Bài 8. Ấn Độ cổ đại

Nội dung lý thuyết

Các phiên bản khác

1. Điều kiện tự nhiên

- Là một bán đảo ở Nam Á, có ba mặt giáp biển, nằm trên trục đường biển từ Tây sang Đông.

+ Phía bắc là dãy Hi-ma-lay-a, thoải dần về phía nam là các đồng bằng sông Ấn, sông Hằng rộng lớn - nơi đã hình thành nên những trung tâm văn mình sớm nhất của nhân loại.

+ Miền Trung và miền Nam là cao nguyên Đê-can với rừng rậm và núi đá hiểm trở, chỉ có vùng cực Nam và dọc theo hai bờ ven biển là những đồng bằng nhỏ hẹp.

- Lưu vực sông Ấn chịu tác động của sa mạc nên rất ít mưa, khí hậu khô nóng.

- Lưu vực sông Hằng do tác động của gió mùa nên lượng mưa nhiều, cây cối tươi tốt.

2. Chế độ xã hội ở Ấn Độ cổ đại

- Khoảng năm 2500 TCN. người bản địa Đra-vi-đa đã xây dựng những thành thị đầu tiên dọc theo hai bên bờ sông Ấn.

- Giữa thiên niên kỉ II TCN, người A-ri-a từ vùng Trung Á tràn vào miền Bắc Ấn Độ, xua đuổi người Đra-vi-đa và biến họ thành đẳng cấp thứ tư (Su-đra).

- Dựa trên sự phân biệt về chủng tộc và màu da, Ấn Độ hình thành chế độ đẳng cấp Vác-na, gồm bốn đẳng cấp:

+ Bra-man (Tăng lữ - Quý tộc).

+ Ksa-tri-a (Vương công - Vũ sĩ).

+ Vai-si-a (Người bình dân, nông dân, thợ thủ công, thương nhân).

+ Su-đra (Những người có địa vị thấp kém).

3. Những thành tựu văn hóa tiêu biểu

- Chữ viết: Người Ấn Độ tạo ra chữ viết từ rất sớm.

+ Chữ viết cổ nhất của họ khắc trên các con dấu, được phát hiện ở lưu vực sông Ấn, có từ hơn 2000 năm TCN.

+ Vào khoảng thế kỉ VII TCN, chữ Phạn (San-xkrit) ra đời dựa trên việc cải biến những chữ viết cổ đã có trước đó.

=> Đây là cơ sở của nhiều loại chữ viết ở Ấn Độ và Đông Nam Á sau này.

- Văn học: Hai tác phẩm nổi bật nhất thời cổ đại là Ma-ha-bha-ra-ta và Ra-ma-ya-na, có ảnh hưởng to lớn tới sự phát triển của văn học Ấn Độ và Đông Nam Á ở các giai đoạn sau này.

- Người Ấn Độ cổ đại đã biết làm lịch.

- Họ là chủ nhân của 10 chữ số mà ngày nay được dùng rộng rãi trên thế giới.

- Ấn Độ cổ đại là quê hương của các tôn giáo lớn.

+ Ra đời sớm nhất là đạo Bà la môn, những thế kỉ đầu Công nguyên, phát triển thành đạo Hin-đu (Ấn Độ giáo).

+ Khoảng thế kỉ VI TCN, Phật giáo được hình thành.

- Công trình kiến trúc tiêu biểu của Ấn Độ cổ đại là cột đá A-sô-ca và đại bảo tháp San-chi.