Bài 7: Thực hành lắp mạch điện đèn ống huỳnh quang

Nội dung lý thuyết

Các phiên bản khác

Bài 7: Thực hành lắp mạch điện đèn ống huỳnh quang

Tóm tắt lý thuyết

I - DỤNG CỤ, VẬT LIỆU VÀ THIẾT BỊ

1. Dụng cụ

  • Kìm điện
  • Kìm tuốt dây
  • Dao nhỏ
  • Tua vít
  • Khoan điện (hoặc khoan tay)
  • Bút thử điện
  • Thước kẻ
  • Bút chì

2. Vật liệu và thiết bị

  • Bóng đèn ống huỳnh quang
  • Tắc te
  • Chấn lưu
  • Máng đèn
  • Công tắc 2 cực
  • Cầu chì
  • Bảng điện
  • Dây dẫn
  • Băng cách điện
  • Giấy ráp

II - NỘI DUNG VÀ TRÌNH TỰ THỰC HÀNH

1. Vẽ sơ đồ lắp đặt

a. Tìm hiểu sơ đồ nguyên lí mạch điện huỳnh quang

Hình 1. Sơ đồ nguyên lí mạch điện đèn ống huỳnh quang

Mạch điện gồm 5 phần tử chính:

STT Tên gọi Chức năng
1 Cầu chì

Là thiết bị bảo vệ đối với hiện tượng ngắn mạch.

2 Công tắc

Dùng để đóng hoặc cắt nguồn điện với mạch điện.

3 Chấn lưu

Tạo sự tăng thế lúc ban đầu để đèn làm việc và giới hạn dòng điện qua đèn khi đèn quá sáng.

4 Tắc te

Tự động nối mạch khi điện áp cao ở hai điện cực và ngắt mạch khi điện áp giảm, mồi đèn sáng lúc ban đầu.

5 Bóng đèn

Là nơi phát ra ánh sáng.

Bảng 1. Các phần tử chính trong mạch điện đèn ống huỳnh quang

b. Vẽ sơ đồ lắp đặt mạch điện

Các bước tiến hành vẽ:

  • Bước 1. Vẽ đường dây nguồn

Hình 2. Vẽ đường dây nguồn

  • Bước 2. Xác định vị trí để bảng điện, bộ đèn huỳnh quang

Hình 3. Xác định vị trí để bảng điện, bộ đèn huỳnh quang

  • Bước 3. Xác định vị trí các thiết bị điện trên bảng điện

Hình 4. Xác định vị trí các thiết bị điện trên bảng điện

  • Bước 4. Vẽ đường dây dẫn điện theo sơ đồ nguyên lí
    • Nối dây bộ đèn

    • Nối dây mạch điện

    • Hòa mạng

Hình 5. Vẽ đường dây dẫn điện theo sơ đồ nguyên lí

2. Lập bảng dự trù dụng cụ, vật liệu và thiết bị

STT Tên dụng cụ, vật liệu và thiết bị Số lượng Yêu cầu kĩ thuật
1 Kìm điện 1 Có cách điện
2 Kìm tuốt dây 1 Có cách điện
3 Tua vít 1 Có cách điện
4 Khoan tay 1  
5 Bút thử điện 1 500V
6 Bộ bóng đèn huỳnh quang 1 220V-20W
7 Bảng điện 1 200 x 150
8 Cầu chì 1 5A - 250
9 Công tắc 1 5A - 250
10 Dây dẫn 3 mét M(2x24/0.18mm)

Bảng 2. Bảng dự trù dụng cụ, vật liệu và thiết bị

3. Lắp đặt mạch điện đèn ống huỳnh quang

Qui trình lắp đặt mạch điện đèn ống huỳnh quang gồm 6 bước:

  • Bước 1. Vạch dấu
    • Vạch vị trí lắp đặt các thiết bị đèn
    • Vạch dấu đường đi dây và vị trí lắp đặt bộ đèn ống huỳnh quang
  • Bước 2. Khoan lỗ
    • Khoan lỗ bắt vít
    • Khoan lỗ luồn dây
  • Bước 3. Lắp thiết bị điện của bảng điện
    • Nối dây các thiết bị đóng cắt, bảo vệ trên bảng điện
    • Lắp đặt các thiết bị điện vào bảng điện
  • Bước 4. Nối dây bộ đèn ống huỳnh quang
    • Nối dây dẫn của bộ đèn ống huỳnh quang theo sơ đồ lắp đặt
    • Lắp đặt các phần tử của bộ đèn vào máng đèn
  • Bước 5. Nối dây mạch điện
    • Đi dây từ bảng điện ra đèn
  • Bước 6. Kiểm tra
    • Kiểm tra sản phẩm đạt các tiêu chuẩn
      • Lắp đặt đúng theo sơ đồ
      • Chắc chắn
      • Các mối nối an toàn điện, chắc và đẹp
    • Nối mạch điện vào nguồn điện và cho vận hành thử

Bài tập minh họa

Câu hỏi

Vì sao người ta thường dùng đèn huỳnh quang để chiếu sáng nhà ở, lớp học, công sở, nhà máy...?

Gợi ý trả lời:

Vì so với đèn sợi đốt, đèn huỳnh quang có:

  • Hiệu suất phát quang cao (tiết kiệm điện)
  • Ánh sáng dịu, mát, diện tích phát quang lớn
  • Ít phát nhiệt ra môi trường
  • Tuổi thọ cao

Lời kết

Hi vọng với bài thực hành lắp đặt mạch điện đèn ống huỳnh quang ở trên các em sẽ hiểu nguyên lí làm việc của mạch điện đèn ống huỳnh quang, vẽ được sơ đồ lắp đặt mạch điện đèn ống huỳnh quang, lắp đặt mạch điện đèn ống huỳnh quang đúng qui trình và yêu cầu kĩ thuật,...