Nếu con lai xuất hiện tỉ lệ 100% thì cá thể có kiểu hình trội đem lai là thuần chủng (AA), nếu xuất hiện tỉ lệ 1: 1 thì cá thể đem lai là dị hợp tử (Aa)

2. Hình thành học thuyết khoa học

a. Nội dung giả thuyết 

  • Mỗi tính trạng đều do một cặp nhân tố di truyền quy định . trong tế bào nhân tố di truyền không hoà trộn vào nhau

  • Bố ( mẹ) chỉ truyền cho con ( qua giao tử ) 1 trong 2 thành viên của cặp nhân tố di truyền

  • Khi thụ tinh, các giao tử kết hợp với nhau một cách ngẫu nhiên tạo nên các hợp tử

b. Kiểm tra giả thuyết

Bằng phép lai phân tích (lai kiểm nghiệm) đều cho tỉ lệ kiểu hình xấp xỉ 1:1 như dự đoán của Menđen

c. Nội dung của quy luật

Mỗi tính trạng do một cặp alen quy định, một có nguồn gốc từ bố, một có nguồn gốc từ mẹ. Các alen tồn tại trong tế bào một cách riêng rẽ, không hòa trộn vào nhau. Khi hình thành giao tử, các thành viên của một cặp alen phân li đồng đều về các giao tử, nên 50% số giao tử chứa alen này còn 50% giao tử chứa alen kia

d. Sơ đồ lai

  • Quy ước gen:

A: hoa đỏ là trội hoàn toàn so với a: hoa trắng

  • Ta có sơ đồ lai một cặp tính trạng như sau:

Ptc:            AA × aa

Gp:             A      a
F1:     Aa (100% hoa đỏ)
F1×F1:    Aa × Aa
F2:        

KG: 1 AA  :  2 Aa  :  1 aa
KH: 3 hoa đỏ : 1 hoa trắng

3. Cơ sở tế bào học của quy luật phân li

  • Trong tế bào sinh dưỡng, các gen và các NST luôn tồn tại thành từng cặp, các gen nằm trên các NST
  • Khi giảm phân tạo giao tử, các NST tương đồng phân li đồng đều về  giao tử, kéo theo sự phân li đồng đều của các alen trên nó
  • Điều kiện nghiệm đúng của quy luật phân li:
    • Các cặp bố mẹ đem lai phải thuần chủng
    • 1 gen quy định 1 tính trạng. Số lượng cá thể con lai phải lớn
    • Tính trạng trội phải trội hoàn toàn
    • Quá trình giảm phân diễn ra bình thường