Bài 34. Sinh trưởng ở thực vật

Nội dung lý thuyết

Các phiên bản khác

Bài 34. SINH TRƯỞNG VÀ PHÁT TRIỂN Ở THỰC VẬT

I. KHÁI NIỆM

- Sinh trưởng của thực vật là quá trình tăng về khích thước (chiều dài, đường kính, bề ngang) của cơ thể do tăng số lượng và khích thước của tế bào.

- Ví dụ: Sự tăng vế số lượng lá trên cây, sự dài ra của rễ, tăng kích thước của cánh hoa,.. Cây đậu tương lúc mới nảy mầm dài 3 cm, sau hai tuần có thể dài 30 cm.

(Ảnh: Internet)

II. SINH TRƯỞNG SƠ CẤP VÀ SINH TRƯỞNG THỨ CẤP Ở THỰC VẬT

1. Mô phân sinh

- Mô phân sinh là nhóm các tế bào chưa phân hóa, duy trì được khả năng nguyên phân.

- Khi qua giai đoạn non trẻ, sự sinh trưởng của thực vật đa bào bị hạn chế trong mô phân sinh.

- Mô phân sinh bao gồm: mô phân sinh đỉnh, mô phân sinh bên và mô phân sinh lóng.

+ Mô phân sinh đỉnh: nằm ở vị trí đỉnh của thân và rễ, có chức năng hình thành nên quá trình sinh trưởng sơ cấp của cây, làm gia tăng chiều dài của thân và rễ. Mô phân sinh đỉnh có cả ở cây Một lá mầm và cây Hai lá mầm.

+ Mô phân sinh bên: phân bố theo hình trụ và hướng ra phần ngoài của thân, có chức năng tạo ra sự sinh trưởng thứ cấp nhằm tăng độ dày (đường kính) của thân. Mô phân sinh bên chỉ có ở cây Hai lá mầm.

+ Mô phân sinh lóng: nằm ở vị trí các mắt của vỏ thân, có tác dụng gia tăng sinh trưởng chiều dài của lóng (hay các vị trí khác với đỉnh thân). Mô phân sinh lóng chỉ có ở cây Một lá mầm.

 

2. Sinh trưởng sơ cấp

- Xảy ra ở cây thuộc lớp Một lá mầm và lớp Hai lá mầm.

- Sinh trưởng sơ cấp là sự sinh trưởng của thân và rễ theo chiều dài do hoạt động của mô phân sinh đỉnh thân và đỉnh rễ.

3. Sinh trưởng thứ cấp

- Xảy ra chủ yếu ở thực vật Hai lá mầm.

- Sinh trưởng thứ cấp là sinh trưởng theo đường kính của thân, làm tăng bề ngang (độ dày) của thân và rễ do hoạt động nguyên phân của mô phân sinh bên. Hai mô phân sinh bên bao gồm tầng phát sinh mạch dẫn và tầng phát sinh vỏ.

- Sinh trưởng thứ cấp tồn tại trong cây gỗ lâu năm và hình thành nên thân gỗ lớn với nhiều vòng gỗ và lớp bần bên ngoài gọi là vỏ thân cây.

- Cấu tạo thân cây gỗ:

+ Phần vỏ bao quanh phần thân.

+ Phần gỗ: Gỗi lõi (ròng) màu sẫm nằm ở trung tâm của thân, gồm các lớp tế bào mạch gỗ thứ cấp già, vận chuyển nước và muối khoáng. Gỗ giác màu sáng, nằm kế tiếp gỗ lõi, gồm các lớp mạch gỗ thứ cấp trẻ, vận chuyển nước và muối khoáng chủ yếu.

- Vòng gỗ hàng năm: do tầng sinh mạch tao ra nhiều mạch gỗ xếp thành vòng đồng tâm có độ dày mỏng khác nhau.

 

 

III. CÁC NHÂN TỐ ẢNH HƯỞNG ĐẾN SINH TRƯỞNG.

1. Nhân tố bên trong

- Đặc điểm di truyền: Cây Một lá mầm chỉ có sinh trưởng sơ cấp, cây Hai lá mầm có cả sinh trưởng sơ cấp và sinh trưởng thứ cấp.

- Các thời kì sinh trưởng của giống, loài.

- Hoocmôn thực vật điều tiết tốc độ sinh trưởng.

2. Nhân tố bên ngoài

- Nhiệt độ: Ảnh hưởng nhiều đến sinh trưởng của thực vật, tùy từng loại cây có nhiệt độ thích hợp khác nhau. Ví dụ: những cây rau màu vụ đông (su hào, bắp cải,..) thích hợp với điều kiện lạnh hơn.

- Hàm lượng nước: Tế bào thực vật sinh trưởng thích hợp với độ ẩm cao, trên 90%.

- Ánh sáng: Ảnh hưởng tới quang hợp do đó ảnh hưởng đến sự sinh trưởng của cây, có thể gây nên sự biến đổi hình thái của cây (cây bị vàng lá,..)

- Ôxi: Ôxi ảnh hưởng đến hoạt động hô hấp do đó ảnh hưởng đến sự sinh trưởng của cây.

- Dinh dưỡng khoáng: Ảnh hưởng tới quang hợp do đó ảnh hưởng đến sự sinh trưởng của cây, gây nên sự biến đổi hình thái của cây (cây bị còi cọc, vàng lá,..)