Nội dung lý thuyết
- Tập tính là một chuỗi phản ứng của động vật trả lời kích thích từ môi trường.
Ví dụ: Tập tính làm tổ của chim thể hiện qua chuỗi các phản ứng như tìm vị trí làm tổ, tha vật liệu làm tổ (lá cây, cành cây,...), kết tổ.
- Tập tính của động vật rất đa dạng và phức tạp: tập tính kiếm ăn, sinh sản, bảo vệ lãnh thổ, trốn tránh kẻ thù, sống bầy đàn,... đảm bảo cho động vật thích nghi với môi trường sống.
- Tập tính của động vật có vai trò quan trọng trong đời sống của động vật vì liên quan mật thiết đến sự tồn tại và phát triển nòi giống.
- Tập tính ở động vật bao gồm tập tính bẩm sinh và tập tính học được.
Tập tính bẩm sinh | Tập tính học được |
Sinh ra đã có. | Hình thành trong quá trình sống của cá thể. |
Hình thành do sự di truyền từ bố mẹ. | Hình thành thông qua học tập và rút kinh nghiệm. |
Mang tính đặc trưng cho loài. | Đặc trưng đời sống cá thể, không đặc trưng cho loài. |
Người ta ứng dụng hiểu biết về tập tính vào đời sống:
- Giải trí: Dạy voi, khỉ làm xiếc; dạy cá heo lao qua vòng,...
- Săn bắn: Dạy chó, chim ưng săn mồi,...
- Bảo vệ mùa màng: Làm bù nhìn để đuổi chim; nuôi ong mắt đỏ để tiêu diệt sâu hại,...
- Chăn nuôi: Gõ mõ gọi trâu, bò về chuồng,...
- An ninh quốc phòng: Đào tạo chó bắt kẻ gian, phát hiện ma túy,...
Con người vận dụng các hiểu biết về tập tính để xây dựng một số thói quen tốt như giữ gìn vệ sinh môi trường, tập thể dục buổi sáng, học tập và làm việc khoa học,...
1. Tập tính là một chuỗi phản ứng của động vật trả lời kích thích của môi trường, nhờ đó động vật thích nghi với môi trường sống. Tập tính của động vật rất đa dạng, có hai loại tập tính là tập tính bẩm sinh và tập tính học được.
2. Tập tính có vai trò quan trọng trong đời sống của động vật vì liên quan mật thiết đến sự tồn tại và phát triển nòi giống; đảm bảo cho động vật thích nghi với môi trường sống.
3. Ứng dụng hiểu biết về tập tính trong sản xuất nông nghiệp, truy tìm tội phạm, xây dựng thói quen tốt trong sinh hoạt, làm việc, học tập,...