Bài 7. Dòng điện không đổi. Nguồn điện

Nội dung lý thuyết

Các phiên bản khác

DÒNG ĐIỆN KHÔNG ĐỔI. NGUỒN ĐIỆN

1. Dòng điện, cường độ dòng điện

Dòng điện là dòng chuyển dời có hướng của các hạt mang điện (elêctron, prôtôn,...).

Chiều của dòng điện được quy ước là chiều chuyển động của các điện tích dương và ngược chiều chuyển động của điện tích âm.

Cường độ dòng điện (\(I\)) là đại lượng đặc trưng cho tác dụng mạnh, yếu của dòng điện. Nó được xác định bằng thương số của điện lượng \(\Delta q\) dịch chuyển qua tiết diện thẳng của vật dẫn trong khoảng thời gian \(\Delta t\) và khoảng thời gian đó

\(I=\frac{\Delta q}{\Delta t}\)

Dòng điện không đổi là dòng điện có chiều và cường độ không thay đổi theo thời gian

\(I=\frac{q}{t}\)

Đơn vị: A (ampe), mA (mili Ampe). 

2. Điện trở

Điện trở chúng ta đã được tìm hiểu trong chương trình lớp 9, là một đại lượng đặc trưng cho tính cản trở dòng điện của vật dẫn.

Kí hiệu:  R

Đơn vị: \(\Omega\) (Ôm)

Điện trở của dây dẫn đồng chất tiệt diện đều 

\(R=\frac{\rho l}{S}\)

  • \(\rho\) là điện trở suất (đơn vị \(\Omega\)m).
  • \(l\) là chiều dài của dây (đơn vị m).
  • \(S\) là tiết diện dây dẫn (đơn vị m2).

3. Nguồn điện

Điều kiện để có dòng điện là phải có một hiệu điện thế đặt vào hai đầu vật dẫn.

Nguồn điện giúp duy trì hiệu điện thế giữa hai cực của nguồn điện.

Kí hiệu: 

​Trong mạch điện kín, nguồn điện tạo ra hiệu điện thế giữa hai đầu mạch ngoài. Dưới tác dụng của điện trường các điện tích âm dịch chuyển từ cực âm sang cực dương tạo thành dòng điện. Để duy trì sự tích điện ở hai cực và do đó duy trì hiệu điện thế giữa hai cực, bên trong nguồn điện các điện tích âm dịch chuyển từ cực dương sang cực âm dưới tác dụng của lực lạ.

Công của lực lạ thực hiện làm dịch chuyển các điện tích qua nguồn được gọi là công của nguồn điện.

4. Suất điện động của nguồn điện

Suất điện động \(\xi\) của nguồn điện là đại lượng đặc trưng cho khả năng thực hiện công của nguồn điện và được đo bằng thương số giữa công \(A\) của lực lạ thực hiện khi di chuyển một điện tích \(q\) ngược chiều điện trường bên trong nguồn điện và độ lớn của điện tích \(q\) đó

\(\xi=\frac{A}{q}\)

Đơn vị: Vôn (V)

Số vôn ghi trên mỗi nguồn điện cho biết trị số của suất điện động của nguồn điện đó.

Trọng mạch điện kín, dòng điện chạy qua cả mạch ngoài và mạch trong,  như vậy nguồn điện cũng là một vật dẫn và cũng có điện trở. Điện trở này được gọi là điện trở trong của nguồn điện, kí hiệu là \(r\).