Bài 40: Dung dịch

Nội dung lý thuyết

Các phiên bản khác

I. DUNG MÔI – CHẤT TAN – DUNG DỊCH

Thí nghiệm 1: Hòa tan muối ăn trong nước (hình 1).

Hình 1

Hiện tượng: Muối ăn tan hết trong nước tạo thành nước muối, không còn phân biệt được đâu là nước, đâu là muối ăn.

Ta nói: Muối ăn là chất tan, nước là dung môi của muối ăn, nước muối là dung dịch.

Thí nghiệm 2: Cho một thìa dầu ăn vào cốc đựng xăng và vào cốc đựng nước, khuấy đều.

Hiện tượng: Với cốc đựng xăng, dầu ăn bị hòa tan tạo thành dung dịch. Còn nước thì không hòa tan được dầu ăn.

Ta nói: Xăng là dung môi của dầu ăn còn nước không phải là dung môi của dầu ăn.

Kết luận

  • Dung môi là chất có thể hòa tan chất khác để tạo thành dung dịch.
  • Chất tan là chất bị hòa tan trong dung môi.
  • Dung dịch là hỗn hợp đồng nhất của dung môi và chất tan.
@92198@@92199@

II – DUNG DỊCH CHƯA BÃO HÒA. DUNG DỊCH BÃO HÒA

Thí nghiệm: Cho dần dần và liên tục đường vào cốc nước, khuấy nhẹ (hình 3).

Hình 3

Hiện tượng

  • Khi mới thêm đường vào cốc, lượng đường thêm vào bao nhiêu thì bị hòa tan hết bấy nhiêu. Ta nói lúc này dung dịch chưa bão hòa.
  • Sau một thời gian, đường thêm vào cốc nhưng dung dịch đường không thể hòa tan thêm nữa. Ta nói dung dịch lúc này đã bão hòa.

Kết luận

Ở một nhiệt độ nhất định:

  • Dung dịch chưa bão hòa là dung dịch có thể hòa tan thêm chất tan.
  • Dung dịch bão hòa là dung dịch không thể hòa tan thêm chất tan.
@92304@

III. LÀM THẾ NÀO ĐỂ QUÁ TRÌNH HÒA TAN CHẤT RẮN TRONG NƯỚC XẢY RA NHANH HƠN?

Muốn quá trình hòa tan xảy ra nhanh hơn ta phải làm tăng sự tiếp xúc của chất rắn với các phân tử nước bằng các cách sau:

  • Khuẩy dung dịch

Sự khuấy làm cho chất rắn bị hòa tan nhanh hơn, vì nó luôn tạo ra sự tiếp xúc mới giữa các chất rắn và phân tử nước.

  • Đun nóng dung dịch

Đun nóng dung dịch làm cho chất rắn bị hòa tan nhanh hơn. Vì ở nhiệt độ càng cao các phân tử nước càng di chuyển nhanh, tăng số lần va chạm của phân tử nước và chất rắn.

Hình 4: Ảnh hưởng của nhiệt độ đến độ tan trong nước của một số muối.

Tuy nhiên có một số ít chất rắn thì ngược lại, độ tan trong nước lại giảm đi khi nhiệt độ của nước tăng lên. 
Ví dụ: Natri sunfat (Na2SO4), liti cacbonat (Li2CO3).

Đối với những chất lỏng có nhiệt độ sôi thấp hơn nước (dưới 100oC), thì sự đun nóng sẽ làm giảm sự hòa tan.
Ví dụ: Rượu etylic tan vô hạn trong nước ở nhiệt độ phòng, còn khi nhiệt độ của dung dịch vượt quá 78cC thì rượu etylic lại không tan trong nước nữa.

Đối với chất khí, nhiệt độ của dung dịch càng cao thì quá trình hòa tan trong nước của chất khí càng giảm.

  • ​Nghiền nhỏ chất rắn

Khi nghiền nhỏ chất rắn, diện tích tiếp xúc của chất rắn với các phân tử nước tăng lên dẫn đến chất rắn bị hòa tan nhanh hơn.

@92315@

IV. TỔNG KẾT

1. Dung dịch là hỗn hợp đồng nhất của dung môi vào chất tan.

2. Ở nhiệt độ xác định:

  • Dung dịch chưa bão hòa là dung dịch có thể hòa tan thêm chất tan.
  • Dung dịch bão hòa là dung dịch không thể hòa tan thêm chất tan.

3. Muốn chất rắn tan nhanh trong nước, ta thực hiện 1,2 hoặc cả 3 biện pháp sau:

  • Khuấy dung dịch.
  • Đun nóng dung dịch.
  • Nghiền nhỏ chất rắn.

Trong quá trình học tập, nếu có bất kỳ thắc mắc nào, các em hãy để lại câu hỏi ở mục hỏi đáp để cùng thảo luận và trả lời nhé. Chúc các em học tốt!