Bài 7: Bài thực hành 2

Nội dung lý thuyết

Các phiên bản khác

I. MỘT SỐ QUY TẮC AN TOÀN KHI LÀM THÍ NGHIỆM

  • Khi làm thí nghiệm hóa học, phải tuyệt đối tuân theo các quy tắc an toàn trong phòng thí nghiệm và sự hướng dẫn của thầy cô giáo.
  • Khi làm thí nghiệm cần trật tự, gọn gàng, cẩn thận, thực hiện thí nghiệm theo đúng trình tự quy định.
  • Tuyệt đối không làm đổ vỡ, không để hóa chất bắn vào người và quần áo. Đèn cồn dùng xong cần đậy nắp để tắt lửa.
  • Sau khi làm thí nghiệm thực hành cần phải rửa dụng cụ thí nghiệm, vệ sinh phòng thí nghiệm.

Cách tắt đèn cồn sau khi sử dụng.

II. CÁCH SỬ DỤNG HÓA CHẤT

  • Hóa chất trong phòng thí nghiệm thường có nút đậy kín, phía ngoài có dán nhãn ghi tên hóa chất. Nếu hóa chất có tính độc hại, trên nhãn có ghi chú riêng.
  • Không dùng tay trực tiếp cầm hóa chất. Không tự đổ hóa chất này vào hóa chất khác. Hóa chất dùng xong nếu còn thừa phải đổ đi đúng cách, không được đổ trở lại bình chứa.​
  • Không dùng hóa chất đựng trong những lọ không có ghi rõ tên hóa chất. Không nếm hoặc ngửi trực tiếp hóa chất.

III. TIẾN HÀNH THÍ NGHIỆM 

Trước khi tiến hành thí nghiệm ta tìm hiểu và làm quen với một số dụng cụ thí nghiệm đơn giản.

1. Thí nghiêm 1: Sự lan tỏa của amoniac

Cách tiến hành

  • Ta thử nhỏ trước một giọt dung dịch amoniac vào giấy quỳ ẩm, thấy giấy quỳ tím chuyển sang màu xanh. Vậy amoniac làm quỳ tím ẩm chuyển sang màu xanh.
  • Bỏ một mẩu giấy quỳ tím tẩm nước vào gần đáy ống nghiệm và đặt miếng bông tẩm dung dịch amoniac đặc ở đầu ống nghiệm.
  • Đậy nút ống nghiệm. Quan sát sự đổi màu của giấy quỳ tím.

Hiện tượng: Sau một thời gian, giấy quỳ tím chuyển sang màu xanh.

Nguyên nhân: Do khí amoniac từ bông đã di chuyển theo các phân tử khí trong bình tới giấy quỳ tím, làm quỳ tím hóa xanh.

2. Thí nghiệm 2: Sự lan tỏa của Kali pemanganat (thuốc tím) trong nước

Cách tiến hành

  • Bỏ một ít mảnh vụn tinh thể thuốc tím vào cốc (1)  Khuấy đều cho tan hết .Lấy chừng ấy thuốc tím bỏ vào cốc  (2) nhưng cho từ từ, rơi từng mảnh.
  • Để cốc nước (2) lặng im không quấy hay động vào.
  • Quan sát sự đổi màu của nước ở những chỗ có thuốc tím, so sánh màu của nước trong hai cốc.

Hiện tượng

  • Ở cốc 1, sau khi khuấy thì cốc nước có màu tím.
  • Ở cốc 2, chỉ những chỗ có thuốc tím thì có màu tím, để lâu thì hầu hết cốc nước sẽ có màu tím.

Nguyên nhân

  • Cốc 1, khi khuấy thì các phân tử nước chuyển động nhanh cuốn theo các phân tử thuốc tím làm cốc có màu tím.
  • Cốc 2, do để im và không khuấy đều, các phân tử nước chuyển động chậm, các phân tử thuốc tím do đó không di chuyển xa được nên chỉ những chỗ có thuốc tím mới có màu tím.

II. TƯỜNG TRÌNH

Thí nghiệm 1:

  • Hiện tượng: Giấy quỳ tím ẩm sau một thời gian chuyển sang màu xanh.
  • Giải thích: Do có sự lan tỏa khí amoniac trong bông tẩm. Lúc đầu sự lan tỏa còn ít, sau đó nhiều dần nên làm cho giấy quỳ tím ẩm chuyển sang màu xanh.

Thí nghiệm 2: 

  • Hiện tượng:
    • Ở cốc 1: Thuốc tím tan nhanh, nước chuyển nhanh sang màu tím.
    • Ở cốc 2: Thuốc tím tan ra từ từ, nước chuyển dần sang màu tím.
  • Giải thích
    • Ở cốc 1 là do khi khuấy thì các phân tử nước chuyển động mang theo các phân tử thuốc tím làm cốc có màu tím.
    • Ở cốc 2 là do khi để yên thì các phân tử nước chuyển động chậm nên phải chờ lâu nên cốc nước mới có màu tím.

Trong quá trình học tập, nếu có bất kỳ thắc mắc nào, các em hãy để lại câu hỏi ở mục hỏi đáp để cùng thảo luận và trả lời nhé. Chúc các em học tốt!