Bài 33. Thực hành : Tính chất hóa học của phi kim và hợp chất của chúng

Nội dung lý thuyết

TIẾN HÀNH THÍ NGHIỆM

1. Thí nghiệm 1: Cacbon khử đồng (II) oxit ở nhiệt độ cao

a. Tiến hành thí nghiệm

  • Lấy khoảng 1 thìa con hỗn hợp đồng (II) oxit và cacbon vào ống nghiệm, đậy ống nghiệm bằng nút cao su có ống dẫn bằng thủy tinh, đầu ống dẫn được đưa vào cốc đựng dung dịch nước vôi trong Ca(OH)2.
  • Lắp đặt dụng cụ như hình dưới đây:

  • Dùng đèn cồn hơ nóng đều ống nghiệm sau đó tập trung đun nóng vào đáy ống nghiệm chứa CuO và C.
  • Sau khoảng 3 - 5 phút tháo ống nghiệm ra khỏi ống dẫn khí. Quan sát hỗn hợp chất rắn trong ống nghiệm..

b. Quan sát hiện tượng

  • Quan sát sự thay đổi màu của hỗn hợp phản ứng và hiện tượng xảy ra trong cốc đựng dung dịch Ca(OH)2.
  • Mô tả hiện tượng, giải thích và viết phương trình hóa học.

c. Rút ra kết luận về tính chất của cacbon

BẢN TƯỜNG TRÌNH

1. Dụng cụ, hóa chất

Dụng cụ: ống nghiệm, đèn cồn, cốc thủy tinh, giá đỡ, ống dẫn khí.

Hóa chất: hỗn hợp đồng (II) oxit và cacbon, dung dịch Ca(OH)2.

2. Cách tiến hành

Lấy khoảng 1 thìa con hỗn hợp đồng (II) oxit và cacbon vào ống nghiệm, đậy ống nghiệm bằng nút cao su có ống dẫn bằng thủy tinh, đầu ống dẫn được đưa vào cốc đựng dung dịch nước vôi trong Ca(OH)2.

Dùng đèn cồn hơ nóng đều ống nghiệm sau đó tập trung đun nóng vào đáy ống nghiệm chứa CuO và C.

3. Hiện tượng, giải thích

Sau khi đun nóng một thời gian, ta thấy phần bột ở đáy ống nghiệm chuyển từ màu đen sang màu đỏ của Cu.

C  +   CuO     Cu   +  CO2

Khí COsinh ra được dẫn vào dung dịch nước vôi trong làm dung dịch bị vẩn đục trắng

CO2  +  Ca(OH)2   →   CaCO3↓   +  H2O

4. Kết luận

Cacbon lấy oxi của oxit, chứng tỏ C là chất khử và có tính khử, có thể oxit kim loại thành kim loại.

2. Thí nghiệm 2: Nhiệt phân muối NaHCO3

a. Tiến hành thí nghiệm 

  • Lấy khoảng 1 thìa nhỏ NaHCO3 cho vào đáy ống nghiệm, đậy ống nghiệm bằng nút cao su có kèm ống dẫn thủy tinh. Dẫn ống thủy tình vào cốc đựng dung dịch nước vôi trong Ca(OH)2. Lắp dụng cụ như thí nghiệm như hình vẽ dưới đây.

  • Dùng đèn cồn hơ nóng ống nghiệm, sau đó tập trung ở đáy ống nghiệm chứa NaHCO3.

Lưu ý: Đậy nút ống nghiệm thật kín để khí COtạo thành đi qua ống dẫn vào dung dịch Ca(OH)2, đây chính là dấu hiệu để nhận biết phản ứng xảy ra. Nếu ống nghiệm không kín, CO2 sẽ bị thoát ra ngoài, thí nghiệm sẽ không đảm bảo tính trực quan.

b. Quan sát hiện tượng 

  • Quan sát hiện tượng trên thành ống nghiệm và sự thay đổi ở cốc đựng dung dịch Ca(OH)2..
  • Mô tả hiện tượng, giải thích và viết phương trình hóa học.

c. Rút ra kết luận về tính chất của NaHCO3 

BẢN TƯỜNG TRÌNH

1. Dụng cụ, hóa chất

  • Dụng cụ: ống nghiệm, đèn cồn, cốc thủy tinh, giá đỡ, ống dẫn khí.
  • Hóa chất: muối NaHCO3, dung dịch Ca(OH)2.

2. Cách tiến hành

  • Lấy khoảng 1 thìa nhỏ NaHCO3 cho vào đáy ống nghiệm, đậy ống nghiệm bằng nút cao su có kèm ống dẫn thủy tinh. Dẫn ống thủy tình vào cốc đựng dung dịch nước vôi trong Ca(OH)2.
  • Dùng đèn cồn hơ nóng đều ống nghiệm sau đó tập trung đun nóng vào đáy ống nghiệm chứa NaHCO3.
  • Cần đậy nút ống nghiệm thật kín để tránh khí CO2 tạo thành thoát ra ngoài mà không đi vào dung dịch nước vôi trong.

3. Hiện tượng, giải thích

  • Sau khi đun nóng một thời gian, ta thấy có xuất hiện hơi nước bám quanh thành ống nghiệm chứa NaHCO3, do muối NaHCO3 bị nhiệt phân hủy theo phương trình sau sinh ra hơi nước:

NaHCO3    Na2CO3   +   CO2   +  H2O

  • Khí sinh ra là khí CO2 và được dẫn vào cốc đựng dung dịch nước vôi trong làm dung dịch xuất hiện vẩn đục màu trắng:

CO2  +  Ca(OH)2   →   CaCO3↓   +  H2O

4. Kết luận

Muối hidrocacbonat không bền với nhiệt, dễ bị nhiệt phân hủy thành muối cacbonat, COvà H2O.

3. Thí nghiệm 3: Nhận biết muối cacbonat và muối clorua

Nhận biết 3 lọ đựng 3 chất rắn dạng bột: NaCl, Na2CO3, CaCO3.

a. Sơ đồ nhận biết:

b. Tiến hành thí nghiệm 

Lấy một thìa nhỏ mỗi chất cho vào ống nghiệm, dùng ống nhỏ giọt vào mỗi ống nghiệm chừng 1 - 2 ml dung dịch HCl. Ống nghiệm nào vẫn trong suốt, không có bọt khí bay lên thì ống nghiệm đó đựng NaCl, 2 ống nghiệm còn lại có bọt khí bay lên đựng Na2CO3 và CaCO3. Ta nhận biết được NaCl.

Na2CO3   +   2HCl   →  2NaCl  +   CO2↑  +  H2O

CaCO3  +   2HCl   →  CaCl2  +   CO2↑  +  H2O

Lấy tiếp một thìa nhỏ hóa chất trong hai lọ còn lại vào ống nghiệm, dùng ống nhỏ giọt thêm vào 2 ống nghiệm chừng 2 - 3 ml nước cất, lắc nhẹ, hóa chất trong lọ nào không tan thì lọ đó đựng CaCO3, lọ có hóa chất tan trong nước cất đựng Na2CO3.

Đánh số và ghi tên vào nhãn mỗi lọ hóa chất.

Có thể thử tính tan trước để phân biệt muối CaCO3, còn lại 2 muối NaCl và Na2CO3 cũng phân biệt bằng dung dịch HCl.

BẢN TƯỜNG TRÌNH

1. Dụng cụ, hóa chất

  • Dụng cụ: ống nghiệm, kẹp gỗ.
  • Hóa chất: NaCl, Na2CO3, CaCO3 dạng bột, dung dịch HCl, nước cất.

2. Cách tiến hành

  • Lấy một thìa nhỏ mỗi chất cho vào ống nghiệm, dùng ống nhỏ giọt vào mỗi ống nghiệm chừng 1 - 2 ml dung dịch HCl. Nhận biết được NaCl.
  • Lấy tiếp một thìa nhỏ hóa chất trong hai lọ còn lại vào ống nghiệm, dùng ống nhỏ giọt thêm vào 2 ống nghiệm chừng 2 - 3 ml nước cất, lắc nhẹ.

3. Hiện tượng, giải thích

  • Khi cho HCl vào 3 ống nghiệm đựng các muối, 2 ống nghiệm đựng CaCO3 và Na2CO3 có khí thoát ra còn ống nghiệm đựng NaCl không có khí thoát ra.

CaCO3  +  2HCl  →  CaCl2  +   CO2↑  +  H2O

Na2CO3   +   2HCl   →  2NaCl  +   CO2↑  +  H2O

  • Muối CaCO3 không tan còn Na2CO3 tan trong nước, nên khi thêm nước cất vào ta phân biệt được hai muối này. 

4. Kết luận

  • Thuốc thử để nhận biết muối cacbonat là dung dịch axit (HCl, H2SO4...)
  • Đa số muối cacbonat không tan trong nước, chỉ một số ít tan được như Na2CO3, K2CO3...

Trong quá trình học tập, nếu có bất kỳ thắc mắc nào, các em hãy để lại câu hỏi ở mục hỏi đáp để cùng thảo luận và trả lời nhé. Chúc các em học tốt!